Get Adobe Flash player

Tìm Kiếm

Đăng nhập

Thứ ba, 12 Tháng 5 2020 06:40

Cắt tỉa để sinh hoa kết quả

Posted by 
Rate this item
(0 votes)
  Cắt tỉa để sinh hoa kết quả


13.5.2020

Thứ tư tuần V PS

Ga 15, 1-8

CẮT TỈA ĐỂ SINH HOA TRÁI

Hình ảnh cây nho và các cành nho cho thấy sự ở lại thâm sâu và sự hiệp thông thường trực giữa Chúa Giêsu và các môn đệ chân thật của Người, đồng thời nêu bật dây liên kết bên trong bằng việc mang hoa trái. Giống như cành nho, vì liên kết với cây nho, được thông dự vào sự sống của cây nho, người tín hữu, nhờ gắn bó với Đức Kitô, được thông dự vào sự sống chân thật, là sự sống của chính Thiên Chúa.

Tuy vậy, sự thông dự này bó buộc họ phải sống và hành động theo nếp sống mới đã được Chúa Giêsu mạc khải cho biết. Niềm tin vào Chúa luôn được thử thách, gọt dũa và cắt tỉa như hình ảnh của cây nho.

Hệ quả của sự cắt tỉa trong việc trồng nho: Có một dạo phong trào trồng nho đã nở rộ tại một số tỉnh dọc theo duyên hải miền Trung. Cây nho không còn là một thứ cây xa lạ đối với nhiều người Việt Nam nữa. Cây có trái là chuyện thường, nhưng cây phải bị cắt tỉa mới có thể đâm chồi, trổ hoa và sinh trái, đó là hình ảnh đặc trưng của cây nho. Thật thế, với đôi mắt không chuyên môn, khi nhìn vào thân nho bị cắt tỉa, có lẽ ai cũng phải xót xa, có lẽ người ta sẽ nhìn vào người trồng nho như một con người nhẫn tâm, vì người trồng nho xem ra cắt tỉa cây nho không chút tiếc xót. Nhưng chỉ trong một thời gian ngắn sau đó, người ta sẽ ngạc nhiên khi nhìn thấy từ những cành trơ trụi những mầm non nhú ra và hoa cũng bắt đầu xuất hiện.

Chúa Giêsu đã dùng rất nhiều hình ảnh để nói về những thực tại Nước Trời. Nhưng trong các hình ảnh ấy, cây nho hẳn phải chiếm một chỗ ưu việt : ưu việt vì cây nho là giống cây phổ thông nhất của miền Palestina, ưu việt vì trong Cựu ước cây nho vốn được xem là biểu trưng của dân riêng. Nhưng như các tiên tri đã nhiều lần lên tiếng tố cáo : thay vì sản xuất rượu ngon, cây nho Israel chỉ mang lại thứ rượu đắng của bất trung và phản bội. Tiếp tục truyền thống tiên tri, Chúa Giêsu cũng lấy lại hình ảnh cây nho, nhưng cây nho chính là Ngài.

Lòng tín trung mà Thiên Chúa hằng chờ đợi nơi Israel nay Ngài đã tìm thấy nơi cây nho đích thực là Chúa Giêsu. Một giao ước mới phát sinh, bởi vì lòng trung tín của Chúa Giêsu được diễn tả trong sự vâng phục và vâng phục cho đến chết trên Thập giá, không phải là cố gắng thuần tuý của con người, mà chính là lòng thủy chung của con Thiên Chúa trong chừng mực của con người. Cây nho của giao ước mang lại những trái xum xuê có tên là tình yêu. Đó là kết quả của sự cắt tỉa : cây nho không thể sinh hoa kết trái nếu không bị cắt tỉa, tình yêu sẽ không là tình yêu đích thực và phong phú nếu không được cắt tỉa khỏi những ngọn nhành thừa thải của ích kỷ.

Giáo hội Israel mới chính là cây nho của Chúa. Lịch sử cho thấy có lúc xem ra Giáo hội bị cắt tỉa một cách tàn nhẫn, nhưng cũng chính những lúc đó Giáo hội mang lại nhiều hoa trái hơn cả. Những cuộc bách hại đẫm máu lại là những cắt tỉa làm cho Giáo hội sinh được nhiều hoa trái nhất. Đó là cái nhìn chúng ta phải có để nhìn vào Giáo hội: sức sống của Giáo hội có khi không chỉ được nhìn thấy và đánh giá qua những biểu dương bên ngoài, hoa trái đích thực khi chấp nhận được cắt tỉa khỏi những phù phiếm rườm rà của thế tục. Cơ cấu hữu hình có thể bị phá vỡ, cơ sở vật chất có thể bị cướp mất, những quyền cơ bản nhất gắn liền với tự do tôn giáo có thể bị tước đoạt, đôi tay hoạt động có thể bị khóa chặt; đó có thể là những cắt tỉa cần thiết để cây nho Giáo hội trổ sinh hoa trái dồi dào.

