Không ai có thể phủ nhận thánh Giuse là người cha rất yêu thương, và suốt đời đã dồn hết tình yêu, cùng với Đức Mẹ để nuôi dưỡng, chăm nom, giáo dục Đức Giêsu, người con mà Thiên Chúa đã ký thác cho ngài gìn giữ, bảo vệ, người con mà mọi người đều trầm trồ khen ngợi như Tin Mừng Luca đã ghi lại : “Còn Đức Giêsu ngày càng thêm khôn ngoan, thêm cao lớn và thêm ân nghiã đối với Thiên Chúa và người ta” (Lc 2,52).
Nhưng thánh Giuse đã sống tình yêu của người cha như thế nào ?
1. Ngài đã sống hiền lành :
Là người công chính, nghiã là người thuộc về và sống theo đường lối Thiên Chúa, nên thánh Giuse luôn nằm lòng : hiền lành là nhân đức cần thiết của người công chính, là điều kiện để trở thành tôi tớ trung tín, bởi “Thiên Chúa hạ bệ những ai quyền thế, và đặt kẻ hiền lành ngồi lên thay” (Hc 10,14). Hiền lành cũng là điều kiện để được Thiên Chúa thánh hoá như Thiên Chúa đã chọn và thánh hoá Môsê, “vì ông thành tín, hiền lành” (Hc 45,4).
Tin Mừng cho chúng ta hình ảnh một người cha hiền lành của gia đình thánh ở Nadarét, một người cha không bao giờ to tiếng, nặng lời với con, nhưng hiền hậu, nhân lành. Vì hiền lành, người cha ấy kiên nhẫn dậy dỗ, chỉ bảo con, mà không vội nóng, vội giận, như thái độ hiền lành, điềm tĩnh, chịu đựng của thánh Giuse khi tìm được Đức Giêsu sau ba ngày lạc mất ở Giêrusalem. Ngay cả trước câu trả lời không mấy “dễ nghe” của Đức Giêsu đang khi cha mẹ Ngài mừng mừng tủi tủi vì tìm được con, thánh Giuse vẫn không tỏ ra bất cứ một thái độ khó chịu, bực bội, cáu gắt nào, nhưng thinh lặng, và như Đức Mẹ “giữ những sự ấy trong lòng”, vì cả hai ông bà đã không hiểu lời Đức Giêsu vừa nói : “Sao cha mẹ lại tìm con? Cha mẹ không biết là con có bổn phận ở nhà của Cha con sao?” Lc 2,49).
Thật khác với phần đông người cha khi con cái chỉ sơ ý một chút là đùng đùng nổi giận la hét, chửi mắng ; khi con cái quấy rầy đã không đủ hiền lành để kiên nhẫn chịu đựng và dậy bảo, nhưng lấy quyền gia trưởng trấn áp, đe loi, dùng quyền làm cha nghiêm khắc trừng phạt đến độ làm con cái kinh hãi, hoảng loạn, mất hết tự tin. Vì thế có đứa con đã phải bỏ nhà ra đi, vì cha qúa hung dữ, thô bạo ; đứa khác bị xua đuổi, từ bỏ vì làm trái ý cha, và nhiều gia đình chưa bao giờ có được một ngày bình an, vì những người cha hung dữ chưa một lần điềm đạm, đằm thắm lắng nghe con cái thỏ thẻ, tâm sự, chưa bao giờ dịu dàng, hiền hậu, âu yếm chơi đùa với con, cũng chẳng khi nào ân cần quan tâm đến những nhu cầu bé nhỏ, đơn sơ của con cái.
Thực vậy, trong một thế giới ngày càng bạo lực, thì hiện tượng bạo hành trong gia đình càng trở thành “quen thuộc, bình thường” đến độ không ai còn muốn quan tâm can thiệp. Do đó, xã hội đã điên đảo vì bạo lực, nay càng bị bạo lực làm điên đảo hơn, vì ở ngay trong tổ ấm yêu thương là gia đình, người cha đã không hiền lành để yêu thương, nhưng đối xử với con và hành xử trong mọi tình huống, hoàn cảnh như bạo chúa hung dữ, độc ác, độc tài.
