Mỗi người trong chúng ta có ai đã chưa từng nổi giận với người khác không? Có ai đã từng cảm nghiệm lòng mình sau mỗi cơn giận dữ không? Cảm xúc thế nào sau mỗi lần trải qua cơn giận dữ của bản thân và của người khác? Chúng ta hãy tự cảm nghiệm và thử trả lời những câu hỏi này để nhận biết được cảm xúc thật của mình sau mỗi cơn giận dữ. Thực tế cho thấy rằng nuôi sự tức giận trong tâm hồn giống như việc bạn tự đầu độc chính mình, tự giết chết chính bản thân mình cách âm thầm. Chúng ta hãy cùng nhau suy ngẫm câu chuyện dưới đây:
Một bà cụ có tính tình cau có, thường xuyên nổi giận vì những sự việc nhỏ nhặt, hơn nữa, mỗi khi tức giận, bà hay dùng những lời lẽ ác độc, vô tình để làm tổn thương nhiều người. Vì thế, bà ta giao tiếp với hàng xóm bạn bè đều không được hài hòa, lòng bà dễ cảm thấy khó chịu, bất an với bất kỳ ai, với bất kỳ điều gì xảy ra xung quanh mình.
Theo thời gian, bà cũng bắt đầu nhận biết khuyết điểm của mình, mong muốn sửa lại lỗi lầm đã trở thành tật này của bà. Tuy vậy, mỗi khi tức lên thì chính bà ta cũng không thể khống chế được mình, không thể tiết chế được cảm xúc dường như đã trở thành bản tính của bà. Bà dễ nổi giận, và cứ như thế bao nhiêu lời lẽ cay độc, những cử chỉ hành động khó chấp nhận cứ như những cơn sóng trào dâng, trào dâng.
Một hôm, một người đã nói với bà : “Chùa gần đây có một vị thiền sư, cũng là vị cao tăng, tại sao bà không đến xin lời chỉ dạy, biết đâu thiền sư có thể giúp được cho bà.”
Bà ta cũng cảm thấy có lý, và đã đến tham vấn với thiền sư.
Khi bà ta thổ lộ tâm trạng của mình, bà ta có thái độ rất thành khẩn, rất chân thành vì bà rất mong muốn có được một vài lời khuyên từ vị thiền sư đó. Vị thiền sư im lặng nghe bà kể lể, chờ cho bà ấy thổ lộ hết tâm tư, vị thiền sư mới dẫn bà ta vào một thiền phòng, sau đó khóa cửa thiền phòng và rời khỏi đó.
Bà ta một lòng muốn có được lời chỉ dạy của vị thiền sư, nhưng không ngờ thiền sư đã nhốt bà ta vào trong một thiền phòng vừa lạnh vừa u tối. Bà ta tức tối hét lên, cũng như ngày thường, bà ta buông những lời nhục mạ quái ác. Nhưng cho dù bà ta có la hét cách nào, nhưng ở ngoài vẫn im lặng, thiền sư hình như không nghe thấy lời nào.
Khi không còn chịu đựng được nữa, bà ta thay đổi thái độ cầu xin thiền sư thả mình ra, nhưng thiền sư vẫn không động lòng thay đổi cách hành xử của mình, vẫn mặc kệ bà ta tiếp tục nói gì thì nói.
Qua một hồi rất lâu, cuối cùng trong thiền phòng cũng không còn tiếng la hét hay nói năng của bà ta nữa. Đến lúc lúc này, phía ngoài thiền phòng mới có tiếng nói của thiền sư hỏi : “Bà còn giận không?”
Thế là bà ta giận dữ trả lời : “Tôi chỉ giận tôi, tôi hối hận sao phải nghe lời người khác, tìm đến cái nơi quỷ quái này để xin ý kiến của ngươi.” Thiền sư ôn tồn nói : “Kể cả chính mình bà cũng không chịu buông tha, thì bà làm sao có thể tha lỗi cho người khác chứ
?” Nói xong thiền sư lại im lặng.
Sau một thời gian im lặng, thiền sư lại hỏi : “Bà còn giận không ?”
Bà ta trả lời : “Hết giận rồi !”
“Tại sao hết giận !”, vị thiền sư hỏi.
“Tôi giận thì có ích gì ? không phải vẫn bị ông nhốt tôi trong cái phòng vừa u tối vừa lạnh lẽo này hay sao ?”. Thiền sư nói với vẻ lo lắng : “Bà xử sự kiểu này càng đáng sợ hơn đấy, bà đã đè nén cơn tức giận của mình vào một chỗ, một khi nó bộc phát ra thì càng mãnh liệt hơn.” Nói xong, thiền sư lại quay đi.
Lần thứ 3 thiền sư quay lại hỏi bà ta, bà ta trả lời : “Tôi không giận nữa, ông không xứng đáng để tôi giận !”. Thiền sư nói : “Cái gốc tức giận của bà vẫn còn, bà cần phải thoáng ra khỏi vòng xoáy của tức giận trước đã.”. Sau một hồi lâu, bà ta đã chủ động hỏi thiền sư : “Bạch thiền sư, ngài có thể nói cho con biết tức giận là cái gì không ?”
