Get Adobe Flash player

Tìm Kiếm

Đăng nhập

Chủ nhật, 22 Tháng 11 2020 11:33

Chăm bẳm linh hồn

Posted by 
Rate this item
(0 votes)
   CHĂM BẴM LINH HỒN

“Chính Ta săn sóc đoàn chiên của Ta”.

Kính thưa Anh Chị em,

Hôm nay, Chúa Nhật cuối cùng của năm phụng vụ, Hội Thánh mừng kính trọng thể Chúa Kitô, Vua Vũ Trụ. Lời Chúa mời gọi chúng ta chiêm ngắm Chúa Giêsu, Vua Mục Tử, Đấng chăn dắt đoàn chiên mình; nhưng cũng thật thú vị, Ngài còn là một Mục Tử công minh ‘chăm bẵm linh hồn’ từng con chiên, sao cho nó được hưởng sự sống đời đời trong ngày Chúa quang lâm vốn cũng là ý nghĩa của Mùa Vọng mà Hội Thánh sẽ khai mạc một năm phụng vụ mới vào Chúa Nhật tới.

Bài đọc Êzêkiel hôm nay cho thấy hình ảnh Chúa Giêsu, vị Vua Mục Tử chăn dắt mỗi người chúng ta, “Chính Ta sẽ chăn dắt các chiên Ta, chính Ta sẽ cho chúng nằm nghỉ”. Như một người cha yêu thương, Chúa Giêsu dẫn dắt chúng ta một cách cá nhân; Ngài muốn bước vào cuộc sống mỗi người cách riêng lẻ, mật thiết và thận trọng. Khi ‘chăm bẵm linh hồn’ mỗi người, Ngài không bao giờ áp đặt nhưng luôn hiến dâng chính mình để đi tìm nó, “Ta sẽ tìm con chiên đã mất, sẽ đem con chiên lạc về, sẽ băng bó con chiên bị thương tích, sẽ lo chữa con chiên bị ốm đau, con nào mập béo, Ta sẽ chăm sóc, và sẽ chăn dắt nó trong sự công chính”. Vậy mà đang khi Chúa Giêsu muốn chăn dắt chúng ta trong mọi khía cạnh cuộc sống và trong mọi sự thì chúng ta lại rất dễ từ chối vương quyền của Ngài; Ngài muốn làm chủ tuyệt đối linh hồn mỗi người, Ngài muốn chúng ta đến với Ngài và luôn tòng thuộc Ngài. Thế nhưng, Chúa Giêsu sẽ không áp đặt vương quyền này, nhưng chỉ chờ đợi chúng ta chấp nhận Ngài một cách tự do và không dè giữ; Vua Giêsu sẽ chỉ cai quản cuộc sống chúng ta nếu chúng ta tự do phó mình cho Ngài. Một khi điều đó xảy ra, vương quốc của Ngài bắt đầu được thiết lập trong chúng ta, và thông qua chúng ta, vương quốc đó được thiết lập trên thế giới để Ngài cũng có thể ‘chăm bẵm linh hồn’ mọi người.

Vua Mục Tử đầy yêu thương đó còn là một Mục Tử công minh. Vì thế, tất cả cuộc đời của mỗi người, theo một nghĩa nào đó, là sự chuẩn bị cho cuộc phán xét mà chúng ta phải đối diện cuối đời với Ngài. Đó là khi chúng ta đến trước mặt Chúa, giải trình cho Ngài, Đấng ‘chăm bẵm linh hồn’ chúng ta về những gì chúng ta đã làm hoặc đã không làm. Bấy giờ, sẽ không có lời bào chữa nào được chấp nhận, cũng không có thêm ‘cơ hội thứ hai’. Vua Giêsu giàu lòng xót thương không có nghĩa là Ngài phớt lờ công lý. Trong thông điệp “Giàu Lòng Thương Xót”, 1980, Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II viết, “Lòng thương xót khác với công lý, nhưng không đối nghịch với nó”.

Vua Mục Tử bấy giờ, một cách rạch ròi, công minh tách chiên ra khỏi dê; chiên, Ngài cho đứng bên phải; dê, đứng bên trái. Những con chiên được cứu là những ai đã giúp đỡ tha nhân, những người thể hiện lòng thương xót, những người không quay lưng lại với một ai đó đang gặp khó khăn. Vua Mục Tử Giêsu không ca ngợi họ vì họ đã cầu nguyện nhiều cũng như vì những việc lành họ đã làm; tất nhiên, cầu nguyện và làm điều lành là quan trọng, nhưng ngần ấy, vẫn không đủ. Vua Mục Tử muốn tình yêu của chúng ta dành cho Ngài phải được phản ánh trong tình yêu chúng ta dành cho người khác. Thật kỳ lạ, nhiều người trong số được cứu sẽ không nhận ra rằng, chính khi giúp đỡ những người khác là họ giúp đỡ chính Ngài, “Vì xưa Ta đói, các ngươi cho ăn; Ta khát, các ngươi đã cho uống; Ta là khách lạ, các ngươi đã tiếp rước; Ta mình trần, các ngươi đã cho mặc; Ta đau yếu các ngươi đã viếng thăm; Ta bị tù đày, các ngươi đã đến với Ta”.

