Get Adobe Flash player

Tìm Kiếm

Đăng nhập

Thứ sáu, 10 Tháng 10 2014 20:14

Bài học làm người

Posted by 
Rate this item
(0 votes)
  Bài học làm người

Trong cuốn sách “Người Do Thái dạy con” có mẩu chuyện xảy ra từ thời thế chiến lần thứ hai, với nội dung như sau:

Chiến hạm Tatula của hải quân Đức cập bến cảng. Thiếu tá Leidel từ trên tàu lên bờ chuẩn bị tham gia một cuộc bán đấu giá, nhưng người bán không cho biết trước hàng hóa là gì. Vị thương gia chủ trì cuộc bán đấu giá hôm đó vốn là một nhà buôn khét tiếng về thủ đoạn lừa đảo. Ông ta rao bán đấu giá một chiếc thùng gỗ to, nhưng không cho biết trong đó chứa đựng thứ hàng gì. Khi cuộc đấu giá bắt đầu thì mọi người tham dự đều xì xào bán tín bán nghi. Nhiều người nghĩ rằng trong cái thùng kia chắc chắn là đựng toàn đá cuội.

Khi đó, duy chỉ có Leidel là không nghĩ như thế. Viên sĩ quan hải quân này vẫn trả một giá khá cao: 30 đô la. Với giá này, không ai tham dự dám đặt giá cao hơn. Thế là chiếc thùng gỗ thuộc về ông ta. Khi mở thùng ra xem, mọi người thấy rõ và đều đồng thanh ồ lên ngạc nhiên, vì trong đó có hai thùng rượu Whisky chính hiệu. Ngay lúc đó, nhiều con nghiện rượu muốn bỏ ngay ra 30 đô la để mua lấy một chai Whisky quý nhưng Leidel từ chối nói:

- Tôi sắp được điều đi làm ở nơi khác, cần dùng số rượu này để tổ chức một buổi tiệc liên hoan giã biệt bạn bè.

Thi hào Heinrich Heine biết tin này và đã tìm đến gặp Leidel. Ông nói với viên thiếu tá Leidel rằng: Nghe nói ngài có rượu Whisky rất quý. Tôi xin mua 6 chai, ngài lấy bao nhiêu tiền?

Ngay lúc đó, viên sĩ quan người Đức cự tuyệt, nhất định không bán. Nhà văn nổi tiếng nước Đức và thế giới bèn rút ra một nắm giấy bạc rồi nói:

- Hãy bán cho tôi 6 chai, ông lấy bao nhiêu tiền tôi cũng chấp nhận.

Leidel nhìn nắm giấy bạc, suy nghĩ một lúc rồi mới nói: Tôi không lấy tiền mà chỉ xin đổi 6 chai rượu lấy 6 bài học, mong ngài dạy cho tôi trở thành một nhà văn, được không?

Heinrich nhăn mặt đáp: Anh bạn ơi, tôi phải học vất vả bao nhiêu năm mới thành nghề đấy. Cái giá phải trả lớn đấy, nhưng thôi tôi đồng ý.

5 ngày đầu tiên, Heinrich theo đúng thỏa thuận dạy cho Leidel 5 bài học về văn chương. Viên sĩ quan có vẻ đắc chí lắm, chỉ mất có 6 chai rượu mà đã có thể trở thành nhà văn, cái giá thật quá rẻ. Đến bài thứ 6, Heinrich hỏi:

- Xem ra ông cũng là một tay buôn bán sành sỏi đấy. Xin hỏi thực, ông đã pha bao nhiêu rượu rẻ tiền vào các chai Whisky này.

Viên thiếu tá khẳng định: Không, hoàn toàn không có chuyện đó.

Đến lúc này, đại văn hào Heinrich mới nói:

- Nay tôi xin dạy cho ông bài học thứ 6. Trước khi miêu tả một nhân vật, đầu tiên ông cần phải là một người có tu dưỡng. Một là, ông phải có tấm lòng đồng cảm. Hai là ông phải lấy cái mềm trị cái cứng, không được khinh rẻ người bất hạnh.

Nói đến đây, đột nhiên Heinrich nói với giọng rất nghiêm túc: Trước khi gửi giấy mời bạn bè đến dự liên hoan cáo biệt, xin ông hãy kiểm tra kỹ lại rượu Whisky.

Viên sĩ quan Đức trở về phòng mình, soát kỹ lại từng chai Whisky, thì ra trong đó đều là nước trà pha loãng. Chắc là thi hào Heinrich đã biết trước chuyện này nhưng ông vẫn không chế nhạo vị sĩ quan bị lừa mà vẫn thực hiện đúng lời hứa dạy đủ 6 bài với tinh thần cốt lõi: Muốn trở thành nhà văn, nhà thơ lớn thì trước hết phải biết học làm người.

Lời bàn:

Lịch sử của nhân loại đã chứng minh rằng, bất cứ ai khi còn nhỏ nếu muốn trở thành con ngoan, trò giỏi và khi đã trưởng thành là người có ích cho quê hương, đất nước, gia đình, dòng họ... thì ắt phải biết dùi mài kinh sử, tức là phải biết tu chí mà học. Và học ở đây không phải chỉ có học chữ, mà phải biết trước hết là học để làm người. Tuy nhiên, nếu ai đó chỉ có học không thì cũng chưa đủ, chưa thể trở thành người có ích nếu như người đó không biết tu dưỡng, khổ luyện trong thực hành và nhẫn nhịn trong tu tâm, dưỡng đức.

Bởi ở đời chỉ những ai có tu dưỡng mới biết đồng cảm với cảnh khổ đau hay nỗi buồn đau của người khác và có như vậy mới hiểu được lòng người, cùng đạo lý ở đời. Với những người cầm bút, có tu dưỡng mới viết được những trang tuyệt tác làm rung động lòng người, mới biết vui với cái vui của trần thế. Cụ Nguyễn Trãi, cụ Nguyễn Du, cụ Nguyễn Công Trứ và còn biết bao danh sĩ khác... cũng đều là những người giỏi về tu dưỡng mới viết được những kiệt tác để lại cho muôn đời sau. Thế mới hay rằng, học để làm người và là người có tâm, có đức... quả không phải dễ.

- Sưu tầm -

Read 1285 times