Thứ Hai tuần III PS
ĐỪNG VÌ CỦA ĂN TẠM BỢ
Trang Tin Mừng về bánh hằng sống trong hội đường Ca-phác-na-um sau ngày phép lạ bánh hóa nhiều có lẽ là một tổng hợp các bài giảng ở nhiều nơi. Dân chúng ngạc nhiên khi thấy các môn đệ và Chúa Giêsu ở Ca-phác-na-um vì họ không thấy Người xuống thuyền đi sang Ca-phác-na-um với các môn đệ, mà bây giờ lại thấy Người ở đây. Còn “Đức Giêsu khi thấy họ sắp bắt mình đem đi tôn làm vua, thì Người lánh mặt, đi lên núi một mình”, mãi tới đêm, biển động vì gió thổi mạnh, các ông thấy Chúa Giêsu đi trên mặt biển hồ đến gần thuyền … Ngay lúc đó thuyền đã tới bờ của miền Ca-phác-na-um.
Vì tình thương nên ta thấy Chúa Giêsu đã làm phép hóa bánh ra nhiều chứ không phải vì muốn nổi danh! Nhưng đối với người Dothái, họ có lối suy nghĩ khác! Thay vì họ tạ ơn Chúa vì lòng thương xót của Ngài, thì ngược lại, họ chỉ nghĩ đến cái bụng và khao khát được thỏa cơm đói. Vì thế, dân chúng nghĩ rằng: có Chúa Giêsu hiện diện ở giữa họ thì có lẽ sẽ không phải đói khát và có khi chẳng cần làm lụng vất vả cũng có ăn! Thế nên, họ tìm cách để tôn vinh Ngài lên làm vua. Thấy vậy, Chúa Giêsu đã lánh đi để sang bờ bên kia trước họ.
Và ta thấy như thói quen, thánh Gio-an sắp nối kết sự kiện phép lạ cụ thể này với ý nghĩa thần học: Họ tìm … họ ngạc nhiên vì không biết Người đến đây bằng cách nào? Người đã đến đây bằng cách lạ lùng là đi trên mặt biển giữa đêm khuya gió to sóng lớn. Cũng thế, Chúa Giêsu đã đến với họ không phải từ làng Na-gia-rét, như người ta biết, nhưng là từ trời mà người ta không biết, cũng như Người từ bờ hồ phía đông nơi bánh hóa nhiều, đi qua biển tới bờ hồ phía tây nơi miền Ca-phác-na-um.
Với cái nhìn thiển cận hay còn gọi là óc ngắn nên người Do Thái cố gắng tìm Chúa Giêsu vì của nuôi xác chứ không tìm đến vì của ăn đời đời.
Khi gặp Ngài, họ cất tiếng hỏi: "Thưa Thầy, Thầy đến đây bao giờ vậy?", Chúa Giêsu thừa biết mục đích của họ, vì thế Ngài nói ngay: "Thật, tôi bảo thật các ông, các ông đi tìm tôi không phải vì các ông đã thấy dấu lạ, nhưng vì các ông đã được ăn bánh no nê” (Ga 6, 26 ). Khi nói như thế, Chúa Giêsu mời gọi họ hướng tới một cuộc "vượt qua" khác, sâu xa hơn, đó là cuộc vượt qua từ bánh hóa nhiều đến với Đấng ban bánh ấy, vượt qua từ dấu chỉ là bánh đến với Đấng chính là Bánh Trường Sinh (Ga 6, 27 ).
Ta thấy dân chúng vẫn tiếp tục đòi của vật chất, họ chú trọng đến man-na nuôi sống cha ông họ hằng ngày trong sa-mạc và so sánh với phép lạ hóa bánh ra nhiều để cầu mong Chúa Giêsu cho họ được ăn như vậy. Còn Chúa Giêsu, Người nhấn mạnh đến sự đói khát tinh thần, đến của ăn hằng sống cho linh hồn. Đó mới chính là sứ mệnh quan trọng của Người. Người đã hết sức nhẫn nại như đã nhẫn nại giải thích cho ông Ni-cô-đê-mô về sự tái sinh, cho bà ở Sa-ma-ri về nước trường sinh.
