Get Adobe Flash player

Tìm Kiếm

Đăng nhập

Thứ ba, 10 Tháng 9 2013 18:53

Có Thiên Chúa không?

Posted by 
Rate this item
(0 votes)
  Có Thiên Chúa không?

Đi đạo là để thể hiện lòng hiếu với Trời, nhưng thực có Ông Trời không?
1. Chủ trương của thuyết vô thần

- Không có Ông Trời thần thiêng nào hết, chỉ có vũ trụ vật chất tự nhiên như giác quan ta nhận thấy trực tiếp.

- Vũ trụ vật chất ấy tự tồn tại vĩnh hằng và tiến hóa không ngừng sinh ra muôn loài muôn vật.

- Vậy đâu là sự thật? Muốn biết sự thật đó, ta cùng tìm hiểu quan điểm của các nhà khoa học. Vì lời nói của họ có thế giá ta dễ chấp nhận.

2. Cái nhìn của khoa học

- Theo các nhà khoa học, vũ trụ như ta thấy hiện nay đã có lúc bắt đầu và sẽ có ngày tận số. Người ta còn có thể ước tính được tuổi của các thiên thể trong vũ trụ.

- Theo thiên văn học, trái đất và các hành tinh quay chung quanh mặt trời được hình thành do các mảnh vỡ của mặt trời văng ra và nguội dần. Mặt trời là một trong tỉ tỉ các ngôi sao định tinh nhiệt độ lên tới hàng triệu Co tự phát sáng. Có ngôi sao lớn gấp ngàn lần mặt trời. Tuy sáng nóng như vậy nhưng chúng đang nguội dần, người ta tính được ngày mà chúng sẽ tắt sáng. Dựa theo các phương pháp khoa học ngày nay, người ta có thể ước tính được tuổi các thiên thể, tuổi của trái đất, và tuổi của cả các hạt vi mô là những viên gạch xây nên vũ trụ (khoảng trên dưới 5 tỷ năm). Lý thuyết về vụ nổ lớn (Big bang) của nhà bác học Lemaitre hiện vẫn được các nhà thiên văn tán đồng. Theo đó toàn thể vũ trụ vật chất này gồm hàng tỷ thiên hà, một thiên hà lại gồm hàng tỷ ngôi sao, trước đây hơn 5 tỷ năm đã xuất phát từ một khối vật chất có tỷ khối vô cùng đặc, nổ tung với phản ứng dây truyền (tựa như bom hạt nhân). Các mảnh vỡ văng ra chuyển động bởi vận tốc vô cùng lớn, xoáy thành hình chôn ốc, tạo thành vũ trụ các thiên thể hiện vẫn đang trên đường rời xa nhau. Vũ trụ ngày càng dãn nở. Tính tốc độ dãn nở này ngược lại dòng thời gian, ta gặp tới lúc bắt đầu của nó. Do đó, vũ trụ vật chất này không thể tự tồn tại vĩnh hằng được. Một thực tại tự có và vĩnh hằng thì không có lúc bắt đầu, không có lúc kết thúc.


- Vậy vũ trụ phải có lúc bắt đầu. Nó không tự hữu, phải có nguyên nhân tác thành nên nó. Xét theo nguyên tắc nhân quả: có hiệu quả bắt buộc phải có nguyên nhân tác thành nên nó.

- Từ nguyên lý nhân quả (có hiệu quả tất phải có nguyên nhân) ta suy biết chắc chắn phải có Ông Trời (Thiên Chúa) tạo dựng và quan phòng điều khiển vũ trụ. Ví dụ:


+ Nhìn thấy một bức tranh sơn thủy đẹp (vẽ cảnh vật núi non sông nước) ta khẳng định phải có tác giả họa sỹ vẽ ra chứ không thể ngẫu nhiên mà có. Tuy chỉ là một bức tranh mô tả sông núi mà còn phải có người làm ra, phương chi chính thực tế núi sông trời biển càng phải có Đấng tạo thành. Đúng như câu ca dao: “Núi kia ai đắp mà cao, sông kia bể nọ ai đào mà sâu”.

