Get Adobe Flash player

Tìm Kiếm

Đăng nhập

Chủ nhật, 27 Tháng 11 2016 15:32

Chuỗi Mân Côi

Posted by 
Rate this item
(0 votes)
  Chuỗi Mân Côi, tác giả Têrêxa Nguyễn Phương Thảo đã dựa vào một câu chuyện có thật về người bạn của mình để viết nên bài: Chuỗi Mân Côi và đã đạt giải trong tốp 5 trong cuộc thi viết về: Tổng kết viết về yêu thương quý 1. Ban biên tập gxthohoang.net xin chân thành cảm ơn tác giả đã trực tiếp gởi tặng, đồng thời xin trân trọng giới thiệu cùng quý độc giả bài viết cảm động.....

 

Kính tặng Cha Xứ Phêrô Bùi Quang Tuấn, CSsR, và bạn Anna Phạm Thị Kiều Thu

Gia đình nội ngoại của tôi đều gốc Phật Giáo. Riêng bản thân tôi, ngay từ nhỏ lại chịu ảnh hưởng của hệ tư tưởng vô thần từ mẹ tôi. Đặc biệt, tôi rất có ác cảm với Thiên Chúa Giáo (Công Giáo), vì qua sách báo, tôi được nghe biết về lắm vụ tai tiếng kinh thiên động địa của Giáo Hội, nhất là vào thời Trung Cổ. Có thể nói, tất cả bạn bè thân thiết của tôi đều hoặc theo Phật Giáo, hoặc theo Đạo “Thờ Ông Bà”. Còn những người quen sơ theo Công Giáo luôn phải chướng tai gai mắt với những luận điệu khích bác đến xóc hông của tôi …

Rốt cuộc thì… ghét của nào Trời trao cho của nấy… Vào đầu năm tôi học lớp 12, lớp A3 bên cạnh bị giải thể và một số bạn được chuyển qua lớp A1 của tôi. Sau thủ tục chào hỏi và giới thiệu các bạn mới, cô giáo chủ nhiệm đã chỉ định một bạn gái vào bàn tôi và ngồi ngay cạnh tôi. Nàng có tên gọi là K.T., một cái tên đáng yêu như vóc dáng xinh xắn của nàng. Thế là một định mệnh mới mẻ đã được an bài cho tôi… Không hiểu vì sao, ngay từ giây phút gặp gỡ đầu tiên, tôi đã thấy mình bị thu hút một cách mạnh mẽ, lạ lùng bởi cô bạn mới này. Rồi từ đó trở đi, tôi cứ ngày ngày lẽo đẽo bám sát theo nàng… từ lúc cổng trường chưa mở cho đến lúc tiếng trống vang vang báo hiệu tan học, siêng năng cần mẫn như một chàng trai mới lớn vác cuốc đi trồng… cây si. Đến nỗi, đám bạn thân từ trước phải phì cười và trêu tôi là kẻ thuộc hệ “thứ ba” vì trót “phải lòng” một người cùng phái.

Đúng vậy, tôi không chối cãi là tôi đã “mê mệt” K.T., “mê” đến độ khi biết K.T. là tín đồ Công Giáo, thứ “tôn giáo khó ưa” mà tôi từng thề độc là sẽ không bao giờ gia nhập, tôi vẫn bất chấp, thậm chí còn chăm chú lắng nghe nàng nói về Đức Kytô của nàng… Đây mới thật là chuyện lạ kỳ hy hữu, vì từ bấy lâu nay, đem bất cứ đạo gì ra bàn, tôi còn khả dĩ tiếp chuyện chứ hễ đề cập tới Thiên Chúa Giáo, tôi sẽ lập tức nhảy nhổm lên công kích cho tới cùng.

