Get Adobe Flash player

Tìm Kiếm

Đăng nhập

Chủ nhật, 12 Tháng 9 2021 07:47

Sức mạnh của Lời

Posted by 
Rate this item
(0 votes)
  Sức mạnh của Lời


13 07 Tr Thứ Hai Tuần XXIV Thường Niên.

Thánh Gio-an Kim Khẩu, Giám mục, Tiến sĩ Hội Thánh, lễ nhớ.

1Tm 2,1-8; Lc 7,1-10.

Sức Mạnh Của Lời

Mỗi vị thánh đều mang Chúa Kitô trong mình và một cách nào đó các Ngài luôn chóng vánh giới thiệu Ðức Kitô cho người khác. Thánh là để Chúa phủ lấp toàn bộ con người mình, để Chúa chiếu sáng xuyên suốt từng ngõ ngách, từng đường tơ, kẽ tóc. Thánh là họa lại chính Chúa Kitô càng rõ nét bao nhiêu càng tốt bấy nhiêu, đúng như lời sách khởi nguyên viết:"Họa lại hình ảnh của Thiên Chúa". Thánh Gioan kim khẩu là một trong muôn vàn vị thánh đã trở nên giống Chúa Kitô.

thánh nhân sinh tại nước Thổ nhĩ Kỳ vào năm 334 tại Antiokia. Người ta gọi Ngài là Gioan thành Antiokia. Ngài được mệnh danh là Kim Khẩu: Chrysostome. Miệng tuôn toàn những lời quí như vàng.Thánh nhân có tài hùng biện và trí khôn ngoan minh mẫn hiếm có. Gioan thành Antiokia ngay từ khi còn nhỏ đã được mẹ Ngài giáo dục với một lòng nhân ái bao la, truyền đạt cho Ngài một đức tin sắt đá và lòng hy sinh hào hiệp. Năm 373, thánh nhân được tuyển vào chức đọc sách, nhưng tài lợi khẩu, hoạt bát của Ngài đã làm say mê bao người, từ đó danh tiếng Ngài vang dội khắp nơi.

Vì danh tiếng lẫy lừng nổi bật do lòng đạo đức thánh thiện và tài hùng biện có sức thuyết phục nhiều người trở về với chúa, người ta nhất loạt tôn thánh nhân lên chức giám mục,nhưng Ngài khiêm tốn khước từ và chỉ thích ẩn mình, ăn chay, cầu nguyện.Ý Chúa lạ lùng không ai hiểu thấu,sau bốn năm sống khắc khổ, Ngài lâm bệnh dạ dày nặng, buộc Ngài phải trở về Antiokia. Năm 386, thánh nhân lãnh nhận sứ vụ linh mục và trong cương vị linh mục, suốt 12 năm, thánh nhân đã làm say mê dân thành Antiokia nhờ lòng sốt sắng, tài ăn nói thuyết phục, miệng tuôn những lời quý như vàng và đưa rất nhiều người quay về với Chúa do lời giảng dậy của Ngài.

Thánh nhân đả phá những cổ tục mê tín,cuộc sống hào phóng,xa hoa, trụy lạc của những người giầu và kêu gọi mọi người lưu tâm đến những người nghèo. Chính thánh nhân nêu gương sáng sống nghèo và giúp đỡ người nghèo. Năm 397, Ngài được bầu làm giám mục thành Constantinople, thánh nhân lưu tâm nghiên cứu về thánh Phaolô tông đồ, cải tổ hàng giáo sĩ, thiết lập một số quy chế để thánh hóa bản thân, hủy bỏ tận căn mọi tập tục xa xỉ gây tốn phí tiền bạc, của cải, vật chất. Ngài chống đối kịch liệt các bè rối Ariô, Novatio vv.

Năm 403, Ngài bị Nữ hoàng Eudoxie kết án lưu đày vì thánh nhân dám lên tiếng phản đối Eudoxie đã chiếm đoạt tài sản của một bà goá ở Callitrope. Thánh nhân đã phải chịu biết bao nhiêu đau khổ, cay đắng, chông gai và thử thách vì Chúa. Mọi người sẽ mãi mãi thán phục lòng bác ái, tài giảng thuyết và các sách vở giá trị Ngài đã để lại cho hậu thế.

Cuộc đời của Ngài có thể ví như một bông hoa đẹp giữa những bông hoa khác muôn màu, muôn hương. Bông hoa thơm là chính Ngài bị cầm tù,bị tra khảo, đánh đập, nhưng hương thơm mãi mãi tỏa ra thơm ngát làm say mê mọi người.

Thánh nhân qua đời vào ngày 14/7/407, Chúa thưởng công Ngài bằng vô số phép lạ sau khi Ngài chết. Ðức Thánh cha Piô X đã nâng Ngài lên bậc tiến sĩ Hội Thánh và đặt Ngài làm bổn mạng của những nhà giảng thuyết.

Tin Mừng hôm nay mời gọi chúng ta suy niệm về lời quyền năng của Chúa. Thông thường, Chúa Giêsu chữa trị bằng cách đặt tay hoặc sờ đến bệnh nhân. Cũng có trường hợp Ngài làm một cử chỉ hay chỉ nói một lời, như được ghi lại trong trình thuật chữa bệnh cho người đầy tớ của viên bách quản.

