Get Adobe Flash player

Tìm Kiếm

Đăng nhập

Thứ hai, 24 Tháng 6 2019 08:22

Gợi ý cầu nguyện từ thứ Hai (24/6) tới CN 13-TN Năm C (30/6)

Posted by 
Rate this item
(0 votes)
  Gợi ý cầu nguyện từ thứ Hai (24/6) tới CN XIII-TN Năm C (30/6)


Lm Giuse BCD,SJ

I.Tin Mừng Lc 1:57-66.80 (Sinh Nhật Thánh Gioan Tẩy Giả, 24/6)

(Thứ Hai Tuần XII Thường Niên)

Tới ngày mãn nguyệt khai hoa, bà Êlisabét sinh hạ một con trai. (58) Nghe biết Chúa đã quá thương bà như vậy, láng giềng và thân thích đều chia vui với bà.

Khi con trẻ được tám ngày, họ đến làm phép cắt bì, và tính lấy tên cha là Dacaria mà đặt cho em. (60) Nhưng bà mẹ lên tiếng nói: "Không, phải đặt tên cháu là Gioan". (61) Họ bảo bà: "Trong họ hàng của bà, chẳng ai có tên như vậy cả". (62) Rồi họ làm hiệu hỏi người cha, xem ông muốn đặt tên cho em bé là gì. (63) Ông xin một tấm bảng nhỏ và viết: "Tên cháu là Gioan". Ai nấy đều bỡ ngỡ. (64) Ngay lúc ấy, miệng lưỡi ông lại mở ra, ông nói được, và chúc tụng Thiên Chúa. (65) Láng giềng ai nấy đều kinh sợ. Và các sự việc ấy được đồn ra khắp miền núi Giuđê. (66) Ai nghe cũng để tâm suy nghĩ và tự hỏi: "Ðứa trẻ này rồi ra sẽ thế nào đây?" Và quả thật có bàn tay Chúa phù hộ em.

Cậu bé càng lớn lên thì tinh thần càng vững mạnh. Cậu sống trong hoang địa cho đến ngày ra mắt dân Ítraen.

Bạn thân mến,

Hôm nay toàn thể Giáo Hội mừng Lễ Sinh Nhật Thánh Gioan Tẩy Giả, là tiếng hô trong hoang địa, là người mở và dọn đường cho Đấng Mê-xi-a đi qua để đem tin vui đến cho mọi người. Bài Đọc Tin Mừng tường thuật lại biến cố thánh nhân ra đời trong niềm vui của mẹ cha và bà con làng giềng.

Đoạn cuối của chương thứ nhất trong Tin Mừng Luca ghi lại những ngày đầu đời của thánh Gioan Tiền Hô, trong đó có một đoạn thuật lại Bài Ca Chúc Tụng (Benedictus) của ông Da-ca-ri-a, cha của hài nhi Gioan (Lc 1:67-79). Trong bài ca này, có một chi tiết nhắc tới sứ mạng của Gioan được ca khen nơi môi miệng của người cha như một lời tiên tri: "Con sẽ đi trước Chúa, mở lối cho Người" (Lc 1:76).

Sự ra đời của thánh Gioan cũng nằm trong kế hoạch cứu độ của Ba Ngôi Thiên Chúa. Nơi Gioan, Thiên Chúa làm cho kế hoạch của Người trở nên hoàn thiện hơn và ý nghĩa hơn. Gioan cũng là một con người như bao người khác. Ông được Thiên Chúa tuyển chọn và trao sứ mạng ngay khi vừa được hình thành trong dạ mẹ. Hình ảnh này như nhắc nhớ mỗi người chúng ta ý thức hơn về tình yêu Thiên Chúa dành cho chúng ta ngay khi chúng ta được hoài thai trong cung lòng của mẹ hiền và sự hiện diện của chúng ta trên trần gian luôn được Thiên Chúa gửi gắm một sứ mạng. Mỗi người đều có một sứ mạng đặc biệt đến từ Thiên Chúa phù hợp với khả năng của từng người. Vấn đề là làm thế nào chúng ta nhận ra sứ mạng đích thực Thiên Chúa gửi trao cho chúng ta.

Trong giờ cầu nguyện với biến cố chào đời của thánh Gioan Tẩy Giả, bạn hãy đặt mình trước Chúa để suy xét lại lịch sử đời mình, tìm hiểu xem sứ mạng Thiên Chúa trao cho bạn là gì? Bạn có khát khao được cộng tác vào công trình tái tạo của Thiên Chúa không? Bạn có ước ao trở nên người "mở đường" cho Tin Mừng của Chúa được vang vọng tới mọi nơi không? Bạn đóng vai trò gì trong kế hoạch yêu thương của Thiên Chúa?

