Â
Người đọc sách thánh trong thánh lễ
Người đọc Sách Thánh hay còn được gọi là độc viên Sách Thánh là người thi hành tác vụ công bố Lời Chúa (qua các Bài đọc) trong Thánh lễ.
Đây là một ơn gọi được Thiên Chúa kêu mời dành cho những người có tố chất và khả năng nói - đọc trước công chúng để họ trở thành tác viên phụng vụ trong chức năng công bố Lời Chúa. Họ có sứ mạng làm cho Thiên chúa hiện diện đối với cộng đoàn trong phần Phụng vụ Lời Chúa. Họ có thể là người lãnh tác vụ đọc sách hoặc là người đã được chọn lựa, huấn luyện và chỉ định làm độc viên Sách Thánh. Họ thuộc về một đội hay một nhóm những người chuyên đọc Sách Thánh của cộng đoàn hay giáo xứ, chứ không phải bị chỉ định đột xuất.[1]
1] Những đòi hỏi và chuẩn bị công bố Lời Chúa
Vì là người công bố và chuyển đạt Lời Chúa cho cộng đồng tín hữu, cho nên ngoài thái độ cung kính và cách ăn vận, phục sức đứng đắn chỉnh tề, độc viên còn phải thấu hiểu Bài đọc và có khả năng truyền thông Lời Chúa.[2]
Để có thể hoàn thành chức năng của mình một cách hoàn hảo và thích hợp, độc viên cần:
• Rèn luyện kỹ năng đọc trước công chúng.
• Siêng năng suy niệm Lời Chúa.
• Chuẩn bị trước để thấu hiểu và cảm nhận được Bài đọc.
• Ý thức và hiểu biết về tác vụ đảm nhận và tầm quan trọng của tác vụ này.
• Nỗ lực tận dụng mọi phương thế để ngày càng gia tăng sự hiểu biết và lòng mến yêu Sách Thánh.[3]
Dựa theo tiêu chuẩn là nên công bố Sách Thánh “một cách thông minh, truyền cảm và thẩm mỹ”, sau đây là những đòi hỏi cụ thể liên quan đến việc đọc Sách Thánh:[4]
• Giọng nói phù hợp với từng loại bản văn.
• Phát âm chính xác và rõ ràng.
• Công bố một cách thông minh như đọc theo nhóm từ, tốc độ vừa phải, dừng đúng chỗ…
• Lên giọng và xuống giọng cũng như thay đổi nhịp độ tùy chỗ nhằm làm rõ hơn ý nghĩa của bản văn, ví dụ như phân biệt giữa câu hỏi và lời khuyên răn, lời khiển trách, giữa tiếng kêu la xin xót thương và lời ban tặng…; phân biệt giữa các thể loại văn chương của Bài đọc như câu truyện, thư tín hay thi ca.
• Biết nghệ thuật nói với thính giả chứ không phải nói đến họ, biết tiếp xúc bằng mắt với thính giả ở những chỗ cần thiết, nhất là khi bắt đầu (Lời Chúa trong sách...) và lúc kết thúc Bài đọc (Đó là Lời Chúa).
• Thính giả có thể dễ dàng nghe được.
• Trước khi công bố, cố gắng để hiểu rõ bản văn.
• Thực tập trước đó vài lần.
• Công bố với sự xác tín và cảm nhận để Lời Chúa đến được trái tim của người nghe.
• Nếu có thể, luyện khả năng ca hát.
• Thực tập việc sử dụng hệ thống khuyếch đại âm thanh.
• Xem xét lại sau mỗi lần công bố một cách có phê phán và với tinh thần cầu tiến.
• Nhiệm vụ của người đọc sách là công bố ý nghĩa của sứ điệp thánh theo khả năng tốt nhất của mình.
