Get Adobe Flash player

Tìm Kiếm

Đăng nhập

Chủ nhật, 26 Tháng 5 2019 21:26

Gợi ý cầu nguyện từ thứ Hai (27/5) tới CN Chúa Thăng Thiên (02/6)

Posted by 
Rate this item
(0 votes)
  Gợi ý cầu nguyện từ thứ Hai (27/5) tới CN Chúa Thăng Thiên (02/6)


Lm Giuse BCD,SJ

I.Tin Mừng Ga 15:25-16:4 (Thứ 2, VI-PS)

(Thứ Hai sau Chúa Nhật VI Phục Sinh)

25 Bấy giờ Chúa Giêsu nói: "Như thế là ứng nghiệm lời đã viết trong Sách Luật của họ: Chúng ghét con vô cớ.
26 Khi Đấng Bảo Trợ đến, Đấng mà Thầy sẽ sai đến với anh em từ nơi Chúa Cha, Người là Thần Khí sự thật phát xuất từ Chúa Cha, Người sẽ làm chứng về Thầy.27 Cả anh em nữa, anh em cũng làm chứng, vì anh em ở với Thầy ngay từ đầu. 1 Thầy đã nói với anh em các điều ấy, để anh em khỏi bị vấp ngã.2 Họ sẽ khai trừ anh em khỏi hội đường. Hơn nữa, sẽ đến giờ kẻ nào giết anh em cũng tưởng mình phụng thờ Thiên Chúa.3 Họ sẽ làm như thế, bởi vì họ không biết Chúa Cha cũng chẳng biết Thầy. 4 Nhưng Thầy đã nói với anh em những điều ấy, để khi đến giờ họ hành động, anh em nhớ lại là Thầy đã nói với anh em rồi."

Các bạn thân mến,

Đoạn Phúc Âm hôm nay tựa như một lời cảnh báo và khích lệ của Đức Giê-su dành cho những ai đang bước theo Người, đó là sự bách bớ và loại trừ của người chống đối Đức Giê-su. Làm thế nào để người môn đệ Đức Giê-su có thể vượt thắng những thách đố Đức Giê-su đã tiên báo?

Để có thể trả lời câu hỏi trên, tôi đề nghị các bạn hãy cầu nguyện với câu Lời Chúa này: "Cả anh em nữa, anh em cũng làm chứng, vì anh em ở với Thầy ngay từ đầu" (Ga 15:27).

Câu Ga 15:27 chứa đựng một nội dung rất phong phú về đời sống cầu nguyện và loan báo Tin Mừng: "làm chứng" và "ở với" Thầy Giê-su. Làm sao có thể làm chứng nhân cho Chúa Phục Sinh nếu không có kinh nghiệm về Người ?! Vì thế, Chúa Giê-su mời gọi người môn đệ cần có kinh nghiệm thiết thân với Người, kinh nghiệm ấy chỉ có được khi các ngài sẵn sàng ở lại với Người. Ở với Chúa tức là cầu nguyện với Người. Cầu nguyện để có thể hiểu biết Chúa hơn, yêu mến Người hơn và theo sát Người hơn. Nhờ đó, những gì người môn đệ làm chứng về Chúa Phục Sinh không trở nên sáo rỗng, nhạt nhão, vô hồn.

Bạn thân mến, bạn có nhận thấy mình thiếu đời sống cầu nguyện, thiếu kinh nghiệm của Chúa trong đời sống đức tin của mình, thiếu tình bạn với Chúa trên con đường thập tự... không?

Chúng ta hãy xin Chúa ban cho chúng ta ơn khát khao được ở với Người mọi lúc mọi nơi, các bạn nhé!

Chúc các bạn cầu nguyện sốt sắng!

II.Tin Mừng Ga 16:5-11 (Thứ 3, VI-PS)

(Thứ Ba sau Chúa Nhật VI Phục Sinh)

5 Khi ấy, Chúa Giêsu nói: "Bây giờ Thầy đến cùng Đấng đã sai Thầy, và không ai trong anh em hỏi: "Thầy đi đâu?6 Nhưng vì Thầy nói ra các điều ấy, nên lòng anh em tràn ngập ưu phiền.7 Song, Thầy nói thật với anh em: Thầy ra đi thì có lợi cho anh em. Thật vậy, nếu Thầy không ra đi, Đấng Bảo Trợ sẽ không đến với anh em; nhưng nếu Thầy đi, Thầy sẽ sai Đấng ấy đến với anh em.8 Khi Người đến, Người sẽ chứng minh rằng thế gian sai lầm về tội lỗi, về sự công chính và việc xét xử:9 về tội lỗi: vì chúng không tin vào Thầy;10 về sự công chính: vì Thầy đến cùng Chúa Cha, và anh em không còn thấy Thầy nữa;11 về việc xét xử: vì Thủ lãnh thế gian này đã bị xét xử rồi."

Các bạn thân mến,

Bài Tin Mừng hôm nay mách bảo cho chúng ta biết về vai trò của Chúa Thánh Thần. Người là Thần Chân Lý và Ánh Sáng.

Chúa Thánh Thần sẽ soi đường chỉ lối cho những ai phạm sai lầm biết quay về con đường công chính để không bị xét xử.

