Kiêng cữ qua loa được vài ngày mẹ đã phải lăn mình vào công việc ruộng đồng, chăn nuôi. Thuốc điều trị ở nhà mẹ cũng giấu không dùng nữa với lý do một lọ thuốc cả trăm nghìn, bằng tiền học, tiền thức ăn của hai đứa con trong mấy ngày trời, vì thế, đôi mắt mẹ bị viêm nặng hơn.
Mẹ tôi là người phụ nữ nói ít làm nhiều, ở mẹ có những đặc điểm điển hình dễ dàng bắt gặp được từ trong mẫu số chung của những người lao động vất vả trên khắp đất nước ta. Nên khi bất chợt nhìn thấy hình ảnh của một người phụ nữ lao động nào đó đang tất tả mưu sinh trên mọi ngóc ngách của thủ đô, tôi thường cố nán lại soi xem trong đó có hình bóng của mẹ hay không.
Đã rất nhiều lần tôi tự hỏi sao cuộc sống không bình yên mà trôi đi, nếu như thế tất cả mọi chuyện giờ đã khác rồi, mẹ đã không phải khổ như thế này. Trong trí nhớ ngây dại của tôi ngày xa lắc ấy, nhà tôi lúc nào cũng đầy ắp tiếng cười đùa dù cho cuộc sống còn rất nhiều thiếu thốn. Mái nhà tranh xiêu vẹo cùng bộ bàn ghế chắp vá bằng những hòn đá và gỗ được bố vác từ trên rừng xuống là tài sản duy nhất của bố với mẹ ngày đầu ra ở riêng.
Nhưng quả thực ở đời không ai học được chữ ngờ, một người lúc nào cũng vui vẻ như bố, chỉ vì những chén rượu cay cay trong những lần đi tiếp khách, giao lưu bạn bè mà hạnh phúc của gia đình tôi đã phải rẽ sang một ngả mới nhiều gập ghềnh, tê tái. Bố trở thành sâu rượu, người làng gọi bố Chí Phèo, còn mẹ và hai chị em là nạn nhân vô tội cho những trận đòn roi trong cơn say kia.
Mặc cảm tự ti bắt đầu đeo bám tôi và em trai khi đi đâu người ta cũng bảo “con lão say rượu”. Còn nhớ như in một lần đi học thêm, cô giáo chủ nhiệm biết rõ hoàn cảnh gia đình nên đã hỏi thăm: “Dạo giờ bố còn say rượu và đánh mẹ nữa không?”. Câu hỏi chân thật ấy làm cổ họng tôi cứng lại, hàng chục con mắt của bạn bè trong lớp đổ dồn về phía mình.
Lúc này nước mắt tôi chỉ chực để trào ra. Về nhà tôi gào khóc đòi mẹ và ông bà nội cho tôi một lý do vì sao bố lại thay đổi như thế, nhưng tất cả đều không trả lời được, mọi người chỉ im lặng. Lúc bé nhiều lần chứng kiến cảnh bố say mềm người, chửi rủa mẹ mà tôi chỉ mong mẹ hãy ly dị bố đi.
Với tôi đó là giải thoát tốt nhất để đời mẹ bớt khổ nhưng với mẹ lại khác, bởi mẹ còn có tình yêu và niềm tin vào bố rất nhiều. Mẹ cấm tôi không được suy nghĩ như thế nữa, cũng từ đó không bao giờ mẹ ru em ngủ bằng câu thơ đã vô tình từng ám ảnh tôi suốt những năm tháng tuổi thơ nữa: “Nín đi em bố mẹ bận ra toà. Chị lên bảy dỗ em trai ba tuổi. Thằng bé khóc, bụng chưa quen chịu đói. Là cầm cưa xẻ ngang tình đoàn tụ. Đứa có mẹ thì thôi không có bố. Hai chị em rồi sẽ mất nhau”.
