01 25 X Thứ Tư Tuần XXII Thường Niên.
Thứ Tư đầu tháng. Kính Thánh Cả Giuse.
Cl 1,1-8; Lc 4,38-44.
Chữa Trị Bệnh Tật
Bối cảnh trang Tin mừng Luca hôm nay tái hiện lại những phép lạ mà Đức Giêsu đã làm tại nhà mẹ vợ ông Si-môn (Phê-rô). Trình thuật kể rằng, sau khi Chúa Giêsu đã rao giảng ở hội đường, thì các Thầy trò dẫn nhau về thăm nhà mẹ vợ ông Si-môn. Khi đến nơi thì thấy bà mẹ vợ ông đang sốt nặng, tức là đang ở trong một tình trạng nguy kịch, không thể làm gì được. Mọi người đang lo lắng, và họ nài xin Chúa Giêsu chữa lành cho bà. Vậy là Đức Giêsu đã “ra lệnh” cho cơn sốt dứt ngay, và bà trở nên mạnh khỏe để phục vụ mọi người.
Và trình thuật kể tiếp, chiều đến có rất nhiều người “đưa đến” cho Chúa Giêsu những người bệnh tật và bị quỷ ám, và Ngài đã cứu chữa họ hết thảy. Ngài đã nhiệt tình giúp họ, chắc hẵn là rất mệt mỏi, vì tin mừng kể lại có rất đông người đến. Tuy vậy, sáng sớm Chúa Giêsu đã đến nơi hoang vắng cô tích để cầu nguyện, nhưng họ lại tìm đến người và xin Ngài ở lại cùng họ. Chúa Giêsu đã nói với họ: “Tôi còn phải loan báo Tin Mừng Nước Thiên Chúa cho các thành khác nữa, vì tôi được sai đi cốt để làm việc đó.”
Trình thuật tin mừng hôm nay, chúng ta chú ý đến 2 điều:
Những phép lạ Chúa Giêsu đã làm cho không phải bởi lời cầu xin của chính đương sự, nhưng bởi lời cầu xin, bởi lòng của những người khác.
Mọi người muốn giữ Chúa Giêsu lại cho riêng họ, khi nhận được ơn phúc, nhưng Chúa Giêsu chỉ cho họ thấy, “Loan báo Tin Mừng Nước Thiên Chúa” không chỉ dành riêng cho một nhóm nhỏ, nhưng cho tất cả mọi người.
Quả vậy, khi Chúa Giêsu đến nhà mẹ vợ ông Phê-rô, bà đang sốt nặng và bà không thể cầu xin Chúa Giêsu chữa lành cho mình. Trình thuật nói “họ xin Ngài chữa cho bà”, họ ở đây chắc hẵn là những nguời thân của bà, những người hàng xóm láng giềng với bà; chính nhờ lời cầu xin của họ, hay nói đúng hơn nhờ lòng tin của họ mà Chúa Giêsu đã cứu chữa bà. Cũng vậy “Lúc mặt trời lặn, tất cả những ai có người đau yếu mắc đủ thứ bệnh hoạn, đều đưa tới Người. Người đặt tay trên từng bệnh nhân và chữa họ”. Những người được chữa lành này, ta thấy cũng không phải bởi sự cầu xin của chính họ, nhưng là của những người đưa họ đến với Chúa Giêsu.
Chắc hẵn, ở nơi chính những bệnh nhân ấy, họ cũng có lòng tin vào Chúa Giêsu, nhưng chính họ không thể tự mình đến, hoặc có thể họ không dám đến vì những mặc cảm nơi mình, hoặc cũng có thể là chưa đủ tin vào quyền năng Thiên Chúa. Nhưng điều đáng nói ở đây là, những người được chữa lành ở ngôi nhà nhỏ hôm ấy có một sự cộng tác rất tích cực của những người khác, những người biết dẫn người khác đến với Chúa và dẫn Chúa đến với họ. Cuộc sống nơi mỗi người ki-tô hữu chúng ta cũng vậy, luôn được mời gọi để cầu nguyện cho người khác, hướng dẫn người khác đến với Chúa và giúp họ cảm nhận được tình yêu thương của Chúa. Đó cũng chính là sứ mạng ngôn sứ nơi người tín hữu, sứ mạng đã lãnh nhận khi lãnh bí tích thanh tẩy.