Bấy giờ trong lớp tôi có hai cô bạn khác, một cô tên là T.M., thuộc Hội Thánh Tin Lành, và cô kia tên là N.T. thuộc hệ phái Cơ Đốc Phục Lâm. Vô tình khám phá ra sự quan tâm “bất bình thường” của tôi đối với Chúa Giêsu, hai nàng ấy liền hăng hái xúm vô rủ rê tôi đi nhà thờ và lôi Kinh Thánh ra giảng giải đến chóng cả mặt. Không hiểu sao lúc ấy, tôi đâm ra dễ dãi ghê… Ừ, rủ đi nhà thờ Tin Lành, tôi cũng ưng thuận… Đem Kinh Thánh ra thuyết pháp, tôi cũng không khước từ…

Tài hùng biện và kiến thức uyên bác của hai cô bạn T.M. và N.T. dĩ nhiên là miễn bàn rồi. Hai nàng thay phiên nhau trích dẫn Kinh Thánh ào ào, kèm theo bao nhiêu luận chứng hùng hồn cho sự tồn tại của một Đức Chúa lạ lẫm nào đó ở tận trên… Trời. Thế đấy! Các nàng ấy nói quá nhiều, quá dư thừa về Chúa, nói đến độ khiến tôi phải tẩu hỏa nhập ma, mà tôi vẫn chẳng thấy… Chúa đâu! Lần nào gặp mặt, các nàng cũng đều lật Thánh Kinh vèo vèo, chỉ vào chỗ này… Chúa ở đây, rồi trỏ vào chỗ nọ… Chúa ở kia. Riêng tôi chỉ độc thấy những dòng chữ ngoằn nghèo chồng chéo lên nhau đến rối con mắt… chứ bản thân Chúa Trời thì vẫn mịt mù bóng chim tăm cá…

Hoàn toàn trái ngược, K.T. không bao giờ “dụ dỗ” tôi đi nhà thờ, không nỗ lực chứng minh có Chúa, và càng không hoài công thuyết phục tôi tin vào Ngài. Hiểu biết tôn giáo của nàng cũng khá hạn hẹp, gói gọn trong các lớp Giáo Lý căn bản là Xưng Tội Rước Lễ lần đầu, Thêm Sức và Bao Đồng. Và cũng như đại đa số tín hữu Công Giáo thời bấy giờ, nàng không thuộc Thánh Kinh, lại càng mù mịt về khoa chú giải. Tuy nhiên, nàng đã thực thi cho đến tận cùng từng Lời của Chúa bằng một lối sống mộc mạc nhưng thấm đượm tình yêu thương lân tuất của Ngài.

K.T. sống đời thường nhật của mình với một tâm tình đơn sơ hướng về Chúa, một tâm tình đã được hun đúc sâu đậm từ thưở ấu thơ bởi mẹ nàng, một góa phụ trung trinh, chuyên cần trong lời kinh tiếng kệ và tận tụy uốn nắn con thơ trong niềm tin và đức ái. Bà luôn chú tâm nhắc nhở các con cầu nguyện, đặc biệt là lần chuỗi Mân Côi. Bà nhẫn nại giáo dục con biết mến yêu, chia sẻ, nhường nhịn và vị tha với những người xung quanh như Đức Kytô đã truyền dạy. Bà ân cần hướng dẫn con phải làm thế nào để đẹp lòng Chúa, sáng Danh Chúa ngay trong mỗi tương quan xa gần với tha nhân và mỗi công việc lớn nhỏ của đời thường.

Như thế, cuộc đời rất đỗi bình dị và an lành của K.T. vốn đã được dệt thành từ những ngày tháng êm đềm trong dạ mẹ, bằng những chuỗi Mân Côi nhiệm mầu trong lời nguyện cầu và ru hời tha thiết. Lớn lên, nàng lại tiếp tục đan kết mảnh đời mình bằng những chuỗi Mân Côi của chính mình. Để rồi những lời kinh huyền nhiệm ấy lần hồi thấm sâu vào từng ý nghĩ suy tư, từng lời ăn tiếng nói, từng hành vi cử chỉ của nàng và biến thành bấy nhiêu hạt Mân Côi lấp lánh yêu thương, được kết nối chặt chẽ với nhau bằng sợi dây khoan dung vô bờ bến của Cha Trên Trời.

