Get Adobe Flash player

Tìm Kiếm

Đăng nhập

Thứ bảy, 29 Tháng 8 2020 06:53

Con đường nào Chúa đã đi

Posted by 
Rate this item
(0 votes)
  Con Đường Nào Chúa Đã Đi

Không có thành công nào tự đến mà không phải đánh đổi bằng sự cố gắng, kiên trì thậm chí là những thất bại, mất mát liên tiếp rồi mới đạt được thành công.

Thành công chính là thành quả của nỗ lực và phấn đấu, nên có ai đó nói rằng: “Bạn nên nhớ gieo hạt tư tưởng, thu hoạch hành vi, gieo hạt hành vi, thu hoạch thói quen, gieo hạt thói quen, thu hoạch tính cách, gieo hạt tính cách, thu hoạch vận mệnh.

Ở đời là vậy. Gieo gì gặt ấy. Không lao động thì đừng mong hưởng thụ. Tuy có nhiều người “ngồi nhà mát ăn bát vàng” của những cán bộ tham nhũng hay những người làm ăn phi pháp. Cái họ có cũng mong manh đúng như tên gọi của cải là phù du. Có mấy quan tham cuối đời ngồi yên hưởng thụ? Có mấy cô chân dài sống mãi trong nhung lụa?  Chính lúc này người ta bàn tán nhiều về đường công danh của Chung Con lên rất nhanh mà xuống cũng không phanh?  Rồi rất nhiều cô chân dài bán hoa hàng dollar cũng vướng vào lao lý? . .. 

Đúng như ai đó đã từng nói: “người thất bại, là người lựa chọn ở trong vùng thoải mái; còn người thành công đều bắt đầu với chuyện khó và thành công nhờ kiên trì”.

Con đường Chúa Giêsu đã đi không phải là con đường trải thảm rộng thênh thang. Đó là con đường hẹp và đầy chông gai. Con đường từ bỏ hằng ngày. Từ bỏ Thiên Tính của mình để hòa nhập với khối đông của nhân loại. Từ bỏ quyền lợi của mình để phục vụ lợi ích nhân loại. Từ bỏ những tiện nghi vật chất để sống rầy đây mai đó, để thi ân giáng phúc cho tha nhân. Đó là con đường Ngài mời gọi chúng ta. Hãy từ bỏ lòng tự cao tự đại để sống hòa đồng với anh em. Hãy từ bỏ lòng tham của danh lợi thú để sống thanh khiết và công bình bác ái với tha nhân. Từ bỏ đòi hỏi hy sinh. Hy sinh bản thân để đem lại niềm vui cho tha nhân. Hy sinh thời giờ để phục vụ anh chị em chung quanh. Từ bỏ và hy sinh không làm cho ta bé nhỏ đi nhưng được lớn lên và trưởng thành hơn. Một người trưởng thành là một người biết hy sinh và nhường nhịn cho người nhỏ hơn. Một người được gọi là trưởng thành là người dám lãnh lấy trách nhiệm với gia đình và với xã hội. Giống như một đứa bé mãi mãi chỉ là đứa trẻ khi nó vẫn ích kỷ, thích giành giật của anh của em, chỉ khi nào nó biết nhường nhịn cho anh em thì lúc đó chúng ta mới nói nó đã trưởng thành.

Thế nên, sợ hãi đau khổ là sợ hãi trách nhiệm. Trốn chạy đau khổ là trốn tránh trách nhiệm. Kẻ sợ hãi trách nhiệm đó là người vô dụng, và người trốn tránh trách nhiệm chỉ là gánh nặng cho gia đình và xã hội.

Là người kytô hữu, Chúa mời gọi chúng ta vác lấy thập giá hằng ngày của mình mà theo Chúa. Thập giá ở đây là chính bổn phận và trách nhiệm trong cuộc sống thường ngày của chúng ta. Người chồng và người vợ phải có bổn phận và trách nhiệm quan tâm, lo lắng và đem lại hạnh phúc cho nhau. Người cha và người mẹ phải có bổn phận và trách nhiệm nuôi nấng, dạy dỗ con cái nên người. Con cái phải có bổn phận thảo hiếu, kính yêu và vâng lời cha mẹ, đồng thời cũng biết chia sẻ trách nhiệm với gia đình trong khả năng và sức lực của mình.

Xin Chúa giúp chúng ta biết noi gương bắt chước Chúa luôn can đảm đón nhận thập giá của bổn phận hằng ngày đối với Chúa và tha nhân. Cho dẫu có chịu nhiều thiệt thòi mất mát khi phải chu toàn bổn phận với Chúa và tha nhân, vì “được lời lãi cả thế gian, chết mất linh hồn nào ích gì? Amen

Lm.Jos Tạ duy Tuyền

Read 319 times Last modified on Chủ nhật, 30 Tháng 8 2020 07:37