Chúc bạn cầu nguyện sốt sắng!

II.Tin Mừng Mt 7:6.12-14 (Thứ 3, XII-TN)

(Thứ Ba Tuần XII Thường Niên)

"Tất cả những gì anh em muốn người ta làm cho mình, thì chính anh em cũng hãy làm cho người ta" (Mt 7:12).

Khi ấy, Chúa Giêsu nói: "Của thánh, đừng quăng cho chó; ngọc trai, chớ liệng cho heo, kẻo chúng giày đạp dưới chân, rồi còn quay lại cắn xé anh em. Vậy tất cả những gì anh em muốn người ta làm cho mình, thì chính anh em cũng hãy làm cho người ta, vì Luật Môsê và lời các ngôn sứ là thế đó. Hãy qua cửa hẹp mà vào, vì cửa rộng và đường thênh thang thì đưa đến diệt vong, mà nhiều người lại đi qua đó. Còn cửa hẹp và đường chật thì đưa đến sự sống, nhưng ít người tìm được lối ấy."

Bạn thân mến,

Bài Đọc Tin Mừng hôm nay chứa đựng ba nội dung chính như ba nguyên lý sống lý tưởng dành cho chúng ta: đừng quăng của thánh cho chó, khuôn vàng thước ngọc, và hai con đường.

- "Đừng quăng của thánh cho chó" như một lời nhắc nhớ chúng ta hãy biết trân trọng những gì mình có, nhất là những thứ đó đến từ tình yêu và ân huệ của Thiên Chúa, và biết sử dụng chúng để mưu ích cho linh hồn mình. Chẳng hạn như, ơn huệ được làm con cái Thiên Chúa, được lãnh nhận Mình Thánh Chúa, được hưởng ơn cứu độ của Thiên Chúa. Khi nhận được những ơn huệ này thì bổn phận chúng ta là phải biết giữ gìn, thăng hoa và sẻ chia lại cho những ai đang cần. Bạn sử dụng những ơn lành Chúa ban ra sao? Thái độ của bạn đối với "lộc thánh" thế nào?

- "Khuôn vàng thước ngọc" - "Tất cả những gì anh em muốn người ta làm cho mình, thì chính anh em cũng hãy làm cho người ta " tựa như lời dạy của Khổng Tử (551-479 TCN) trong tư tưởng Trung Hoa: "Kỷ sở bất dục, vật thi ư nhân" (những gì anh em không muốn người ta làm cho mình thì đừng làm cho người ta). Tuy nhiên, "khuôn vàng thước ngọc" của Chúa Giê-su dựa trên một động lực chính yếu, đó là tình yêu. Vì thế, lời dạy của Chúa Giê-su có phần tích cực, chủ động và cởi mở hơn: "hãy làm cho người ta" (Khổng Tử thì khuyên "đừng làm cho người ta"). Hãy giúp người trước, hoặc nếu chúng ta không giúp được người thì đừng hại người và gây ảnh hưởng xấu đến người. Để hội nhập văn hóa, tôi so sánh lời dạy của Chúa Giêsu với lời khuyên của Khổng Tử. Thực ra, "khuôn vàng thước ngọc" này cũng có từ thời Cựu Ước rồi, đó chính là lời khuyên dạy của ông Tôbít (người cha) dành cho Tôbia (người con): "Điều gì con không thích, thì cũng đừng làm cho ai cả" (Tb 4:15). Sách Tôbia được viết vào khoảng năm 200 TCN. Như thế, chúng ta cũng có thể liên tưởng tới hình ảnh Chúa Giêsu là một người siêng năng đọc Kinh Thánh và nhớ những gì đã đọc để kiện toàn Lời Thiên Chúa. Bạn có nhận thấy mình ít đọc và sống Lời Chúa không? Bạn có nhận thấy mình thật ích kỷ khi chỉ nghĩ tới bản thân mình và không dám quảng đại, xả thân giúp đỡ người khác?

- "Hai con đường" tựa như một phương thế giúp chúng ta chọn lựa tương lai sự sống của mình vậy. Một con đường dẫn tới sự sống nhưng đường hẹp, khó đi. Một con đường đưa tới sự chết nhưng đường rộng rãi thênh thang và nhiều người thích đi trên con đường này. Sống hay chết là do sự lựa chọn đúng hay sai của chúng ta. Một trong những khiếm khuyết trong đời sống tâm linh của người Ki-tô hữu chính là sự nhận định. Có nhiều người chưa biết phân định đâu là ý Chúa, đâu là ý Xa-tan, đâu là ý riêng mình, đâu là con đường của Chúa, đâu là con đường của Xa-tan, đâu là con đường của riêng mình. Bạn phải làm gì để có thể chọn lựa đúng ý Chúa, đúng con đường Chúa muốn bạn đi?

