Get Adobe Flash player

Tìm Kiếm

Đăng nhập

Thứ hai, 15 Tháng 6 2020 06:42

Yêu cả kẻ thù

Posted by 
Rate this item
(0 votes)
  Yêu cả kẻ thù.


16.6.2020 Thứ Ba

Mt 5, 43-48

YÊU CẢ KẺ THÙ

Yêu người yêu thương mình, chào hỏi người chào hỏi mình đó là chuyện bình thường, trong lịch sự giao tiếp. Nhưng Chúa đòi hỏi người Kitô hữu phải đạt tới một mức độ cao hơn: yêu thương cách chân thành.

Trong trang Tin mừng hôm nay, Chúa Giêsu đưa luật yêu thương đến mức hoàn thiện, nghĩa là không chỉ yêu người thân mà yêu cả kẻ thù. Đó chính là yêu thương tất cả mọi người không trừ một ai, không phân biệt dân tộc, màu da, tiếng nói, tín ngưỡng… Và còn một việc mà chẳng có tôn giáo nào dạy: "Cầu nguyện cho kẻ thù". Đây là dấu chỉ đích thực của sự tha thứ, nhớ đến họ khi cầu nguyện như chính những người thân yêu.

Chúa Giêsu trích dẫn lề luật cổ xưa dạy rằng: “Ngươi hãy yêu thân nhân, và hãy thù ghét địch thù.” Những dòng chữ này không được tìm thấy như thế trong Cựu Ước. Nói đúng hơn đó là một câu hỏi tâm lý của thời đại, theo đó thì trong thực tế chẳng có vấn đề gì nếu mà người ta thù ghét kẻ địch thù của mình.

Chúa Giêsu đã không đồng ý và nói rằng: “Nhưng Ta bảo các con: Vì nếu các con yêu thương những ai mến trọng các con, thì các con được công phúc gì? Các người thu thuế không làm như thế ư? Nếu các con chỉ chào hỏi anh em mình thôi, thì các con đâu có làm chi hơn? Những người ngoại giáo không làm như thế ư? Vì thế, các con không được đặt giới hạn cho tình yêu của các con, như Cha các con trên trời đã không giới hạn tình yêu của Ngài”. Và Chúa Giêsu ban cho chúng ta bằng chứng. Vào giờ phút lâm chung của mình, Chúa đã thực hành những gì Người giảng dạy.

"Hãy yêu mến anh em mình", mệnh lệnh này được ghi rõ trong sách Lêvi 19,18. Những "anh em" được nhắc đến ở đây chỉ những kẻ thân thuộc, đồng hương, thuộc về dân riêng của Chúa. Còn câu: "Hãy ghét kẻ thù địch" thì chúng ta không gặp thấy công thức nào tương tự như vậy trong Kinh Thánh.

Những lời này có thể hiểu như một diễn tả tự nhiên của tâm lý thường tình nơi con người, một hậu quả của tình yêu thương có giới hạn trong khung cảnh những kẻ thân thuộc, những người thuộc về cùng một dân tộc, một xã hội. Theo tâm thức hạn hẹp của Cựu Ước, bất cứ ai không thuộc về Dân Chúa chọn, thì người đó là kẻ xa lạn, là kẻ thù địch, không được yêu thương.

Chúa Giêsu đã đến để mạc khải sứ điệp trọn hảo hơn, bẻ gẫy những giới hạn tự nhiên: "Còn Thầy, Thầy bảo các con: hãy yêu kẻ thù và cầu nguyện cho những kẻ ngược đãi các con". Chúng ta chú ý đến hai chi tiết trong lời dạy của Chúa Giêsu: thứ nhất: không còn ai bị loại ra khỏi tình yêu thương của người môn đệ Chúa và sự phân chia con người ra làm hai loại: thân thuộc và thù địch không còn nữa. Thứ hai: Tình yêu thương đó được thể hiện bằng những hành động cụ thể, và quan trọng nhất, đó là thi ân và cầu nguyện cho những kẻ không tự nhiên được chúng ta yêu thương, và đây không còn là tình yêu thương theo tình cảm, mà là tình yêu thương thực sự hướng đến lợi ích của người khác.

Điều Chúa dạy tưởng chừng nghịch lý: kẻ thù ta, kẻ làm hại ta, khiến ta phải đau khổ, điêu đứng, ngay cả việc nhìn mặt đã phát ghét, khó ưa thì làm sao có thể yêu cho nổi. Nhưng lịch sử đã chứng minh: hận thù chỉ kéo theo hận thù, chiến tranh, chết chóc, nghèo đói, bệnh tật, thất học… Hậu quả thật khủng khiếp và rồi sự trả thù không xóa đi lòng hận thù, nhưng chỉ có tình yêu mới hoá giải được tất cả.