+ Dẫn chứng của Đức Cha Fénelon về chiếc đồng hồ: có một cậu giúp lễ đi dạo cùng Đức Cha, khi cậu nhìn lên trời và hỏi ngài, thưa Đức Cha vũ trụ này bởi đâu mà có? Đức Cha vờ như không nghe tiếng, rồi Ngài đưa tay ra cho câu xem chiếc đồng hồ và nói: Cha có chiếc đồng hồ rất đẹp đây. Cậu bé trầm trồ khen ngợi và hỏi: ai làm ra chiếc đồng hồ đó, thưa Cha; Đức Cha trả lời, tự nhiên nó có đấy! cậu bé không tin và quả quyết phải có người tài giỏi làm ra nó mới có. Khi đó Đức Cha mới bảo: nhìn thấy chiếc đồng hồ đeo tay vận hành nhịp nhàng chính xác, ta quyết chắc có người thợ làm ra nó. Còn vũ trụ thì vô cùng to lớn (chiều kích phải tính bằng đơn vị năm ánh sáng. Tốc độ của ánh sáng là 300 000 km/g, thì một năm ánh sáng đi được 365 ngày x 24 giờ x 60 phút x 60 giây x 300 000 km/gy = 3.460.800.000.000km tức gần ba ngàn năm trăm tỷ km. Như vậy vũ trụ vô cùng to lớn). Cụ thể so sánh với các thiên thể khác trong vũ trụ thì trái đất chỉ như hạt cát trong sa mạc. Nhìn lên mặt trời ta thấy nó chỉ to bằng cái đĩa; nhưng nếu đem so sánh kích thước mặt trời với trái đất, thì nếu mặt trời to bằng cái nong phơi lúa, trái đất sẽ chỉ nhỏ bằng hạt đậu mà thôi. Vậy mà vũ trụ này vận hành như chiếc đồng hồ khổng lồ vô cùng chính xác (tới mức độ các nhà thiên văn có thể tính lịch trước hàng vạn năm không sai một phút), cụ thể biết được nhật thực hay nguyệt thực trước và cho biết thời gian chính xác nó sẽ xẩy ra. Ta khẳng định chắc chắn phải có một vị Thiên Chúa vô cùng quyền phép tạo dựng nên nó. Sự hiện hữu của vũ trụ là sứ điệp không lời nói lên cho ta thấy có Đấng Tạo Hoá vô cùng quyền phép. Đấng ấy chính là Thiên Chúa, đúng như lời Tv19,2-5:

“Trời xanh tường thuật vinh quang Thiên Chúa,
không trung loan báo việc tay Người làm.
Ngày qua mách bảo cho ngày tới,
đêm này kể lại với đêm kia.
Chẳng một lời một lẽ, chẳng nghe thấy âm thanh
mà tiếng vang đã dội khắp hoàn cầu
và thông điệp loan đi tới chân trời góc biểu”.

Tóm lại,theo nguyên lý nhân quả (có hiệu quả thì phải có nguyên nhân), thì trái đất và vũ trụ không thể tự mình mà có được, mà phải có nguyên nhân tác thành nên nó. Nguyên nhân đó chính là Ông Trời (Thiên Chúa). Con người sinh ra ở đời có mẹ cha, mẹ cha thì do ông bà tổ tiên, tổ tiên phải do Thiên Chúa tác thành, không ai từ kẽ nẻ chui ra làm người.

- Còn nếu muôn loài muôn vật kể cả con người do vũ trụ vật chất tiến hóa mà thành, thì đầu hết vũ trụ vật chất ấy cũng phải do Thiên Chúa tạo thành và quy định luật tiến hóa cho nó.

- Nhưng nếu cái gì cũng phải theo nguyên lý nhân quả, thì Ông Trời cũng phải có người sinh ra? Vậy vấn đề đó giải quyết sao?

3. Bản tính Thiên Chúa

- Nếu đặt vấn đề như thế, chúng ta sẽ đặt Ông Trời (Thiên Chúa) đó ngang hàng với chúng ta và vũ trụ, vì cần phải có nguyên nhân tạo thành. Như thế thì không còn gọi là Thiên Chúa, vì Thiên Chúa phải tự mình mà có và sinh ra muôn loài muôn vật thì mới gọi là Thiên Chúa. Vũ trụ thì có khởi đầu còn Thiên Chúa là Đấng tự hữu, nghĩa là tự mình mà có.