Thật đáng sợ khi nghĩ rằng những người đứng bên trái, những kẻ sẽ hư mất, không nhất thiết phải là ‘người xấu’. Trong dụ ngôn hôm nay, Chúa Giêsu không trách cứ họ đã làm những điều gian ác; không, Ngài cũng không cáo buộc họ phạm tội này, tội kia. Đúng hơn, Ngài sẽ xét xử họ về tội thiếu sót, vì những điều họ đã không làm, “Hỡi phường bị chúc dữ, hãy lui khỏi mặt Ta mà vào lửa muôn đời đã đốt sẵn cho ma quỷ và kẻ theo chúng. Vì xưa Ta đói, các ngươi không cho ăn; Ta khát, các ngươi không cho uống; Ta là khách lạ, các ngươi chẳng tiếp rước; Ta mình trần, các ngươi không cho đồ mặc; Ta đau yếu và ở tù, các ngươi đâu có viếng thăm Ta!”. Khi nói điều đó, Đấng ‘chăm bẵm linh hồn’ mỗi người sẽ thất vọng ngần nào.

Chi tiết đẹp nhất và cảm động nhất ở đây là Vua Mục Tử Giêsu đã đồng nhất chính Ngài với người bé mọn nhất, người nghèo nhất, “Những gì các ngươi đã không làm cho một trong các anh em bé mọn nhất của Ta đây, là các ngươi đã không làm cho chính Ta”. Bằng cách thể hiện mối liên hệ mật thiết với những con người dễ bị tổn thương nhất, Ngài cho thấy Ngài trân trọng và yêu thương họ nhường nào; Ngài cho thấy phẩm giá vô hạn của họ với tư cách là những con người. Như vậy, khi phục vụ những con người bên lề xã hội đó, chúng ta phục vụ chính Chúa Giêsu; họ là người tội lỗi nhất, người yếu đuối nhất, bệnh tật nhất, người mất khả năng lao động, người đói và người vô gia cư, là tất cả những người có nhu cầu rõ rệt trong cuộc sống này. Chúa Giêsu đặc biệt ‘chăm bẵm linh hồn’ những con người bé mọn nhất đó.

Một phụ nữ trẻ xin hẹn gặp linh mục quản xứ của mình để trình bày hai điều mà cô cảm thấy như là tội lỗi đang ám ảnh khiến cô phải lo lắng. Trong phòng khách, cô ấy nói, “Thưa cha, con ý thức tội lỗi lớn nhất của đời con; đó là mỗi khi đến nhà thờ, con bắt đầu nhìn quanh và con nhận ra rằng, con là người đẹp nhất giữa các phụ nữ và sự kiêu ngạo nổi lên trong con; không ai có thể so sánh với vẻ đẹp của con. Con có thể làm gì với điều này nếu cứ như thế?”. Vị linh mục trả lời, “Này chị, đó không phải là một tội, tại sao đó chỉ là ‘một sai lầm!’”; và cô nói thêm, “Suốt đời con, con cũng không bao giờ bố thí cho ai một đồng, lý do là vì họ chỉ nhìn con với cái nhìn ghen tỵ”. “Đó không phải là sai lầm, nhưng đó đích thực là một tội”, vị linh mục nói.

Anh Chị em,

Chúa Giêsu không chỉ lo lắng cho chúng ta hôm nay được no thoả tựa đàn chiên trong đồng cỏ xanh tươi như lời Thánh Vịnh đáp ca diễn tả, “Chúa chăn nuôi tôi, tôi chẳng thiếu thốn chi”, nhưng Ngài còn lo lắng cho số phận đời đời của chúng ta, Ngài ước mong chúng ta sẽ là “Những người lành được vào cõi sống ngàn thu”. Bởi lẽ, lúc bấy giờ, Ngài là một Vua Mục Tử công minh vốn sẽ xét xử chúng ta bằng tiêu chí yêu thương mà mỗi người đã đối xử với anh chị em mình, Ngài đòi buộc chúng ta tôn trọng phẩm giá mỗi người và từng người; vì Ngài không chỉ ‘chăm bẵm linh hồn’ chúng ta nhưng còn ‘chăm bẵm linh hồn’ của những anh chị em dễ tổn thương nhất đó.

Chúng ta có thể cầu nguyện,

“Lạy Chúa, xin cho con luôn nhìn thấy Chúa đang ẩn tàng trong sự yếu đuối nhất của những con người yếu đuối, trong người nghèo nhất của những người nghèo và trong người tội lỗi nhất của những người tội lỗi. Xin cho con biết luôn tìm Chúa trong họ, đặc biệt là những người cần chúng con nhất vì Chúa không chỉ lo lắng cho họ được yêu thương nhưng Chúa còn ‘chăm bẵm linh hồn’ con cho phần rỗi đời đời của con”, Amen.

(Lm. Minh Anh, Tgp. Huế)

 

Read 519 times Last modified on Thứ ba, 24 Tháng 11 2020 08:12