Để hiểu rõ hơn về sự sai lầm, Đức Giê-su nói Chúa Thánh Thần sẽ giúp con người nhận ra ba phạm vi, ba đối tượng mà những người kết án Đức Giê-su phạm phải:

Tội Lỗi: người Do Thái cho rằng Đức Giê-su phạm tội chết, thế nhưng Người không bao giờ phạm tội. Tội là do con người tự mình mang lấy, vì không tin vào Con Thiên Chúa, như chính Đức Giê-su đã nói với ông Ni-cô-đê-mô rằng những ai không tin vào Con Thiên Chúa thì đã bị kết án (Ga 3:18); còn thánh Phao-lô và Xi-la thì bảo rằng nếu tin vào Chúa Giê-su thì mọi người đều được cứu độ (Cv 16:31). Cho đến nay, có nhiều người vẫn hiểu chưa đúng về Tội. Đã hẳn ai cũng mang tội, ai cũng phạm tội (1Ga 1:8), nhưng tội ấy từ đâu tới, ai là người có thể giúp ta được giải thoát khỏi tội (Rm 7:25)? Tôi nhìn một người phạm tội (cướp của, hiếp dâm, giết người, buôn bán ma túy - nội tạng...), tôi phản ứng ra sao? Tội của người ấy từ đâu mà ra? Một đứa bé mới sinh có biết gì về tội không? Tại sao đứa bé ấy lớn lên lại hư đốn, phạm hết tội này đến tội khác? Tội của đứa bé này từ đâu ra? Tôi có ảnh hưởng xấu trên người khác không? Có khi tôi làm một điều sai mà tôi không biết, rồi cái sai đó ảnh hưởng trên người khác cách vô tình và vô hình. Vì thế, tôi không thể ngờ được chính tôi là thủ phạm của những người tử tù kia, phạm nhân nọ. Tôi không sống một mình trên hành tinh này. Tôi sống với nhiều người và có tương quan với nhiều người. Tôi không chỉ liên đới với người khác về sự nghèo đói, thất học... nhưng còn phải liên đới với họ về TỘI nữa, nghĩa là tôi nên có trách nhiệm với các phạm nhân, với những người phạm sai lầm và gây ảnh hưởng không tốt trên người khác. Phải chăng chúng ta chỉ có thể được giải thoát khỏi tội nhờ tin vào Đức Giê-su Ki-tô Chúa chúng ta? Vì chính Người đã gánh lấy tội của chúng ta đến nỗi bằng lòng chịu treo trên thập giá, cam lòng chịu nhục hình và chết tức tưởi, để khi hướng nhìn lên Thánh Giá chúng ta có đủ sức mạnh, đủ tự tin, đủ lòng mến trở về với Chúa và bước theo Người sống cuộc đời mới.

Sự Công Chính: khi Đức Giê-su dìm mình xuống dòng sông sám hối của bao người thành tâm thiện chí muốn tìm được ơn giải thoát, Người đã nói với thánh Gioan Tẩy Giả hãy cứ làm phép rửa cho Người để giữ trọn đức công chính (Mt 3:15). Đức Công Chính của Đức Ki-tô là vâng lời Chúa Cha làm người và tự nguyện sống thân phận con người và tạo mối tương quan gần gũi nhất với con người. Rồi khi Người chịu treo trên thập giá, thế gian tưởng rằng Người đáng phải chết như thế, vì họ đâu biết rằng Người tự nguyện chịu chết để gánh hết tội lỗi con người, để Xa-tan không còn cơ hội huênh hoang tự đắc vì đã khống chế được con người. Sự Công Chính tuyệt đối của Đức Giê-su được thể hiện qua sự sống lại của Người, vì nó minh chứng cho nhân loại thấy rằng Người không có tội, chẳng hề phạm tội, Người chiến thắng tội lỗi và cái chết. Như thế, Người chiến thắng Xa-tan, vì Xa-tan là hiện thân của tội lỗi và sự chết.

Việc Xét Xử: Chúa Thánh Thần soi sáng cho những ai đã luận tội Đức Giê-su biết rằng họ đã sai, việc họ xét xử một Đấng vô tội là một việc bất công và gian tà. Bởi vì, Đấng bị xét xử đã sống lại hiển vinh và trở nên người bạn đồng hành vượt không gian và thời gian của những ai tin vào Người.

Sự sống lại của Đức Giê-su minh chứng rằng những kẻ đã luận tội Người, đã treo Người trên thập giá, đã xét xử Người cách bất công là một hành vi sai lầm. Sai lầm đó đến từ việc không tin Đức Giê-su chính là Đấng Mê-xi-a, là Con Thiên Chúa và là Thiên Chúa thật, là Đấng Emmanuel sống giữa con người như bao con người nhưng không phạm tội.

Phần bạn, bạn có thực sự tin rằng Đức Giê-su Ki-tô là Đấng duy nhất có thể cứu bạn và giải thoát bạn khỏi tội lỗi của mình và của anh em mình không? Bạn thể hiện lòng tin vào Đức Giê-su ra sao, vì thánh Gia-cô-bê nói "đức tin không có việc làm là đức tin chết" (Gc 2:17)? Bạn có nhận ra sự hoạt động của Chúa Thánh Thần trong tâm hồn bạn không, chẳng hạn như Người thúc đẩy bạn siêng năng cầu nguyện, đi dâng lễ, thực thi công bình và bác ái xã hội, sống tinh thần sám hối và yêu thương, v.v..?