Bạn hãy xin Chúa ban thêm ơn khôn ngoan để biết sử dụng ơn huệ Chúa ban theo đúng ý Chúa và hãy tâm sự với Người về những khiếm khuyết của bạn trong việc vận dụng những "khuôn vàng thước ngọc" của Chúa để mỗi ngày sống xứng đáng trong đời sống làm con cái Chúa hơn và sống đẹp lòng nhiều người hơn, bạn nhé!

Chúc bạn cầu nguyện sốt sắng!

III.Tin Mừng Mt 7:15-20 (Thứ 4, XII-TN)

(Thứ Tư Tuần XII Thường Niên)

"Cứ xem họ sinh hoa quả nào, thì biết họ là ai" (Mt 7:16).

Bấy giờ, Chúa Giêsu nói với các môn đệ: "Anh em hãy coi chừng các ngôn sứ giả, họ đội lốt chiên mà đến với anh em; nhưng bên trong, họ là sói dữ tham mồi. (16) Cứ xem họ sinh hoa quả nào, thì họ biết họ là ai. Ở bụi gai, làm gì có nho mà hái? Trên cây găng, làm gì có vả mà bẻ? (17) Nên hễ cây tốt thì sinh quả tốt, cây xấu thì sinh quả xấu. (18) Cây tốt không thể sinh quả xấu, cũng như cây xấu không thể sinh quả tốt. (19) Cây nào không sinh quả tốt, thì bị chặt đi và quăng vào lửa. (20)Vậy, cứ xem họ sinh hoa quả nào, thì biết họ là ai."

Bạn thân mến,

Câu nói "cứ xem họ sinh hoa quả nào, thì biết họ là ai" được lặp lại hai lần trong đoạn Lời Chúa hôm nay (Mt 7:16.20) như để nhấn mạnh ý chính trong lời giảng dạy của Chúa Giê-su và như một tiền đề và kết luận cho chủ đề của bài giảng.

"Cứ xem họ sinh hoa quả nào, thì biết họ là ai" diễn tả cách sống đạo của mỗi người chúng ta. Chúng ta là những Ki-tô hữu, là bạn của Chúa Ki-tô, là người có Chúa Ki-tô, chúng ta có sống xứng hợp với danh xưng của mình chưa? Chúng ta có cảm thấy thách đố trong việc sống ơn gọi Ki-tô Hữu? Đâu là những hoa trái trổ sinh trong đời sống nhân đức của chúng ta? Chúng ta có giống những ngôn sứ giả không, nghĩa là chúng ta không sống đúng với lời khuyên dạy của Chúa, chưa thực thi Lời Chúa cách sống động trong đời sống hàng ngày, chưa thể hội nhất con người của mình (tư tưởng - lời nói - hành động trở nên một)? Bạn có nhận ra rằng giữ Đạo (đọc kinh, đi lễ, cầu nguyện...) có vẻ dễ dàng hơn sống Đạo (thực hành những lời dạy của Chúa Giêsu bằng những hành động cụ thể, v.v.)?

Chúng ta hãy xin Chúa ban thêm ân sủng và tình yêu của Người trong chúng ta, để chúng ta có thể sinh hoa kết trái trong đời sống đức tin và đức ái của mình để tôn vinh Danh Chúa hơn, bạn nhé!

Chúc bạn cầu nguyện sốt sắng!

IV.Tin Mừng Mt 7:21-29 (Thứ 5, XII-TN)

(Thứ Năm Tuần XII Thường Niên)

"Không phải bất cứ ai thưa với Thầy: 'Lạy Chúa! lạy Chúa!' là được vào Nước Trời cả đâu! " (Mt 7:21)

Khi ấy, Chúa Giêsu nói với các môn đệ: "Không phải bất cứ ai thưa với Thầy: "Lạy Chúa! lạy Chúa!" là được vào Nước Trời cả đâu! Nhưng chỉ ai thi hành ý muốn của Cha Thầy là Ðấng ngự trên trời, mới được vào mà thôi. (22) Trong ngày ấy, nhiều người sẽ thưa với Thầy rằng: "Lạy Chúa, lạy Chúa, nào chúng tôi đã chẳng từng nhân danh Chúa mà nói tiên tri, nhân danh Chúa mà trừ quỷ, nhân danh Chúa mà làm nhiều phép lạ đó sao?" (23) Và bấy giờ Thầy sẽ tuyên bố với họ: Ta không hề biết các ngươi; xéo đi cho khuất mắt Ta, hỡi bọn làm điều gian ác!