Tôi còn nhớ mãi, K.T. thường nói với tôi về Đức Kytô, về các giới răn yêu thương của Ngài và về tầm ảnh hưởng lớn lao của Ngài trên đời sống hằng ngày của nàng, đoạn thủ thỉ rót vào tai tôi:

- K.T sẽ cầu nguyện cho P.T. K.T. sẽ luôn nhớ tới P.T trong Đức Kytô.

Lúc ấy, dĩ nhiên tôi chưa hề biết Đức Kytô là ai, nhưng chỉ cần nghe được những tâm tình chân thành tha thiết ấy, tôi đã cảm thấy rất có cảm tình với Ngài rồi…

Mỗi lần trò chuyện với K.T., tôi lại có cảm giác như đang đối diện với Đức Kytô cùng ánh mắt mời gọi trìu mến không cưỡng được… Thế là bao nhiêu luận cứ vô thần từ bao năm nay tưởng chừng vững chắc như núi sắt tường đồng, đã sụp đổ và tan rã hoàn toàn trước một tang chứng quá ư hiển nhiên… Qua K.T., tôi đã được gặp gỡ Thiên Chúa một cách chân thật, không phải một Thiên Chúa xa lạ, vô hồn trong sách vở, có đó chỉ để lấp đầy những khoảng trống mà khoa học chưa thể giải thích được, nhưng một Thiên Chúa là Cha Yêu Thương Nhân Hậu luôn chờ đón đàn con cái tản mác trở về với Ngài.

 Tôi đã đến xem và tôi đã tin (Gioan 1:39-42)… Niềm tin vào Thiên Chúa đã đến với tôi một cách bất ngờ và đơn giản như thế đó…

 Sau khi tốt nghiệp Trung Học, bạn bè mỗi kẻ một nơi. Tôi đơn thân đến nhà thờ Đa Minh Ba Chuông (kế cạnh trường PTTH Phú Nhuận) xin học Giáo Lý Tân Tòng và chịu phép Thanh Tẩy vào Lễ Chúa Kytô Vua. Hôm ấy, tôi tình cờ liên lạc được với K.T. và nàng đã đến chung vui với tôi trong ngày trọng đại này.

 Vào đạo rồi, tôi tiếp tục tham dự Thánh Lễ hàng tuần tại nhà thờ Đa Minh. Tương truyền rằng Đức Mẹ đã hiện ra với Thánh Đa Minh, ban cho Ngài chuỗi Mân Côi và dạy Ngài truyền bá cho khắp muôn dân. Vì vậy, các tu sĩ Dòng Đa Minh có lòng yêu mến Kinh Mân Côi một cách đặc biệt. Riêng tại nhà thờ Đa Minh Ba Chuông, trước mỗi Thánh Lễ, các Soeur đều hướng dẫn cộng đoàn lần một chuỗi. Lúc đầu, tôi cũng sốt sắng đi Lễ và đọc kinh. Nhưng sau một thời gian ngắn, tôi bắt đầu ngán ngẩm... Không lẽ theo Chúa thì chỉ có bấy nhiêu thôi?  Đang uể oải lầm bầm trong bụng như thế, tôi tình cờ được giới thiệu đến với Dòng Chúa Cứu Thế Kỳ Đồng. Thế là kể từ đó, tôi giã từ chuỗi Mân Côi nhàm chán để đến với các lớp Giáo Lý Nâng Cao của các linh mục danh tiếng trong Giáo Phận Sài Gòn.