Chúc bạn cầu nguyện sốt sắng!

III.Tin Mừng Ga 16:12-15 (Thứ 4, VI-PS)

(Thứ Tư sau Chúa Nhật VI Phục Sinh)

12 Khi ấy, Chúa Giêsu nói: "Thầy còn nhiều điều phải nói với anh em. Nhưng bây giờ, anh em không có sức chịu nổi.13 Khi nào Thần Khí sự thật đến, Người sẽ dẫn anh em tới sự thật toàn vẹn. Người sẽ không tự mình nói điều gì, nhưng tất cả những gì Người nghe, Người sẽ nói lại, và loan báo cho anh em biết những điều sẽ xảy đến.14 Người sẽ tôn vinh Thầy, vì Người sẽ lấy những gì của Thầy mà loan báo cho anh em.15 Mọi sự Chúa Cha có đều là của Thầy. Vì thế, Thầy đã nói: Người lấy những gì của Thầy mà loan báo cho anh em. "

Các bạn thân mến,

Đoạn Tin Mừng ngắn ngủi này có một chi tiết khá thú vị, đó là chúng ta được nghe Đức Giê-su mặc khải và phác họa về hình ảnh cũng như sự hoạt động của một Thiên Chúa Ba Ngôi: "Mọi sự Chúa Cha có đều là của Thầy. Vì thế, Thầy đã nói: Người lấy những gì của Thầy mà loan báo cho anh em" (Ga 16:15). Thiên Chúa Ba Ngôi là một mặc khải khó hiểu và khó giải thích. Tri thức con người có thể hiểu và giải thích phần nào về mầu nhiệm này mà thôi. Do đó, người Ki-tô hữu chỉ có thể dùng đức tin do Thiên Chúa ban tặng để tin, yêu và khẩn cầu Danh Ba Ngôi Thiên Chúa.

Đức Giê-su biết tri thức giới hạn của các môn đệ cũng như của chúng ta, nên Người nói: "Thầy còn nhiều điều phải nói với anh em. Nhưng bây giờ, anh em không có sức chịu nổi" (Ga 16:12). Nghĩa là, việc hiểu biết Đức Giê-su của người tín hữu sẽ ngày càng lớn dần lên, chứ không thể đạt tới một tri thức viên mãn về Người cách tức thì, ngoại trừ người đó được một ơn đặc biệt của Thiên Chúa. Đức Giê-su là một mầu nhiệm đối với các môn đệ của Người, bởi vì các ngài thường xuyên sống với Đức Giê-su nhưng thường hiểu sai về Người, chẳng hạn như thánh Phê-rô ngăn cản Chúa Giê-su đừng đi con đường thập giá, thánh Gia-cô-bê và Gioan thì nhờ mẹ nói giúp với Chúa Giê-su cho các ngài được ngồi bên tả và bên hữu của Người, thánh Phi-líp-phê chưa đủ lòng tin vào quyền năng của Chúa Giê-su trước khi nhìn thấy phép lạ Bánh Hóa Nhiều, v.v.. Các Tông đồ và môn đệ của Đức Giê-su phải trải qua một thời gian dài sống với Thầy Giê-su mới có thể hiểu về Người và tuyên xưng Danh Giê-su, làm chứng về Danh Giê-su bằng cả mạng sống của các ngài. Tương tự, con cái sẽ hiểu cha mẹ nhiều hơn khi chúng gần gũi với cha mẹ và thường xuyên trò chuyện với họ. Phần chúng ta, chúng ta cũng có thể hiểu Chúa hơn, yêu Chúa hơn và theo sát Người hơn nếu chúng ta luyện tập sống gần gũi với Chúa qua việc cầu nguyện và nhận định ý Chúa, sống tình bạn với Người trong từng khoảnh khắc và biến cố của cuộc đời chúng ta.

Bạn có bao giờ khát khao được hiểu biết Chúa nhiều hơn không? Hiểu Chúa hơn có ý nghĩa gì đối với đời sống đức tin của bạn? Theo bạn, đâu là phương thế giúp bạn được hiểu Chúa hơn? Bạn có thể tìm câu trả lời bằng cách nói chuyện với Chúa và xin Người soi sáng cho bạn để nhận ra thánh ý của Người, bạn nhé! Bạn cũng có thể xin Chúa ban cho bạn ơn "hiểu biết Chúa hơn" trong giờ cầu nguyện này.

Chúc bạn cầu nguyện sốt sắng!

