Get Adobe Flash player

Tìm Kiếm

Đăng nhập

Thứ tư, 20 Tháng 2 2013 20:18

Cuộc Sống ĐTC Bênêđíctô XVI Sau Khi Từ Nhiệm

Posted by 
Rate this item
(0 votes)
  Cuộc sống ĐTC Bênêđíctô XVI sau khi từ nhiệm



Trước một thế giới với quá nhiều thay đổi nhanh chóng và đang rúng động bởi những vấn nạn liên quan sâu xa đến đời sống đức tin; để có thể lèo lái con thuyền của Thánh Phêrô và rao giảng Tin Mừng, cả năng lực của trí óc lẫn thể xác đều là cần thiết. Năng lực của tôi trong vài tháng qua, đã xấu đi đến mức mà tôi phải thừa nhận sự bất lực của tôi không thể đáp ứng đầy đủ sứ vụ được giao phó cho mình. Vì lý do này, và cũng nhận thức được mức độ nghiêm trọng của hành động này, với hoàn toàn tự do, tôi tuyên bố thoái vị khỏi sứ vụ của Giám Mục Roma, Người kế vị Thánh Phêrô, đã được giao phó cho tôi bởi các Hồng Y ngày 19 Tháng Tư năm 2005 (…)

Đó là những lời tuyên bố rõ ràng của ĐTC Bênêđíctô XVI vào ngày 11.2.2013 trước công nghị các Đức Hồng Y, được triệu tập từ khắp thế giới về Vatican.

Qua những lời tuyên bố rõ ràng trên đây của Đức Thánh Cha, chúng ta đều nhận thấy được rằng, sau khi tự nhận thấy rõ tình trạng sức khỏe với tuổi cao sức yếu của mình không còn cho phép tiếp tục lèo lái con thuyền Giáo Hội đang luôn phải đối mặt với bao bão táp và sóng gió cực kỳ phủ phàng của thời đại ngày nay, ĐTC Bênêđíctô XVI đã tuyên bố sẽ từ nhiệm ngôi vị Giáo Hoàng vào ngày 28.02.2013. Đây là một quyết định vô cùng can đảm và sáng suốt, nói lên một đức tin mạnh mẽ, một tình yêu cao vời đối với Giáo Hội cũng như lòng khiêm nhu sâu xa của ngài: Chỉ muốn tìm kiếm và thực thi thánh ý Thiên Chúa và chỉ biết đặt lợi ích của Giáo Hội lên trên tất cả, trên cả danh dự và quyền lợi cá nhân của ngài.

Quyết định này có thể là một mở đường hợp lý và cần thiết cho các Đấng Kế Vị của ngài sau này. Bởi vì, theo Giáo Luật (GL), các Đức Giám Mục một khi đã đạt tới 75 tuổi đều được yêu cầu phải đệ đơn xin từ chức (GL 401§1), và trên nguyên tắc Đức Giáo Hoàng cũng chỉ là một Giám Mục, Giám Mục giáo phận Roma, như chính ngài đã tự nhận trong lời tuyên bố từ nhiệm trên. Điều đó cũng muốn nói rằng một vị Giáo Hoàng hay một vị Giám Mục giáo phận Roma cũng có quyền từ chức như các Giám Mục khác, mặc dù Giáo Luật không quy định việc „yêu cầu“ ngài phải đệ đơn từ chức hay thoái vị. Và trên thực tế đã có một vài vị tiền nhiệm của ngài đã từ chức Giáo Hoàng, như trước đây 719 năm ĐGH Coelestin V đã từ nhiệm sau khi lên ngôi Giáo Hoàng được một ít tháng.

Nhưng nhiều câu hỏi khác có liên quan đến vấn đề đang được đặt ra là sau khi ĐTC Bênêđíctô XVI không còn là Giáo Hoàng nữa thì cuộc sống của ngài sẽ thay đổi như thế nào, và ở đây các câu trả lời cũng chỉ mang tính cách phỏng đoán mà thôi, chẳng hạn:

Đức Thánh Cha sẽ tiếp tục giữ tước hiệu Bênêđíctô hay trở lại tên gọi Joseph Ratzinger?