(24) "Vậy ai nghe những lời Thầy nói đây mà đem ra thực hành, thì ví được như người khôn xây nhà trên đá. (25) Dù mưa sa, nước cuốn, hay bảo táp ập vào, nhà ấy cũng không sụp đổ, vì đã xây trên nền đá. (26) Còn ai nghe những lời Thầy nói đây, mà chẳng đem ra thực hành, thì ví được như người ngu dại xây nhà trrên cát. (27) Gặp mưa sa, nước cuốn hay bão táp ập vào, nhà ấy sẽ sụp đổ, sụp đổ tan tành".
(28) Khi Ðức Giêsu giảng dạy những điều ấy xong, đám đông sửng sốt về lời giảng dạy của Người, (29) vì Người giảng dạy như một Ðấng có thẩm quyền, chứ không như các kinh sư của họ.


Bạn thân mến,

Hôm nay chúng ta tiếp tục lắng nghe Bài Giảng Trên Núi của Chúa Giê-su. Bài Giảng của Chúa hôm nay khuyên chúng ta cố gắng sống hội nhất con người của mình, hội nhất ba yếu tố chính yếu nơi người Ki-tô hữu: suy nghĩ - lời nói - việc làm, như Chúa Giê-su cảnh báo chúng ta: "Không phải bất cứ ai thưa với Thầy: 'Lạy Chúa! lạy Chúa!' là được vào Nước Trời cả đâu! " (Mt 7:21)

Nếu bạn tham dự Thánh Lễ mỗi ngày, bạn sẽ nhận thấy có ba điều chúng ta thường thú tội trước Chúa, trước triều thần thiên quốc, trước anh chị em đồng loại, đó là những sai lầm từ tư tưởng, lời nói, việc làm của chúng ta. Nếu xét về mức độ khiêm nhường thì việc thú tội công khai này chứng tỏ sự khiêm nhường chân thực nơi mỗi người chúng ta.

Tuy nhiên, sự khiêm nhường này sẽ đem lại cho chúng ta những lợi ích thiêng liêng lớn lao, đặc biệt giúp chúng ta trưởng thành hơn về mặt nhân đức, nếu chúng ta ý thức triệt để hành vi cao đẹp này. Nói như thế, có nghĩa là không phải ai cũng ý thức đủ về sự thú tội, tức là một sự ăn năn chân thành và quyết tâm thay đổi con người mình như một hành vi của sự hoán cải tận căn. Có lẽ, những tâm tình này giúp chúng ta hiểu rõ hơn và sâu xa hơn lời mời gọi của Đức Giê-su trong đoạn Tin Mừng hôm nay: "Không phải bất cứ ai thưa với Thầy: 'Lạy Chúa! lạy Chúa!' là được vào Nước Trời cả đâu! " (Mt 7:21)

Lời Chúa luôn là một lời chứa đựng nhiều thách đố, nhưng đem lại cho tâm hồn chúng ta tự do, hoan lạc và hội nhất con người của mình để lời nói, tư tưởng và việc làm chúng ta trở nên một, nếu chúng ta sống Lời Chúa, nghĩa là yêu mến và thi hành Lời ấy trong cuộc sống mỗi ngày.

Bạn thân mến, đoạn Lời Chúa hôm nay đụng chạm tâm hồn bạn thế nào? Bạn có nhận thấy mình chưa có sự hội nhất này không? Bạn phải làm gì để trở nên một con người hội nhất?

Chúc bạn cầu nguyện sốt sắng và đạt được ước nguyện như ý Chúa muốn!

V.Tin Mừng Lc 15:3-7 (Thánh Tâm Chúa)

(Thứ Sáu Tuần XII Thường Niên)

"Ai nấy sẽ vui mừng vì một người tội lỗi ăn năn sám hối, hơn là vì chín mươi chín người công chính không cần phải sám hối ăn năn" (Lc 15:7).

Bấy giờ, Ðức Giêsu mới kể cho người Pharisêu và kinh sư dụ ngôn này: "Người nào trong các ông có một trăm con chiên mà bị mất một con, lại không để chín mươi chín con kia ngoài đồng hoang, để đi tìm cho kỳ được con chiên bị mất? (5) Tìm được rồi, người ấy mừng rỡ vác lên vai. (6) Về đến nhà, người ấy mời bạn bè, hàng xóm lại, và nói: "Xin chung vui với tôi, vì tôi đã tìm được con chiên của tôi, con chiên bị mất đó". (7) Vậy, tôi nói cho các ông hay: trên trời cũng thế, ai nấy sẽ vui mừng vì một người tội lỗi ăn năn sám hối, hơn là vì chín mươi chín người công chính không cần phải sám hối ăn năn."

