Con bé Minh Xuân toét mắt, thò lò mũi xanh ngày nào, hôm nay đẹp quá. Nó đẹp không phải vì suối tóc mây óng ả, chẳng phải vì cặp gò má phơn phớt hồng, cũng không phải vì đôi môi mọng đỏ như trái hồng đào cắt đôi, cũng không vì đôi mắt sáng long lanh, xanh biêng biếc, cặp kính cận 2,5 diop chẳng những không ảnh hưởng tới nhan sắc của nó mà còn có vẻ như tôn tạo nó thành người chững chạc, trí thức, có học. Nó đẹp, đơn giản vì nó vừa đến độ tuổi thanh xuân chín tới, trời cho như vậy, Chúa ban cho như vậy. Nó lại còn lộng lẫy vì hôm nay nó là cô dâu. Lúc cha chú rể cùng với mẹ cô dâu dẫn con đi chào bàn, chị Thùy mẹ nó hoan hỉ tới gần chỗ gã, nói với đôi trẻ cho mọi người nghe:
-Hai con chào ông ngoại đi. Không có ông, các con chẳng có ngày hôm nay đâu.
Thật ra giữa gã và mẹ con cô dâu không có chút máu mủ họ hàng nào. Gã pha trò:
-Thời nay, người Việt Nam mình ai cũng sính đồ ngoại. Trong khi lão, đồ nội 100%. Đương nhiên lão không là ông nội, cũng chẳng là ông ngoại. Ngại quá, ngại quá! Hay là cứ gọi lão là ông ngại được rồi… Con bé Minh Xuân được như hôm nay, lão mừng lắm. Mừng cho cháu Minh Xuân, cho hai cháu, cho hai họ và mừng riêng cho chị Thùy nữa.
Ồ nhưng mà, tại sao chị ấy lại nói: “không có ông, các con chẳng có ngày hôm nay đâu”? Gã chẳng cần nhớ lại, chẳng cần lục lọi ký ức, quá khứ cũng ào ạt hiện về.
Ngày ấy, lâu rồi, có đến hơn hai mươi năm, chị Thùy khóc vật vã như chưa bao giờ được khóc. Chị quỳ sụp xuống sàn nhà, ôm chân gã:
-Chú ơi! Con chết mất!
-Sao cơ? Ngồi lên, ngồi lên nào. Uống hớp nước đi. Bình tĩnh, bình tĩnh nào!
Gã đỡ chị dậy, rót cho chị cốc nước chè tươi:
-Sao nào, thế nào nào?
Chị Thùy lau nước mắt, vừa nấc vừa kể:
“Rằm tháng bảy ta là rằm lớn, lễ vu lan, ngày xá tội vong nhân, mùa báo hiếu phải không ạ? Mẹ con vẫn bảo: “Đi lễ cả năm không bằng ngày Rằm tháng Bảy”. Tro cốt mẹ con gởi nhà chùa. Con đi chùa thắp cho linh hồn mẹ con nén nhang, chú ạ! Lúc về, ông thầy bói ngồi ở lề đường, ngay cổng chùa vồ vập:
-Cô mới bị chồng bỏ phải không?
Khi đó gia đình con tan vỡ gần nửa năm trời. Con kinh ngạc:
-Sao thầy biết ạ?
-Đến đôi guốc, đôi dép còn có số má, nói chi con người? Để tôi gieo cho cô một quẻ. Tiền nhang đèn nhiêu nên nhiêu, dăm ba chục ngàn thôi.
Ông bảo con đặt tiền, gieo sấp ngửa âm dương, rồi xin xăm. Sau khi tra hỏi con kỹ lưỡng, lục lạo hết kinh này, quyển kia, ông kết luận:
-Tôi biết trước rồi, mà cũng như cô mới nói ra đó, cha cô trúng gió, anh chị em của cô, người thì gặp tai nạn, người thì bị tai biến, toàn chết bất đắc kỳ tử. Để coi, để coi, âm khí trên đầu trên trán cô nặng nề lắm, khuôn mặt cô u ám quá, tôi e rằng cô cũng chẳng hơn gì, cũng bất đắc kỳ tử thôi, khó lòng qua được con trăng này, cùng lắm con trăng nữa… Cô nói sao cơ? Muốn giải hạn này ấy à? Phải lập đàn cúng sao, để tôi chủ sự cho. Nhưng mà… Ui cha! Tốn kém đấy, không đùa được đâu.
Ông bấm đốt ngón tay, miệng lẩm bẩm:
– Trọn gói, hà tiện hết cỡ, rẻ nhất cũng phải hai mươi triệu, chỉ hai mươi triệu đồng thôi.
Con năn nỉ ỉ ôi:
-Đồng lương của con chưa bao giờ vượt qua mức một triệu một tháng, ông thầy bớt đi chút ít được không?
-Đâu có mặc cả, trả giá được. Mặc cả, trả giá, kì kèo bớt một thêm hai là bất kính, là vô lễ, xúc phạm tới quỷ thần, nghe không?”
*
Nghe chị Thùy kể, uất ức dâng lên làm gã nghẹn họng muốn ngộp thở. Gã lắp bắp trong bụng: “Quân sát nhân, thằng quỷ dữ! Hắn làm như hắn nắm quyền sinh tử trong tay, biết được, nắm trong tay ngày giờ sống chết của một con người. Trong khi quyền ấy ở trong tay Chúa. Mà cho dù hắn biết được ý trời chăng nữa hắn cũng không được quyền quên câu: “Thiên cơ bất khả lậu”. Vả lại đã là con người, hắn đâu được phép gieo tuyệt vọng vào lòng người phụ nữ đang nuôi con nhỏ này, để làm tiền…”
Gã quay sang chị Thùy:
-Chị có đồng ý để tôi coi cho chị một quẻ và giải hạn cho chị không?