• Phải tránh lôi kéo người ta hướng về mình hoặc bởi quần áo hoặc bởi cách thức thi hành của mình như mọi hình thức diễn kịch: diễn xuất ra khuôn mặt, ra cử điệu, hay thay đổi giọng theo từng nhân vật khác nhau…
Việc chuẩn bị kỹ càng của độc viên trước khi công bố sẽ làm cho Lời Chúa trở nên hấp dẫn và ý nghĩa hơn cho cộng đoàn phụng vụ và giúp họ thu được nhiều lợi ích từ đó. Độc viên không những cần chuẩn bị công bố mà còn phải chuẩn bị về mặt thiêng liêng: [5]
• Bắt đầu bằng việc cầu nguyện với Chúa Thánh Thần để xin được trở thành khí cụ khiêm tốn trong bàn tay của Chúa và cảm nghiệm sự hiện diện của Chúa.
• Đọc bản văn Sách Thánh lớn tiếng, chậm rãi.
• Đọc bản văn nhiều lần, nghiên cứu bản văn với sự trợ giúp của các chú giải Kinh Thánh.
• Đọc những đoạn liền trước và liền sau bản văn sẽ công bố để hiểu rõ hơn bối cảnh lịch sử và mục đích của tác giả.
• Cầu nguyện với bản văn Sách Thánh trong những ngày trước khi công bố để xin Chúa nói với bản thân qua bản văn.
2] Cách thế thi hành nhiệm vụ
• Di chuyển đến giảng đài một cách không vội vã chỉ sau khi vị chủ tế kết thúc lời tổng nguyện hoặc ít là khi ngài bắt đầu đọc câu kết “Chúng con cầu xin…”
• Khi đến giảng đài, đứng thẳng người và giữ đầu cho ngay, chỉnh micro phù hợp với tầm thước của mình (để không kiễng chân lên hay cúi mặt xuống quá khi đọc), dừng và chờ cho toàn thể cộng đoàn ngồi xuống, nhìn vào cộng đoàn và chờ thêm vài giây nữa để lôi kéo sự chú ý của họ về phía giảng đài rồi mới bắt đầu công bố.
• Hai bàn tay cầm sách như muốn ôm lấy cuốn sách, hoặc có thể để sách trên giảng đài.
• Không bao giờ được bắt đầu bằng câu “Bài đọc I” hay “Bài đọc II”, cũng không đọc những câu được trích từ bản văn hay tóm tắt bản văn sắp công bố.[6]
• Sau khi đọc câu “Lời Chúa trong sách…” thì dừng laị vài giây rồi mới đọc chính bản văn Sách Thánh.
• Kết thúc Bài đọc, dừng lại vài giây rồi mới cất tiếng nói “Đó là Lời Chúa”. Đợi cho cộng đoàn đáp lại “Tạ ơn Chúa” xong thì mới di chuyển về lại chỗ ngồi. Một người khác có thể thay thế đọc hay hát “Đó là Lời Chúa”.
• Người đọc Bài đọc I có thể đọc hay hát Thánh vịnh Đáp ca luôn. Thế nhưng, trừ khi thiếu nhân sự trầm trọng, hãy dành việc hát hay đọc Thánh vịnh Đáp ca cho một người khác thì tốt hơn. Người đọc Bài đọc I có thể đọc Bài đọc II chứ không đọc hay hát Thánh vịnh Đáp ca. Tốt hơn nữa, dành Bài đọc II cho một người thứ III công bố.[7]
• Đến và rời giảng đài, độc viên nên cúi chào bàn thờ.
• Cách nói rõ ràng, dễ nghe và thông minh là phương thế đầu tiên để truyền thông Lời Chúa đến cho cộng đoàn.