Các con hãy nên hoàn hảo như Cha các con trên trời là Đấng hoàn hảo. Chúa Giêsu không chỉ đơn thuần muốn làm hoảng sợ, bởi vì điều này sẽ vô ích. Người muốn thay đổi cách loài người sống chung với nhau. Sự đổi mới mà Người muốn xây dựng đến từ kinh nghiệm mới mà Người có với Thiên Chúa, Chúa Cha, đầy dịu dàng, Đấng chấp nhận tất cả mọi người! Những lời đe dọa đối với người giàu có không thể là cơ hội trả thù cho người nghèo. Chúa Giêsu ra lệnh rằng chúng ta phải có thái độ ngược lại: “Hãy yêu thương thù địch!” Tình yêu đích thực không thể phụ thuộc vào những gì mà người ta nhận được từ kẻ khác. Tình yêu là phải ước muốn điều tốt lành cho kẻ khác bất kể những gì họ đã làm cho tôi. Bởi vì đây là phương cách mà tình yêu Thiên Chúa dành cho chúng ta.

Chỉ trong sự tha thứ, tôi mới có thể họa lại nơi bản thân mình cái nhìn cảm hóa của Đức Kitô. Một cái nhìn không chỉ dừng lại ở việc giao hòa, mà còn đi sâu vào lòng người, xóa tan mọi ấn tượng, mặc cảm tội lỗi nơi họ. Một cái nhìn tha thứ đến mức tuyệt đối: bảy mươi lần bảy (Mt 18,22).

Chúa Giêsu cảm thấy buồn và đã cầu nguyện : “Lạy Cha, xin tha cho chúng, vì chúng không biết việc chúng làm!” Chúa Giêsu, trong tinh thần đoàn kết, gần như là xin lỗi cho những kẻ đang hành hạ và tra tấn mình. Chúa giống như một người anh đi với các người em sát nhân đến trước mặt Quan Tòa và, Người là nạn nhân của chính anh em mình, thưa với quan tòa: “Họ là các anh em của tôi, ngài biết là họ không biết gì. Xin hãy tha thứ cho họ! Họ sẽ trở nên tốt hơn!” Chúa đã yêu mến kẻ thù!

Luật Tình yêu kẻ thù đảo lộn các cách xử sự theo quy ước của loài người. Thường yêu thương là quan tâm đến những ai có cùng kiểu nhìn như mình, trình độ văn hóa như mình, địa vị xã hội như mình. Sứ điệp Tin Mừng vượt quá các giới hạn ấy. Đức ái Kitô giáo không “cào bằng” các con người, nhưng tỏ ra kính trọng họ, thậm chí cả các giới hạn và khiếm khuyết của họ. Lòng nhân ái của Kitô hữu là thông dự vào tình yêu của chính Thiên Chúa.

Luật Kitô hữu là luật yêu thương. Khi người môn đệ Chúa Kitô chấp nhận những từ bỏ do luật này đòi hỏi, luật yêu thương này chứng tỏ được tất cả trọng lượng của nó. Nếu các nguyên tắc được công bố ở đây đi vào trong xã hội, xã hội này hẳn là sẽ không bị tiêu vong, nhưng sẽ thấy các tương quan giữa con người được đổi mới, bởi vì các bất công và bạo động sẽ bị dập tắt dễ dàng nhờ sống theo luật này hơn là do sợ các biện pháp chế tài hình sự.

Thật ra đây chính là lối sống của Chúa Giêsu. Chúa Giêsu đã chết vì không nhường bước trước các áp lực của sự thận trọng hoặc của lương tri. Khi làm như thế, Người không đảo lộn trật tự xã hội, nhưng Người củng cố các tương quan giữa con người với con người. Bắt chước Thiên Chúa, và cũng là bắt chước Chúa Giêsu, là quy tắc duy nhất của lối cư xử của Kitô hữu, là con đường duy nhất để vượt qua nền luân lý Pharisêu.

Chúa dạy chúng ta không được đặt giới hạn cho tình yêu của các con, như Cha các con trên trời đã không giới hạn tình yêu của Ngài”. Và Chúa Giêsu ban cho chúng ta bằng chứng. Vào giờ phút lâm chung của mình, Chúa đã thực hành những gì Người giảng dạy.

Xin Chúa đổ tràn trên chúng ta tình thương của Chúa, để chúng ta được giải thoát khỏi tình yêu hạn hẹp, có tính toán, mà quảng đại yêu thương tất cả mọi người, ngay cả kẻ chống đối và có ác cảm với chúng ta.
Huệ Minh

Read 504 times Last modified on Thứ tư, 17 Tháng 6 2020 07:14

Related items