Nhưng đáp lại hy vọng của mẹ, bố vẫn say, hình ảnh ngật ngưỡng, dáng đi liêu xiêu chỉ chực đổ ào xuống vệ đường của bố khi đã có chút men hằn sâu trong trí nhớ của tôi. May mà hàng xóm láng giềng ai cũng thương cho hoàn cảnh gia đình mình nên những khi bố say rượu không tìm được đường về, ngủ gật trong góc hè, góc bếp hay cổng nhà người ta, họ đều tốt bụng cõng bố về nhà.
Trong một lần uống say như hàng trăm hàng nghìn lần khác, bố đã không làm chủ được hành động của mình, nhát kéo nghiệt ngã từ tay bố đã cướp đi một bên mắt của mẹ. Năm đó tôi phải có một kỳ nghỉ hè đáng sợ nhất trong đời. Một đứa bé học lớp 7, chưa một lần đặt chân ra thủ đô đã phải mò mẫm lối đi chăm mẹ nằm viện hơn một tháng trời. Đây cũng là thời gian tôi căm hận bố vô cùng, nhưng vì gia đình bé nhỏ, mẹ vẫn bao dung thứ tha cho lỗi lầm của bố, dù cho đêm nào nước mắt mẹ cũng chảy ướt đẫm gối.
Vì nhà không có đủ tiền nên từ viện mắt trung ương, mẹ trở về với một bên mắt đã bị hỏng hoàn toàn. Người ta có hai mắt lành lặn mà làm việc còn khó, giờ mẹ chỉ còn một bên thì sẽ thế nào đây? Đã có lúc nhìn mẹ ngượng nghịu xoay xở với công việc đồng áng bằng một con mắt trong thời gian đầu mới về mà tôi như ngây dại đi. Đôi lần tôi đã vô thức thử nhắm một bên mắt của mình lại để nhìn cuộc đời bằng con mắt còn mở nhưng thấy khó khăn quá.
Cuộc sống gia đình vốn không dư dả, giờ chút ít của cải lại đội nón ra đi đã không cho phép mẹ nghỉ ngơi nhiều. Nhất là giờ đây bố đã mất việc ở xã cũng vì rượu, một mình mẹ phải lo cho 4 miệng ăn trong nhà. Kiêng cữ qua loa được vài ngày mẹ đã phải lăn mình vào công việc ruộng đồng, chăn nuôi. Thuốc điều trị ở nhà mẹ cũng giấu không dùng nữa với lý do một lọ thuốc cả trăm nghìn, bằng tiền học, tiền thức ăn của hai đứa con trong mấy ngày trời.
Vì thế đôi mắt mẹ bị viêm nặng hơn. Đến giờ thì bên mắt lành lặn cũng bị suy giảm thị lực đi rất nhiều. Tôi nhớ mãi đôi mắt mẹ đỏ hoe mỗi khi bước chân ra khỏi chuồng heo hay mới đi làm đồng về, nhất là khi trái gió trở trời, đôi mắt trở thành hung thần hành hạ mẹ vô cùng khổ sở.
Với mong muốn kiếm được thật nhiều tiền để sau chữa mắt cho mẹ nên tôi đã cố gắng, đã nỗ lực hết mình trong học tập. Khi lũ bạn trong xóm đã tắt đèn đi ngủ, tôi vẫn thức, đôi khi ngủ quên bên bàn học tôi vội vã giật mình tỉnh dậy vì trong cơn mơ chập chờn tôi thấy nước mắt mẹ rơi khi nghe tin tôi trượt đại học. Thế nhưng điều không may ấy đã xảy ra, mẹ không khóc như trong giấc mơ ấy chỉ có ánh mắt là thoáng buồn.
Biết tôi tự hành hạ bản thân bằng những cái tát bỏng rát hai bên má, mẹ nhẹ nhàng khuyên tôi hãy bình tĩnh, không phải cứ vào đại học mới là con đường duy nhất đi tới thành công. Được mẹ động viên tôi đã đi học cao đẳng. Ngày nhập học, ngoài những hành lý cần thiết thì tôi còn mang theo ánh mắt một bên sáng một bên chỉ còn là màu đục của mẹ vào trường.