• Nếu có hát Lời Chúa, phải tôn trọng vần điệu và sự tinh túy của ngôn ngữ cũng như nêu bật ý nghĩa của Lời Chúa chứ không làm cộng đoàn khó nghe khó hiểu Lời.[8]
3] Chỗ ngồi
Tại số 101, Quy chế Tổng quát Sách lễ Rôma có nói đến trường hợp vắng thầy đọc sách thì giáo dân khác có thể được ủy nhiệm để công bố Bài đọc Lời Chúa. Tuy nhiên, phải chú ý rằng chức năng thay thế ở đây chỉ quy chiếu đến việc công bố Bài đọc chứ không phải các chức năng khác. Các chức năng khác của thầy đọc sách hay thầy giúp lễ khi tham gia vào cử hành phụng vụ khiến cho họ nên ngồi trong cung thánh. Còn một giáo dân, nếu chỉ có nhiệm vụ lên đọc Sách Thánh thì nên ngồi ở hàng ghế bên ngoài cung thánh, càng gần cung thánh bao nhiêu càng tốt bấy nhiêu, và đi lên giảng đài đọc Sách Thánh từ đó.[9] Nhưng giả sử họ được sắp xếp ngồi trong cung thánh cũng chẳng sao bằng cách đi theo đoàn rước nhập lễ cùng với chủ tế và các tác viên phụng vụ khác rồi ngồi trong cung thánh luôn cho tới khi hoàn thành chức năng công bố Lời Chúa. Họ không nên ngồi nơi quá xa hoặc bị che khuất hầu có thể dễ dàng quan sát các cử hành diễn ra trên cung thánh và di chuyển mau chóng đến giảng đài để thi hành nhiệm vụ.[10]
4] Y phục
Y phục cho thừa tác viên đọc Sách Thánh có thể là áo alba (trắng dài), thường phục xứng đáng hay tu phục của các dòng tu (nếu là tu sĩ) nhằm mục đích vừa diễn tả chức vụ của thừa tác viên vừa diễn tả lòng tôn kính và trang trọng của nghi lễ thánh.[11]
----------------------------------------
[1] Xc. Lucien Deiss, It’s the Lord’ Supper: The Eucharist of Christians (Collins Liturgical, 1986), 126-127.
[2] Xc. "Giáo dân với các thừa tác vụ" trong Hợp Tuyển Thần Học số 34, Năm thứ XII (2002).
[3] Xc. Elliott, Ceremonies of the Modern Roman Rite (San Francisco: Ignatius Press, 2004), 176.
[4] Xc. Quy chế Tổng quát Sách lễ Rôma (=QCSL), số 38; Vinh sơn Nguyễn Thế Thủ, Huấn luyện Thừa tác viên công bố Lời Chúa (TP.HCM: ĐCV thánh Giuse, 2006), 74; Rev. Fr. S. Joseph Lionel, Speak O Lord (Bangalore: Asian Trading Corporation, 2006), 67-70. .
[5] Xc. James A. Wallace, The Ministry of Lector (Minnesota: Liturgical Press, 2004), 27; Rev. Fr. S. Joseph Lionel, Speak O Lord (Bangalore: Asian Trading Corporation, 2006), 61-64.
[6] Notitiae 14 (1978) 303, no. 5.
[7] Xc. QCSL 109; Dẫn nhập Sách Bài đọc trong Thánh lễ (= BĐ), số 52; J. Leben, Để Sống Phụng vụ (Edition du Cerf, 1986), 96.
[8] BĐ 14.
[9] Trước đây, phần Dẫn nhập Sách lễ Romna năm 1969 không cho phép người nữ vào cung thánh cho nên phụ nữ không thể đọc Sách Thánh từ giảng đài (số 66). Nhưng đến năm 1970 thì Huấn thị đã thay đổi khi để cho Hội đồng Giám mục tùy nghi quyết định vấn đề này. Sách lễ ấn bản lần thứ II (năm 1975) và ấn bản lần III (2002) không còn phân biệt nam nữ trong tác vụ đọc các Bài đọc Sách Thánh nữa.
[10] Xc. QCSL 310.
[11] Xc. QCSL 336; 335; Sách Lễ nghi Giám mục, số 65.
Lm. Giuse Phạm Đình Ái,sss
giaolyductin.net
Published inGiúp nhau sống đạo
Tagged under