5/16/2021 11:29:08 AM
17 06 Tr Thứ Hai Tuần VII Phục Sinh. (Cv 19,1-8; Ga 16,29-33.)
Trang Tin Mừng Ga 16,29-33 hôm nay thuộc về phần một với chủ đề : Bữa ăn cuối cùng của Chúa Giêsu và các môn đệ. Trong bữa ăn này, Chúa Giêsu như trút cả nỗi niềm cho các môn đệ : Ngài tiên báo về kẻ phản bội nhưng cũng nói lên những lời biệt ly. Trong đó có xác định mối tương quan giữa các môn đệ ( là những kẻ chọn và đi theo Ngài ) và thế gian ( gồm các mãnh lực chống lại Ngài ).
Mở đầu câu 29 là lời của các môn đệ : “ Bây giờ Thầy nói rõ , chứ không dùng dụ ngôn”. Vì từ trước đến nay, Chúa Giêsu đã tiên báo về cuộc khổ nạn và Phục Sinh của Người qua ba lần khác nhau với những chủ đề huấn giáo có những lúc Ngài đã dùng dụ ngôn để dạy dỗ dân chúng. Nhưng lần này, Chúa Giêsu đã nói trực diện vaò vấn đề đến nỗi các môn đệ tỏ ra am hiểu phần nào ý nghĩa lời nói của Thầy mình, mặc dầu trước đó các ông bị Chúa Giêsu chê là ngu muội (x. Mc 8,17). Các ông khẳng định là mình đã nhận ra Chúa Giêsu biết hết mọi sự, có lẽ vì các ông thấy những lời tiên báo của Chúa Giêsu đang dần dần được thực hiện.
Khi thấy Chúa Giêsu biết hết mọi sự, nên các ông tin Chúa Giêsu từ Thiên Chúa mà đến ( c. 30 ). Thật ra, có lẽ các ông chỉ hiểu lờ mờ một phần nào chương trình cứu độ của Thiên Chúa hoặc chỉ hiểu theo cảm tính và dự đoán của con người, nên khi đối diện với sự thật : cái chết quá hãi hùng đau thương của Con Thiên Chúa trên thập giá, các ông đã trốn chạy.
Vì thế lòng tin của các ông đã được Chúa Giêsu cật vấn lại : Bây giờ anh em tin à? Ngài không cần chờ đợi câu trả lời này vì Ngài biết lòng dạ các ông, nên Ngài nói tiếp : Này đến giờ, và giờ ấy đã đến rồi. Giờ Con Người thực hiện kế hoạch Tình Yêu cứu độ của Thiên Chúa bằng con đường thập giá. Giờ Con Người sẽ được giương lên cao và ơn cứu độ sẽ tuôn trào từ đó. Giờ mà Chúa Giêsu trở thành chiếc cầu thang nối liền trời đất : đưa Thiên Chúa xuống với con người và con người đến với Thiên Chúa. Ngài thấy trước khi giờ này đến, các môn đệ chạy tán loạn, bỏ Ngài ở lại một mình ( c.32). Có lẽ Chúa Giêsu sẽ cảm thấy đau đớn lắm, khi thực tế và lời nói của các môn đệ không trùng khớp và nỗi đau đớn này cay đắng hơn khi họ cứ khăng khăng về sự trung thành và bảo vệ Thầy của họ (x. Lc22,33). Ngài cô đơn khi các môn đệ bỏ Ngài , nhưng Ngài không cô độc vì Ngài khẳng định Chúa Cha luôn ở với Ngài. ( c.32).
Vì sao Chúa Giêsu lại cho các môn đệ biết trước về những điều sẽ xảy ra ? Ngài cho rằng : để anh em được bình an trong Thầy ( c.33) . Có lẽ giữa muôn vàn thử thách, bách hại của thế gian đối với người Kitô hữu, nếu người nào luôn ở trong Chúa, gắn liền với Chúa, đều cảm thấy bình an sâu thẳm trong tâm hồn cho dù họ đau đớn, mất mát. Chúa tiên báo trước, để các môn đệ và ngay cả chúng ta không lạ lẫm gì khi mình đi ngược dòng với thế gian, bị thế gian cho rằng là những con người dại dột. Hơn nữa, các môn đệ phải hy sinh, đau khổ rất nhiều, chịu bách hại vì lẽ công chính, vì Nước Trời, vì Tin Mừng, vì chính Chúa Giêsu là niềm tin, là đối tượng tôn thờ duy nhất của họ.
Qua bao lời cảnh báo những sự kiện sẽ xảy ra cho các môn đệ và cho chính Chúa Giêsu, thì chỉ cần một lời khẳng định cuối câu 33 đủ làm cho các ông và cả những người Kitô hữu chúng ta dám hy sinh đánh đổi cuộc sống để chọn Chúa : Thầy đã thắng thế gian. Đó là niềm tin của chúng ta và Chúa Giêsu đã thực hiện điều đó. Ngài đã Phục Sinh. Và sau đó là cái chết của 11 vị Tông đồ và biết bao các thánh tử đạo đã hiến dâng mạng sống mình, để bảo vệ và khẳng định niềm tin của mình.
Chống đối và bách hại luôn là những “chiếc bóng” cứ bám chặt lấy cuộc đời người môn đệ Đức Kitô. Trong lịch sử Giáo Hội suốt hai ngàn năm qua đã có biết bao ngôn sứ mạnh dạn nói lời của Thiên Chúa để làm chứng cho công lý; biết bao người chịu gian khổ miệt mài âm thầm phục vụ những người nhỏ bé bị ngược đãi, bị bỏ rơi; và cũng có biết bao lớp người Kitô hữu đã anh dũng làm chứng bằng chính máu và mạng sống của mình.
Tất cả như thể ứng nghiệm lời tiên báo của Thầy Giêsu: “Trong thế gian, anh em sẽ phải gian nan khốn khó”. Song, dầu những gian nan khốn khó có ập đến tư bề, Giáo Hội Chúa Kitô vẫn đứng vững, vì được xây trên đá góc tường là Chúa Kitô Phục Sinh. Chính Ngài làm bừng lên nơi Giáo Hội lòng can đảm và một niềm tin, niềm tin “Thầy đã thắng thế gian.”
Sống trong thời đại tục hoá hôm nay, người môn đệ Chúa Kitô phải đối diện với không ít những thách đố của sự chống đối, của những gương xấu, của những lý thuyết đi ngược lại với đường lối của Chúa. Song, hãy can đảm! Hãy vững tin! Vì nếu Chúa Kitô đã chiến thắng thế gian, thì chúng ta cũng sẽ được cùng chiến thắng với Ngài.
Đời sống đức tin của các Kitô hữu mà Chúa Giêsu nói đến trong bài Tin mừng hôm nay thì hoàn toàn khác. Ở giữa thế gian này, người tín hữu có thể phải chịu đủ mọi thử thách, thậm chí họ chẳng bao giờ được an ủi về mặt lợi lộc, vật chất thế gian. Nhưng họ vẫn có sự bình an, thanh thản trong thẳm sâu tâm hồn dù họ gặp phải muôn vàn khốn khó giữa cuộc sống cơm áo gạo tiền thường ngày.
Huệ Minh