Người Việt Nam khi gặp hoạn nạn hay khó khăn thường hay nói đây là ý Trời, rồi khuyên bảo nhau cứ ráng mà chịu, vì “Trời cho ai người ấy hưởng”. Và điều ấy dẫn tới niềm tin vào định mệnh. Định mệnh Trời đã an bài. Trời đã định chẳng thoát được đâu? Con người có số nên chẳng chạy thoát được số Trời đã an bài.
Nguyễn Du trong Truyện Kiều cũng chịu ảnh hưởng của định mệnh nên viết như sau:
Ngẫm hay muôn sự tại Trời
Trời kia đã bắt làm người có thân
Bắt phong trần phải phong trần
Cho thanh cao mới được phần thanh cao.
Hoặc trong bài ca dao dí dỏm mà chúng ta đã học từ nhỏ rằng:
Ngồi buồn đốt một đống rơm
Khói bay nghi ngút chẳng thơm chút nào
Khói bay tới tận thiên tào
Ngọc Hoàng phán hỏi thằng nào đốt rơm?
Ông Trời thật gần gũi thân thương. Trời cũng bị khói đen của những nỗi oan làm cay mắt, cũng bực mình xót xa cho nỗi đau nhân thế.
Ông Trời cũng biết cái hoạ của con người là do chính con người gây nên Ông Trời mới giận dữ bảo rằng: “Thằng nào đốt rơm?”.
Nhìn vào thế thái nhân tình hôm nay có lẽ Ông Trời cũng cay mắt, giận dữ hỏi rằng: “Thằng nào làm ra Covid 19?”. Vạn vật đều có căn nguyên. Vậy sự dữ Corona Vũ Hán này ở đâu mà ra? Ai phải chịu trách nhiệm về bể dâu tang thương khiến cả thế giới phải dừng lại mọi sinh hoạt, mọi giao thương để bảo vệ cho chính mình và cho quốc gia. Ai đã gây tan thương khiến gần 200 ngàn người đã chết và hơn 2 triệu người nhiễm dịch trong lo âu sợ hãi?
Lời Chúa Tuần Thứ Ba Mùa Phục Sinh cho ta thấy một hình ảnh thật gần gũi của Chúa Giê-su sau khi sống lại. Chúa Giê-su đã cùng với hai môn đệ Emmau đốt một đống rơm để hàn huyên và chia sẻ về những gì đang xảy ra. Xem ra Chúa Giê-su cũng đang cay mắt vì đống rơm khắc nghiệt mà 2 môn đệ đang nói lên cùng Ngài. Nhưng ở đây ta thấy Chúa Giê-su rất hiểu nỗi đau của 2 môn đệ nên Ngài đã chủ động ngồi lại tâm sự để họ có cơ hội kể lể trút hết bầu tâm sự trong cái “khói bay nghi ngút chẳng thơm chút nào". Và Chúa Giê-su đã cho các ông được dịp nhìn lại lịch sự dân tộc mình, những bước tưởng rằng phí lý nhất lại đã là mốc ghi cho một niềm tin cao hơn là những giải quyết luẩn quẩn trần tục.
Hoá ra trong những biến cố lớn của lịch sử con người phải có cái nhìn đức tin để thấy Thiên Chúa đang viết lại lịch sử. Đừng theo thói quen để rồi ôm ghì lề luật cứng nhắc mà đau khổ than van. Trong hành trình Emmau các ông đã đau buồn vì chỉ nhìn vào nỗi tang thương của Thứ Sáu Tuần Thánh nhưng không đủ đức tin để nhìn vào ngày thứ ba sau khi chết Ngài sẽ sống lại nên các ông buồn, khóc lóc và thất vọng.
Đúng vậy. Cuộc sống mỗi người cũng nhiều nỗi đau xót oan khiên, chỉ có thể được hóa giải bằng con mắt niềm tin thấy được Chúa đã sống lại và đang đi bên cạnh, đang tâm sự, đang vỗ về hỏi han.
"Dọc đường, khi Người nói chuyện và giải thích Kinh Thánh cho chúng ta, lòng chúng ta đã chẳng bừng cháy lên sao?" (Luca 24:32).
Tôi không phải là nhà Kinh Thánh hay Thần Học để có thể đọc được ý Chúa đang dạy gì chúng ta qua biến cố Đại dịch Covid này, nhưng tôi tin vào Thiên Chúa đã xuống thế và ở cùng chúng ta. Ngài đã trở nên gần gũi đến nỗi có thể hiểu được ngôn ngữ bình dân nhất của chúng ta, chỉ cần chúng ta thấy đói thì kêu, thấy buồn thì khóc, thấy khổ thì cầu Trời, thì Trời cũng cay mắt vì nỗi đau mà con người đang phải gánh chịu.
Cách cầu nguyện dân dã ấy đã được cha ông Việt Nam truyền tụng cho con cháu. Mỗi khi gặp những niềm đau và nỗi oan khiên thì hãy cùng nhau đốt một đống rơm để cái mùi khói chẳng thơm tho chút nào ấy bay cao làm cay mắt ông Trời thì ông liền quát hỏi: đứa nào đốt rơm?
Và hãy tin rằng: Trời nào có phụ ai đâu! Trời nào phụ kẻ có nhơn bao giờ!
Người Công Giáo gọi Trời là Thiên và còn là Chúa Cả trời đất đã đến cư ngụ giữa chúng ta. Vậy chúng ta hãy chung nhau đốt đống rơm là những lời tâm sự đầy lo âu, buồn phiền dâng lên Ngài, chắc chắn, Thiên Chúa sẽ không bỏ rơi chúng ta, và nhất là xin Chúa mạc khải để chúng ta hiểu được ý Chúa mà sống theo sự hướng dẫn của Ngài. Amen
Lm.Jos Tạ Duy Tuyền