Get Adobe Flash player

Tìm Kiếm

Đăng nhập

Thứ năm, 19 Tháng 3 2020 12:12

Yêu Chúa hết lòng

Posted by 
Rate this item
(0 votes)
  Yêu Chúa hết lòng


20.3 Thứ Sáu
Mc 12, 28-34

YÊU CHÚA HẾT LÒNG

Yêu Chúa trong Cựu Ước là thờ lạy, là vâng phục Ngài. Trong Tân Ước, thập giới Sinai vẫn còn giá trị. Yêu Chúa là yêu hết linh hồn, là giữ trọn Lời Chúa, là thực thi Lời Chúa và theo Chúa bằng con đường từ bỏ, và không gì dứt lìa chúng ta ra khỏi Thiên Chúa, cho dù là đau khổ, hoạn nạn, thử thách. Tình yêu mạnh hơn sự chết nữa.

Vì tâm địa gian ác cũng như muốn tiêu diệt Chúa Giêsu, một Kinh sư đã hỏi Chúa Giêsu một câu hỏi tương tự, nhưng với sự trong sáng thành thật: “Trong các điều răn, điều răn nào đứng đầu?” (c.28). Trong khi những Kinh sư khác nhìn Chúa Giêsu như một mối đe dọa thì người đàn ông này thấy nơi Đức Giêsu một cơ hội để học hỏi.

Vì thế anh ta đặt ra một câu hỏi cách trung thực, cho thấy được mối quan tâm sâu đậm trong lòng mọi người: Có quá nhiều lề luật, nhưng luật nào là trọng tâm? Tinh thần cầu tiến, yêu mến chân lý cách trong sáng vô tư của vị Kinh sư đáng để cho chúng ta học hỏi. Vì trong cuộc sống nhiều khi tính tự tôn, tự đại, đố kỵ đã ngăn không cho chúng ta chân nhận và tìm kiếm những điều tốt lành nơi người khác mà thậm chí còn tìm cách hạ bệ, nói xấu và hủy diệt thanh danh tiếng tốt của họ.

Hơn nữa trong xã hội hôm nay, khi mà tiếng nói của quyền lực, của ý thức hệ ngày càng gia tăng và độc đoán không màng tới đạo đức luân lý, đồng thời tìm cách đè bẹp chân lý thì tác hại sẽ nghiêm trọng đến mức nào. Do đó hơn bao giờ hết, người Kitô hữu được mời gọi sống tinh thần cầu tiến, yêu mến chân lý, sẵn sàng bảo vệ và làm chứng cho chân lý hầu mưu cầu lợi ích cho Giáo hội và xã hội.

Câu hỏi của vị Kinh sư trong trình thuật đã phản ánh một trái tim đang tìm cách nắm bắt một nguyên tắc duy nhất đơn giản nằm dưới sự phức tạp của luật pháp. Điều răn cơ bản nào có thể mang lại ý nghĩa cho tất cả các luật lệ và quy định nhỏ hơn của đời sống tôn giáo? Có một chìa khóa nào có thể giải phóng câu đố của cuộc sống của chúng ta và hướng dẫn chúng ta thông qua những trở ngại xung quanh và bên trong chúng ta? Tất cả chúng ta đều khao khát trả lời những câu hỏi này.

Thật thế, có những người băn khoăn bối rối giữa hàng đống lề luật, bổn phận phải thi hành; ví dụ như mẹ già tôi đang lên cơn sốt và bây giờ đã đến lúc tôi phải đi lễ Chúa Nhật chẳng hạn thì tôi sẽ phải làm gì? Chắc chúng ta vẫn nhớ lời Chúa Giêsu “Khi các người làm những điều tốt lành cho những người anh em là các ngươi làm cho chính ta” (Mt 25, 31 - 46); hoặc chúng ta cũng có thể nhớ lại câu chuyện về người Samaritano tốt lành (Luca 10, 25 - 37). Hay khi công sở chúng ta có đại hội quan trọng, hoặc khi chúng ta phải làm bài thi kiểm tra vào ngày lễ buộc…. Chúng ta phải biết sắp xếp. Quan trọng là chúng ta phải có lòng thành, phải biết “Tìm kiếm nước Thiên Chúa trước hết, còn mọi sự khác Người sẽ ban cho sau.” (Mt 6, 33)