Bạn thân mến,

Hôm nay Giáo hội long trọng mừng lễ Thánh Tâm Chúa để nhắc nhớ chúng ta về lòng từ bi nhân hậu vô biên của Người. Một trong những hình ảnh sống động nhất minh họa về điều này chính là hình ảnh một kỳ mục đi tìm con chiên lạc trong dụ ngôn "Con Chiên Bị Mất" trong đoạn Lời Chúa hôm nay.

Theo thói đời tính toán hơn thiệt, không ai dại gì đánh đổi 99 lấy 1. Tuy nhiên, những người thuộc về vương quốc Thiên Chúa lại không biết tính toán, sẵn sàng làm cuộc đánh đổi ấy. Tại sao lại có sự nghịch lý như thế? Và sự kiện này có thực sự nghịch lý, ngược đời không?

"99" và "1" có một khoảng cách khá lớn. Vì thế, việc đánh đổi chín mươi chín con chiên ngoan ngoãn để lấy một con chiên hư mất, lạc đàn... tựa như "thằng bờm đổi quạt mo lấy nắm xôi" vậy. Đối với thằng bờm, nắm xôi thực tế hơn ba bò chín trâu, ao sâu cá mè, một bè gỗ lim, hay con chim đồi mồi, bởi vì bờm đang đói. Nếu bờm chết đói, thì ba bò chín trâu, ao sâu cá mè, một bè gỗ lim, hay con chim đồi mồi có còn thuộc quyền sở hữu của bờm nữa đâu. Cũng thế, vị kỳ mục yêu quý chiên của mình, nên chỉ cần nhìn thấy một con đau bệnh, hay bị lạc đàn... thì vị ấy sẽ ăn không ngon, ngủ không yên. Một người cha người mẹ có mười người con, nhưng nếu một trong mười người con ấy đau bệnh hoặc đi hoang, thì họ cũng sẽ bỏ chín người con còn lại để ra sức chữa trị cho một người con đang đau bệnh hoặc tất tả tìm kiếm đứa con ngỗ nghịch, bởi vì họ quá yêu con và họ tin rằng chín người con kia tự lo liệu được cho bản thân hoặc sẽ ngoan ngoãn không làm phiền lòng mẹ cha.

Vương quốc Thiên Chúa là một vương quốc của tình yêu và lòng thương cảm, của sự hoàn thiện và hoàn hảo. Vì thế, Vua của vương quốc này chắc chắn không muốn một công dân nào phải sống ngoài biên giới. Cho nên, nếu một công dân bỗng nhiên mất tích thì vị Vua ấy sẽ đánh đổi tất cả để tìm lại người dân đó. Tình yêu vượt trên mọi tính toán hơn thiệt. Tình yêu chân thành đè bẹp lý trí cao siêu. Trái tim Chúa Giêsu chứa đựng tình yêu ấy.

Nhân ngày mừng lễ Thánh Tâm Chúa, chúng ta hãy dành thời gian để chiêm ngắm tình yêu diệu vời của Chúa, một tình yêu sẵn sàng thí cả mạng sống mình để đem lại sự sống cho người khác, một tình yêu luôn tha thứ và nhẫn nại. Và chúng ta học được gì từ tình yêu của Chúa? Cũng từ ngày lễ này, mỗi người chúng ta hãy phản tỉnh lại thái độ và phương cách chúng ta tôn kính Lòng Thương Xót Chúa. Phải chăng việc tôn kính Lòng Thương Xót Chúa chính là việc mỗi người chúng ta nhận ra Chúa quá yêu chúng ta để rồi chúng ta cần phải tôn kính Ngài và học nơi Ngài cách thức thương xót những người anh chị em xung quanh? Phải chăng tôn kính Lòng Thương Xót Chúa đến từ chính con tim biết ơn và ca khen Chúa tại bất cứ nơi đâu hơn là kéo nhau đi tới những địa điểm đông đúc? Tôn kính Lòng Thương Xót Chúa để ngợi khen và chúc tụng Chúa hay là chỉ để xin ơn chữa lành và tìm kiếm những điều lợi lộc cho bản thân hoặc lèo lái Chúa đi theo ước muốn riêng của mình?

Chúc mọi người cầu nguyện sốt sắng!

VI.Tin Mừng Mt 16:13-19 (Lễ Phêrô và Phalô, 29/6)

LỄ KÍNH HAI THÁNH TÔNG ĐỒ PHÊ-RÔ VÀ PHAO-LÔ (thứ bảy tuần XII)

"Anh là Phê-rô, nghĩa là Tảng Đá, trên tảng đá này, Thầy sẽ xây Hội Thánh của Thầy, và quyền lực tử thần sẽ không thắng nổi" (Mt 16:18).