2. Ngài đã sống hy sinh :
Tình yêu đích thực là tình yêu có hy sinh đồng hành. Đây là chân lý ngàn đời không thể thay đổi, bởi người ta không thể yêu một người mà từ chối hy sinh cho người ấy. Vì thế, bất cứ tình yêu nào cũng đòi hy sinh, bất kể trái tim yêu thương nào cũng đã phải thao thức, băn khoăn, khắc khoải, đau đớn, xót xa vì mong ước và nỗ lực hành động để mưu tìm hạnh phúc cho người mình yêu, như người cha yêu con sẽ vui lòng đón nhận hy sinh đi sớm về khuya làm lụng vất vả để con cái được ấm no, ăn học, không phải thua chị kém em ; người mẹ thương con không nề hà lao nhọc, tần tảo buôn bán để con có của ăn hằng ngày, không phải thiếu ăn thiếu mặc.
Như thế hy sinh cho ai là yêu họ ; chịu thiệt thòi, mất mát vì ai là thương họ, và mức độ tình yêu tỷ lệ thuận với mức độ hy sinh, nên càng yêu nhiều, càng hy sinh nhiều ; càng sẵn sàng hiến thân hy sinh, càng yêu tha thiết, nồng nàn ; càng sẵn sàng bỏ mình hy sinh, tình yêu càng lớn lao, mãnh liệt, như Đức Giêsu đã khẳng định trong Tin Mừng Gioan : “Không có tình thương nào cao cả hơn tình thương của người đã hy sinh tính mạng vì bạn hữu của mình” (Ga 15,13), bởi với mọi người, tính mạng là giá trị cao qúy, lớn lao hơn cả.
Thánh Giuse là người cha hy sinh ở bất cứ nơi nào và lúc nào cho gia đình, vì ngài được sinh ra để yêu thương. Ngài đã hy sinh không tính toán, so đo, vì lẽ sống của đời ngài là yêu thương như Thiên Chúa yêu thương ; hy sinh không mệt mỏi, nhưng hết tình và hết mình, vì hành trình cuộc đời ngài là yêu thương đến cùng.
Học với ngài tinh thần hy sinh cũng là noi gương yêu thương của ngài, vì tình yêu đích thực không thể thiếu dấu ấn của hy sinh ; sự sống của tình yêu không thể thiếu hy sinh như khí thở, lương thực. Đó chính là lý do nhiều cuộc tình đổ vỡ, vì lầm tưởng tình yêu không cần hy sinh ; nhiều gia đình tan nát, vì hy sinh không gắn bó, chung vai sát cánh với tình yêu ; nhiều ước mơ hạnh phúc tan thành mây khói, vì hy sinh không có chỗ trong mái ấm tình yêu.
Là người cha trong gia đình công giáo, như thánh Giuse, chúng ta hãy sống hy sinh cho mọi người trong gia đình, “hãy sống trong tình bác ái, như Đức Kitô đã yêu thương chúng ta, và vì chúng ta, đã tự nộp mình làm của lễ hy sinh, làm hy lễ dâng lên Thiên Chúa tựa hương thơm ngào ngạt” (Ep 5,2).
3. Ngài đã luôn hiện diện :
Tình yêu đòi hiện hiện, nên yêu ai, ta muốn ở bên, sát cạnh người ấy ; thương ai, ta không muốn xa họ dù một giây. Vì thế, khi yêu nhau cuồng nhiệt, say đắm, thì hình phạt khủng khiếp nhất đối với hai người yêu nhau là bắt họ phải xa nhau, không cho họ được gần nhau, ở với nhau, và định luật “xa mặt cách lòng” là định luật khó thay đổi của tình yêu.