IV.Tin Mừng Ga 16:16-20 (Thứ 5, VI-PS)

(Thứ Năm sau Chúa Nhật VI Phục Sinh)

16 "Ít lâu nữa, anh em sẽ không còn trông thấy Thầy, rồi ít lâu nữa, anh em sẽ lại thấy Thầy."
17 Bấy giờ vài người trong nhóm môn đệ của Đức Giê-su hỏi nhau: "Người muốn nói gì khi bảo chúng ta: "Ít lâu nữa, anh em sẽ không trông thấy Thầy, rồi ít lâu nữa, anh em sẽ lại thấy Thầy" và "Thầy đến cùng Chúa Cha"? "18 Vậy các ông nói: ""Ít lâu nữa" nghĩa là gì? Chúng ta không hiểu Người nói gì! "19 Đức Giê-su biết là các ông muốn hỏi mình, nên bảo các ông: "Anh em bàn luận với nhau về lời Thầy nói: "Ít lâu nữa, anh em sẽ không trông thấy Thầy, rồi ít lâu nữa, anh em sẽ lại thấy Thầy".20 Thật, Thầy bảo thật anh em: anh em sẽ khóc lóc và than van, còn thế gian sẽ vui mừng. Anh em sẽ lo buồn, nhưng nỗi buồn của anh em sẽ trở thành niềm vui.

Bạn thân mến,

"Ít lâu nữa, anh em sẽ không còn trông thấy Thầy, rồi ít lâu nữa, anh em sẽ lại thấy Thầy" (Ga 16:16) là lời mặc khải của Đức Giê-su tiên báo về sự chết và sự sống lại của Người.

Giây phút cả nhân loại vắng bóng Chúa Giê-su là lúc Người tắt thở trên thập giá và được an táng trong mộ đá. Giây phút này chứa đầy sự u buồn, thảm khốc, thất vọng và hổ thẹn trong tâm hồn những người biết Chúa, tin Chúa và theo Chúa. Nó tựa như những giây phút của sự sầu khổ thiêng liêng mà hầu hết người Ki-tô hữu đều cảm nếm bề trong và kinh nghiệm về nó.

Tuy nhiên, không ai phải chịu sầu khổ mãi mãi, bởi vì Đức Giê-su đến thế gian để giúp con người được sống và sống sung mãn. Điều quan trọng là có bao nhiêu người tin vào Đức Giê-su và trông cậy nơi Người để tìm thấy niềm vui và bình an trong tâm hồn mình?

Thực tế, khi đối diện với sầu khổ thiêng liêng, nếu không đủ niềm tin vào Đức Giê-su và sự khoan dung của Người, con người sẽ tìm đến cái chết hoặc xa rời Đức Ki-tô và Cộng đoàn Giáo hội như hình ảnh hai môn đệ Emmaus và Giu-đa Ít-ca-ri-ốt, hoặc phủ nhận Tin Mừng của Đức Giê-su để tìm kiếm một lối thoát cho chính mình nhưng tìm hoài không gặp và đi tới ngõ cụt của đường hầm.

Chúa Giê-su không bao giờ để con người phải mãi chịu khổ đau và sống trong sầu khổ; vì thế, Người đã sống lại để đem đến niềm vui và sự an ủi thiêng liêng cho những ai tin tưởng nơi Người. Niềm vui và sự an ủi này kéo dài mãi mãi, nó chỉ biến mất khi người ta lạc mất niềm tin và chẳng còn nhớ tới sự hiện diện của Đấng họ đang đặt trọn niềm tin. Do đó, làm thế nào mọi người biết kiên nhẫn với chính mình và tín thác hoàn toàn nơi Đức Giê-su để không thất vọng, không chọn con đường dẫn tới ngõ cụt, không hành động tiêu cực khi vắng bóng Thầy Giê-su? Phải chăng chỉ có một cách thế duy nhất là biết ở lại với Thầy Giê-su bằng cách chiêm ngắm Lời của Thầy, lắng nghe những gì Thầy đã nói và đã được ghi lại trong Sách Thánh, vì đây chính là phương thế giúp các tín hữu có thể nhận ra Thầy Giê-su luôn ở bên họ, luôn lắng nghe họ, luôn đồng hành với họ, luôn nhắc nhở và động viên họ qua từng sự kiện, biến cố và công việc của họ. Bạn có kinh nghiệm như thế không?

Bạn thân mến, bạn hãy xin Chúa Giê-su Phục Sinh giúp bạn có được kinh nghiệm của Maria Mác-đa-la khi nhìn thấy Chúa Phục Sinh hiện ra và reo lên "Chúa đã sống lại thật rồi! " để bản thân bạn cũng vui mừng và tuyên xưng rằng Chúa đã sống lại trong con người bạn.

Chúc bạn cầu nguyện sốt sắng!

V.Tin Mừng Lc 1:39-56 (ĐỨC MẸ ĐI THĂM VIẾNG BÀ I-SA-VE, 31/5)

(Thứ Sáu Tuần VI Phục Sinh)

39 Hồi ấy, bà Ma-ri-a vội vã lên đường, đến miền núi, vào một thành thuộc chi tộc Giu-đa.40 Bà vào nhà ông Da-ca-ri-a và chào hỏi bà Ê-li-sa-bét.41 Bà Ê-li-sa-bét vừa nghe tiếng bà Ma-ri-a chào, thì đứa con trong bụng nhảy lên, và bà được đầy tràn Thánh Thần,42 liền kêu lớn tiếng và nói rằng: "Em được chúc phúc hơn mọi người phụ nữ, và người con em đang cưu mang cũng được chúc phúc.43 Bởi đâu tôi được Thân Mẫu Chúa tôi đến với tôi thế này?44 Vì này đây, tai tôi vừa nghe tiếng em chào, thì đứa con trong bụng đã nhảy lên vui sướng.45 Em thật có phúc, vì đã tin rằng Chúa sẽ thực hiện những gì Người đã nói với em."