 Tôi dần dà trở nên “nổi tiếng”, không phải nhờ vào công việc từ thiện bác ái như nhiều người khác, mà chỉ vì khóa học nào tôi cũng… có mặt, kể cả những khóa đào tạo chuyên biệt mà hầu hết học viên là tu sĩ, tôi cũng không bỏ qua. Nhiều người cho rằng tôi là kẻ thích khoa trương kiến thức, nhưng thật ra, không phải vậy. Đối với một người đạo gốc, được dắt dìu từ những ngày thơ ấu, niềm tin có lẽ đến với họ dễ dàng hơn nhiều. Đằng này, tôi vốn quen thuộc với lối suy tư vô thần, mọi sự đều phải được mổ xẻ trắng đen rạch ròi dưới lăng kính của lý trí. Vì vậy, việc nhìn nhận một Thiên Chúa siêu nhiên vượt lên trên khoa học không phải là điều tôi có thể hoàn thành trong một sớm một chiều… Ấy là chưa kể đến những áng văn rất sốc trong Cựu Ước, chẳng hạn,

Ta là Thiên Chúa ghen tuông phạt tội cha ông trên con cháu đến ba bốn đời, đối với những ai thù ghét Ta” (Xh 20:5).

Thú thật, lần đầu tiên nghe đoạn ấy, tôi choáng đến mức chỉ muốn… bỏ đạo ngay lập tức! Một Thiên Chúa được mệnh danh là Toàn Năng mà lại so đo, nhỏ nhen, và thù dai đến mức trù dập đến ba bốn đời những ai chống đối Ngài. Nếu không có chút ít hiểu biết về khoa chú giải Thánh Kinh và chỉ diễn giải câu ấy theo nghĩa đen, đó quả là một điều không thể chấp nhận được!

Ngày tháng thấm thoát trôi nhanh như thoi đưa, bốn đứa chúng tôi (tôi, K.T, T.M và N.T) đều đã lập gia đình và lưu lạc mỗi đứa một phương trời. T.M vẫn ở Sài Gòn, tôi đinh cư ở Canada, còn K.T và N.T lập nghiệp tại hai tiểu bang xa cách nhau ở Hoa Kỳ. Sau bao nhiêu vất vả tìm kiếm, cuối cùng tôi đã liên lạc  được với K.T và N.T (còn T.M., tôi vẫn chưa có tin tức).

 Tôi được biết, trong thời gian xa cách, cả ba chúng tôi (tôi, K.T và N.T.) đều phải vượt qua những đoạn đường thăng trầm vô cùng nghiệt ngã của đời người. Sự kiện ấy có lẽ không lạ lẫm gì đối với cuộc sống bể dâu này, nhưng điều bất ngờ ở đây chính là cái kết cuộc sau cùng. Cả tôi và N.T. đều đã khuỵu ngã, chỉ riêng K.T. vẫn đứng vững trong nghịch cảnh trái ngang. Tôi đã hờn trách và lạc mất niềm tin vào Thiên Chúa, giân dỗi và quay lưng với Hội Thánh trong khoảng thời gian khá dài, và chỉ mới trở lại rất gần đây thôi. Còn N.T. không những chối bỏ đức tin, rời xa nhà thờ, mà còn lẩn trốn khỏi tất cả bạn bè và người quen đồng đạo xưa kia. Nàng oán hận Chúa không che chở cho mình, và không muốn nghe bất cứ ai nhắc nhở đến Danh Thánh Ngài. Nhưng K.T. hoàn toàn khác. Nàng khiêm nhượng chấp nhận mọi mất mát đau thương với lòng tín thác tuyệt đối:

 - Mình chỉ xem đó như một tai nạn mà thôi...