Lệnh truyền yêu mến Thiên Chúa và yêu người anh em mà Chúa Giêsu trả lời cho vị Kinh sư cũng như dạy cho tất cả mọi người không chỉ là một yêu cầu hay một bổn phận. Không ai có thể yêu đơn giản chỉ vì anh được bảo làm như thế! Nhưng bởi vì tình yêu là lẽ sống, là con đường đưa tới hạnh phúc cho con người. Nói cho cùng, yêu mến Thiên Chúa là một đặc ân, một mối quan hệ mà Thiên Chúa khởi xướng khi chúng ta chịu phép rửa, và nó phát triển, lớn lên khi chúng ta chấp nhận Lời của Ngài, và mở lòng ra cho tình yêu của Ngài. Nó phát triển khi chúng ta sắp xếp ý chí của chúng ta trung thành với những điều răn lớn nhất này, đồng thời đưa ra những quyết định hàng ngày để phản ánh tình yêu bằng lời nói và hành động của chúng ta.

Một số người ‘đạo đức’ cho rằng yêu Chúa rất dễ vì chỉ cần đọc kinh nhiều là được, còn yêu người lại khó vì con người ‘bách nhân bách tính’ khó mà hòa hợp. Một số người lại cho rằng yêu Chúa thật khó vì Chúa tôi chẳng nhìn thấy để mà yêu, còn yêu tha nhân dễ hơn vì tôi có thể nhìn thấy và đụng chạm tới họ. Cả hai quan niệm đều ‘có lý’ nhưng chưa phải là ‘chân lý’.

Thật ra yêu Chúa không chỉ là đọc kinh cầu nguyện nhiều, như Tin mừng Đức Giêsu có nói: “Không phải cứ kêu lạy Chúa, lạy Chúa là được vào nước trời mà là kẻ ‘nghe và thực hành lời Thiên Chúa” (Mt 7, 21); đồng thời Thiên Chúa chẳng ở đâu xa, chỉ cần mở lòng mình ra một chút, vận dụng trí óc một chút, ta có thể thấy Thiên Chúa sống động qua thiên nhiên, vũ trụ, qua các kỳ công của Người, và nhờ đức tin vào Lời Chúa dạy thì tha nhân chính là hình ảnh sống động của Thiên Chúa và Thiên Chúa đã muốn đồng hóa mình với họ (Mt 25, 31 - 46).

Tuy nhiên điều quan trọng trong việc yêu mến tôn thờ Thiên Chúa hết lòng, hết linh hồn, hết trí khôn, hết sức lực hệ tại ở việc chúng ta luôn biết yêu mến, kiếm tìm và thực thi thánh ý Chúa, thực thi điều Chúa dạy. Và tất nhiên khi đã yêu mến Chúa thì chúng ta sẽ yêu tha nhân như chính mình vì đó là điều Chúa muốn và dạy chúng ta phải thi hành.

Bao lâu chúng ta chưa dám từ bỏ mình để theo hẳn Chúa, bao lâu chúng ta chưa dám đặt Chúa lên chỗ của Ngài, chưa để Chúa lên phần hơn của Ngài thì chúng ta dễ dàng từ bỏ Ngài, nghĩa là sẵn sàng ghét Ngài và phản bội Ngài. Bao lâu chúng ta chưa chịu trở thành đầy tớ, người con của Ngài, chưa chịu trở thành vật sở hữu của Ngài như một trái banh dưới chân cầu thủ thì bấy lâu chúng ta vẫn mang kiếp sống èo ọt, ngất ngư trong một tình trạng phân hóa thác loạn.

Chúa Giêsu đã cách mạng hóa nhân loại bằng tình yêu hết cỡ của Ngài. Ai bằng lòng đi theo Ngài là lập tức bước vào ngay con đường tình yêu trải rộng ấy. Cũng chính nhờ tình yêu mà chúng ta đang sống và đang phục vụ. Cũng chính vì tình yêu mà chúng ta được giao tế và liên hệ với Ngài và anh em của Ngài. Không còn gì thúc đẩy chúng ta hơn tình yêu nữa đâu.

Và rồi ta thấy tình yêu của Chúa đồng nghĩa với những hy sinh, từ bỏ, thiệt thòi, can đảm, tha thứ, dâng hiến... tất cả những đức tính đó phát xuất từ tình yêu Thiên Chúa. Chúng ta đang nói chuyện với nhau hôm nay đây không ngoài mục đích nào khác là mời nhau nhận ra tình yêu tột đỉnh của Thiên Chúa qua anh em trong giữa mùa Chay này.

Huệ Minh

Read 510 times Last modified on Thứ bảy, 21 Tháng 3 2020 06:52