Khi Ðức Giêsu đến vùng kế cận thành Xêdarê Philípphê, Người hỏi các môn đệ rằng: "Người ta nói Con Người là ai?" (14) Các ông thưa: "Kẻ thì nói là ông Gioan Tẩy Giả, kẻ thì bảo là ông Êlia, có người lại cho là ông Giêrêmia hay một trong các vị ngôn sứ". (15) Ðức Giêsu lại hỏi: "Còn anh em, anh em bảo Thầy là ai?" (16) Ông Simon Phêrô thưa: "Thầy là Ðấng Kitô, Con Thiên Chúa hằng sống". (17) Ðức Giêsu nói với ông: "Này anh Simon con ông Giôna, anh thật là người có phúc, vì không phải phàm nhân mặc khải cho anh điều ấy, nhưng là Cha của Thầy, Ðấng ngự trên trời. (18) Còn Thầy, Thầy bảo cho anh biết: anh là Phêrô, nghĩa là Tảng Ðá, trên tảng đá này, Thầy sẽ xây Hội Thánh của Thầy, và quyền lực tử thần sẽ không thắng nổi. (19) Thầy sẽ trao cho anh chìa khóa Nước Trời: dưới đất, anh cầm buộc điều gì, trên trời cũng sẽ cầm buộc như vậy; dưới đất, anh tháo cởi điều gì, trên trời cũng sẽ tháo cởi như vậy".

Bạn thân mến,

Hôm nay Giáo Hội long trọng mừng lễ hai Thánh Tông Đồ Phê-rô và Phao-lô, là hai vị thủ lãnh tiên khởi của Giáo Hội. Các Bài Đọc trong Thánh Lễ hôm nay đều nhắc tới hình ảnh và vai trò của các ngài trong sứ mạng của Đức Ki-tô và Hội Thánh.

Mặc dù Thánh Phao-lô trở thành Tông đồ của Chúa Giê-su sau Thánh Phê-rô, thế nhưng ngài đóng một vai trò quan trọng ngang tầm với vị Giáo hoàng đầu tiên của Giáo Hội. Quyển sách trong bộ Tân Ước đầu tiên là lá thư thứ nhất của Thánh Phao-lô gửi tín hữu ở Thê-xa-lô-ni-ca được viết vào khoảng năm 50, và sau đó, lần lượt các lá thư khác của Thánh Phao-lô ra đời. Nhờ các lá thư của ngài, đời sống đức tin của Giáo Hội và các Ki-tô hữu đầu tiên được củng cố, lớn mạnh và trưởng thành vững chắc, đến nỗi sẵn sàng chịu chết để làm chứng về Danh Giê-su. Cũng nhờ các lá thư của Phao-lô, các quyển Tin Mừng (Phúc Âm) lần lượt được viết và lưu truyền những lời giảng dạy của Thầy Giê-su khi còn làm người dương thế (khoảng những năm 70-90). Tóm lại, có thể nói rằng không có thánh Phao-lô, không có các lá thư của ngài thì cũng không có bộ Tân Ước cho chúng ta suy niệm Ngôi Lời Nhập Thể và chiêm ngắm Chúa Giê-su cách sống động trong giờ phút này và trong các giờ cầu nguyện của chúng ta với Chúa, để mỗi người chúng ta được gần gũi Chúa hơn, hiểu biết về Người hơn, yêu mến Người hơn trong đời sống đức tin của mình.

Bên cạnh đó, Thánh Phao-lô cũng là một nhà truyền giáo vĩ đại của mọi thời đại. Từ một con người chống đối và cộng tác bách hại những người tin theo Chúa Ki-tô, ngài được ơn hoán cải, trở nên một con người mới, con người thuộc về Chúa Ki-tô và sứ mạng của Người, ra đi khắp nơi làm chứng về Chúa Ki-tô.

Quay trở lại với đoạn Phúc Âm hôm nay, chúng ta đặc biệt chiêm ngắm hình ảnh của Thánh Phê-rô để hiểu về ngài hơn, nhờ đó chúng ta học tập gương sáng của ngài và sống đời môn đệ của Chúa Ki-tô cách thiết thực hơn.