 Thế đấy, tuy là Tân Tòng, nhưng sau bao tháng ngày miệt mài theo đuổi các khóa học nâng cao, tôi dám cam đoan rằng “trình độ” tôn giáo của tôi ngày nay đã trổi vượt K.T. xa lắm rồi. Riêng N.T. thì khỏi nói, nàng ấy còn hơn tôi cả vài bậc là thuộc lòng cả quyển Thánh Kinh. Vậy mà cuối cùng tôi ngỡ ngàng khám phá ra, những kiến thức tưởng chừng cao siêu ấy thật ra chỉ là một chiếc nền bằng cát mỏng manh, không đủ sức giữ vững lòng tin vốn dĩ rất yếu ớt của chúng tôi. Riêng nàng K.T., với khả năng tri thức giới hạn hơn, đã khôn ngoan xây dựng nền móng một cách vững vàng trên những chuỗi Mân Côi nhiệm mầu, nhờ vậy, ngôi nhà đức tin của nàng, ngỡ là sơ sài lụp xụp với những hiểu biết giáo lý rất căn bản, vẫn có thể sừng sững giữa mọi bão táp phong ba.

 Tôi gặp lại K.T. tại miền Nam Cali vào một ngày cuối năm, trong bầu khí mát mẻ, rộn ràng của Mùa Giáng Sinh và Năm Mới. Bạn tôi vẫn như thưở xưa, luôn phục sức giản dị, và không trang điểm cầu kỳ. Tuy thế, trong mắt tôi, nàng vẫn khả ái và yêu kiều như ngày nào dưới cùng một mái trường. Chúng tôi vui mừng tíu tít hỏi han nhau, thôi thì trăm thứ chuyện, từ trên trời xuống tới dưới đất. Và một lần nữa, nàng đã khiến tôi phải kinh ngạc trước những chia sẻ đơn sơ nhưng vô cùng thâm thúy của nàng.

 K.T. hiện làm chủ một tiệm làm móng tay. Hai con của nàng đã trưởng thành và sắp vào Đại học. Bây giờ, ngoài việc săn sóc nhà cửa, giáo dục con cái và chăm nom cửa tiệm, nàng chỉ chuyên chú vào việc cầu nguyện, suy gẫm Lời Chúa, và tham dự Thánh Lễ hằng ngày.

K.T. cho tôi biết. Chỗ làm của nàng rất phức tạp. Người ta văng tục, đấu đá nhau liên tục, có khi chỉ vì tranh giành một người khách. Vì vậy, nàng chỉ mong làm sáng Danh Chúa trong chính môi trường sống và làm việc hằng ngày của mình. Nàng mong mỏi có thể noi gương Mẹ Têrêsa Calcutta, không chủ trương truyền giáo bằng cách lôi kéo người khác vào đạo, mà trước tiên là thực thi đức ái và gieo rắc tình yêu thương của Thiên Chúa trên những chặng đường đời nàng có dịp đi qua. Nàng rất tâm đắc với quan điểm của Mẹ Têrêsa, cho rằng dầu những người quanh mình chưa tin Chúa, nhưng nếu mình có thể giúp họ sống ngay lành hơn, tốt đẹp hơn, bác ái hơn, thì kể như mình đã góp phần làm sáng Danh Chúa rồi. Nàng cũng nhấn mạnh thêm lời nhắn nhủ chân thành của Mẹ, rằng mình không thể làm được điều này, bao lâu không liên lỷ cầu nguyện và sống kết hiệp mật thiết với Thiên Chúa...

 

K.T. có một cô thợ tên X, tính khí nóng nảy, lại hay có tật gièm pha, chỉ trích nên thường dẫn đến gây gỗ và hiềm khích với người khác. Có lần X đôi co với một cô thợ khác tên Y, đến hồi cao trào, đấu khẩu không xong thì bắt đầu thượng cẳng chân hạ cẳng tay. K.T. lúc ấy đứng ngoài, thấy tình hình quá căng thẳng, vội lao đến cản đường cô X, rồi kêu to lên, bảo cô Y bỏ chạy. Cô X nổi cáu, nhấc bổng K.T. ném sang một bên (vì cô X to con hơn K.T nhiều). Vậy mà sau đó, chính K.T. đã chủ động mở miệng xin lỗi cô X vì cho rằng mình đã thiếu tế nhị, đường đột can thiệp trong lúc cô X đang nóng giận, làm chạm tự ái của cô.

