21 15 Đ Thứ Ba Tuần XXV Thường Niên.
THÁNH MÁT-THÊU, TÔNG ĐỒ, TÁC GIẢ TIN MỪNG, lễ kính.
Kinh Tiền Tụng các Thánh Tông đồ.
Thánh Phan-xi-cô Jac-ca Phan (Francois Jaccard), Linh mục (U1838); và Thánh Tô-ma Trần Văn Thiện, Chủng sinh (U1838), Tử đạo.
Không cử hành lễ cầu cho người qua đời (D2, D3), trừ lễ an táng.
Ep 4,1-7.11-13; Mt 9,9-13.
THEO CHÚA NHƯ THÁNH MATTHÊU
Việc tôn kính thánh Matthêu ở Roma lên tới thế kỷ V. Hồi đó người ta mừng lễ Ngài trong nhà thờ lớn đường Merulana, và đến thế kỷ VIII lễ kính được thiết lập, có cả lễ vọng. Lễ ngày 21 tháng 9 như hiện nay là theo sổ tử đạo của thánh Jérôme, nhưng ở phương Đông mỗi nơi định mỗi khác tùy theo họ thuộc nghi lễ Byzance và Syrie (16 tháng 9) hay Coptes (9 tháng 9).
Lêvi là tên gọi của thánh Matthêu tông đồ, thánh sử. Tin Mừng thuật lại khi Chúa Giêsu đi ngang qua bàn thuế, Người gọi Lêvi. Lêvi không chần chừ, không do dự, ông đứng dậy khỏi bàn thu thuế mà đi theo Chúa Giêsu. Ơn gọi của Lêvi thật là huyền diệu! Chúa Giêsu không nói nhiều, Người chỉ nói một câu vỏn vẹn, ngắn ngủi: "Hãy theo Ta".
Ðường Chúa chọn khác với cách cất nhắc của người đời thường làm. Chúa chọn ai tùy ý Người. Chúa cất nhắc ai là do ơn huệ nhưng không của Chúa. Không ai có quyền đòi Chúa phải thế này thế kia. Không ai được phép buộc Chúa phải gọi người này, không được gọi và chọn người khác. Ðó là mầu nhiệm đức tin. Con người phải có đôi mắt đức tin, con tim hiến tế mới nhận ra sự lạ lùng, kỳ diệu đó, vì ơn gọi của mỗi người là một mầu nhiệm.
Như mọi tông đồ khác trong nhóm 12 mà Chúa đã kêu mời. Chúa chỉ gọi họ, sau khi Chúa đã kết hiệp thân thân tình lâu giờ với Chúa Cha bằng lời cầu nguyện và sau khi Chúa đã hỏi ý Chúa Cha. Thái độ, cử chỉ, hành động của Chúa trong mọi lần mời gọi tông đồ đều làm nổi bật ý nghĩa quan trọng của mầu nhiệm ơn gọi. Lêvi, người thu thuế, một hạng người được coi làm tay sai cho ngoại bang, làm tay sai cho Ðế Quốc La Mã thời đó, một hạng người mang tiếng ăn bẩn, tội lỗi và không tốt. Chúa lại nghĩ khác vì Chúa thấu suốt tâm can của con người. Biệt phái, Pharisiêu, tư tế, thông luật luôn nghĩ xấu cho người khác. Chúa nói với họ: "Ta đến không để gọi những người công chính mà là gọi những người tội lỗi" (Mt 9, 13) và "Người khỏe mạnh không cần thầy thuốc, người đau ốm mới cần" (Mt 9, 12).
Chúa đã mời gọi các tông đồ. Chúa đã sai họ đi khắp thế gian rao giảng Tin Mừng cứu độ. Các tông đồ của Chúa sau khi đã lãnh nhận Chúa Thánh Thần, đã trở thành những chứng nhân hiên ngang làm chứng cho Chúa. Tất cả các tông đồ đã nhất loạt giới thiệu Chúa Kitô cho mọi người, dù rằng họ phải trả giá rất đắt bằng chính mạng sống của họ cho việc làm chứng Chúa Kitô phục sinh. Thánh Matthêu đã không ra khỏi con đường này. Ngài đã đi truyền giáo ở Êthiopi, Ba Tư, Parthes. Ngài đã nói lên sự thực này: "Chúa Giêsu chính là Ðấng cứu thế mà Cựu Ước hằng mong đợi. Lời chứng của thánh nhân được coi là đầy đủ nhất trong Tin Mừng của Ngài. Ngài đã được phúc tử đạo tại Tarium nước Êthiopi. Chúa đã trao cho Ngài triều thiên công chính.
Tin mừng hôm nay kể lại việc Chúa Giêsu kêu gọi người thu thuế tội lỗi tên là Lêvi (sau này là tông đồ Mátthêu) theo Chúa nhắc chúng ta nhớ lại sự thật: Chúa Giêsu không còn là Chúa, là Ðấng cứu thế nữa, nếu Ngài chỉ muốn tiếp xúc với những con người tự phụ cho mình là công chính không cần đến Thiên Chúa.