Bài TM hôm nay thuật lại lời xác tín của Thánh Phê-rô về chân dung người Thầy của thánh nhân. Thánh Phê-rô tuyên tín rằng Đức Giê-su chính là "Đấng Ki-tô, Con Thiên Chúa hằng sống" (Mt 16:16). Qua lời tuyên tín phát xuất từ kinh nghiệm thiết thân của thánh Phê-rô với Thầy của ngài, Đức Giê-su bắt đầu trao cho ngài sứ mạng, nói đúng hơn là trao trọng trách cho ngài: "Anh là Phê-rô, nghĩa là Tảng Đá, trên tảng đá này, Thầy sẽ xây Hội Thánh của Thầy, và quyền lực tử thần sẽ không thắng nổi. Thầy sẽ trao cho anh chìa khoá Nước Trời: dưới đất, anh cầm buộc điều gì, trên trời cũng sẽ cầm buộc như vậy; dưới đất, anh tháo cởi điều gì, trên trời cũng sẽ tháo cởi như vậy" (Mt 16:18). Thánh Phê-rô trở thành thủ lãnh tối cao của Giáo Hội, cả trên trời cũng như dưới đất. Chỉ với một lời tuyên tín, một sự nhận biết xác thực về Thầy Giê-su, thánh Phê-rô được trao tác vụ Linh mục thể hiện qua quyền tha tội, được trao tác vụ Giám mục thể hiện qua trọng trách lãnh đạo Hội Thánh.

Mỗi người chúng ta đều đã từng tuyên tín về Chúa Giê-su, tuyên xưng đức tin vào Người khi lãnh nhận Phép Rửa. Vì thế, chúng ta trở thành con cái Thiên Chúa môn đệ của Thầy Giê-su. Tuy nhiên, không phải ai cũng đều được Chúa trao trọng trách, bởi lẽ, một người không thể hiểu biết về Chúa, chưa có kinh nghiệm sâu đậm về Chúa và của Chúa, chưa cảm nghiệm những hoạt động nhiệm mầu của Chúa trong đời sống thường ngày, làm sao có thể được Chúa tin tưởng và trao trọng trách!

Qua hai hình ảnh của hai vị Thánh Tổ của Giáo Hội, chúng ta học được gì nơi hai thánh nhân gương mẫu: tinh thần truyền giáo, tình yêu dành cho Thầy Giê-su và lòng say mê loan báo Tin Mừng, v.v.? Mỗi người chúng ta cũng nên chất vấn lại đời sống đức tin của mình, chẳng hạn như tôi kinh nghiệm về Chúa thế nào? Mối tương quan giữa tôi với Chúa ra sao (có mặn mà đủ, có gần gũi đủ, có hiểu nhau đủ, có yêu nhau đủ...)? Chúa đang giao cho tôi sứ vụ gì trong đời sống của tôi, có phù hợp với khả năng và chức vụ của tôi không? Chúa muốn nói gì với tôi qua hai vị thánh vĩ đại mà Giáo Hội hoàn vũ mừng lễ trọng thể hôm nay?

Chúc bạn cầu nguyện sốt sắng!

VII.Tin Mừng Lc 9:51-62 (CN XIII-TN, Năm C)

(CHÚA NHẬT Tuần XIII Thường Niên C)

"Thưa Thầy, Thầy đi đâu, tôi cũng xin đi theo" (Lc 9:57).

Khi đã tới ngày Ðức Giêsu được rước lên trời, Người nhất quyết đi lên Giêrusalem. (52) Người sai mấy sứ giả đi trước. Họ lên đường và vào một làng người Samari để chuẩn bị cho Người đến. (53) Nhưng dân làng không đón tiếp Người, vì Người đang đi về hướng Giêrusalem. (54) Thấy thế, hai môn đệ Người là ông Giacôbê và ông Gioan nói rằng: "Thưa Thầy, Thầy có muốn chúng con khiến lửa từ trời xuống thiêu huỷ chúng nó không?" (55)Nhưng Ðức Giêsu quay lại quở mắng các ông. (58) Rồi Thầy trò đi sang làng khác. Thầy trò còn đang đi trên đường, thì có kẻ thưa Người rằng: "Thưa Thầy, Thầy đi đâu, tôi cũng xin đi theo". (58) Người trả lời: "Con chồn có hang, chim trời có tổ, nhưng Con Người không có chỗ tựa đầu".(59) Ðức Giêsu nói với một người khác: "Anh hãy theo tôi!" Người ấy thưa: "Thưa Thầy, xin cho phép tôi về chôn cất cha tôi trước đã". (60) Ðức Giêsu bảo: "Cứ để kẻ chết chôn kẻ chết của họ. Còn anh, anh hãy đi loan báo Triều Ðại Thiên Chúa".(61) Một người khác nữa lại nói: "Thưa Thầy, tôi xin theo Thầy, nhưng xin cho phép tôi từ biệt gia đình trước đã". (62) Ðức Giêsu bảo: "Ai đã tra tay cầm cày mà còn ngoái lại đàng sau, thì không thích hợp với Nước Thiên Chúa".

