Khi soạn bài giảng, bản thân tôi thường hay dò bài đọc 1 cũng như bài đọc 2 để soi chiếu cho Tin Mừng của ngày hôm ấy.
Chúa Nhật VII TN năm C hôm nay, đứng trước lời mời quá khó của Chúa Giêsu là yêu kẻ thù để rồi cũng khó để mà giảng. Đơn giản là nói yêu thương ai nói chẳng được, thế nhưng mà khi đối diện với kẻ thù, sống yêu thương lại là chuyện quá khó.
Lần giở bài đọc thứ nhất, đọc đi đọc lại mấy lần cũng như suy tư. Thật hết hồn cũng như cảm phục con người của Đavit.
... Hồi ấy, vua Sa-un lên đường và xuống sa mạc Díp, cùng với ba ngàn quân tinh nhuệ của Ít-ra-en, để tìm bắt ông Đa-vít trong sa mạc Díp. Đang đêm, ông Đa-vít và ông A-vi-sai đến chỗ quân binh. Vua Sa-un đang nằm ngủ trong trại binh, cây giáo của vua cắm xuống đất, ở phía đầu vua, còn ông Áp-ne và quân binh thì nằm chung quanh.
Ông A-vi-sai nói với ông Đa-vít : “Hôm nay Thiên Chúa đã nộp kẻ thù của cậu vào tay cậu. Bây giờ, xin cho cháu dùng giáo ghim nó xuống đất, một nhát thôi ; cháu không cần đâm nhát thứ hai.” 9 Ông Đa-vít nói với ông A-vi-sai : “Đừng giết vua ! Có ai tra tay hại đấng Đức Chúa đã xức dầu tấn phong mà vô sự đâu ?” Ông Đa-vít lấy cây giáo và bình nước ở phía đầu vua Sa-un, rồi cả hai người ra đi. Không ai thấy, không ai hay, không ai thức dậy. Họ đều ngủ cả, vì Đức Chúa đã cho một giấc ngủ mê ập xuống trên họ.
Ông Đa-vít đi sang phía bên kia và đứng trên đỉnh núi, ở đàng xa ; có một khoảng cách lớn giữa họ. Ông Đa-vít nói : “Cây giáo của đức vua đây. Một trong các đầy tớ hãy sang mà lấy. Xin Đức Chúa thưởng công cho mỗi người tuỳ theo sự công chính và lòng trung thành của họ : hôm nay Đức Chúa đã nộp cha vào tay con, nhưng con đã không muốn tra tay hại đấng Đức Chúa đã xức dầu tấn phong.”
Từng chi tiết, từng câu nói của Đavit, từng cử chỉ cũng như hành động của Đavit sao mà tuyệt vời quá !
Trong giờ cơm tối cũng như trong câu chuyện chia sẻ với Sơ Chị tối nay tôi cũng nhắc lại hình ảnh, con người và cách hành xử của Đavit.
Rõ ràng rằng là con mồi hay kẻ thù hay kẻ tìm giết mình được trao tận tay cho mình. Thế nhưng rồi Đavit hoàn toàn không động gì đến con người của Saun - kẻ được trao cho Đavit.
Và, hình ảnh của Đavit đã được Chúa Giêsu làm tròn đầy trên cây thập giá. Trên đỉnh đồi Canvê, trước khi chết, Chúa đã ngỏ lời với Cha : "Xin tha cho họ !". Xin tha cho họ đồng nghĩa với chuyện bỏ qua cho những kẻ thù, những kẻ hãm hại mình.
Giờ cơm cũng như trong bài giảng, tôi có nói với mọi người rằng quả thật lời mời gọi yêu thương kẻ thù quả là khó. Và cái khó đó càng khó hơn khi Chúa Giêsu mời gọi người môn đệ : "Anh em hãy có lòng nhân từ, như Cha anh em là Đấng nhân từ !"
Chúa nhân từ thật sự ! Còn ta, liệu rằng ta có nhân từ được như Chúa hay không mới là chuyện khác. Thế nhưng rồi, trong sâu lắng của tâm hồn, ta lại được mời gọi họa lại hình ảnh, con người và cuộc đời của Chúa Giêsu.
Nói một cách lý thuyết, mỗi người Kitô hữu được mời gọi trở nên đồng hình đồng dạng với Chúa của mình nghĩa là phải yêu thương và tha thứ.
Thật sự, trước khi dọn bài giảng khó như vậy tôi cảm thấy khó thật sự. Thế nhưng rồi với hình ảnh của Đavit cũng như những câu chuyện trong cuộc đời thực về sự tha thứ thì thấy nhẹ lòng. Còn đó một Đức Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II, Ngài đã tha thứ cho kẻ sát hại mình.
Tính ra khó nhưng mà lại dễ, dễ nhưng mà khó.
Tôi chợt nhớ đến câu nói : "Khi bạn yêu ai thì người đó ở trong tim bạn. Khi bạn ghét ai thì người đó ở trong trí bạn". Tôi cũng chia sẻ với giáo dân trước khi kết thúc bài giảng hôm nay.
Mỗi chúng ta, hãy cố gắng (phải dùng từ cố gắng vì không dễ) để yêu thương anh chị em và loại bỏ đi những cái hận thù trong con người của ta. Khi ta loại bỏ hận thù chắc chắn đầu óc của ta sẽ thanh thản và thảnh thơi.
Tập dần đi bạn ! Xin ơn Chúa đi bạn ! Tôi tin rằng nhờ ơn Chúa, tôi và bạn sẽ học, sẽ thực hiện được lời mời gọi khó mà hôm nay Chúa mời gọi chúng ta.
Lm. Anmai, CSsR