Chúa Giêsu không đến thế gian để mang lại một cây đũa thần cho những vấn đề chính trị, kinh tế, xã hội của con người. Ngài đến để cho con người được sống và hạnh phúc thực sự. Sự sống và hạnh phúc ấy chính là nhận biết và yêu mến Ngài trên hết mọi sự. Chỉ có Thiên Chúa mới thoả mãn mọi khát vọng trong tâm hồn con người, chỉ có Ngài mới đem lại cho con người hạnh phúc trọn hảo.
Ta thấy rằng vì mưu cầu cuộc sống tạm bợ nhưng người tín hữu luôn hướng về trời cao: bôn ba về của cải vật chất, nhưng không quên gắn bó với những giá trị Nước Trời như công lý, hoà bình, tình huynh đệ, lòng bác ái. Trong mọi sự, họ phải luôn nhớ lời khuyên của thánh Phaolô: “Anh em hãy tưởng nghĩ đến những sự trên trời.”
Sống giữa thế gian, nhưng không thuộc về thế gian đó là chỗ đứng của người tín hữu trong trần thế này. Mưu cầu cuộc sống tạm bợ nhưng người tín hữu luôn hướng về trời cao; bôn ba về của cải vật chất, nhưng không quên gắn bó với những giá trị Nước Trời như công lý, hoà bình, tình huynh đệ, lòng bác ái. Trong mọi sự, họ phải luôn nhớ lời khuyên của thánh Phaolô: “Anh em hãy tưởng nghĩ đến những sự trên trời”. Một cách cụ thể, người tín hữu tìm kiếm và xây dựng Nước Trời ngay giữa những thực tại trần thế, bằng cách không bán rẻ lương tâm vì một chút lợi lộc chóng qua, không chối bỏ hình anh cao quí của Thiên Chúa nơi bản thân, không cha đạp nhân phẩm của người anh em. Trong mọi sự họ tìm kiếm Chúa như gia nghiệp duy nhất của cuộc đời.
Một cách cụ thể, người tín hữu tìm kiếm và xây dựng Nước Trời ngay giữa những thực tại trần thế, bằng cách không bán rẻ lương tâm vì một chút lợi lộc chóng qua, không chối bỏ hình ảnh cao quí của Thiên Chúa nơi bản thân, không chà đạp nhân phẩm của người anh em. Trong mọi sự họ tìm kiếm Chúa như gia nghiệp duy nhất của cuộc đời.
Tìm đến bên Chúa, tin vào Chúa, Chúa không bảo người tin là biếng nhác làm việc, là ngồi chờ sung rụng, là chi trông chờ phép lạ... Ngài mời gọi người tin, làm việc không ngừng, làm việc hết mình để có thể tìm kiếm sự bền vững trong đời: “Hãy ra công làm việc không phải vì lương thực mau hư nát, nhưng để có lương thực trường tồn đem lại phúc trường sinh” (Ga 6, 27).
Thật thế, khi tìm Chúa và tin theo Lời Chúa là dẫn bước đi tìm nước Trời, không chỉ được hạnh phúc vĩnh cửu đời sau mà còn được lòng yêu thương chăm sóc của Thiên Chúa cưu mang ngay ở đời này như Ngài đã nói: “Các ngươi hãy tìm kiếm Nước Đức Chúa Trời, rồi mọi sự đó sẽ được cho thêm” (Lc 12,31).
Ngày nay, trong đời sống đạo, nhiều người vẫn còn thói quen tin Chúa như những người Dothái. Tức là tin Chúa khi vui, lúc thành công, nhất là tin khi được lợi. Vì thế, chúng ta vẫn thấy có chuyện như: thích thì đi lễ, đi chầu, đọc kinh... không thích thì thôi! Xin Chúa thêm ơn cho mỗi người chúng ta để chúng ta đừng tìm Chúa vì của ăn hay hư nát mà tìm Chúa vì là Bánh hằng sống và sự sống trường tồn.
Huệ Minh