Có lẽ ĐTC sẽ lấy lại tên đời Joseph Ratzinger của ngài. Chính các sách ngài xuất bản trong những năm làm Giáo Hoàng luôn vẫn kèm theo tên Joseph Ratzinger. Còn đối với Đức Ông Georg Ratzinger, người anh trai yêu quý của ngài thì ngài luôn là Joseph. Riêng đối với cá nhân ngài việc lấy lại tên đời hoàn toàn không thành vấn đề, nhưng dĩ nhiên theo thói quen bình thường thì việc một vị Giáo Hoàng sau khi từ nhiệm lấy lại tên đời của mình chưa hề xảy ra.

Ngài sẽ mang tước hiệu cựu Giáo Hoàng, Hồng Y hay Tổng Giám Mục?

Câu trả lời là không chắc chắn. Nhưng một điều khác hoàn toàn chắc chắn là nếu một ngày nào đó ngài băng hà thì sẽ được an táng tại Đền Thờ Thánh Phêrô với tước hiệu „Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô XVI.“

Ngày 28.2.2013 sẽ có một cuộc tiễn biệt long trọng được công khai tổ chức tại Vatican?

Đây là một vấn đề đang được dư luận bàn tán. Nhưng nếu muốn làm thỏa mãn sự mong đợi của công chúng là cần tổ chức một cuộc tiễn biệt long trọng công khai cho xứng với một vị Giáo Hoàng thời danh như Đức Bênêđíctô, thì việc tìm ra được một hình thức tiễn biệt thích hợp không phải là chuyện đơn giãn, vì Đức Thánh Cha luôn khiêm tốn và chỉ muốn tuân giữ trọn tinh thần Mùa Chay Thánh và không muốn một sự nhộn nhịp ngoại lệ không cần thiết. Trong trường hợp này, lễ nghi tiễn biệt Đức Thánh Cha có lẽ sẽ xảy ra trong âm thầm. Đàng khác, Thánh Lễ Thứ Tư Lễ Tro do ngài chủ sự vừa qua cùng với sự tham dư của các Đức Hồng Y và các Đức Giám Mục thuộc giáo triều Roma có thể được coi là việc cử hành phụng vu công khai cuối cùng của ngài trên cương vị Giáo Hoàng.

ĐTC Bênêđíctô XVI sẽ có mặt khi Đức Tân Giáo Hoàng đã được bầu xong?

Chắc chắn là không. Đây là một điều đã được Lm Federeco Lombardi, phát ngôn viên của Tòa Thánh, khẳng định một cách rõ ràng và dứt khoát. Và trên lý thuyết, Đức Bênêđíctô cũng không còn được phép tham dự cơ mật viện bầu Tân Giáo Hoàng của các Đức Hồng Y nữa, vì ngài đã quá 80 tuổi, tuổi giới hạn để được tham dự cơ mật viện bầu Giáo Hoàng.

ĐTC Bênêđíctô có thể gây ảnh hưởng trong việc bầu vị kế vị ngài?

Câu trả lời là không, và chính ngài cũng không hề tìm cách ảnh hưởng trực tiếp trong việc bầu chọn này. Tất cả sự lựa chọn và bầu Tân Giáo Hoàng hoàn toàn phó thác cho sự soi sáng và dẫn dắt của Chúa Thánh Thần. Dĩ nhiên, những ảnh hưởng gián tiếp thì rất có thể, vì trong số khoảng 117 Hồng Y sẽ tham dự cuộc bầu Giáo Hoàng sắp tới thì đa số đã được chính ngài tuyển chọn và tấn phong Hồng Y trong tám năm qua.

Phải chăng trong quảng đời còn lại, Đức Bênêđíctô phải giữ im lặng và không được phát biểu một cách công khai nữa hay ngài vẫn tiếp tục được phép can thiệp vào công việc của Giáo Hội?

Như chính ngài đã công bố là ngài sẽ để toàn tâm vào đời sống nội tâm cầu nguyện trong thinh lặng, chứ không còn bày tỏ quan điểm riêng một cách công khai hay can thiệp vào các công việc của Giáo Hội. Hơn nữa, ngài cũng sẽ không còn xuất hiện trước công chúng nữa. Trong bài phát biểu từ nhiệm, ngài đã nói rõ định hướng cá nhân của ngài: „… Phần tôi, cả trong tương lai nữa tôi luôn muốn hết lòng phục vụ Hội Thánh Thiên Chúa qua một cuộc sống trong kinh nguyện.“

ĐTC Bênêđíctô sau khi từ nhiệm sẽ nhận được lương hưu?