46 Bấy giờ bà Ma-ri-a nói:
"Linh hồn tôi ngợi khen Đức Chúa,
47 thần trí tôi hớn hở vui mừng
vì Thiên Chúa, Đấng cứu độ tôi.
48 Phận nữ tỳ hèn mọn,
Người đoái thương nhìn tới;
từ nay, hết mọi đời
sẽ khen tôi diễm phúc.
49 Đấng Toàn Năng đã làm cho tôi
biết bao điều cao cả,
danh Người thật chí thánh chí tôn!
50 Đời nọ tới đời kia,
Chúa hằng thương xót những ai kính sợ Người.
51 Chúa giơ tay biểu dương sức mạnh,
dẹp tan phường lòng trí kiêu căng.
52 Chúa hạ bệ những ai quyền thế,
Người nâng cao mọi kẻ khiêm nhường.
53 Kẻ đói nghèo, Chúa ban của đầy dư,
người giàu có, lại đuổi về tay trắng.
54 Chúa độ trì Ít-ra-en, tôi tớ của Người,
55 như đã hứa cùng cha ông chúng ta,
vì Người nhớ lại lòng thương xót
dành cho tổ phụ Áp-ra-ham
và cho con cháu đến muôn đời."
56 Bà Ma-ri-a ở lại với bà Ê-li-sa-bét độ ba tháng, rồi trở về nhà.

Bạn thân mến,

Hôm nay Giáo Hội mừng lễ "Đức Mẹ Thăm Viếng". Tại sao có ngày lễ này và nó mang ý nghĩa gì trong đời sống đức tin của người Ki-tô hữu?

Vào thế kỷ XIII, các tu sĩ Dòng Phan-xi-cô là những người đầu tiên cử hành mừng lễ Mẹ Thăm Viếng, bởi lẽ qua việc thăm viếng gia đình ông Da-ca-ri-a và bà Ê-li-da-bét, Đức Mẹ đã mang lại nhiều niềm vui và an ủi cho gia đình ông bà. Hơn thế nữa, Giáo hội thời bấy giờ cũng đang cần đến sự hiệp nhất trong bình an và sức mạnh nhờ lời chuyển cầu của Mẹ Maria. Chính vì thế, đến thời Đức Thánh Cha Phao-lô VI, ngài đã nhấn mạnh về tầm quan trọng của ngày lễ này như một lời công bố về lòng nhân hậu và ơn cứu độ của Thiên Chúa dành cho nhân loại qua Đức Mẹ Maria.

Phần chúng ta, qua biến cố Thăm Viếng và qua bài đọc Lời Chúa của lễ này, chúng ta được nhắc nhớ về điều gì, đâu là thông điệp Chúa muốn gửi tới chúng ta?

Để trả lời câu hỏi trên, tôi thiết nghĩ, chúng ta nên dùng câu Lời Chúa đầu tiên trong Lc 1:39-56 để cầu nguyện và tìm kiếm ý Chúa: "Hồi ấy, bà Ma-ri-a vội vã lên đường, đến miền núi, vào một thành thuộc chi tộc Giu-đa. Bà vào nhà ông Da-ca-ri-a và chào hỏi bà Ê-li-sa-bét " (Lc 1:39).

Sau khi nghe sứ thần của Thiên Chúa loan báo cho biết về kế hoạch yêu thương của Người dành cho nhân loại, Đức Maria đã vội vã lên đường thăm viếng người chị họ của mình. Sự "vội vã" của Mẹ Maria ám chỉ một trạng thái gấp gáp và cấp bách. Vì thế, Mẹ chẳng có nhiều thời gian để chuẩn bị hành trang cho chuyến đi xa. Hơn nữa, sự vội vã này thể hiện một tinh thần tín thác vào sự quan phòng của Thiên Chúa, nên Mẹ không cần chuẩn bị những phương tiện vật chất. Vậy, hành trang chính yếu của Mẹ là gì? Hơn nữa, sự vội vã của Mẹ có ý nghĩa ra sao trong đời sống làm chứng tá cho Tin Mừng Cứu Độ của chúng ta?

Chúng ta hãy chiêm ngắm hình ảnh hai chị em gặp nhau, điều gì đã xảy ra? Vừa gặp người em gái thì bà I-sa-ve (còn gọi là Ê-li-da-bét) và đứa con vừa thành hình trong dạ mẹ được sáu tháng (Gioan) đã nhảy mừng. Vì sao họ vui mừng như thế? Vì họ được gặp gỡ Hài Nhi Giê-su - Đấng Cứu Độ vừa được sai vào cung lòng của Mẹ Maria - được nhận biết lòng nhân hậu và ơn cứu chuộc của Ba Ngôi Thiên Chúa: "Bà Ê-li-sa-bét vừa nghe tiếng bà Ma-ri-a chào, thì đứa con trong bụng nhảy lên, và bà được đầy tràn Thánh Thần, liền kêu lớn tiếng và nói rằng: "Em được chúc phúc hơn mọi người phụ nữ, và người con em đang cưu mang cũng được chúc phúc" (Lc 1:41-42).