Bạn thân mến,

Bài Tin Mừng của Chúa Nhật hôm nay kể lại những gì xảy ra trên đường thầy trò Đức Giê-su lên Giê-ru-sa-lem, trong đó có một đoạn nhấn mạnh về thái độ và điều kiện cần phải có của người môn đệ Thầy Giê-su.

Thái độ thứ nhất - tự nguyện theo Chúa: "Thưa Thầy, Thầy đi đâu, tôi cũng xin đi theo" (Lc 9:57). Đó là một thái độ tự nguyện và sẵn sàng với sứ mạng của Chúa.

Điều kiện thứ nhất - sống nghèo: "Con chồn có hang, chim trời có tổ, nhưng Con Người không có chỗ tựa đầu" (Lc 9:58). Đây là điều kiện căn bản nhất của người môn đệ Đức Giê-su: sẵn sàng sống nghèo khó, nghèo như Thầy Giê-su, nghèo đến nỗi không có gối kê đầu và cũng chẳng có nhà cửa (gối tựa đầu không có thì làm gì có nhà để trú ngụ).

Thái độ thứ hai - lo lắng chuyện thế gian: "Thưa Thầy, xin cho phép tôi về chôn cất cha tôi trước đã" (Lc 9:59). Thái độ này sẽ cản trở sự tự do theo Chúa của người môn đệ. Vì thế, cần loại bỏ thái độ này khỏi tâm trí để thay vào đó là lòng tín thác vào sự quan phòng của Chúa để tâm hồn trở nên nhẹ nhàng, thanh thoát với những chuyện thế gian.

Điều kiện thứ hai - chuyên tâm loan báo Tin Mừng: "Cứ để kẻ chết chôn kẻ chết của họ. Còn anh, anh hãy đi loan báo Triều Đại Thiên Chúa" (Lc 9:60). Đối với Thầy Giê-su, người lo lắng chuyện thế gian và những chuyện thuộc về con người thì cũng giống như một kẻ có linh hồn chết khô dù thân xác họ vẫn sống. Theo Chúa, làm môn đệ của Chúa là để loan báo Tin Mừng, lo việc của Chúa.

Thái độ thứ ba - quyến luyến lệch lạc: "Thưa Thầy, tôi xin theo Thầy, nhưng xin cho phép tôi từ biệt gia đình trước đã" (Lc 9:61). Môn đệ Thầy Giê-su phải là một con người trưởng thành, cả về mặt tâm cảm lẫn sinh lý và tư duy. Việc từ biệt gia đình diễn tả một trạng thái tâm lý ấu trĩ, không dám sống tự lập và chẳng dám đối diện với sự bất ổn diễn ra trong cuộc sống.

Điều kiện thứ ba - rũ bỏ quyến luyến lệch lạc: "Ai đã tra tay cầm cày mà còn ngoái lại đàng sau, thì không thích hợp với Nước Thiên Chúa" (Lc 9:62).Việc theo Chúa đòi hỏi một thái độ dứt khoát và một con tim biết từ bỏ những quyến luyến gia đình, quan hệ xác thịt, tình cảm thân thiết bạn bè và họ hàng, v.v.. Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa là người môn đệ Đức Giê-su trở nên một kẻ lạnh nhạt, cô đơn và vô ơn. Vì chính Thầy Giê-su đã khẳng định với các học trò của Ngài rằng: "Thầy bảo thật anh em: chẳng hề có ai bỏ nhà, bỏ vợ, anh em, cha mẹ hay con cái vì Nước Thiên Chúa, mà lại không được gấp bội ở đời này và không được sự sống vĩnh cửu ở đời sau" (Lc 18:29-30).

Với ba thái độ và ba điều kiện nói trên, bạn nhận thấy bản thân bạn có xứng hợp với ơn gọi làm môn đệ của Chúa Giê-su? Bạn cần thay đổi điều gì khi được mời gọi làm môn đệ Chúa? Bạn có thái độ nào và đã đạt tới điều kiện nào khi đang được làm môn đệ của Chúa?

Bạn hãy dành thời gian tâm sự với Chúa về những gì diễn ra trong tâm hồn bạn khi gẫm suy về ba thái độ và ba điều kiện của người môn đệ Chúa trong đoạn Lời Chúa hôm nay, và cầu xin Chúa ban ơn sống xứng đáng hơn trong ơn gọi làm con cái Chúa và làm chứng nhân của Người, bạn nhé! Vì mục đích Thiên Chúa tạo dựng nên ta là để ngợi khen, tôn kính và phụng sự Người suốt đời ta.

Chúc bạn cầu nguyện sốt sắng!

Lm Giuse BCD,SJ

Read 11352 times