Người Giáo dân của Thiên niên kỷ mới: Lắng nghe giới lao động
Posted by Ban Biên TậpLẮNG NGHE GIỚI LAO ĐỘNG
Lm. Nguyễn Văn Hinh (D.Min)
Dẫn nhập.
Việt Nam, mảnh đất hình chữ S, trên nền Biển. Nơi hội tụ của thị trường Đông-Tây, là một Đất Nước rất thịnh vượng, trong thiên niên kỷ mới. Nền kinh tế tư bản, đất đai, phương tiện máy móc cồng kềnh không còn quan trọng. Chuyển sang nền kinh tế dịch vụ, cùng với cuộc cách mạng công nghệ số, hình thái logistics[1]. Giới lao động tri thức, kỹ sư, luật sư, an ninh mạng, an toàn hàng hóa, được xếp hàng đầu, là thế mạnh ưu tiên. Các phương tiện chuyển dịch: hàng không, thủy, bộ lên ngôi. Uy tín quốc tế là siêu hạng. Thế hệ lao động trẻ phải chuẩn bị thế nào? Các hộ kinh doanh, các gia đình có cửa hàng theo mặt lộ, ven sông và liên xí nghiệp cần tổ chức lại và đóng góp gì? Thông thạo ngoại ngữ và vi tính là mũi nhọn hàng đầu. Lao động trong nền kinh tế dịch vụ bền vững, thay đổi là tất yếu. Nhưng một điều không thể đổi thay, đó là phẩm giá con người lao động.
Là ai? Con người được tạo dựng theo hình ảnh Thiên Chúa. Có nhiệm vụ làm chủ trái đất. Thế nên, con người là chủ thể của lao động. Đó chính là một “Tin Mừng” hùng hồn nhất “về lao động”, làm nền tảng suy nghĩ, phán đoán và hành động mới. Lao động “vì con người” chứ không phải con người “để lao động”. Do vậy, ngay từ đầu con người đã được kêu gọi lao động. “Lao động” trí óc, tay chân, dịch vụ, hiểu chung là công ăn việc làm. Lao động làm nên sự khác biệt giữa con người với tất cả tạo vật khác. Họ là một nhân vị, chủ thể hành động có kế hoạch và hợp lý; có khả năng tự quyết định và hướng tới sự thành tựu của bản thân mình. Chỉ có con người, mới có khả năng lao động và thực hiện lao động để kiến tạo cuộc sống. Họ là những con người vất vả nặng nhọc, phải đổ mồ hôi trán mới có ăn, cho đến khi trở về với lòng đất. Nhưng lại có nhiệm vụ phát triển và quản lý vũ trụ: “Hãy sinh sản gia tăng đầy dãy trái đất và hãy bắt nó phục tùng”[2]. Chúa Giêsu nhập thể trong một gia đình, làm nghề thợ mộc[3]. Chính Ngài đã nói: “Cha Thầy là người trồng nho”[4]; “Cha ta làm việc liên lỉ. Ta cũng làm việc như vậy”[5]. Ngoài ra còn có những lời tốt đẹp biểu dương lao động của người phụ nữ. Trong các dụ ngôn về Nước Thiên Chúa, Đức Kitô luôn luôn nói về lao động: dụ ngôn người mục tử, người nông dân, thầy thuốc, người gieo giống, chủ nhà, người làm công, người quản gia, người đánh cá, người buôn bán, người thợ. Chúa so sánh công việc truyền giáo với công việc tay chân của thợ gặt; hoặc của những ngư phủ. Chúa cũng dựa vào công việc của các thầy ký lục. Thánh Phaolô: “Tôi tự tay làm việc”; “Ngày đêm chúng tôi làm việc vất vả lam lũ, để không phải phiền toái đến ai trong anh em”[6]. “Đối với những người đó… chúng tôi nài xin, căn dặn hãy âm thầm làm việc và ăn cơm của mình”[7]. Nhận thấy có một số tín hữu thuộc cộng đoàn Thesssalônica “sống vô trật tự…không làm lụng gì cả”[8]. Thánh Phaolô đã viết thư khuyên bảo: “Hễ ai không muốn làm việc thì đừng có ăn”[9]. Trái lại trong một thư khác gởi cho Cộng đoàn Côlôssê, thánh nhân lại