Nghe qua câu chuyện, tôi và các bạn của tôi đều lắc đầu… bó tay, cho rằng K.T. quá nhu nhược, trong bụng cũng thầm lo bạn mình rồi sẽ bị yếm thế. Bởi cứ theo lẽ thường mà nói, có nhân viên nào dám cả gan ra tay với chủ? Và cho dẫu có xảy ra thì thể nào kẻ ấy cũng sẽ bị đuổi việc. Vậy mà K.T. đã không sa thải cô X, lại còn nhẫn nại hướng dẫn X cầu nguyện và sửa mình nữa. Kỳ lạ thay, vài năm sau, K.T. không những chẳng bị ai bắt nạt mà những lời cầu xin tha thiết của nàng đã thành công giúp X tiến bộ hẳn lên. Cô trở nên hiền hòa hơn, bớt gây gổ với những người xung quanh hơn, thậm chí còn chịu khó cầu nguyện với Chúa và Đức Mẹ mặc dầu cô vốn là một Phật tử.

Ngoài ra, K.T. có một cô bạn khác, đạo gốc nhưng đã lạc mất niềm tin và từ bỏ nhà thờ. Thế là ngày nào K.T. cũng kiên trì cầu nguyện cho cô ấy. Kết quả là sau ba năm, cô ấy đã được ơn trở lại với đức tin.

Cứ thế, K.T. lặng lẽ rảo bước trên cánh đồng truyền giáo mênh mông, cần mẫn gieo rắc từng hạt giống âm thầm của quảng đại và yêu thương. Hai vai mang lấy hành trang giản dị duy nhất nhưng cũng hữu hiệu tuyệt vời của Mẹ Thánh Têrêsa Calcutta năm xưa là đời sống chứng tá gói trọn trong chuỗi Mân Côi lấp lánh diệu kỳ…

Những việc làmthầm lặng của K.T đã chứng minh rằng thừa sai không chỉ thuần túy là công việc của các linh mục và tu sĩ, nhưng chính là trách nhiệm và bổn phận của mỗi tín hữu. Đành rằng trong ơn gọi hôn nhân, rất bận rộn với cơm áo gạo tiền và dưỡng dục con cái, cộng thêm khả năng tri thức giới hạn, K.T. không có khả năng trực tiếp tham gia vào mục vụ rao giảng Lời Chúa cho muôn dân nhưng nàng đã tích cực chung tay góp một phần tuy khiêm hạ nhưng đầy hiệu quả cho sứ mạng truyền giáo của toàn thể Hội Thánh bằng cách trở nên muối men và ánh sáng để ướp mặn và soi dẫn cho đời.

Riêng tôi, sau một thời gian dài lạc lối trên nẻo đường tăm tối của đứa con hoang đàng, tôi mới tập tành cầu nguyện một cách nghiêm túc, lúc đầu chỉ là những lời nguyện tự phát. Tôi dần dà chú ý đến sự nhiệm mầu của chuỗi tràng hạt, nhất là sau khi cha quản xứ mới về nhậm chức. Ngài là một linh mục Dòng Chúa Cứu Thế và đặc biệt có lòng sùng kính Kinh Mân Côi. Tôi bắt đầu tập tễnh lần chuỗi và chẳng cần chờ đợi lâu để mục kích hiệu quả thần kỳ của một lối cầu nguyện mà đa số giới trẻ hôm nay cho là quê mùa, nhàm chán và mất thời gian*.