Qua vài gợi ý trên, chúng ta có thể nhận ra rằng hành trang chính yếu của Mẹ Maria khi thăm viếng người chị họ là chính Chúa Giê-su, và việc loan báo Tin Mừng về Đấng Cứu Chuộc không thể chậm trễ, ngược lại, đó là một việc làm cấp bách và cần kíp vì có rất nhiều người đang khát khao được nghe biết tin vui trọng đại này, bởi lẽ con người luôn phải đối diện với nhiều khổ đau, cùng quẫn...

Bạn thân mến, bạn có nhận thấy Lời Chúa thôi thúc bạn ra đi loan báo Tin Mừng của Người không? Bạn chuẩn bị gì làm hành trang lên đường? Bạn đã thực hiện được bao nhiêu cuộc thăm viếng như Đức Mẹ?

Bạn hãy chiêm ngắm hình ảnh Đức Maria đi thăm viếng gia đình người chị họ và xin Chúa soi sáng tâm trí bạn nhận ra lời mời gọi của Người. Hãy tâm sự với Người những gì diễn ra trong tâm trí bạn và xin Người giúp bạn đáp trả lời mời gọi của Người, bạn nhé!


Chúc bạn cầu nguyện sốt sắng!

VI.Tin Mừng Ga 16:23-28 (Thứ 7, VI-PS)

(Thứ Bảy sau Chúa Nhật VI Phục Sinh)

23 Bấy giờ, Chúa Giêsu nói: "Ngày ấy, anh em không còn phải hỏi Thầy gì nữa. Thật, Thầy bảo thật anh em: anh em mà xin Chúa Cha điều gì, thì Người sẽ ban cho anh em nhân danh Thầy.24 Cho đến nay, anh em đã chẳng xin gì nhân danh Thầy. Cứ xin đi, anh em sẽ được, để niềm vui của anh em nên trọn vẹn.
25 Thầy đã dùng dụ ngôn mà nói những điều ấy với anh em. Sẽ đến giờ Thầy không còn dùng dụ ngôn mà nói với anh em nữa, nhưng Thầy sẽ nói rõ cho anh em về Chúa Cha, không còn úp mở.26 Ngày ấy, anh em sẽ nhân danh Thầy mà xin, và Thầy không nói với anh em là Thầy sẽ cầu xin Chúa Cha cho anh em.27 Thật vậy, chính Chúa Cha yêu mến anh em, vì anh em đã yêu mến Thầy, và tin rằng Thầy từ Thiên Chúa mà đến.28 Thầy từ Chúa Cha mà đến và Thầy đã đến thế gian. Thầy lại bỏ thế gian mà đến cùng Chúa Cha."

Bạn thân mến,

Lời Chúa hôm nay nhấn mạnh hai điều: Cầu xin và Chúa Cha. Chúa Giê-su khuyến khích môn đệ của Ngài cầu xin với Chúa Cha, vì "chính Chúa Cha yêu mến anh em, vì anh em đã yêu mến Thầy, và tin rằng Thầy từ Thiên Chúa mà đến" (Ga 16:27).

Thông thường, con cái thường cầu xin cha mẹ những điều chúng cần. Con cái không dám xin cha mẹ vì chúng ít gần gũi với mẹ cha, chưa hiểu cha mẹ. Cha mẹ thường chịu thua con cái khi chúng nài nỉ, van xin những điều chúng muốn; nói cách khác, con cái luôn chiến thắng cha mẹ khi cầu xin tình thương của họ. Chúa Giê-su thấu hiểu con tim của Chúa Cha, nên Ngài đã mách bảo các môn đệ đừng ngại xin Người điều gì, và khi xin thì chắc chắn sẽ được nhận lời.

Ngày nay, nhiều người thường cầu xin ơn của Chúa qua trung gian Đức Mẹ và các thánh, đến nỗi họ lầm tưởng các ngài có thể ban ơn. Chỉ có Thiên Chúa là Đấng ban phát mọi ơn lành cho con người. Đức Mẹ và các thánh chỉ là những người chuyển cầu những ý nguyện của chúng ta lên Thiên Chúa mà thôi. Hơn nữa, có nhiều người cũng lầm tưởng "cầu xin" là "cầu nguyện". Không phải thế. Cầu xin chỉ là một phần của cầu nguyện. Chúa Giê-su muốn chúng ta cầu nguyện với Thiên Chúa chứ không phải chỉ cầu xin với Người mà thôi, bởi vì Thiên Chúa biết chúng ta cần gì (Tv 138). Khi nói chuyện với Thiên Chúa, chúng ta sẽ được Người mặc khải cho biết những gì chúng ta cần biết, cần sống... để vươn tâm hồn tới Người, để đạt tới chân-thiện-mỹ và sống một đời thánh thiện. Nghĩa là, khi cầu nguyện với Chúa, chúng ta được nói chuyện trực tiếp với Người, chúng ta không còn cần phải nghe bằng những câu chuyện dụ ngôn nữa vì Chúa biết chúng ta có thể hiểu ý Người bao nhiêu thì Người sẽ nói bấy nhiêu: "Sẽ đến giờ Thầy không còn dùng dụ ngôn mà nói với anh em nữa, nhưng Thầy sẽ nói rõ cho anh em về Chúa Cha, không còn úp mở " (Ga 16:25).