khuyến khích rằng: “Dù anh em làm việc gì, thì hãy thật lòng thực thi như thể làm cho Thiên Chúa chứ không phải làm cho loài người, vì biết rằng anh em sẽ được hưởng phần gia tài Chúa thưởng cho”[10]. “Lao động là việc tiếp diễn công việc của Đấng tạo Thành, là việc phục vụ cho anh em đồng loại, là sự đóng góp của cá nhân vào việc thực hiện chương trình kế hoạch của Thiên Chúa đối với lịch sử”[11]. Thông điệp “Lao động của con người”[12]: “Chúa Giêsu là bạn đồng lao, là thầy và là đấng cứu độ. Giáo hội là bạn thân và khâm phục những đức tính cao đẹp như can đảm, tận tụy, lương tâm nghề nghiệp, yêu chuộng công bình. Đồng thời hài lòng và cảm tạ người lao động vì lao động góp phần biến đổi thế giới. Lao động, làm lụng vất vả, tự lập, tự thân”. Tục ngữ Việt Nam diễn tả: “Bán mặt cho đất, bán lưng cho trời”; có làm mới có ăn: “Tay làm hàm nhai, tay quai miệng trễ”[13]. Giáo hội Việt Nam, ấn định ngày 3 tết: “Ngày cầu mùa, thánh hóa công ăn việc làm”.
Nói gì?
Là chủ thể của công việc. (X. 1)
Con người là chủ thể của trái đất. Từ đó, lao động phục vụ con người chứ không phải con người phục vụ cho lao động. Tư bản phục vụ cho lao động chứ không phải lao động phục vụ cho tư bản”[14]. Vì thế, cần đối xử công bằng. Tất cả vì lợi ích chính đáng, lương cân xứng với nhu cầu, công lao và hợp theo nghề của mình.
Quyền lợi toàn diện.
Không chỉ nhận tiền lương mà còn được hưởng quyền lợi toàn diện. Hiện nay, nhiều xí nghiệp văn minh, đã chú tâm coi trọng công nhân, chăm sóc như một người chủ, có giải lao, bồi dưỡng, tập thể dục giữa giờ. Hàng quí, có tổ chức du lịch sinh thái. Hàng năm, có tổ chức du ngoạn văn hóa. Trong chính xí nghiệp, dành không gian tâm linh ở vị trí sang trọng.
Hy vọng.
Được bảo vệ và thăng tiến. Công đoàn, không phải để đấu tranh, nhưng là phương thế bảo vệ quyền lợi một cách văn minh, có văn hóa. Tổ chức những lớp bồi dưỡng văn hóa, nâng cao tay nghề, đào luyện tham gia các lãnh vực văn hóa, chính trị công dân. Xí nghiệp là nhà. Lo tương lai cho gia đình, nhất là chăm sóc giáo dục con em, được ăn học, du học, kế tục sự nghiệp tương lai. Chuyển biến hình thái xí nghiệp qua nền kinh tế dịch vụ. Liên xí nghiệp, mở đại học kinh tế dịch vụ, đào luyện chuyển tiếp thích ứng với chuyên viên dịch vụ, cả về tay nghề, bản lĩnh. Xí nghiệp có thể trở thành những kho hàng lớn với những trang bị sân bãi, máy bay, tàu thủy, xe kéo toa hàng. Nhân lực, có trình độ quốc tế, giỏi ngoại ngữ, giỏi nghiệp vụ, bảo đảm uy tín giao hàng hóa cho các nước lân cận và Ấn độ Châu Á Thái bình dương…
Nghệ thuật lắng nghe?
Tín cẩn. Đức Kitô chịu đóng đinh vì chúng ta. Nhờ Thập giá và phục sinh của Đức Kitô, con người khi lao động có ý thức vác thánh giá hằng ngày trong sinh hoạt của riêng mình, thì đích thực là môn đệ Chúa Giêsu. Vì thế, Công đồng định nghĩa: “Con người là cả hồn cả xác” và quan tâm, đề cập tới mọi khía cạnh có liên quan tới con người. Và đã trân quí gởi thông điệp riêng cho giới lao động. Quả thực, con người là con đường đầu tiên và là con đường căn bản của Giáo Hội. Mọi nẻo đường đều dẫn tới con người.
