Chúa nhật VII TN năm C
Lc 6, 27-38
Giáo huấn khó !
Chúng ta hãy thử hình dung đâu là phản ứng của một người lần đầu tiên nghe lời giáo huấn của Chúa Giêsu mà chúng ta vừa được nhắc lại. “ Hãy yêu thương kẻ thù, hãy làm phúc cho kẻ ghét anh em. Hãy chúc lành cho người nói xấu anh em. Ai vả con một bên má, thì con hãy đưa má bên kia. Ai lấy áo khoác của con, thì con trao cả áo trong nữa”. Chúng ta tự nhủ, đó là điều không thể được. Làm thế nào một người khôn ngoan lại có thể tuyên bố những lời ít thực tế, và dễ dàng mở cửa cho tất cả những sự thái quá như thế ?-“.
Tuy nhiên đây lại là dạy của Chúa Giêsu. Nó trình bày tư tưởng của ngài trong cái điều riêng biệt nhất và đặc trưng nhất. Tình yêu, không chỉ là tình yêu thúc đẩy chúng ta yêu thương những người yêu thương chúng ta, mà là tình yêu yêu thương ngay cả kẻ thù. Đó là bông hoa tinh tế của kitô giáo.
Để giúp hiểu hơn ý nghĩa của giáo huấn trên đây, chúng ta hãy nhớ lại một nguyên tắc đầu tiên khó lòng mà chối cãi cái tính cách phù hợp của nó. “ Điều mà các con muốn người khác làm cho các con, thì hãy làm cho họ” ( 6,3 ). Mà điều chúng ta mong muốn khi chúng ta làm sai quấy đối với một người, không phải là tấn công, buộc tội chúng ta và dùng một thứ thuốc giống như chúng ta đã làm cho họ. Chúng ta mong muốn một sự hiểu biết, và nếu có thể, một dấu chỉ tha thứ. Như thế, Chúa Giêsu mời gọi đối xử với anh em, người hàng xóm và ngay với kẻ thù, bằng một sự kính trọng và nhân từ. Ngài đóng lại tất cả những ý tưởng phục thù và báo oán. Như thế, ngài hy vọng rằng, sự kính trọng và nhân từ thúc đẩy kẻ thù nhìn lại chính mình và ăn năn, thống hối.
Chính với cách thức như thế mà Chúa Giêsu hành động. Chúng ta nhìn thấy điều đó cách đặc biệt khi đọc lại đoạn Thương Khó. Khi người ta tố cáo ngài một cách bất công, ngài không nói một lời. Khi người ta đánh đập ngài, ngài không đáp lại. Khi người ta nhạo báng ngài, khi người ta chối bỏ ngài, khi người ta bán ngài với ba mươi đồng, không bao giờ ngài chọn lấy một thái độ nào khác hơn là tình yêu và lòng thương xót. “ Lạy Cha, xin tha cho chúng; vì chúng không biết việc chúng làm” ( Lc 23 ).
Và cái nguyên tắc thứ hai, đó là ngài qui chiếu về Thiên Chúa. “ Hãy yêu thương kẻ thù ngươi. Hãy làm ơn và cho vay mượn mà không mong đáp trả lại. Bấy giờ phần thưởng của ngươi sẽ trọng đại ở trên trời, và các ngươi sẽ là con cái của Thiên Chúa tối cao, bởi vì ngài tốt lành, ngay cả đối vời kẻ vô ơn và người gian ác “ ( 6 ). Đó là nguồn gốc cao nhất của lời giáo huấn của ngài trên tất cả tình yêu, nhất là tình yêu kẻ thù. Kẻ thù, dù lớn dù nhỏ. Không phải chỉ những kẻ thù mà tất cả các cầu nối bị cắt đứt và những kẻ chỉ biết có chiến tranh, nhưng với con người nào đó làm chúng ta căng thẳng, hay với một người nào đó mà chúng ta không bao giờ có chung một tần số. Con người này, Thiên Chúa yêu thương họ. Ngài đối xử với anh ta một cách công bằng và tốt lành. Chúng ta được mời gọi hành động như thế; và chính đang khi hành động như thế, chúng ta thực sự trở thành con cái Thiên Chúa. Con cái xứng đáng của cha mẹ. Những đứa con có cùng một cái nhìn giống như ngài, cùng một tình cảm và cùng một cử chỉ đối với những người tốt và kẻ xấu.
Thực ra, như lời thánh Phaolô nói về Adam thứ nhất và Adam sau cùng. Adam thứ nhất được nhào nắn bằng đất, thuộc về xác thịt. Adam thứ hai từ trời xuống, thiêng liêng. Giữa hai Adam này, sự căng thẳng rất lớn.
Trước một kẻ thù, Adam thứ nhất phản ứng bằng sức mạnh và bạo lực. Mắt đền mắt, răng thế răng. Adam thứ hai thì có trong tay tình thương yêu. Bản tính tự nhiên của chúng ta thúc đẩy chúng ta hành động như Adam thứ nhất. Rất nhiều người hành động như thế. Trong số đó có cả chúng ta nữa. Chỉ cần một chút ý thức, chúng ta sẽ cảm thấy xấu hổ rất nhiều. Chính vì thế mà cần phải có luật lệ để chận đứng bạo lực và bất công, chiến tranh và bóc lột. Chính vì thế mà người ta không nhìn thấy rõ, làm thế nào tổ chức một xã hội không có tòa án, không có nhà tù.
Thế nhưng chúng ta cũng là anh chị em của Adam thứ hai, anh chị em của Đức Kitô là Đấng đã cho Thánh Thần ngự trong chúng ta: chính Thánh Thần thúc đẩy chúng ta đến tình yêu và sống tình yêu.
Cho đến ngày cuối cùng, cuộc chiến sẽ cam go giữa con người xác thịt và con người thiêng liêng ở trong chúng ta. Giống như thánh Phaolô, trong tất cả mọi trường hợp và bất cứ lúc nào, chúng ta thích làm sự lành, và tuy nhiên, chúng ta lại làm sự dữ.
Chúng ta đừng thất vọng về cuộc chiến thắng, sẽ không kiếm được bằng một cử chỉ đặc biệt, nhưng bằng hàng ngàn những cử chỉ và những nỗ lực nhỏ nhỏ để đào luyện cho chúng ta một trái tim và một tinh thần giống như của Thiên Chúa.
Chính trong một giây lát mà bí tích rửa tội làm cho chúng ta trở thành nghĩa tử của Thiên Chúa, nhưng cần phải cả một đời để, theo gương Chúa Giêsu, trong tất cả con người chúng ta, chúng ta trở thành những con người mà tình yêu được tỏ lộ ra.
Bí tích Thánh Thể, luôn luôn đặt trước mắt chúng ta những cử chỉ và những lời mà Chúa Giêsu đã thực hiện vào buổi chiều Tiệc Ly, là một nguồn trợ lực lớn lao để đi trước trên con đường tình yêu đưa dẫn chúng ta đến chỗ yêu thương cả kẻ thù.
Huệ Minh