Chị Thùy mừng như cha chết sống lại:
-Chú làm được ư? Hết bao nhiêu triệu hả chú?
Gã nghiêm nét mặt:
-Chị biết tôi là người Công giáo. Tôi sẽ xin một thánh lễ, xin Chúa ban cho cho hai mẹ con được hồn an xác mạnh. Nhưng chuyện thần thánh phải có lòng tin, phải trang nghiêm, không đùa giỡn được, bản thân chị cũng phải xin Ơn Trên phù giúp. Tôi sẽ nhận tiền của chị, năm trăm ngàn đồng thôi.
Gã nghĩ bụng: “Mình sẽ tìm cách gởi lại, bó buộc chị ta mua cái gì bồi bổ vì chị ta gầy yếu xanh xao quá.”
Rồi đóng vai một ông thầy bói, gã oang oang:
-Chị xòe bàn tay ra. Á đông mình thì nam tả nữ hữu, giai tay trái, gái tay mặt. Nhưng bên Tây bên U thì thuận tay nào tay đó là thiên mệnh, tay kia là nhân mệnh. Để coi, tay chị đầy đặn, dầy dặn lắm, nhiều thịt. Chị có số trường thọ. Gò thái dương sáng sủa thế này, thung lũng mặt trăng rõ ràng thế kia, các gò rãnh kim mộc thủy hỏa thổ đều tốt, các đường chỉ tay: Đường tình duyên hơi ngắn lại đứt quãng, không tốt lắm, chuyện vợ chồng phải biết nhường nhịn, có khi phải nhẫn nhục mới tránh được đổ vỡ. Còn đường sinh mệnh, đường học vấn, đường định mệnh, đường tử tức… đều tuyệt, siêu, rất… super. Tôi lấy cái đầu tôi cam đoan: chị có bị búa tạ đập cũng không chết, có nằm trên quốc lộ cả ngày xe cộ cũng không đụng đến… Ồ nhưng mà chị cũng vẫn phải tích đức đấy nhé! Đức thắng mệnh mà. Cụ thể chị làm cho tôi một việc, dễ thôi: hôm nay ở đây về, chị sắp xếp lại quần áo, giầy dép, sách vở. Món đồ nào đã mấy năm không dùng tới thì chị đem cho đi, cho người nghèo khó hoặc người thua kém mình, người mà mình từng ghét bấy lâu nay càng tốt, được không? Vừa rộng tủ, rộng nhà; vừa gom công góp đức.
Chị Thùy mừng tíu tít:
-Thật vậy hả chú? Chú đoán trúng được bao nhiêu phần trăm?
-Một trăm phần trăm. Nếu chị không tin, tôi xổ cho chị một quẻ bói Chu Dịch.
-Thôi, chú ạ! Con tin chú. Nhưng con sợ…
Chị nức nở:
-Con tin sinh tử có số. Nhưng con chỉ thương con gái con. Con sợ nếu con có bề nào, con bé Minh Xuân mới hai tuổi đầu sẽ ra sao, nương tựa vào đâu khi nó không còn một ai thân thiết trên cõi đời này?
Chị mở cái bọc ni lông đen ra:
-Con thú thật với chú: Đây là mấy ống thuốc diệt chuột Trung Quốc, không mùi không vị, con mới mua. Tối nay con sẽ đổ cho con bé Minh Xuân uống, xong rồi đến phần con…
Gã trừng trừng nhìn vào mấy ống thuốc, hai con mắt chữ o tròn nhưng mặt miệng méo xệch:
-Trời ơi! Đến nước này rồi sao? Chị ngốc nghếch đến thế sao? Chỉ chút xíu nữa thôi, chị trở thành một tên sát nhân, một con mụ giết người, lại giết đứa con mình cưu mang chín tháng mười ngày, mới rứt ruột đẻ ra, lại còn mấy năm bú mớm. Đưa mớ thuốc ấy cho tôi, và phải cam kết cố sống mà nuôi con, nghe không?
Còn chị Thùy ôm mặt, khóc rống:
-Vâng, con biết con có tội rồi. Chú ơi! Cứu con với.
*
Trên sân khấu, dàn nhạc đang hòa tấu thật nhẹ bài Ave Maria của Schubert. Chị Thùy đưa cho con rể ly rượu:
-Hai con chúc mừng ông ngoại đi. Hôm nào rảnh, mẹ dẫn các con đến thăm ông, nhờ ông coi cho hai con một quẻ, xem tương lai hậu vận thế nào. Đối với mẹ, ông là nhà tướng số vĩ đại nhất, tuyệt vời nhất, uyên áo nhất trên thế gian này, ông nhỉ?
Gã uống cạn ly rượu:
-Tôi nói thật nhá! Tôi chưa bao giờ coi tướng số cho ai cả. Ngày trước, tôi coi cho chị, chẳng qua tôi muốn giúp chị thoát khỏi cái bóng đè của tay thầy bói bất nhân ấy, và tôi muốn giúp chị vượt qua cơn khủng hoảng tâm linh tồi tệ lúc bấy giờ mà thôi. Hôm ấy, tôi chỉ là gã thầy bói bất đắc dĩ thôi.
Gã quay sang nói với cô dâu chú rể:
-Ngày cưới của hai con mà ông giảng moral thì chán chết, phải không? Nhưng ông bảo hai con này: Đừng tin vào bói toán, hãy tin vào bàn tay và khối óc của chính mình. Hãy nhớ: “Đời ta là do ta xây dựng”. Và hãy: “Nỗ lực rồi cậy trông”, các con ạ!
Ngu Lao Nhan