Get Adobe Flash player

Tìm Kiếm

Đăng nhập

Thứ tư, 12 Tháng 2 2020 09:30

Niềm tin của người ngoại đạo

Posted by 
Rate this item
(0 votes)
  Niềm tin của người ngoại đạo

THỨ NĂM - TUẦN V THƯỜNG NIÊN C

NGÀY 13/02/2020

NIỀM TIN CỦA NGƯỜI NGOẠI ĐẠO

Tin Mừng Mc 7: 24-30


Hành trình sứ vụ công khai của Chúa Giêsu được thánh Maccô miêu tả ngay từ những chương đầu cho đến hôm nay, ngài nhắm đến một mục tiêu duy nhất là cho mọi người thấy và nhận biết Chúa Giêsu là ai.

Dù là dân ngoại, nhưng với niềm tin tưởng vào uy quyền của Chúa Giêsu, người phụ nữ gốc Phênixi đã van xin Người cứu chữa con gái bà. Cảm kích trước sự khiêm nhường và lòng tin của người phụ nữ, Chúa Giêsu đã ban cho bà phép lạ như lòng ao ước. Nhờ được thử thách trong đức tin, lời cầu xin của bà đã được Chúa nhậm lời. Bà là một tấm gương cho sự khiêm tốn và kiên trì trong cầu nguyện. Trong lời cầu xin của bà, chúng ta tìm thấy những điều kiện cần có để được Chúa nhậm lời: khiêm tốn, tin tưởng, kiên trì và mạnh dạn.

Chúa Giêsu thử nghiệm thái độ thành khẩn của người đàn bà bằng câu nói gây tổn thương nửa đùa nửa thật : "Phải để cho con cái ăn no trước đã, vì không được lấy bánh dành cho con cái mà ném cho chó con." Người đàn bà không chút mảy may, bà bày tỏ sự khiêm tốn và lòng thành trong khi cầu xin. Mặc dù bà đang trong thảm kịch khó khăn của gia đình, khi có đứa con gái bị quỷ ám. Nghe câu nói ấy chắc hẳn bà cũng buồn, nhưng bà đã đáp lại câu nói như đùa mà thật ấy, bằng lập luận của người có lòng tin : “Thưa Ngài, đúng thế, nhưng chó con ở dưới gầm bàn lại được ăn những mảnh vụn của đám trẻ con”.

Mẩu đối thoại ban đầu xem như gây cấn, tổn thương, làm thất vọng cho người nghe… nhưng tình huống đã quay ngược lại bằng cách đối đáp đầy tự tin, dí dỏm, khôn ngoan, nhưng cũng đầy lí luận chứa đựng một niềm tin vững chắc của người đà bà gốc dân ngoại. Chúa Giêsu đã cảm nhận lòng tin ấy, và Ngài đã ra tay cứu chữa : "Vì bà nói thế, nên bà cứ về đi, quỷ đã xuất khỏi con gái bà rồi”.

Chúa Giêsu không bao giờ tỏ ra kỳ thị con người như thế. Tin Mừng hôm nay là một bằng chứng. Cũng như các tác giả Tin Mừng khác, thánh sử Marcô cho thấy phần lớn hoạt động và thời giờ của Chúa Giêsu được dành cho người Do thái; chỉ sau khi sống lại, Ngài mới chính thức sai các Tông đồ truyền giảng Tin Mừng cho mọi người, bất luận là Do thái hay không Do thái.

Qua câu trả lời của Chúa Giêsu với người đàn bà gốc Phênixi, ta không thể giải thích dấu hiệu thi sự khinh miệt của Ngài đối với người khác đạo và khác tổ quốc; đúng hơn, Chúa muốn mọi người đừng quên ưu thế của người Do thái trong việc thừa hưởng ơn cứu độ, bởi vì Thiên Chúa đã chọn cha ông họ và muốn tỏ lòng trung thành với cha ông họ. Người Do thái được ưu tiên, chứ không phải là những người duy nhất được hưởng ơn cứu độ; vì thế, dù quan tâm săn sóc người Do thái nhiều đến đâu, Chúa Giêsu cũng không để trở thành vật sở hữu độc quyền của họ, Ngài vẫn có tự do bày tỏ tình thương đối với người khác.