Lương hưu được hiểu theo nghĩa bình thường thì chắc chắn là không, vì chính bản thân ngài hoàn toàn không cần đến. Trên thực tế, do khoản thu nhập trong việc xuất bản các sách của ngài cũng như do ngân quỹ Tòa Thánh chu cấp, Đức Bênêđíctô XVI sẽ không cần phải bận tâm về vấn đề „lương thực hằng ngày“ nữa. Đàng khác, trước khi ĐTC Gioan Phaolô II bổ nhiệm ngài làm Tổng Trưởng thánh Bộ Đức Tin vào năm 1981, Đức Bênêđíctô từng là Tổng Giám Mục giáo phận München và Freising ở Đức. Đó là chưa kể thời gian trước khi làm Tổng Giám Mục München, ngài từng là giáo sư lâu năm tại các đại học Regensburg, Bonn, München, v… và đương nhiên ngài sẽ nhận được lương hưu từ các hoạt động này. Tuy nhiên, năm 1981 khi ngài sang Roma phụ trách thánh Bộ Đức Tin, Đức Bênêđíctô đã tự nguyện hy sinh không nhận số lương hưu ở Đức. Đối với Đức Thánh Cha, những lo lắng về việc bảo đảm cuộc sống vật chất là dư thừa, vì đơn giản là ngài không bao giờ quan tâm tới. Điều quan trọng và chính yếu đối với ngài là chính hồng ân cuộc sống với tất cả những gì cao quý mà ngài đã lãnh nhận được từ tình yêu bao la của Thiên Chúa, những điều cao quý mà một vị Linh Mục có thể mơ ước được. Điều đó đã quá đủ cho ngài.

Đức Bênêđíctô sẽ sống ở đâu sau khi ngài từ nhiệm?

Sau khi từ nhiệm, Đức Thánh Cha sẽ cư trú tại Tu Viện Mater Ecclesiae, tọa lạc trong nội thành Vatican, hiện đang được trùng tu lại. Đây là một tòa nhà ba lầu. Những lầu trên gồm có 12 phòng, trong mỗi phòng gồm có tượng Thánh Giá và và các bức tranh thời danh, được họa theo chủ đề tôn giáo. Ở lầu trệt gồm có những phòng rộng lớn, một thư viện, một phòng bếp và một nhà nguyện. Bên ngoài tòa nhà là cả một khuôn viên xanh và rộng rãi, gồm có những cây chanh, cam xanh tốt và có cả một số cây rau quả khác nữa. Đặc biệt nhất là có hai cụm hoa hồng tươi tốt mà Đức Thánh Cha rất ưa thích, đó là cụm hoa hồng màu hồng lợt „Beatrice d´Este“ và cụm hoa hồng màu trắng „Giovanni Paolo II“. Nói chung, đây là một nơi đi dạo lý tưởng. Trong thời gian chờ đợi công việc trùng tu xong, Đức Bênêđíctô sẽ tạm cư trú tại dinh mùa hè Castel Gandolfo ở ngoại thành Roma. Điều đó cũng muốn nói rằng, không lâu nữa sẽ xảy ra một hiện tượng chưa từng xảy ra trong lịch sử Giáo Hội là tại chính Vatican sẽ đồng thời có hai vị Giáo Hoàng cư ngụ, một Vị tại chức và một Vị khác hưu trí.

Khi nào Đức Bênêđíctô XVI lại ghé thăm quê hương Đức Quốc của ngài?

Có lẽ một điều khá chắc chắn là sau khi từ nhiệm, ĐTC Bênêđíctô sẽ không bao giờ trở lại nước Đức nữa. Người anh của ngài là Đức Ông Georg Ratzinger đã cho hay: „Một cuộc công du trên cương vị Giáo Hoàng đương nhiên sẽ không bao giờ xảy ra nữa. Còn một cuộc thăm viếng mang tính cách cá nhân thì theo tôi có lẽ cũng khó lòng xảy ra.“ Điều đó cũng muốn nói rằng chính ngôi nhà riêng của Đức Ông Georg ở Regensburg cũng sẽ không bao giờ còn được hân hạnh đón tiếp người em thời danh của ngài. Đức Ông cũng cho hay là trong nơi cư trú mới của Đức Bênêđíctô cũng sẽ có một phòng được dành riêng cho ngài mỗi khi ngài về Roma thăm viếng em mình.

Sau khi từ nhiệm, Đức Bênêđíctô sẽ mặc áo màu gì?