Và điều thứ hai, trong trình thuật hôm nay muốn nhắc chúng ra rằng: Ơn Cứu Độ nhờ Tin mừng không phải chỉ dành riêng cho cá nhân, hay chỉ dành cho nhóm thân hữu của chúng ta, nhưng cho tất cả mọi người. Những người trong làng của mẹ vợ ông Phê-rô muốn giữ Chúa Giêsu ở lại với họ, bởi họ thấy những phép lạ điềm thiêng mà Chúa Giêsu đã làm trên họ, họ muốn sở hữu những ân huệ ấy cho riêng cộng đồng của họ, cho làng của họ thôi. Con người là vậy, luôn muốn có và khi có thì luôn muốn chiếm hữu cho riêng mình và rất khó cho chia sẻ với ai.
Đó là sự cám dỗ của thế tục, của tính người, tính xác thịt. Chúa Giêsu không lên án vì sự ích kỷ hẹp hòi của họ, bởi Ngài biết thân phận con người là thế và Ngài đã nói: “Tôi còn phải loan báo Tin Mừng Nước Thiên Chúa cho các thành khác nữa, vì tôi được sai đi cốt để làm việc đó.” Đây là một bài học lớn cho mỗi người tín hữu chúng ta, chúng ta sống là cùng và sống với người khác, do vậy, Hội Thánh không mời gọi con cái mình sống thánh thiện để lên Thiên Đàng một mình, nhưng lên cùng người khác. Chúa Giêsu đã nói và nêu gương cho chúng ta trong cách sống “Tôi còn loan báo cho những thành khác, vì tôi được sai đi cốt để làm việc đó”. Đến lượt mình, chúng ta cũng không giữ Chúa cho riêng mình, nhưng biết giới thiệu và đem Chúa đến cho người khác, bởi tôi được “tái sinh” là để làm việc đó “giới thiệu Chúa cho người khác”.
Thuật lại biến cố Chúa Giêsu chữa bệnh bà mẹ vợ ông Simon và nhiều người khác, thánh sử Luca ghi lại: "Lúc mặt trời lặn, tất cả những ai có người nhà đau yếu mắc đủ thứ bệnh hoạn, tật nguyền, đều đưa tới Ngài. Ngài đặt tay trên từng bệnh nhân và chữa lành họ". Những dòng kế tiếp cho thấy Chúa Giêsu có uy quyền trên sự dữ. Ở đây sự dữ xuất hiện dưới hai hình thức: bệnh tật và ma quỉ. Chúa Giêsu ra lệnh và quở mắng để chế ngự, nhưng Ngài không tiêu diệt chúng. Ngoài ra, trong nhiều cơ hội khác, Chúa Giêsu làm gương bằng sự ân cần của Ngài đối với các bệnh nhân, kể cả những người mang chứng bệnh khiếp sợ nhất lúc bấy giờ là bệnh phong cùi.
Trong giáo huấn của Ngài, Chúa Giêsu còn đi xa hơn: Ngài đồng hóa mình với những người bệnh tật, những người nghèo đói, những kẻ sa cơ lỡ bước, những người bị cầm tù. Ngài nói: "Mỗi lần các ngươi làm như thế cho một trong những anh em bé nhỏ nhất của Ta đây, là các ngươi đã làm cho chính Ta". Qua cuộc khổ nạn và cái chết trên Thập giá, Chúa Giêsu đã đem lại cho đau khổ và bệnh tật ý nghĩa và giá trị cứu rỗi.
Chúa Giêsu có thể chữa lành mà không cần phải cúi xuống trên từng người như thế. Bằng quyền năng, Ngài chỉ có thể phán một lời là tất cả mọi người có thể được lành bệnh. Nhưng Ngài đã không làm như vậy, Ngài muốn đụng chạm đến từng nỗi đau trên thân xác và tinh thần của bệnh nhân. Cũng như Ngài vẫn đang lắng nghe và đụng chạm đến từng tiếng lòng thổn thức của những con tim đau khổ trong từng người chúng ta. Việc chạm vào tay của Chúa Giêsu không chỉ đơn giản như chạm vào bàn tay của một người vô danh. Cho dù bạn là bất cứ ai thì Ngài cũng chỉ muốn chạm vào bạn một cách riêng tư nhất.
Huệ Minh