Get Adobe Flash player

Tìm Kiếm

Đăng nhập

Chủ nhật, 11 Tháng 11 2012 20:08

Người Già Vất Vả Kiếm Sống Vì Không Được Con Cháu Phụng Dưỡng

Posted by 
Rate this item
(0 votes)
  Nhiều cụ già phải làm đủ nghề để kiếm sống vì không được con cái phụng dưỡng và không có lương hưu












Cụ Lê Thị Tuyết đang bán hàng cho khách

Trời đã về khuya, cụ Lê Thị Tuyết, 88 tuổi, vẫn co ro ngồi bên lề đường cố chờ thêm một hai người khách đi đường ghé vào mua tăm bông hay tăm xỉa răng của cụ. Đôi mắt díu lại vì buồn ngủ, thỉnh thoảng cụ tựa đầu vào gối ngủ thiếp đi lúc nào không biết, đến khi có khách mua hàng gọi cụ mới choàng tỉnh giấc.

Một người khách vừa ghé mua hàng của cụ, hay nói đúng hơn là thương cảm trước hình ảnh co ro của cụ nên người phụ nữ này vội dừng xe, dúi vào tay cụ tờ mười ngàn rồi bỏ đi không kịp lấy bọc tăm xỉa răng mà cụ đang cầm trên tay định đưa cho khách.

Khách đi rồi, cụ Tuyết chậm rãi lấy chai dầu nóng xoa vào mũi, hai thái dương và cổ cho bớt lạnh dù cụ đã đội chiếc khăn nhung dày và mặc hai cái áo dài tay vải hoa. Cụ đang chờ cháu gái đến đón về nhà trọ.

Cụ Tuyết bán những sản phẩm trên để sống qua ngày đã hơn một năm nay. Cụ rời quê Thanh Hóa vào TP.HCM kiếm sống vì không chịu nổi lời mắng nhiếc “già không làm được gì còn ăn hại” của người con dâu trưởng.

Trước khi rời quê, hàng tháng cụ lãnh được 250.000 đồng tiền dành cho người cao tuổi từ nhà nước. Nhưng “số tiền ấy không vừa bụng đứa con dâu tôi, con trai thì nó nghe lời vợ không bênh vực mẹ, nên giờ tôi tự kiếm sống để không phiền hà ai hết” – cụ nói.

“Tôi không thể sống nổi với đứa con dâu quá quắt ấy nữa rồi. Khi nào chết thì tôi về quê chết thôi”- cụ nói với vẻ trách móc.

Với dáng người gầy gò, da nhăn nheo, nhưng đều đặn mỗi ngày cụ vẫn ngồi nơi góc đường Nguyễn Thị Minh Khai – Nam Kỳ Khởi Nghĩa từ 5 giờ chiều đến 23 giờ đêm để bán hàng và kiếm khoảng 100.000 – 150.000 đồng. Hơn nửa số tiền đó là do khách hàng thương cho thêm, số còn lại là tiền lời từ việc bán hàng.

Cụ Tuyết kể rằng cụ có hai người con, vợ chồng cụ quanh năm trồng lúa, lao động vất vả để nuôi sống gia đình. Vì không biết chữ, không làm công chức nhà nước nên vợ chồng cụ không có lương hưu.

“Như tuổi tôi, nhiều bà hàng xóm được nghỉ ngơi vì có con cháu phụng dưỡng. Tôi không có may mắn ấy. Chồng tôi mất hơn 30 năm, bao nhiêu của cải dành dụm đều lo cưới vợ gả chồng cho con cái, giờ tôi đành xa mồ mả chồng bôn ba vào đây kiếm cái ăn” - bà cụ ngậm ngùi nói.

Cụ Tuyết chỉ là một trong số khoảng 9 triệu người già không có lương hưu tại Việt Nam hiện nay – theo báo cáo của Ủy ban về các vấn đề xã hội hồi tháng Mười vừa qua.

Cũng theo ủy ban này, có đến 70% người cao tuổi ở Việt Nam không có tài sản tích lũy, chi tiêu hằng ngày của họ đều do con cháu hỗ trợ.

Tuy nhiên, không phải người già nào cũng may mắn được con cháu phụng dưỡng, rất nhiều người phải tự kiếm sống hoặc bị con cháu đẩy vào trại dưỡng lão.