Thí dụ : Một đoàn tàu lửa, toa sau phải do toa trước kéo, nhưng cái đầu máy tự nó vận hành để kéo các toa khác theo nó; nếu nó cũng phải có toa khác kéo thì không còn gọi là đầu máy nữa. Theo ngôn từ triết học, Thiên Chúa là Đấng Tự Hữu là nguyên nhân đệ nhất, nguyên nhân vô nguyên nhân. Như thế mới gọi là Thiên Chúa, Ngài là Đấng Tự Hữu, Hằng Hữu, vô thuỷ vô chung, không có khởi đầu và không có kết thúc. Ngài hiện hữu từ trước vô cùng và sẽ có mãi mãi vô cùng về sau và Ngài tác sinh tất cả các hữu thể khác.

4. Phẩm tính của Thiên Chúa

Nếu có Thiên Chúa thì tại sao không ai nhìn thấy được?


- Quan niệm con người thời xưa: Thiên Chúa ở trên trời, Người làm mưa, làm gió, sấm sét....v.v, không muốn cho con người nhìn thấy mình nên cho mây bao phủ che lấp đi, vì nếu ai nhìn thấy Ông Trời thì sẽ phải chết.


- Ngày nay khoa học tiến bộ đã nhận thấy có những thực thể không ai nhìn thấy được nhưng lại có thật, đó chính là những thực thể thiêng liêng vô hình. Ví dụ như “trí khôn và tình yêu” nơi con người chúng ta không ai nhìn thấy hay có thể cân đong đo đếm được, nhưng không vì thế mà nói rằng không có chúng. Ai cũng phải công nhận con người có trí khôn, cho dù không thấy được nó mà chỉ thấy được các việc làm cụ thể do trí khôn chỉ đạo. Câu chuyện dân gian cổ xưa về trí khôn con người, ngày nay vẫn còn được lấy làm bài tập đọc cho học sinh cấp I, cho ta một luận chứng thuyết phục về sự hiện hữu của trí khôn tuy ta không thấy được bằng mắt. Cũng vậy, ta không thể thấy tình yêu nơi con người to nhỏ thế nào, mầu sắc gì, mà chỉ thấy những việc làm thể hiện tình yêu đó mà thôi. Tuỳ theo cách thức thể hiện mà ta có thể biết được mức độ của tình yêu.


- Thiên Chúa thuộc thực thể thiêng liêng vô hình cũng như thế. Dù ta không thấy, không nắm bắt được nhưng thực sự là phải có Thiên Chúa và từ Ngài phát sinh các thực thể khác.

- Mặt khác, có những điều thực tế mà khả năng suy luận của con người còn cho biết chân lý chắc chắn hơn cả mắt nhìn thấy. Thí dụ: ta chọc một cây gậy vào bể nước trong suốt, mắt ta nhìn thấy cây gậy bị gãy ở mặt nước, nhưng trí khôn ta suy luận bảo rằng cây gậy không bị gẫy đâu mà vẫn thẳng. Vậy ta thử hỏi trong trường hợp này mắt thấy có cho ta biết sự thật hơn dùng lý trí suy luận không ? Do đó,lý trí ta suy luận phải có Thiên Chúa thì còn chắc thực hơn là nếu mắt nhìn thấy.

Kết luận

Như vậy, khi nhìn xem vũ trụ và muôn loài muôn vật ta phải quả quyết một cách chắc chắn rằng có Thiên Chúa Tạo dựng muôn vật và Ngài vô cùng quyền phép tài tình mới có thể an bài và sắp đặt chúng cách kỳ diệu như thế. Ngài là cội nguồn của ta, ta phải có tâm tình hiếu kính đối với Ngài, thể hiện tâm tình tôn giáo ngưỡng mộ đối với Ngài, suy phục quyền phép của Ngài với tâm tình biết ơn.

Gợi ý cầu nguyện với Thiên Chúa: cảm tạ vì Ngài quan phòng săn sóc ta, ca ngợi vì công trình tạo dựng hùng vĩ, xin ơn cho được biết và tin mến Ngài.

Nên tham dự những chuyến du lịch sinh thái, nhìn ngắm những cảnh đẹp thiên nhiên, để nâng cao tâm hồn. Hãy nhìn xem biển rộn sông dài, núi cao sẽ thấy Thiên Chúa hiện diện.

(Trích tài liệu GLDT của Đức Cha Gioan Maria Vũ Tất)

Read 1679 times Last modified on Thứ tư, 11 Tháng 9 2013 16:28