Thật ra ngay những năm rao giảng Tin Mừng, Chúa Giêsu đã hé mở cho thấy chiều kích phổ quát của giáo lý và của ơn cứu độ mà Ngài mang lại. Ngoài những giáo huấn về tình huynh đệ đại đồng và thái độ không bài ngoại của Chúa Giêsu, Tin Mừng còn thuật lại các chuyến đi của Ngài tới vùng đất ngoại giáo, tại đây, Ngài cũng đã làm nhiều phép lạ, như trừ quỷ cho một thanh niên ở Gêrasa, cho một người câm ở miền Thập tỉnh nói được, và lần này trừ quỷ cho con gái của một phụ nữ Hy lạp gốc Phênixi.

Thánh Máccô khắc họa chân dung Chúa Giêsu là Đấng cứu độ phải đến, Ngài đã vượt qua rào cản Do Thái giáo để đến với mọi người kể cả dân ngoại. Nhân loại hôm nay trong bối cảnh toàn cầu hóa, họ nhìn Ngài một cách đầy thiện cảm. Ngài đến với mọi người như một “người ngoại quốc”, nhưng Ngài lại cư xử với mọi người như là “người thân cận”. Ở đây chúng ta có thể liên tưởng đến đoạn Tin Mừng theo thánh Luca 10, 30 khi chàng thanh niên hỏi Chúa Giêsu, “ai là người thân cận của tôi ?”

Có phải là người đàn bà ngoại quốc này là người thân cận của Chúa Giêsu hôm nay. Có phải là người đang cần sự giúp đỡ, người đang cần được yêu thương là câu trả lời đúng về người thân cận ?

Đối với người Kitô hữu, tất cả chúng ta phải vượt ra khỏi rào cản của văn hóa, của ranh giới địa lý. Không có khái niệm “người ngoại quốc” như là “người xa lạ” trong não trạng của một Kitô hữu. Người Kitô hữu theo chân Chúa Giêsu trên mọi nẻo hành trình, phải học được cách hành xử vượt biên cương của Chúa Giêsu. Phải học được sự khiêm tốn và lòng thành khẩn của người đàn bà ngoại giáo, khi bà vượt qua biên cương địa lý, để kêu xin, để khẩn nài Chúa cứu giúp.

Chúa Giêsu đến, Ngài đổi mới và kiện toàn mọi sự. Chúa Giêsu đến, Ngài hoàn thiện luật Cựu Ước, thay thế luật Cựu Ước bằng luật yêu thương. Sự xuất hiện của Chúa Giêsu với nhiều điểm mới, đã làm cho các kinh sư, Pharisiêu, biệt phái, cùng hàng ngũ lãnh đạo Do Thái thấy ngột ngạt vì họ bị Ngài sửa lưng khi họ làm những chuyện không đúng. Họ dò xét, dòm ngó, tìm cách bắt bẻ và tấn công Ngài… Chúa Giêsu đến, Hêrôđê lo sợ coi Ngài như một mối đe dọa đến vương quyền của ông. Ông sợ Ngài sẽ chiếm mất ghế và vị trí của ông. Chúa Giêsu đến, dân chúng người theo kẻ không theo, người được chữa lành thì đi theo tung hô, nhưng kẻ bị la mắng, bị chỉnh sửa thì thấy Ngài là né…

Thiên Chúa biết chúng ta cần gì, và Người luôn ban ơn cho chúng ta dư dật hơn cả lòng chúng ta ước ao. Người yêu thương, chăm sóc chúng ta cách chu đáo hơn bất cứ người cha tốt lành nào trên thế gian lo cho con cái mình. Dẫu vậy, đôi khi, Thiên Chúa “bắt” chúng ta phải chờ đợi để chúng ta có thể sẵn sàng hơn, để chúng ta khát khao ân sủng một cách nao nức hơn, mãnh liệt hơn.

Cũng có khi Chúa thanh luyện lời cầu xin của chúng ta và Người sẽ ban điều thật sự cần thiết cho cuộc đời chúng ta. Và, cũng sẽ có những lúc Thiên Chúa không ban cho chúng ta điều chúng ta cầu xin, vì lẽ những điều ấy chẳng đem lại ơn ích gì cho chúng ta. Điều cần là chúng ta phải tin tưởng và kiên trì trong lời cầu nguyện của mình, không bao giờ ngã lòng, hay thất vọng vì không được Chúa ban cho điều mình ước vọng.

Huệ Minh

Read 433 times Last modified on Thứ sáu, 14 Tháng 2 2020 06:31