Cứ tưởng mọi sóng gió đã qua rồi, bố đã tu tỉnh làm ăn hơn trước nhưng trưa nay cuộc điện thoại của chú vội vã cho biết: “Bố cháu bị tai nạn xe máy, phải mổ để đóng đính vào chân”, đầu tôi vang lên cả nghìn câu hỏi. Mẹ sẽ xoay đâu ra tiền để lo cho bố trong những ngày ở viện?
Trước đó có vài ngày em gọi điện cho tôi giọng buồn thiu: “Chị ơi, đàn gà nhà ta bị dịch chết hết rồi, mấy con lợn cũng lăn ra ốm nữa”. Tôi biết, lúa trong rương cũng chỉ còn đủ để ăn, liệu ca mổ của bố có kịp tiến hành không trong khi trước Tết bố mẹ đã rất cố gắng vay mượn tiền để quét sơn cho ngôi nhà mới xây được hơn 3 năm mà đến giờ vẫn chưa hoàn thiện.
Khi tôi gọi về, mẹ vẫn giấu xem như không có chuyện xảy ra với bố. Đến khi tôi khóc nói không lên lời thì đầu dây bên kia mẹ vẫn bảo: “Con hãy yên tâm mà thi cử cho tốt, mọi việc mẹ vẫn lo được”. Thi xong môn cuối, tôi vội vã bắt xe về nhà luôn, bố đã ra viện, trông bố tiều tụy nằm co ro trên chiếc chiếu trải ở góc nhà để dễ di chuyển mà lòng tôi thắt lại.
Tỉnh dậy sau những năm tháng chìm trong cơn mê, bố đã già đi rất nhiều, giờ đây mái tóc muối tiêu lại đã bạc thêm vài phần nữa. Còn mẹ, ngày mùa không dám nghỉ ngơi một tý nào, hết gặt cho nhà mình xong lại về ăn vội bát cơm để đi đổi công, gặt thuê kiếm thêm ít tiền. Bữa cơm cuối trong đợt nghỉ hè, tôi đợi mãi mẹ về để cả nhà cùng ăn nhưng mẹ chỉ nhờ người nhắn về bảo ba bố con ở nhà ăn cơm trước đi.
Hơn 12h trưa mẹ mới vội vàng về, tiếng xe đạp khô dầu kêu khô khốc nhắc tôi biết điều đó. Bây giờ là tháng 7 trời nắng như đổ lửa nhưng sao đôi môi mẹ lại run lập cập, dẫu cho mẹ đã cố lấy vẻ thản nhiên cười thật tươi. Bàn tay mẹ cũng nhăm nhúm vì ngâm nước quá lâu, khuôn mặt tái nhợt đi, chỉ có con mắt còn sáng là luôn ấm áp trìu mến nhìn tôi, dẫu cho mẹ đang bị cơn đau và ngứa hành hạ.
Không để tôi phải bận lòng, mẹ vội vàng giải thích: “Nhà họ còn một ít cấy cố cho xong để chiều ở nhà nghỉ ngơi”. Nhưng tôi biết thực ra, tối qua và trưa nay mẹ đã gắng cấy thật nhanh cho xong sào ruộng để lấy được tiền công đủ cho tôi nộp học phí và ăn trong tháng này. Cầm đồng tiền vẫn đậm mùi tanh nồng của đồng ruộng từ tay mẹ và nhận câu xin lỗi của bố mà tôi bật khóc.
Khi xe ra trường đi ngang qua cánh đồng, từ xa tôi vẫn nhận ra dáng mẹ hao gầy, lưng mẹ còng xuống cúi rạp người để ươm mầm cho cây mạ non. Tôi đã nhắc mình cần phải cố gắng hơn nữa, phải bám chắc vào cuộc sống để vươn lên không chỉ cho tôi, cho gia đình mà còn cho đôi mắt lành lặn của mẹ vào một ngày không xa. Chờ con mẹ nhé!
Nguyễn Thị Mai Phương (Theo vnexpress.net)