"Xin Ngài chỉ nói một lời". Lời thỉnh cầu của viên bách quản gợi lại câu Thánh vịnh 106: "Thiên Chúa sai lời của Ngài đi chữa trị". Qua lời thỉnh cầu này, viên bách quản mặc nhiên nhìn nhận Chúa Giêsu thực sự đến từ Thiên Chúa và lời của Ngài là lời quyền năng và hữu hiệu. Lời thỉnh cầu của viên bách quản thể hiện một niềm tin sâu sắc, đến độ đã được Giáo Hội lặp lại mỗi ngày trong Thánh lễ, để nhắc nhở chúng ta về sức mạnh của lời Chúa, cũng như bổn phận rao truyền lời Chúa trong cuộc sống chúng ta.

Chúng ta chứng kiến một lòng tin mạnh mẽ của viên đại đội trưởng ngoại giáo. Biết Chúa Giêsu là người đầy quyền năng, ông đại đội trưởng đã đến xin Người chữa cho người đầy tớ của ông bị chứng tê bại nặng. Trước thái độ tin tưởng của viên đại đội trưởng, Chúa Giêsu hết sức thán phục và khẳng định với đám đông dân chúng: “Tôi nói cho các ông hay: ngay cả trong dân Israen, tôi cũng chưa thấy một người nào có lòng tin mạnh như thế”. Theo nguyên tắc của Do Thái giáo, đại đội trưởng là một người ngoại đạo sẽ bị loại ra khỏi Vương quốc; và nếu một người Do Thái vào nhà một kẻ ngoại đạo sẽ bị coi là kẻ ô uế.

Khi chữa lành cho người bệnh, cả Chúa Giêsu và viên đại đội trưởng đều vượt qua những ranh giới của luật Do Thái. Điều đó cho thấy Chúa Giêsu đã làm tất cả vì lòng thương xót, còn viên đại đội trưởng thể hiện niềm tin mãnh liệt vào quyền năng và tình thương Thiên Chúa. Chúa Giêsu đã chữa bệnh từ xa, Ngài biểu hiện tình thương có khả vượt qua khoảng cách của địa lý, của không gian và thời gian. Vì thế ông đại đội trưởng chưa về đến nhà thì nghe tin báo người đầy tớ đã khỏi hẳn bệnh.

Thái độ tin tưởng của ông đại đội trưởng khác hẳn với thái độ cứng tin của những người Do Thái. Phép lạ này là lời hứa cho tất cả chúng ta, những ai có lòng tin đều được Chúa chữa lành. Thiên Chúa luôn yêu thương chăm sóc hết mọi người không phân biệt dân tộc, ngôn ngữ hoặc tôn giáo. Điều quan trọng là chúng ta phải thực sự khát khao được Chúa chữa lành.

Thế giới ngày nay đang bước vào kỷ nguyên của thông tin. Lời nói xem chừng tràn ngập khắp nơi, nhưng liệu con người có nghe được lời quyền năng có sức chữa trị và giải phóng con người không? Các phương tiện truyền thông đại chúng càng gia tăng và tinh vi, thì lời nói càng được tung ra, nhưng tác hại không kém. Có những lời đường mật dụ dỗ người trẻ sa vòng trụy lạc, nô lệ; có những lời dối trá của chính trị gia; có những lời thất vọng, chán chường của những tiên tri chỉ biết loan báo thảm trạng. Ngược lại, cũng không thiếu những hình thức tước đoạt quyền tự do tư tưởng và phát biểu của con người.

Trong một hoàn cảnh như thế, những người mà niềm tin được xây dựng trên lời quyền năng của Thiên Chúa, hẳn phải nói lên lời của Ngài hơn bao giờ hết. Ngày nay, có biết bao viên bách quản đang chờ đợi một lời nói can đảm, chân thật và hữu hiệu từ các Kitô hữu. Trong một xã hội chỉ có những lời của hận thù, đố kỵ, thì lời của các Kitô hữu phải là lời của yêu thương, hòa giải và tha thứ. Lời của Chúa là lời chân thật và hữu hiệu, lời ấy không chỉ được các Kitô hữu nói bằng môi miệng, mà còn phải được nhập thể vào cuộc sống của họ.

Trên hành trình thiêng liêng chúng ta sẽ không tránh khỏi những lúc bị thử thách, không thể trốn chạy những đau đớn bệnh tật. Như Chúa Giêsu luôn tỏ lòng thương cảm với những yếu đuối của con người, chúng ta cũng hãy mở lòng ra đón nhận tất cả trong sự tin tưởng phó thác. Chúa Giêsu ôm lấy cuộc đời, mang vác lấy gánh nặng của con người mà giương cao lên thập giá. Tình yêu thương con người dạy chúng ta chấp nhận những phiền hà rắc rối của người bên cạnh, dám chịu thương tích vì người khác, dám chấp nhận thất bại để tôi luyện và trưởng thành trong đức tin.

Huệ Minh

Read 560 times Last modified on Thứ hai, 13 Tháng 9 2021 08:23