Như thế, đời sống cầu nguyện rất quan trọng đối với người Ki-tô hữu. Qua cầu nguyện, chúng ta được đến gần Thiên Chúa, được trực tiếp nghe lời Người và được Người ban ơn trợ giúp để bước đi trên con đường thập giá mà chính Chúa Giê-su đã đi. Bạn có bao giờ cầu nguyện với Thiên Chúa như lời Con Một Thiên Chúa dạy bảo chưa? Bạn có biết xin Ơn Chúa như thế nào cho đẹp lòng Người không? Bạn cầu nguyện ra sao, có gặp được Chúa không, có nghe được tiếng nói yêu thương của Người không? Bạn sẽ xin ơn gì cho giờ cầu nguyện này?


Chúc bạn cầu nguyện sốt sắng!

VII.Tin Mừng Lc 24:46-53 (Chúa Thăng Thiên, CN VII-PS Năm C)

(CHÚA THĂNG THIÊN - Chúa Nhật VII Phục Sinh NĂM C)

46 Khi ấy, Chúa Giêsu nói: "Có lời Kinh Thánh chép rằng: Đấng Ki-tô phải chịu khổ hình, rồi ngày thứ ba, từ cõi chết sống lại;47 phải nhân danh Người mà rao giảng cho muôn dân, bắt đầu từ Giê-ru-sa-lem, kêu gọi họ sám hối để được ơn tha tội.48 Chính anh em là chứng nhân về những điều này.49 "Phần Thầy, Thầy sẽ gửi cho anh em điều Cha Thầy đã hứa. Còn anh em, hãy ở lại trong thành, cho đến khi nhận được quyền năng từ trời cao ban xuống." 50 Sau đó, Người dẫn các ông tới gần Bê-ta-ni-a, rồi giơ tay chúc lành cho các ông.51 Và đang khi chúc lành, thì Người rời khỏi các ông và được đem lên trời.52 Bấy giờ các ông bái lạy Người, rồi trở lại Giê-ru-sa-lem, lòng đầy hoan hỷ,53 và hằng ở trong Đền Thờ mà chúc tụng Thiên Chúa.

Bạn thân mến,

Hôm nay Giáo Hội mừng lễ Chúa Thăng Thiên. Thực ra, Lễ này được mừng kính vào thứ Năm vừa qua như lời Kinh Thánh chép rằng sau 40 ngày Chúa sống lại thì Người về trời (x. Cv 1:3). Tuy nhiên, vì lợi ích linh hồn của các tín hữu, Giáo Hội dời lễ này tới ngày Chúa Nhật để mừng trọng thể nhằm tạo điều kiện cho mọi người đều có thể tham dự.

Một điểm khác nữa, đó là biến cố Chúa Lên Trời chỉ có hai tác giả Tin Mừng thuật lại: thánh Luca (bài Tin Mừng hôm nay và Cv 1:1-11) và thánh Mác-cô (x. Mc 16:19).

Khi cầu nguyện và tham dự Thánh Lễ về ngày Chúa Lên Trời, bạn có suy nghĩ gì, đâu là thông điệp Chúa muốn gởi tới bạn?

Phần tôi, khi cầu nguyện với đề tài này, tôi được đánh động vài điểm sau đây:

Thứ nhất, Chúa lên trời là để tôi cũng được lên trời với Người. Với xác thịt mọn hèn, tôi sống trên mặt đất, chân đạp đất, rồi sẽ được chôn vùi dưới lòng đất. Với linh hồn bất tử, tôi sẽ được đưa lên trời, có thể chạm tới trời cao khi hướng lòng về với Chân Thiện Mỹ, có thể nếm trải hương vị của cõi thiêng liêng vĩnh hằng bằng đức tin và lòng mến Chúa. Nước Trời ngay trong tâm hồn tôi khi tôi biết hướng về sự thiện hảo, về trời cao thanh khiết. Vì thế, nhờ linh hồn bất tử được chạm tới thiên không thanh khiết mà thân xác tôi được bồi đắp vẹn toàn, được mạnh mẽ hơn để yêu thương và phục vụ sứ mạng của Chúa.

Thứ hai, Chúa về trời để tôi được tự do sống như một Đức Ki-tô khác (Alter Christus, "another Christ"). Đó cũng là thông điệp Chúa gửi tới tôi như một di chúc thiêng liêng của Người. Thông điệp này cũng là một sứ mạng chứa nhiều thách đố. Làm thế nào để tôi có thể trở nên một Ki-tô khác? Làm thế nào để tôi nhận ra một Ki-tô khác giữa cuộc sống và sứ mạng của mình? Làm thế nào để tôi giúp người khác trở nên một Ki-tô khác như lòng Chúa mong ước? Làm thế nào mọi linh hồn đều biết hướng về trời cao để được sống tự do, bình an và vui tươi như cõi thiên thai cực lạc mà Chúa Phục Sinh và các thánh đang sum vầy, hát ca bên Bàn Tiệc Vô Tận?