Ta còn nhớ rằng lời của Chúa Giêsu còn mời gọi chúng ta chiêm ngắm người trồng nho, là chính Chúa Cha. Thật vậy, Người nói : “Thầy là cây nho thật, và Cha Thầy là người trồng nho” (c. 1) ; và Người nói tiếp : « Điều làm Chúa Cha được tôn vinh là: “Anh em sinh nhiều hoa trái và trở thành môn đệ của Thầy” » (c. 8). Điều Chúa Cha ước ao, và qua đó Ngài được tôn vinh, là chúng ta sinh nhiều hoa trái. Chúng ta có thể tự hỏi, đâu là hoa trái mà Chúa Cha ước ao chúng ta làm phát sinh ? và chúng ta phải làm sao để làm phát sinh nhiều hoa trái ? Và Chúa Cha không chỉ ước ao chúng ta sinh hoa trái, nhưng còn “chăm sóc” chúng ta, vì Ngài là người trồng nho.

Khi chúng ta chịu phép Rửa tội, Giáo Hội đã tháp nhập chúng ta như những nhành cây nho vào Mầu nhiệm Phục sinh và Khổ Nạn của Chúa Giêsu là thân cây nho. Từ gốc nho này chúng ta lãnh nhận nhựa sống và sống sự sống của Chúa Giêsu, tự bản chất là sinh hoa kết quả khi kết hiệp với Chúa Giêsu, hầu được tham dự vào cuộc sống vĩnh hằng. Như các môn đệ, chúng ta cũng vậy, nhờ sự trợ giúp của các Mục tử trong Giáo hội, chúng ta lớn lên trong vườn nho của Chúa, được bao bọc trong tình yêu của Ngài. Đức nguyên Giáo hoàng Bênêđictô XVI viết :"Nếu hoa trái của chúng ta là tình yêu, thì điều tạo ra hoa trái này chính là việc "ở lại" cách thâm sâu và trung tín với Chúa". Điều quan trọng là luôn gắn kết với Chúa Giêsu, phụ thuộc vào Người bởi vì "nhành nho tự nó không thể sinh trái được, nếu không dính liền với cây nho" (Ga 15,4). Chúa Giêsu nói rõ ràng, "các con cũng vậy, nếu không ở trong Thầy" (Ga 15,5).

Hoa quả mà Chúa Cha hy vọng nơi chúng ta, là những việc lành phúc đức, là những công việc tốt chúng ta làm. Mang lại hoa trái không có nghĩa là làm những điều phi thường, nhưng là những điều bình thường. Hoa quả ấy là những việc lành phúc đức, là những việc tốt chúng ta làm. Nhưng thử hỏi : kết hiệp với Đức Kitô như thế nào để giúp chúng ta sinh nhiều hoa trái ? Thưa, đức tin và đức ái, nghĩa là ở trong ân sủng của Thiên Chúa. Nếu chúng ta sống trong ân sủng, các hành vi đạo đức của chúng ta sẽ là hoa trái dễ chịu của Chúa Cha. Thật quí trọng biết bao khi luôn được sống trong ân sủng của Thiên Chúa! "Ai không ở trong Thầy, thì bị vứt ra ngoài như ngành nho, và sẽ khô héo, người ta sẽ thu lại, quăng vào lửa cho nó cháy đi" (Ga 15, 6).

Để sinh nhiều hoa trái, chúng ta được mời gọi ở lại trong Chúa Giêsu, như cành nho gắn liền với thân nho. Chúa Giêsu ở lại trong chúng ta, và chúng ta được mời gọi ở lại trong Ngài. Và như chúng ta đều biết, “ở lại trong nhau” là ngôn ngữ của tình yêu. Thực vậy, Chúa Giêsu sẽ nói tới tình yêu trong phần tiếp theo: “Chúa Cha yêu mến thầy thế nào, thầy cũng yêu mến anh em như vậy”. Lời mời gọi ở lại, được Chúa Giêsu nhắc đi nhắc lại từ đầu đến cuối, qua hình ảnh thân nho, cành nho và trái nho, và theo những cách thức khác nhau.

Và để sinh nhiều hoa trái, chúng ta phải trở nên môn đệ của Chúa Giêsu; để trở nên môn đệ, chúng ta phải ở lại trong Ngài; và để ở lại trong Ngài, chúng ta phải đón nhận Lời của Ngài như là nhựa sống, như là lương thực nuôi sống chúng ta. Trong những lời này, Đức Giê-su còn mời gọi chúng ta xin. Nhưng chúng ta xin gì, nếu không phải là xin trở thành người môn đệ sinh nhiều hoa trái cho Vinh Danh Thiên Chúa Cha.

Huệ Minh

Read 438 times Last modified on Thứ tư, 13 Tháng 5 2020 14:37