Get Adobe Flash player

Tìm Kiếm

Đăng nhập

Thứ bảy, 08 Tháng 8 2020 06:34

Sao lại hoài nghi

Posted by 
Rate this item
(0 votes)
  Sao lại hoài nghi


9.8 CHÚA NHẬT TUẦN XIX THƯỜNG NIÊN nĂM A

1V 19, 9a. 11-13a; Rm 9, 1-5; Mt 14, 22-33

SAO LẠI HOÀI NGHI

Hôm ấy, sau khi dân chúng ăn no nê bởi phép lạ hóa bánh ra nhiều (14,13-21), "Đức Giêsu bắt các môn đệ xuống thuyền đi qua bờ bên kia trước, trong lúc Người giải tán dân chúng" (c.22). Đức Giêsu thúc giục, thậm chí là ép buộc, các đồ đệ xuống thuyền. Người muốn các ông mau chóng rời xa khung cảnh "huy hoàng" của một phép lạ cả thể, và rời xa đám đông đang phấn khích vì phép lạ đó. Chính Người đảm nhận việc giải tán đám đông dân chúng này.

"Giải tán xong, Người lên núi riêng một mình mà cầu nguyện. Tối đến, Người vẫn ở đó một mình" (c.23). Đây là lần đầu tiên Mt nói về việc Đức Giêsu cầu nguyện, cho dù, như Lc cho thấy, đây là một việc làm rất thường xuyên của Người. Lần thứ hai và cũng là lần cuối cùng Mt kể về việc Đức Giêsu cầu nguyện sẽ là trong câu chuyện ở vườn Ghếtsêmani (26,36tt). Điều này kín đáo cho chúng ta hiểu nội dung lời cầu nguyện của Đức Giêsu tối nay trên núi, khi Người ở riêng một mình, còn các môn đệ thì đang ở trong thuyền lênh đênh trên biển.

Quả thực, sự kiện Người vội vã bắt buộc các môn đệ rời xa đám đông sau phép lạ hóa bánh ra nhiều, và sự song song của cảnh tượng cầu nguyện này với trình thuật Ghếtsêmani, cho phép chúng ta nghĩ rằng lời cầu nguyện của Đức Giêsu ở đây có liên quan đến cám dỗ về lý tưởng Mêsia hiển thắng mà các môn đệ của Người (và Hội Thánh mọi thời) phải đối diện. Nói cách khác, sự kiện Đức Giêsu buộc các môn đệ xuống thuyền khi Người giải tán đám đông, đề nghị một cách hiểu Đức Giêsu cầu nguyện suốt đêm cho các môn đệ, để họ không bị sa vào chước cám dỗ về một Đấng Mêsia quyền năng, hiển hách, "hoành tráng".

Thánh Phêrô đi trên sóng biển được nhìn với tư cách người lãnh đạo Giáo Hội, thì Phêrô ấy cũng còn là hình ảnh tượng trưng cho từng người Kitô hữu đang sống trong lòng cuộc đời. Với niềm tin bên cạnh những giây phút nghi nan và ngờ vực. Với những niềm vui mừng xen lẫn những âu lo và sợ hãi. Với quyết tâm giữa những ngả nghiêng và chao đảo. Chính nơi con người Phêrô ấy mà mỗi người chúng ta sẽ nhận ra thân phận mỏng manh và yếu đuối của bản thân. Và nhất là nơi con người Phêrô ấy, chúng ta cần hun nóng lại niềm cậy trông và kêu cầu: Lạy Chúa, xin cứu vớt con.

Với biến cố Chúa Giêsu đi trên mặt biển, điều được nhấn mạnh là: muốn được an toàn, các môn đệ phải hoàn toàn tin tưởng vào Thầy Giêsu. Nhưng trong Nhóm 12, người được chú ý hơn cả là Phêrô. Phêrô không những phải đặt niềm tin hoàn toàn nơi Thầy Giêsu mà còn phải duy trì niềm tin đó, không nao núng, không nghi ngờ. Thiếu niềm tin mạnh mẽ hơn sóng gió để đối phó với thử thách, thì cả đến Phêrô là người sốt sắng nhiệt thành đối với Thầy hơn mọi người trong Nhóm, cũng không thể đứng vững được, mà phải bị đắm chìm. Trái lại, bao lâu Phêrô vững vàng trong niềm tin, ông được tham dự vào quyền năng siêu việt của Thầy Giêsu.