Thứ ba, Chúa về trời để tôi luôn sống trong niềm hy vọng và xác tín rằng Chúa luôn dõi nhìn và bảo vệ tôi từng phút giây, vì Người ở trên cao và nhìn thấy hết mọi sự. Người thấy tôi đang phạm sai lầm và nhẹ nhàng nhắc nhở. Người thấy tôi đang đi lạc đường và vội vàng dẫn tôi trở về đường ngay nẻo chính. Người thấy tôi đang xa tránh các bạn của Người và khe khẽ dìu tôi trở lại sống gần gũi với họ hơn. Người giúp tôi can đảm và biết cậy trông vào Người khi đi trên đường thập giá, vì Người đang ở trên cao phủ bóng che chở tôi.

Sau cùng, Chúa về trời để tôi có cơ hội ngắm nhìn Người như các môn đệ đăm đăm nhìn trời cao hướng về Chúa của mình, Đấng đã chiến thắng tội lỗi và sự chết, lòng tràn ngập vui mừng và hy vọng. Tôi có thể lắng nghe lời Người, nói chuyện với Người trong lòng Tin Cậy Mến, nhớ lại những gì Người đã làm gương cho tôi khi mặc lấy xác phàm sống như người trần thế. Sau khi ngước nhìn trời cao nơi Đấng Phục Sinh ngự trị, tôi có đủ niềm tin và sức mạnh để học với Người và học nơi Người, sống và làm chứng về Người như các môn đệ thuở xưa.

Bạn thân mến, trên đây chỉ là những chia sẻ nhỏ về kinh nghiệm của bản thân tôi khi ngắm nhìn biến cố Chúa Thăng Thiên. Tôi tin rằng khi bạn cầu nguyện với đề tài Chúa Lên Trời, bạn cũng sẽ có được những cảm nếm thiêng liêng và nghe được những thông điệp yêu thương của Chúa để nhờ đó tình bạn giữa bạn với Chúa thân thiết hơn và tiếp tục bước theo dấu chân của Người trên con đường thập tự, tựa như một người thân chuẩn bị "về trời với Chúa" thường nhắn nhủ những người ở lại những thông điệp, những lời trăng trối... Lời trăng trối của Chúa Giêsu trước lúc về trời trong đoạn Tin Mừng hôm nay là "phải nhân danh Người mà rao giảng cho muôn dân... và là chứng nhân về những điều này" (Lc 24:47-48). Có thể trong thế giới hôm nay và với hoàn cảnh cũng như khả năng khác biệt của mỗi người, Chúa gửi tới chúng ta những thông điệp khác nhau. Bạn hãy cố gắng lắng nghe thông điệp của Chúa, bạn nhé!

Để kết thúc, tôi xin mạn phép kể một câu chuyện mà tôi được đọc lâu rồi, không nhớ rõ chi tiết, chỉ nhớ nội dung khái quát thế này:

Có một cặp vợ chồng đang lênh đênh trên biển (có thể họ là những thuyền nhân đang đi tị nạn chăng), thuyền đang chìm và chỉ còn một cái phao đang nổi trôi đằng xa mà thôi. Hai vợ chồng dùng dằng, chẳng ai muốn xa nhau. Thế nhưng, cuối cùng người vợ nói nhỏ vào tai chồng điều gì đó. Nghe xong, người chồng lập tức nhảy khỏi thuyền bơi tới chộp cái phao để thoát chết. Người vợ ở lại chết chìm với con thuyền. Những người chứng kiến cảnh tượng này đã khinh dể người chồng cho rằng anh ta tham sống sợ chết và là kẻ phụ tình. Trở về với cuộc sống thường ngày, anh ta chăm chỉ lao động, sống mẫu mực, đảm đang vai trò "gà trống nuôi con", bỏ mặc những tiếng đồn và lời gièm pha ác ý của xóm giềng. Rồi một ngày kia, các con anh khôn lớn, ai nấy đều thành danh, và anh già, đau bệnh, rồi từ giã cõi đời mà không một lời phân trần giải thích cho các con nghe những tiếng thị phi. Bỗng một hôm, các con anh dọn dẹp căn phòng và nhìn thấy một cuốn sổ nhật ký trong đó có những lời tâm sự của anh với người vợ quá cố rằng: "Anh sẽ cố gắng thực hiện ước nguyện của em. Anh sẽ sống tốt, sẽ nuôi dạy các con thành tài. Anh không sao quên được những lời nói sau cùng của em: 'Anh phải sống, vì các con cần anh! Em không còn sống được bao lâu nữa. Em đã bị ung thư giai đoạn cuối rồi. Nếu em sống, em cũng sẽ chết sớm và không thể chăm sóc, dưỡng dục các con nên người được!' Dẫu biết thế, nhưng anh vẫn không muốn em chết. Vì các con và vì lời trăng trối của em, anh sẽ sống để chu toàn nghĩa vụ; nhưng em, em vẫn mãi sống trong trái tim anh."


Chúc bạn cầu nguyện sốt sắng!

Lm Giuse BCD,SJ

Read 9199 times