Ngày nay chúng ta hay nói đến 2 chữ vô cảm. Vậy vô cảm là gì? Thưa, vô cảm chính là sự dửng dưng, thờ ơ, "máu lạnh" với những cuộc sống xung quanh. Ra đường gặp cái đẹp không mảy may rung động; gặp cái tốt không ủng hộ; thấy cái xấu, cái ác không dám lên án, không dám chống lại...
Trong vụ thảm sát tại Đan Phượng- Hà nội đã cho chúng ta thấy rõ một xã hội vô cảm đến lạnh lùng.
Ngày 1/9, đối tượng Nguyễn Văn Đông đã cầm dao sang truy sát cả nhà em trai của mình. Đáng nói, sự việc xảy ra có nhiều người chứng kiến nhưng không ai dám xông vào can ngăn. Khi em trai Đông đã gục xuống, Đông vẫn tiếp tục hạ sát. Đông còn tiếp tục vung dao chém hết thẩy 5 người và 4 người đã chết tại chỗ! Tại sao cả một khu phố không hô hào nhau bảo vệ người làng của mình? Tại sao lại hèn nhát vậy? Nếu nói rằng hung thủ quá hung hãn, vậy thử hỏi nếu người bị hại là người thân của mình có vô cảm vậy hay không? Có lẽ, nếu đó là người thân của ta, thái độ của ta sẽ khác và sẽ không vô cảm như vậy.
Nhưng đáng tiếc, bệnh vô cảm này dường như đã trở thành một lối sống thiếu tình liên đới của người Việt Nam hôm nay.
+Đã nhiều lần chúng ta từng bắt gặp một người ăn xin, rồi liền quay mặt đi một cách lạnh lùng?
+ Đã nhiều lần chúng ta từng lướt qua một vụ tai nạn với ý nghĩ "Mình đang vội mà. Sẽ có người lo thôi!"
+ Đã nhiều lần chúng ta từng chứng kiến những vụ chồng đánh vợ, nữ sinh đánh nhau, vụ móc túi trên xe bus,...mà chỉ đứng nhìn? (thậm chí móc điện thoại ra quay để có bài đăng facebook cho tối nay!)
Có lẽ điều mà giáo dục hôm nay cần quan tâm đó là xây dựng một xã hội đồng cảm và chia sẻ. Một xã hội mà nơi đó mọi người biết yêu thương nhau, giúp đỡ và sẻ chia cùng nhau. Một xã hội mà nơi đó mọi người biết sống tử tế, vị tha và quan tâm tới nhau hơn.
Thời Chúa Giê-su, có lẽ cũng không thiếu những loại người vô cảm trước nỗi thống khổ của tha nhân. Họ vô cảm đến nhẫn tâm bước qua một phận người lây lấy trên đường từ Giê-ru-sa-lem tới Giê-ri-cô. Họ có “rất nhiều của cải” nhưng lại không dám “bán những gì (họ) có mà cho người nghèo”. Sự vô cảm đó còn len lỏi đến cả những môn đệ của Chúa khi họ xin Chúa giải tán đám đông để tự đi mua thức ăn.
Thầy Giê-su đã nhẹ nhàng nhắc nhở sự vô cảm nơi con người qua dụ ngôn : “ông nhà giàu và anh Lazaro nghèo khó”. Ông nhà giàu và anh Lazaro nghèo khó tuy “rất gần mà lại xa”! Họ rất gần nhau, gần đến nỗi chỉ cách “một cái cổng nhà”, thế nhưng lại rất xa, xa bởi chính “sự-vô-cảm” nơi ông nhà giầu.
Sự vô cảm đến độ hằng ngày ông vẫn ăn mặc lụa là gấm vóc, yến tiệc linh đình và để mặc cho anh Lazaro nghèo khó : “mụn nhọt đầy mình, nằm trước cổng nhà của ông” sống lây lất từng ngày.
Thế nhưng, cuối câu chuyện là một sự đảo ngược lạ thường. Ông nhà giàu lại là kẻ mong Lazaro “đừng-vô-cảm” trước sự đau khổ của ông ta ! Trước kia Lazaro “thèm những thứ trên bàn ăn của ông rớt xuống mà ăn cho no”… Thì hôm nay ông “thèm” được Lazaro : “nhúng đầu ngón tay vào nước, nhỏ trên lưỡi ông cho mát, vì ở đây ông bị lửa thiêu đốt khổ lắm!”
Như vậy, sự giầu có không là tội mà sự vô cảm mới chính là nguyên do dẫn ông nhà giầu chịu cảnh đau khổ ở đời sau. Ông đã bỏ rơi đồng loại trong khi ông có khả năng giúp đỡ họ. Ông đã phớt lờ những mảnh đời bất hạnh bên cạnh sự giầu có xa xỉ của ông. Hậu quả là ông cũng bị mọi người lương thiện nhân ái bỏ rơi ông trước cửa Nước Trời.
Thiên Chúa tạo dựng con người có một trái tim để yêu thương, để cảm nhận nỗi thống khổ của tha nhân mà chạnh lòng thương xót. Đừng vô cảm trước phận đời bất hạnh. Đừng bàng quan trước nỗi đau của anh em. Ngày phán xét Chúa sẽ không hỏi chúng ta giầu có hay nghèo đói. Chúa cũng không hỏi chúng ta chức tước địa vị gì, mà Chúa sẽ hỏi về tình yêu liên đới của chúng ta với tha nhân. Chúng ta có bác ái với tha nhân hay không? Chúng ta có quá vô cảm đến vô tâm với anh em không?
Nguyện xin Chúa Giê-su luôn chạnh lòng thương xót mọi phận người, xin giúp chúng con luôn biết sống chia sẻ với những anh em nghèo khó. Xin đừng để chúng con vô cảm mà bàng quan trước những phận người khổ đau. Amen.
Lm.Jos Tạ Duy Tuyền