Cụ ông Giuse Nguyễn Văn Thành hàng ngày tần tảo với nghề bơm quẹt gas mới đủ cái ăn cái mặc.

Ở tuổi 84, nhiều người như cụ đã được nghỉ ngơi vì có con cháu phụng dưỡng, khi hỏi về vợ con, cụ có vẻ tránh né: “Tôi có mấy đứa con, lớn hết rồi nhưng vợ con đều sống ở nơi khác. Tôi ở đây một mình vì là quê cha đất tổ. Dù tôi ở nhà thuê nhưng tôi cũng vẫn thích sống ở đây”.

Mỗi ngày cụ Thành đẩy chiếc tủ cũ kỹ, đựng đầy giấy báo và một vài cây kềm, tua-vít, bình gas đã cũ đến trước cổng nhà thờ Tân Định và hành nghề ở đó.

Ngồi trên một chiếc ghế gỗ nhỏ vào một buổi trưa nắng gắt, cụ vừa mày mò sửa quẹt gas cho khách vừa nói chậm rãi: “Làm việc này tôi kiếm được khoảng 50.000 đồng mỗi ngày, tiền nhà trọ và tiền ăn uống không đủ, thỉnh thoảng phải nhờ các cháu họ. Đôi khi tôi thấy ganh tị với đứa cháu họ, giờ nó sướng lắm, lương hưu 3.500.000 đồng, không phải nhờ con cháu gì cả”.

Tuy nhiên, cụ nhận thấy mình là người may mắn hơn rất nhiều người khác vì cụ được hưởng chế độ chính sách dành cho người già neo đơn với tiền trợ cấp hàng tháng 250.000 đồng và thẻ bảo hiểm y tế vì cụ có hộ khẩu thường trú tại thành phố trong khi nhiều người già di dân không có được những ưu tiên này.

Bà Maria Trần Thị Phương, 53 tuổi, xuất thân từ trại mồ côi, là một trong những trường hợp không nhận được ưu tiên gì. Bà sống bằng nghề lượm ve chai với số tiền chừng 10.000 đồng mỗi ngày nhưng phải nuôi một cháu gái nhỏ học lớp hai.

Cháu gái bà hiện nay đang học miễn phí ở lớp tình thương của các nữ tu dòng Nữ tử bác ái. Mẹ em bỏ đi từ khi em còn bé xíu.

Hai bà cháu sống nhờ nhà người quen trong một căn phòng rộng chín mét vuông với một chiếc chiếu, vài ba cái mền, gối và ít quần áo cũ được người khác cho.

“Tôi dọn dẹp vệ sinh cho nhà chủ nên cũng không tốn tiền, nhưng chỉ lo cái ăn cho hai bà cháu cũng đủ mệt. Hai năm nay tôi xin rửa chén và được ăn cơm ở nhà thờ nên đỡ khổ hơn trước. Chỉ có điều khi đau ốm thì cố mà chịu đựng cho qua cơn đau, không có tiền uống thuốc…” - bà Phương bỏ lửng câu nói sau tiếng thở dài đượm buồn.

Người phụ nữ có mái tóc gần như bạc trắng bồi hồi nhớ lại ngày trước khi vợ chồng và ba người con phải sống lang thang gầm cầu xó chợ vì không có nhà cửa, nghề nghiệp. Con cái bà đã lập gia đình và đều không giúp được gì cho bà.

Sức khỏe mỗi lúc giảm sút vì chứng thoái hóa khớp, bà Phương ao ước “phải chi những người già khốn khổ như tôi sau này được nhà nước hỗ trợ chỗ ăn ở, hay được trợ cấp tiền hưu dưỡng, được chăm sóc sức khỏe thì đời già nghèo như chúng tôi mới bớt khổ. Tôi không biết khi già yếu, không lượm rác được, không còn sức lao động, lúc đó không biết sống ra sao?”

Theo Bộ Lao động – Thương binh và xã hội, cả nước hiện có 1.429.121 người cao tuổi được hưởng trợ cấp xã hội hàng tháng. Trong đó có 97.672 người cao tuổi cô đơn, không nơi nương tựa và 1.331.449 người từ 80 tuổi trở lên.

Dự báo tới năm 2030 Việt Nam sẽ có khoảng 20 triệu người già không có lương hưu.

 

Nguồn: http://vietnam.ucanews.com

Read 1155 times Last modified on Thứ tư, 14 Tháng 11 2012 19:18