Get Adobe Flash player

Tìm Kiếm

Đăng nhập

Thứ sáu, 01 Tháng 10 2021 19:10

Thiên Chúa là nguồn gốc và cùng đích

Posted by 
Rate this item
(0 votes)
  “THIÊN CHÚA LÀ NGUỒN GỐC VÀ CÙNG ĐÍCH” (Dt 2, 10) | Suy Niệm Tin Mừng Chúa Nhật XXVII, Thường Niên, Năm B

TMĐP- Khi đời sống có “Thiên Chúa là nguồn gốc và cùng đích” thì mọi liên đới, tương quan giữa người với người đều quy hướng về Giao Ước yêu thương, và trong liên đới, con người mới không đánh mất chính mình và đánh mất nhau.

Tin Mừng hôm nay xoay quanh Nguồn Gốc của con người, Liên Đới giữa người nam và người nữ, để hướng về Thiên Chúa là Cùng Đích của tất cả mọi thụ tạo.

Về nguồn gốc con người, Tin Mừng khẳng định: “Ngay lúc khởi đầu công trình tạo dựng, Thiên Chúa đã làm nên con người có nam có nữ” (Mc 10, 6), và sách Sáng Thế đã mô tả nguồn gốc ấy, như trong bài đọc thứ nhất (x. St 2,18-24).

Nhưng nguồn gốc của con người chỉ có giá trị và ý nghiã khi con người nhận biết chính Đức Giêsu, Thiên Chúa làm người mới thực là nguồn gốc ơn cứu độ của họ, như thánh Phaolô đã quả quyết: “Quả thế, Thiên Chúa là nguồn gốc và cùng đích mọi loài, chính vì muốn đưa muôn vàn con cái đến vinh quang, nên Người đã làm một việc thích đáng, là cho Đức Giêsu trải qua gian khổ mà trở thành vị lãnh đạo thập toàn, dẫn đưa họ tới nguồn ơn cứu độ. Thật vậy, Đấng thánh hoá là Đức Giêsu, và những ai được thánh hóa đều do một nguồn gốc” (Dt 2, 10-11).

Như thế, con người không chỉ được tạo dựng để sống như cỏ cây, nhưng còn để được thông dự vinh quang đời đời của Thiên Chúa, vì Thiên Chúa là Nguồn Gốc và Cùng Đích của con người: Nguồn Gốc từ đó con người được tạo dựng, Cùng Đích con người phải đạt tới, tiến về, bởi con người là con cái của Thiên Chúa mang hình ảnh của Ngài, nên chỉ hạnh phúc, thoả lòng khi được về với Ngài, ở với Ngài.

Vì thế, cuộc sống con người sẽ chỉ có ý nghĩa đích thực khi con người biết mình là con Thiên Chúa, được Cha trên Trời sinh ra, và sẽ về Trời với Cha mình. Ý nghĩa này không thể gặp được ở đời sống của người vô thần khi họ chủ trương con người chỉ là kết qủa của một “bùng nổ tự nhiên”, con nguời chết là hết, con người sống chết như thực vật, động vật không linh hồn, không Nguồn Gốc, Cùng Đích không hy vọng sự sống đời sau.

Cũng theo Tin Mừng, sự liên đới giữa con người, đặc biệt giữa người nữ và người nam trong hôn nhân được đặt trên nền tảng Thiên Chúa là Nguồn Gốc, Cùng Đích của con người, và Đức Giêsu là Đấng đảm bảo tương quan Cha Con giữa con người với Thiên Chúa. Nói cách khác, liên đới giữa con người với con người, cũng như tương quan hiệp nhất giữa người nữ và người nam trong bậc sống hôn nhân, gia đình được bảo đảm bởi Giao Ước giữa Thiên Chúa và con người đã được Đức Giêsu thực hiện bằng chính máu Ngài, máu của Con Thiên Chúa làm người đã chết như con người để đem lại ơn cứu độ cho con người. Nhờ thế, con người được trở thành con của Thiên Chúa Cha, và anh em của Đức Giêsu như Tin Mừng Máccô ghi lại: “Người đã không hổ thẹn gọi họ là anh em.” (Mc 10, 11).

Thực vậy, một khi Thiên Chúa được chân nhận là Nguồn Gốc và Cùng Đích của con người, thì đời sống của mỗi người sẽ là những bước chân tiến dần về Thiên Chúa được ơn phù trợ của Ngài hướng dẫn, che chở. Trên con đường của đời sống có Thiên Chúa là Nguồn Gốc và Cùng Đích ấy, mọi liên đới, tương quan giữa người với người, giữa vợ với chồng, giữa cha mẹ, con cái, tất thảy đều quy hướng về Giao Ước yêu thương giữa Thiên Chúa với con người là Đức Giêsu, Thiên Chúa làm người. Với Đức Giêsu và trong Đức Giêsu, con người chắc chắn không mất hướng đi, không lạc lối trên đường về với Thiên Chúa là Cùng Đích, và trong liên đới với nhau, con người mới không đánh mất chính mình và đánh mất nhau.

Nhưng để đi vào Giao Ước liên đới, và hiệp nhất ấy, mỗi người được mời gọi vượt qua với Đức Giêsu, như Ngài đã vượt qua thử thách, đau khổ để đến vinh quang, vượt qua sự chết để đến phục sinh, bởi không hiệp nhất nào không đòi từ bỏ chính mình, không liên đới mật thiết nào không đòi những tháo gỡ, cởi bỏ không ít những gì thuộc về mình, không tương quan ân tình nào không đòi hỏi hy sinh, và đó chính là lý do Đức Giêsu nhắc bảo những người sống đời hôn nhân, là dấu chỉ rõ nhất của Giao Ước Hiệp Nhất phải biết từ bỏ: “Người đàn ông sẽ lìa cha mẹ mà gắn bó với vợ mình” (Mc 10,8). Nhắc nhủ người đàn ông cũng là khuyên bảo người đàn bà, vì cả hai đều phải từ bỏ rất nhiều để có thể gắn bó, “trở thành một xương một thịt” (Mc 10,8).

Xin Chúa ban cho chúng ta ơn xác tín chân lý căn bản, đó là “Chính Chúa là Nguồn Gốc và Cùng Đích của đời chúng ta”, và niềm Hy Vọng vào Thánh Giá của Đức Giêsu là nguồn Tình Yêu, bởi trên Thánh Giá, tình yêu đã trở nên cao cả khi sẵn sàng hiến dâng mạng sống cho người mình yêu; cũng trên Thánh Giá, tình yêu đã trở nên mạnh mẽ vô địch khi chiến thắng sự chết, để chúng ta có thể kiên trì ở lại trong tình yêu của Chúa và của nhau.

Jorathe Nắng Tím

https://tinmungduongpho.com/thien-chua-la-nguon-goc-va-cung-dich-dt-2-10-suy-niem-tin-mung-chua-nhat-xxvii-thuong-nien-nam-b/

Read 420 times Last modified on Thứ bảy, 02 Tháng 10 2021 11:32