Một điều chắc chắn là qua cách ăn mặc bên ngoài của ngài sẽ phải có một dấu chỉ rõ ràng cho thấy là ngài đã từ nhiệm và không còn là Giáo Hoàng nữa. Vì thế, có lẽ chắc chắn ngài sẽ không sử dụng màu trắng nữa. Trong trường hợp đó, ngài sẽ sử dụng áo chùng thâm có viền màu đỏ như các Đức Hồng Y. Nhưng cả trang phục này, có lẽ ngài cũng chỉ sử dụng trong ngày Chúa Nhật mà thôi, còn hằng ngày ngài chỉ mặc chiếc chùng thâm đơng giản của một Linh Mục. Còn chiếc nhẫn Giáo Hoàng của ngài sẽ được hủy bỏ ngay sau khi ngài từ nhiệm. Chính Lm Lomabrdi, phát ngôn viên Tòa Thánh, cũng đã cho hay: „Tất cả những vật dụng có liên quan trực tiếp đến chức vị Giáo Hoàng đều phải được hủy bỏ.“ Bình thường theo truyền thống của Tòa Thánh thì chiếc nhẫn của mỗi Đức Giáo Hoàng đều được dùng búa công khai phá bỏ sau khi vị Giáo Hoàng ấy băng hà.

Tóm lại, hiện tượng một vị Giáo Hoàng từ nhiệm là điều ít xảy ra trong Giáo Hội, ít nhất là trên 700 năm nay. Vì thế, việc ĐTC Bênêđíctô XVI tuyên bố sẽ từ nhiệm ngôi vị Giáo Hoàng đã làm cho tất cả mọi thành phần trong Giáo Hội cũng như cho cả thế giới phải ngỡ ngàng tiếc nuối, lẫn bàng hoàng và kinh ngạc.

Nhưng trên nguyên tắc, việc từ nhiệm của một vị Giáo Hoàng đã được Giáo Luật dự trù trước và đã quy định những hướng dẫn rõ ràng để xử sự và giải quyết vấn đề một cách đúng đắn và cần thiết.

Còn trên thực tế, việc từ nhiệm của Đức Bênêđíctô XVI là một quyết định hoàn toàn tự do, vô cùng can đảm và sáng suốt. Vì sự quyết định từ nhiệm của ngài sẽ là một khai thông cần thiết cho các Đấng Kế Vị của ngài sau này.

Trách nhiệm và bổn phận chính của một vị Giáo Hoàng hay một vị Giám Mục là chăn dắt, hướng dẫn và bảo vệ đoàn chiên Chúa, nhưng một khi do hoàn cảnh sức khỏe, thể lực cũng như trí lực, không còn cho phép các ngài chu toàn được nhiệm vụ trao phó, thì các ngài nên từ nhiệm để đoàn chiên Chúa không bị thiệt thòi, thua thiệt.

Vì thế, khi ngài tự nhận thấy rõ tình trạng sức khỏe của ngài cả về thể xác lẫn tinh thần hoàn toàn không còn phụ hợp với trọng trách lèo lái con thuyền Giáo Hội trong một thời đại đầy khó khăn nữa, ĐTC Bênêđíctô XVI đã tự nguyện từ nhiệm. Đây là một quyết định vô cùng can đảm, nói lên đức tin sâu xa và tình yêu mến Giáo Hội vô bờ bến của ngài, đã khiến ngài biết đặt Thánh Ý Chúa và quyền lợi Giáo Hội lên trên tất cả, trên cả danh dự và lợi ích riêng của ngài. Hành động can đảm và sáng suốt này của Vị Cha Chung của Giáo Hội là một gương sáng hi hữu cho mọi thành phần Dân Chúa, là trong tất cả mọi sự chỉ vì „ad majorem Dei gloriam“, chỉ vì Vinh quang cao cả của Thiên Chúa mà thôi!

Nguyện xin Thiên Chúa Ba Ngôi, qua lời bầu cử của Đức Trinh Nữ Maria, của Thánh Cả Giuse cũng như của hai thánh Phêrô và Phalô, chúc lành và gìn giữ Đức Thánh Cha Bênêđíctô XVI khả kính của chúng ta trong tình cha vô biên của Người. Amen

Lm. Nguyễn Hữu Thy (Theo vietcatholic)

Read 1124 times Last modified on Thứ năm, 21 Tháng 2 2013 20:43