Qua biến cố này, chúng ta thấy điểm chủ yếu là lòng tin. Lòng tin từ tình trạng yếu đuối tiến đến việc tuyên xưng mạnh mẽ, nhờ cảm nghiệm được sự hiện diện đầy quyền năng của Chúa Giêsu trong chính hoàn cảnh thách đố lòng tin của các môn đệ. Điều này gợi lên cho chúng ta vài suy nghĩ về lòng tin của chúng ta và sự dấn thân với lòng tin trong những hoàn cảnh sống khó khăn, thử thách. Lòng tin của chúng ta là gì, nếu không phải là tin vào Thiên Chúa toàn năng và ơn cứu độ của Ngài. Đức tin còn phải được những khó khăn, thử thách rèn luyện mới lớn mạnh trưởng thành. Đức tin nằm yên một chỗ, không phải đương đầu, đối chọi với sóng gió của cuộc đời, đức tin ấy sẽ luôn yếu mềm, ấu trĩ.

Tin là phải như Phêrô, nhảy vào khoảng trống, phải bước ngay xuống nước để đến với Chúa. Con người không thể đi trên nước, và niềm tin cũng không tiêu diệt được sóng gió. Nhưng có Chúa đứng đó, cũng trên mặt nước và sóng gió, nên ông không ngần ngại nhảy ngay xuống nước để đến với Ngài. Tin là một sự liều lĩnh, nhưng không phải là sự liều lĩnh tuyệt vọng: nhảy xuống nước để tự tử! Trái lại, tin là một liều lĩnh tràn đầy hy vọng, vì nắm chắc sẽ gặp được Chúa đang đứng ở bên kia bờ tuyệt vọng: Ngài là Đấng Cứu Độ, là sự sống.

Không có Chúa trên thuyền cùng đồng hành, các môn đệ một mình đương đầu với những cơn sóng dữ. Cảm giác bị bỏ rơi và cô độc, lẻ loi sẽ mãi là những cơ hội làm cho các tông đồ cảm thấy hỏang hốt, sợ hãi và đánh mất hết phương hướng. Con người đang dần dần tự đánh mất hết niềm tin vào những giá trị tôn giáo và chỉ cần những thử thách nho nhỏ, những khó khăn hay những đòi hỏi hy sinh, con người sẽ bị chao đảo, và chìm nghỉm trong vực thẳm của đam mê dục vọng.

"Sao con lại hoài nghi". Chúa đang tra hỏi từng người chúng ta về sự tín thác, tin cậy vào Ngài. Trong mọi nơi mọi lúc, Thiên Chúa, Ngài vẫn luôn ở bên cạnh, đồng hành với kiếp người, bởi Ngài hiểu rất rõ thân phận con người thật mong manh và yếu hèn của chúng ta. Chúa đã từng trấn an Phêrô "cứ yên tâm, Thầy đây, đừng sợ" nhưng rồi "ông vẫn sợ"

"Sao con lại hoài nghi". Đó chính là thực tại của con người chúng ta hôm nay khi mà trước mắt bầy ra biết bao cơn "cám dỗ ngọt ngào" khiến chúng ta không còn vững tin vào Chúa. Tiền bạc, dục vọng, quyền lực đang ngày càng làm lu mờ con mắt đức tin của chúng ta.

Tin Mừng sáng hôm nay mời gọi chúng ta hãy thẳng thắn kiểm điểm lại đời sống của mình. Nếu lúc này, chúng ta không cảm nhận được sự bình an, niềm vui mừng và hy vọng thì chắc chắn đó là vì chúng ta đã lìa xa Chúa. Nếu như lúc này chúng ta đang chao đảo và như muốn chìm xuống đáy nước, thì chắc hẳn đó là vì chúng ta đã không còn tin tưởng, cậy trông và phó thác vào Chúa.

Hãy quay trở về cùng Chúa và hãy kêu lên như thánh Phêrô: Lạy Chúa, xin cứu vớt con. Chắc chắn Ngài sẽ ra tay phù trợ, bởi vì Ngài không phải chỉ là một Thiên Chúa quyền năng, có thể làm được những sự chúng ta kêu van, mà hơn thế nữa, Ngài còn là một người cha đầy lòng thương xót, luôn sẵn sàng cứu vớt và nâng đỡ chúng ta ở mọi nơi và trong mọi lúc. Có Chúa cùng đi với chúng ta trên vạn nẻo đường đời, chúng ta sẽ không còn sợ hãi trước những phong ba và bão táp, chúng ta sẽ không còn lo lắng trước những gian nan và thử thách như lời thánh vịnh đã viết: Ví như Chúa chẳng xây nhà, thợ nề vất vả chỉ là uổng công, thành trì Chúa chẳng giữ trông, hùng binh kiện tước cũng không ra gì.
Huệ Minh

Read 417 times Last modified on Chủ nhật, 09 Tháng 8 2020 11:54