Yêu mến. Quả thật, người lao động biết rằng: “Được lời lãi cả thế gian mà chính mình phải hư mất thì chả có lợi gì”. Vì thế, người lao động, nhờ đi sâu vào đời sống thân hữu với Đức Kitô, Đấng cứu chuộc và được tham dự vào chương trình cứu rỗi, qua ba sứ vụ Tư tế, Tiên tri và Vương giả của Ngài. Họ góp phần tiến tới lý tưởng: “Trời mới đất mới”.
Biết ơn. Công đồng: “Đối với các tín hữu, chắc chắn sinh hoạt cá nhân cũng như tập thể, hoặc nỗ lực vĩ đại của con người vất vả qua các thế kỷ, nhằm cải thiện hoàn cảnh sinh sống, tự nó, vốn phù hợp với ý định của Thiên Chúa”. Thật vậy, con người đã nhận mệnh lệnh chinh phục trái đất cùng tất cả những gì chứa đựng trong đó. Rồi cai quản vũ trụ trong công bình và thánh thiện, và khi nhìn nhận Thiên Chúa là Đấng tạo dựng mọi loài, họ qui hướng chính bản thân mình cũng như vũ trụ về Ngài. Như thế, khi con người chinh phục tất cả thì danh Chúa được tôn vinh khắp địa cầu[15].
Kết luận.
Chúa Kitô của chúng ta là một người lao động, một người lao động chân tay: Nghề thợ mộc. Một hoạt động mà thời cổ, dành cho hạng nô lệ. Nhưng được Thiên Chúa chọn để chứng tỏ Ngài gần gũi với loài người. Từ đó, Giáo Hội xác định quan điểm về giá trị nhân bản của lao động, về trật tự luân lý mà lao động có phần đóng góp; công nhận toàn diện con người cả thể xác lẫn tinh thần, đều tham dự vào lao động, dầu là lao động chân tay hay trí óc. Con người là chủ thể của lao động. Đó chính là một “Tin Mừng” hùng hồn nhất “về lao động”. Làm nền tảng suy nghĩ, phán đoán và hành động mới: Lao động là “vì con người” chứ không phải con người “để lao động”. Việc xác định quan điểm đó là một trong những nhiệm vụ quan trọng của toàn bộ sứ vụ truyền bá rao giảng Tin mừng. Và đồng thời Giáo Hội cũng nhận thấy mình có bổn phận phải hình thành một nền đạo đức lao động tôn trọng nhân phẩm, khả dĩ giúp mọi người, nhờ đó tiến gần đến với Chúa, là Đấng Tạo thành con người và vũ trụ./.
Truyền thông TGP. SG, tháng 11/2021
Lm.Nguyễn Văn Hinh (D.Min)
https://tgpsaigon.net/bai-viet/nguoi-giao-dan-cua-thien-nien-ky-moi-lang-nghe-gioi-lao-dong-64634
(1)
Năm 1891, trong thông điệp Rerum Novarum về hoàn cảnh của giới công nhân, Đức Giáo hoàng Lêô XIII nhấn mạnh:
“Hãy để chủ và thợ thỏa thuận tùy ý họ, nhất là để họ giao kèo tiền công cách tự do; tuy nhiên, việc này nằm dưới một giới mệnh của công bằng tự nhiên cấp thiết và lâu đời hơn giữa người với người mà họ không được phế bỏ, cụ thể, số tiền công ấy phải đủ cho người làm công ăn lương tiết kiệm và liêm chính được nuôi sống (Số 45).
Cũng thế, 70 năm sau, Đức Giáo hoàng Gioan XXIII đã đưa ra quan điểm tương tự trong thông điệp Mater et Magistra:
Không được xem việc lao động đơn thuần là một thứ hàng hóa, nhưng là một hoạt động đặc biệt của con người… Tiền thù lao phải được xác định bởi luật công bằng và bình đẳng. Bấy kỳ một trình tự nào khác đều là một sự vi phạm công bằng rõ ràng, ngay cả khi cho rằng hợp đồng lao động đã được cả hai bên tự do ký kết” (Số 18).
Bởi vì lao động là cách thế chúng ta thể hiện mình trong tư cách một ngôi vị, nó không thể bị đối xử đơn giản như là một thứ hàng hóa, ngay cả khi chúng ta chấp thuận các điều khoản dưới vị thế thương lượng bất bình đẳng, một đặc trưng của đàm phán lao động.