Thiền sư bước vào, vẫn không nói chuyện, chỉ có động tác như vô tình đổ đi ly nước trong cái ly trên tay. Lúc này thì bà ta hình như đã hiểu. Thì ra mình không bực tức, thì làm gì có tức tối giận hờn? Tâm địa trống không, không có một vật gì, thì làm gì có tức tối? Trong lòng không có bực tức, thì làm sao có cơn giận?
Thật ra, tức tối không những tự làm cho mình khổ đau, và những người xung quanh cũng theo đó mà buồn lòng. Những lúc tức giận, dường như không gì có thể ngăn cản được cái miệng của ta, nó sẽ buông ra những lời lẽ cay độc, những lời khiếm nhã, là những lẽ có thể làm tổn thương người nghe, thậm chí họ là những người yêu thương quan tâm mình.
“Nuôi cái giận trong lòng, thì khác nào mình tự uống thuốc độc nhưng lại trông chờ người khác sẽ chết”. Thực ra, tức giận là cảm xúc mà bất cứ ai cũng từng trải qua. Tuy nhiên, mỗi người trong chúng ta nên tập cho mình biết cách chế ngự cơn giận dữ trong tâm hồn, cần biết tiết chế cảm xúc để tránh sự nóng giận. Trong mọi trường hợp, trong mọi hoàn cảnh của cuộc đời, chúng ta hãy cố gắng nhìn sự việc bằng một trái tim chân thành, một thái độ cởi mở và quan trọng là hãy luôn nhìn sự việc với đôi mắt của tâm hồn, bằng đôi mắt lạc quan, bằng một thái độ tích cực. Hãy luôn hướng suy nghĩ của ta theo chiều hướng tích cực, hãy luôn nghĩ tốt cho người đối diện, hãy tìm những lý do tích cực để diễn giải những sự việc, biến cố xảy đến trong đời mình. “Hãy từ bỏ sự nóng giận thì phiền não sẽ không đến với ta nữa”, còn gì vui và hạnh phúc khi mỗi giây phút của cuộc đời này, chúng ta luôn dành cho nhau nụ cười trìu mến, những lời nói ngọt ngào yêu thương, dành cho nhau trái tim chân thành trong từng lời nói và hành động.
TRÊN THẾ GIAN NÀY, KHÔNG AI LÀ KHÔNG BỊ CHÊ
Chúng ta có tức giận khi bị ai đó chê không? Chê ta xấu xí, chê ta bất tài vô dụng, chê ta chẳng biết ăn nói, chê ta vụng về….cái gì cũng chê. Thực tế, trên đời làm gì có ai là hoàn hảo đâu, chúng ta là con người mà, đâu có con người nào hoàn hảo về mọi mặt đâu. Ngạn ngữ xưa có viết:
“Không nói gì thì bị người ta chê.
Nói nhiều cũng bị người ta chê.
Nói ít cũng bị người ta chê”.
Làm người mà không bị chê, thật là chuyện không thể có ở cõi thế gian này. Trong quá khứ, trong hiện tại và cả tương lai nữa, chưa hề có người nào bị tất cả mọi người chê hay được tất cả mọi người khen. Do vậy, khi chúng ta biết tiết chế cảm xúc của mình, chúng ta sẽ có tâm bình thãn trước những lời khen chê. Hãy đáp lại những lời khen, chê bằng một nụ cười thân thiện. Khi người chê ta thì ta hãy nhìn lại mình để có cơ hội cải thiện mình tốt hơn. Khi người khen ta thì ta vui nhưng cũng sẽ nhìn lại mình để hiểu được ý nghĩa thực sự của lời khen. Nói chung, hãy bình thãn trước những lời khen, chê của người khác. Hãy nhìn nhận và chấp nhận bằng một thái độ tích cực, bằng một trái tim chân thành. Như thế, ta sẽ không có cơ hội để bực tức hay tức giận.
Thay cho lời kết, chúng ta hãy cố gắng mở rộng cõi lòng để đón nhận tất cả những gì xảy đến với mình. Như Đức Thánh Cha đã từng dạy “ “Take life as it comes”, chúng ta hãy đón nhận tất cả những gì cuộc đời mang đến cho ta. Hãy luôn vững tin và tín thác vào tình yêu Thiên Chúa, hãy vững tin và tuân theo sự soi dẫn của Chúa Thánh Thần để mỗi khi có buồn phiền thì hãy tìm đến và thân thưa cùng Chúa rằng, con xin dâng tất cả buồn phiền, sợ hãi của con cho Chúa. Xin giúp con vượt thắng mọi sự dữ đang hiệu hữu trong tâm hồn con. Xin ban cho con có được nụ cười mỗi sớm mai thức dậy và có thể mang nụ cười ấy tặng cho cuộc đời. Xin Chúa hãy mỉm cười với con và cho con luôn cảm nghiệm được sự bình an trong Chúa để con có đủ sức mạnh vượt thắng những cơn giận dữ trong tâm hồn.
Maria An Bình