Tôi chỉ xin đơn cử một sự kiện nổi bật. Số là từ ngày có con, cuộc sống hôn nhân của tôi ngày càng suy thoáivà xuống cấp. Thật ra nguyên nhân cội rễ chẳng có gì trầm trọng cả. Mặc dầu chồng tôi bên lương, chúng tôi vẫn khá tâm đầu ý hợp, ít xung khắc cãi cọ. Tuy nhiên, khi tôi sinh cháu gái đầu tiên, chồng tôi bị thất nghiệp, sau đó tìm được việc mới nhưng phải làm rất nhiều giờ. Tương quan vợ chồng trở nên rạn nứt từ từ do những căng thẳng vàthách đố nảy sinh từ công ăn việc làm và nuôi dạy con cái. Đến lúc tôi sinh cháu trai thứ hai, vừa mắc bệnh chàm (eczema) vừa mắc hội chứng tự kỷ (autism), hôn nhân của chúng tôi thật sự bị đẩy vào ngõ cụt bế tắc và cuối cùng rơi thẳng vào chốn địa ngục trần gian khi giữa chúng tôi, những lời yêu thương trìu mến ngày càng vắng bóng cho đến lúc hoàn toàn bị thay thế bằng những tiếng cắn đắng,hằn học, thậm chí sỉ nhục, thóa mạ nhau. Rồi một ngày, bầu khí gia đình đã trở nên ô nhiễm, ngột ngạt đến mức không hít thở nổi khiến tôi buộc phải nghĩ đến giải pháp chia lìa để tránh ảnh hưởng đến con cái.

Nhưng ý tưởng thoáng qua ấy không làm tôi cam lòng, nhất là khi tôi chợt nhớ tới đến lời phán bảo của Chúa Giêsu với uy quyền tối thượng của Con Thiên Chúa:

 Sự gì Thiên Chúa đã kết hợp thì loài người không được phân ly” (Mt 19 :6) 

 Điều này cũng đồng nghĩa rằng khế ước hôn nhân là tuyệt đối bất khả phân ly, không có ngoại lệ nào. Cho dẫu Hội Thánh có chấp thuận ly thân trong một số trường hợp, đó vẫn là giải pháp bất đắc dĩ, không làm đẹp lòng Chúa tý nào, do bởi:

 Vì các ông lòng chai dạ đá, nên ông Mô-sê đã cho phép các ông rẫy vợ, chứ thuở ban đầu, không có thế đâu” (Mt 19 :8)

 Vì vậy, tôi quyết tâm tìm cách cứu vãn hạnh phúc hôn nhân, nỗ lực vận dụng các kiến thức nhân loại và sự khôn ngoan trần thế nhưng hỡi ơi, càng lao đao nhọc nhằn bao nhiêu, tôi càng thất bại thảm hại bấy nhiêu, bởi chồng tôi luôn ngờ vực thiện chí của tôi và càng phản ứng tiêu cực hơn đối với mọi thành ý làm lành và hòa giải từ phía tôi. Sau cùng, tôi đã cùng đường, chỉ còn cách duy nhất là cầu xin Thiên Chúa cứu chữa.

 Thế là tôi cần cù lần chuỗi mỗi ngày với ý nguyện đơn sơ: Xin Chúa giúp vợ chồng con hòa hợp yêu thương nhau như ý Chúa muốn. Xin Chúa giúp mỗi người chúng con biết nhận lỗi và sửa lỗi của mình. Hoàn toàn đơn giản như “đang giỡn” vậy. Diệu kỳ thay, chỉ sau một thời gian ngắn, tôi ngỡ ngàng nhận ra rằng cả hai chúng tôi đều được biến đổi một cách lạ lùng. Những cử chỉ yêu thương, những lời nói ngọt ngào cũng từ đó dần dần trở vềvà sưởi ấm lại mái nhànguội lạnh của chúng tôi. Cuộc hôn nhân đang cheo leo bên bờ vực thẳm của tan vỡ đã được cứu vớt một cách thần kỳ nhờ vào một chuỗi tràng hạt có thể gọi là quê mùa, nhàm chán, nhưng lại không hề uổng phí thời gian, bởi lẽ:

 “Giống quỷ ấy, chỉ có cầu nguyện mới trừ được thôi” (Mc 9 :29)