Bởi người ta sẽ quên nhau nếu phải xa nhau ; người ta sẽ bớt dần yêu nhau, nếu không có mặt, hiện diện bên nhau; người ta sẽ không muốn ở với nhau, nếu tình của họ dành cho nhau không còn tha thiết, mặn nồng; người ta sẽ ngao ngán lánh mặt nhau, nếu tình yêu xa bay, cạn kiệt, chết yểu.
Nhưng tình yêu của thánh Giuse dành cho Thiên Chúa không bao giờ sút giảm, trái lại mỗi lúc mỗi tăng, mỗi ngày mỗi lớn ; tình của ngài yêu Đức Giêsu mỗi ngày một cao vời, bền vững, và tình ngài dành cho Đức Mẹ chẳng bao giờ nhạt phai, đổi dời, nên ngài không rời xa gia đình thánh một ngày, không vắng bóng Đức Giêsu một giây, trừ ba ngày lạc mất con ở Giêrusalem khi Đức Giêsu lên mười hai tuổi trong dịp trẩy lễ đã tự ý ở lại trong Đền Thờ.
Học yêu thương từ Thiên Chúa trong Kinh Thánh, Đấng luôn hiện diện để “tỏa ánh tôn nhan” trên những người Chúa thương (x. Tv 4,7) ; Đấng luôn có mặt và đích thân đi với người Ngài chọn, như Ngài đã phán với Môsê : “Ta sẽ ở với ngươi”, “Đích thân Ta sẽ đi, và Ta sẽ cho ngươi được nghỉ ngơi” (Xh 3,12 ; 33,14).
Thánh Giuse cũng học với các tổ phụ, tiền nhân trong dân Chúa như Ápraham, là người yêu mến Thiên Chúa và luôn ở gần Ngài (x. St 18,22), hay như vua Đavít, người luôn bước đi trước nhan Chúa vì yêu mến Ngài (x. 1R 3,6), và suốt đời, thánh Giuse đã phục vụ Thánh Gia, chăm lo Đức Giêsu bằng sự hiện diện đầy ắp yêu thương.
Qủa thực, “có mặt, hiện diện” là qùa tặng tình yêu lớn nhất mà tình nhân dành cho nhau, bởi bất cứ quà tặng nào, dù đắt giá đến đâu cũng không thay thế được sự hiện diện bằng xuơng bằng thịt của người mình yêu, cũng không đem lại hạnh phúc tròn đầy, viên mãn bằng người yêu có mặt bên mình. Chẳng thế mà khi yêu nhau, người ta chỉ cần có nhau, được ở gần nhau, được sống bên nhau, dù hoàn cảnh có khó khăn, éo le, dù điều kiện có thiếu thốn, eo hẹp.
Đây cũng là lý do nhiều con cái đã bất hạnh, khi người cha vì lý do nào đó đã không hiện diện trong gia đình, không có mặt trong sinh hoạt của con cái, không cùng chung sống với vợ con. Bất hạnh không chỉ trước mắt vì vắng cha, xa cha, thiếu cha, nhưng còn ảnh hưởng xấu trên mức độ trưởng thành tâm lý sau này của đứa trẻ.
Tóm lại, thánh Giuse đã yêu thương Đức Giêsu bằng Hiền Lành, Hy Sinh, Hiện Diện. Hiền lành như bàn tay cha hiền nâng niu, uốn nắn con trẻ thơ dại, Hy Sinh như dưỡng khí, lương thực nuôi con lớn, và Hiện Diện như bóng mây ban ngày, như cột lửa ban đêm dõi bước con đi.
Xin thánh Giuse bầu cử cho chúng con trước mặt Chúa để chúng con được ơn đổi mới con tim, biến trái tim chai đá vì hung dữ, cứng cỏi vì kiêu căng, héo úa vì ích kỷ thành trái tim Hiền Lành, Hy Sinh, Hiện Diện của người cha yêu thương, như trái tim của ngài.
Jorathe Nắng Tím