Lời xác nhận của Chúa Giêsu không ngừng vang dội và mang lại hy vọng cho con người. Ai là kẻ công chính hoàn toàn vô tội trước nhan Thiên Chúa đến độ không cần tới ân sủng của Thiên Chúa, không cần đến Thiên Chúa. Thiên Chúa là Ðấng nhân từ hay thương xót, giàu lòng từ ái, chậm bất bình và hết sức khoan dung nhưng chúng ta đừng vì đó mà lạm dụng và ngồi lì trong tật xấu, trong những tội lỗi của mình.
Chúa Giêsu kêu gọi người tội lỗi để chữa lành, để đưa họ ra khỏi cảnh nô lệ tội lỗi, được sống trong tự do thật của những con cái Thiên Chúa. Chỉ mình Chúa là Ðấng yêu thương vô cùng và quyền năng vô biên mới có thể đối xử đại lượng được như vậy với những tật xấu, những tội lỗi của con người.
Chúa Giêsu khi chọn lựa và kêu gọi ông Matthêu, một người hành nghề thâu thuế, bị các người đồng hương thời đó coi như là người phản quốc, nối giáo cho giặc, bóc lột đồng bào để làm lợi cho dân ngoại xâm, cũng như bị lên án là kẻ tội lỗi, biển thủ, gian lận và bị nhóm biệt phái kết án là kẻ tội lỗi, Chúa Giêsu không nhìn những lỗi lầm, những vết nhơ bên ngoài, nhưng Ngài nhìn sâu thẳm tận tâm hồn, nhìn tận bên trong và nhất là Ngài đã lấy ánh sáng của tình yêu thương, lòng nhân hậu, quảng đại và tha thứ của Thiên Chúa để chiếu sáng và chiếu thấu, biến ông Matthêu từ một người thâu thuế thành một tông đồ và một thánh sử viết Tin Mừng.
Chúa đã mời gọi các tông đồ. Chúa đã sai họ đi khắp thế gian rao giảng Tin Mừng cứu độ. Các tông đồ của Chúa sau khi đã lãnh nhận Chúa Thánh Thần, đã trở thành những chứng nhân hiên ngang làm chứng cho Chúa. Tất cả các tông đồ đã nhất loạt giới thiệu Chúa Kitô cho mọi người, dù rằng họ phải trả giá rất đắt bằng chính mạng sống của họ cho việc làm chứng Chúa Kitô phục sinh.
Thánh Matthêu trở thành một chứng nhân đặc biệt cho đời sống và cuộc tử nạn của Chúa Kitô. Ngài được tuyển chọn vào nhóm Mười Hai để theo Chúa đi khắp nơi. Ngài lắng nghe lời Thầy Chí Thánh, dõi theo sứ mạng của Người, và được tham dự bữa Tiệc Ly. Thánh nhân hiện diện khi Chúa lập bí tích Thánh Thể, đích thân được nghe Chúa tuyên bố về giới luật yêu thương, và đồng hành đến vườn Cây Dầu với Người. Cùng các Tông Đồ khác, ngài cũng đau khổ vì đã bỏ rơi Chúa trong hồi Thương Khó. Tuy nhiên, chỉ sau đó ít lâu, ngài đã cảm được niềm vui Chúa Phục Sinh. Trước khi Chúa thăng thiên, thánh Matthêu là một trong những người được nhận lệnh truyền đem Tin Mừng cho khắp trần thế. Cùng với Đức Maria, thánh nhân đã được đón nhận linh ân Chúa Thánh Thần trong ngày hiện xuống.
Cuộc sống của người được mời gọi theo Chúa Kitô, như tất cả chúng ta đều thấy, không thể giống như cuộc sống của người anh trong dụ ngôn người con hoang đàng. Anh ta trung thành sống bên cha, làm việc chăm chỉ, và không phung phí tài sản của cha. Tuy nhiên, anh ta thiếu niềm vui và đức ái đối với em trai mới sám hối trở về của anh. Anh ta là biểu tượng rõ nét của loại người công chính nhưng không hiểu được niềm vui được sống bên Chúa và tình thân với tha nhân. Phụng sự Chúa tự thân là một phần thưởng đúng nghĩa, bởi vì phụng sự Chúa là được cùng Người cai trị. Thiên Chúa muốn chúng ta phụng sự trong vui tươi, chứ không miễn cưỡng, bởi vì Thiên Chúa yêu thương người hiến dâng vui tươi. Lúc nào cũng có rất nhiều lý do để vui tươi, tạ ơn và hạnh phúc khi chúng ta được hiến thân cho Chúa và tích cực đáp lại tiếng gọi của Người.
Chúa Giêsu Kitô đến bên từng người chúng ta – cho dù chúng ta đang sống trong độ tuổi hoặc hoàn cảnh nào – và ánh nhìn của Chúa tiếp xúc với ánh mắt chúng ta một cách cá biệt. Người mời gọi chúng ta bước theo. Trong hầu hết các trường hợp, Chúa để chúng ta lại giữa trần gian, công việc, và gia đình. Hãy suy nghĩ về điều Chúa Thánh Thần đã phán, và hãy để bạn biết sợ hãi và tri ân: Người đã tuyển chọn chúng ta trước khi tạo dựng thế gian
Huệ Minh