 Xưa kia, tôi đã xếp xó chuỗi Mân Côi bình dân, đơn điệu, lỗi thời, để rồi phải lãng phí cả nửa đời người, hoài công đeo đuổi theo những mục đích phù phiếm và những tham vọng viển vông. Cuối cùng, tôi chẳng gặt hái được gì ngoài một cuộc sống hoàn toàn trống rỗng, khổ ảivà bất an. Rồi gần đây, tôi đã hoài phí thời giờ, ngày đêm lao lực hòng bảo vệmái ấmgia đình, để rốt cuộc, không những chẳng đi đến đâu mà còn hóa ra tồi tệ hơn.

 Tâm lý phổ biến của con người là chỉ xem trọng những công việc cao siêu vĩ đại như làm ông nọ, bà kia hay chạy theo những hoạt động rầm rộ hào nhoáng như ca hát, từ thiện mà quên đi đâu mới là nền móng cơ bản của đời sống đức tin. Chính Chúa Giêsu trong tư cách là Con Thiên Chúa mà còn thường xuyên tìm nơi thanh vắng để cầu nguyện một mình:

 Sáng sớm lúc trời còn tối mịt, Người đã thức dậy, đi ra một nơi hoang vắng và cầu nguyện ở đó” (Mc 1,35).

 Sau khi giải tán đám đông, Người đi lên núi mà cầu nguyện, chiều đến Ngài vẫn ở đó một mình” (Mt 14,23).

 Kinh Mân Côi, với sự lập đi lập lại các bài kinh Lạy Cha, Kính Mừng, Sáng Danh, đã trở nên một phương thức rất hiệu nghiệm để đưa ta trở về với sự thinh lặng tuyệt đối của sa mạc tâm hồn để rồi từ đó, ta mới có thể lắng nghe tiếng Chúa nói với riêng mình và hoán đổi chính mình.

 Nhiều người trẻ ngày nay chẳng thà chuyên chú hàng giờ vào việc nghiên cứu Thần học, Thánh Kinh, hơn là dành dụm thời gian cho một lối cầu nguyện bình dân, đơn điệu, lỗi thời*. Thế mà có một vị từng là linh mục lừng danh xuất chúng, nay xuất tu, đã thành khẩn thú nhận nguyên nhân sâu xa đưa đẩy ông đến chỗ mất ơn gọi:

 Những hiểu biết sâu hơn về Thiên Chúa, nhiều hơn về Thiên Chúa không giúp giữ tôi trong lòng mến của Ngài. Chính đời sống cầu nguyện đơn sơ mà mẹ tôi tập cho tôi từ ngày còn bé mới giữ tôi lại trong tình yêu thương của Thiên Chúa” **

 chính việc thiếu một đời sống cầu nguyện đã giết chết ơn gọi Linh mục trong tôi.” **

 Xin tạ ơn Mẹ Maria đã đoái thương truyền dạy Kinh Mân Côi như một phương tiện nhiệm mầu hầu dẫn dắt chúng con đến với Thiên Chúa là nguồn mạch của hạnh phúc chân thật và vĩnh cửu muôn đời. Amen.

 

Ottawa, 11/2016

Têrêsa Nguyễn Phương Thảo

 

 

 

 

 

 

* Xin xem bài Lần Chuỗi Mân Côi – một việc đạo đức đang bị giới trẻ “xếp xó” – Lm. Giuse Nguyễn Thành Long –http://www.vietcatholic.net/News/Html/144555.htm.

 

** Xin xem bài Một lời cảnh báo đáng suy tưĐặng Tự Do –

http://gpcantho.com/Bai-Viet-Giao-Phan-Can-Tho-M%E1%BB%98T-L%E1%BB%9CI-C%E1%BA%A2NH-B%C3%81O-%C4%90%C3%81NG-SUY-T%C6%AF-8345.aspx

 

Read 1339 times Last modified on Thứ hai, 28 Tháng 11 2016 14:56