Get Adobe Flash player

Tìm Kiếm

Đăng nhập

Thứ ba, 12 Tháng 4 2022 08:03

Chẳng lẽ con sao!

Posted by 
Rate this item
(0 votes)
  Chẳng lẽ con sao!


13.4 Thứ Tư Tuần Thánh

Is 50:4-9; Tv 69:8-10,21-22,31,33-34; Mt 26:14-25

CHẲNG LẼ CON SAO!

Càng gần Tam Nhật Thánh, chúng ta càng cảm nhận sâu sắc hơn về sự phản bội và những đau khổ mà Đức Giêsu phải chịu. Tin mừng theo Thánh Matthêu, Chương 26, câu 14-25 đã cho chúng ta thấy bộ mặt thật của kẻ nộp Chúa Giêsu, đó chính là Giuđa Ítcariôt– một trong những môn đệ thân cận mà Chúa Giêsu rất mực yêu thương, dạy dỗ suốt ba năm qua.

Nếu chúng ta ở địa vị của Chúa Giêsu, chắc hẳn chúng ta đã nổi giận và tống cổ Giuđa ra khỏi nhà ngay lập tức. Tuy nhiên, Chúa Giêsu đã hành động hoàn toàn khác. Ngài đã cho kẻ phản bội một cơ hội cuối cùng. Ban đầu, Ngài vẫn giữ thể diện cho Giuđa nên Ngài đã không nói thẳng thừng, không vạch mặt nêu tên Giuđa cho mọi người biết, nhưng âm thầm tạo dịp để thức tỉnh lương tâm Giuđa khi nói: “Thầy bảo thật anh em, một người trong anh em sẽ nộp Thầy” (Mt 26,21).

Nhưng khi nhận thấy Giuđa vẫn không có động thái tỏ vẻ ăn năn, Ngài đã đưa ra lời cảnh tỉnh mạnh mẽ hơn khi nói: “Đã hẳn Con Người ra đi theo như lời đã chép về Người, nhưng khốn cho người nào nộp Con Người, thà rằng người đó đừng sinh ra thì hơn” (Mt 26,24). Lời cảnh tỉnh nói lên sự khốn cùng của người phản bội Chúa vì ngoan cố không chịu quay trở về.

Vì thế, trước những lỗi lầm của anh em đối với chúng ta, chúng ta hãy thực sự bình tĩnh, hãy tìm dịp thuận tiện để gặp gỡ và đối thoại cách riêng tư khéo léo, tế nhị nhất có thể, tránh thái độ giận dữ và hành động thiếu ý thức. Về điều này, thánh Vinh Sơn dạy: “Khi đến lúc cảnh cáo, cần tiến hành: lần thứ nhất, với lòng nhân từ và sự dịu hiền, không vội vàng; lần thứ hai, thêm một chút nghiêm khắc và nghiêm trọng, song luôn luôn với sự dịu dàng, dùng lời đề nghị yêu thương và những lời khiển trách đầy hiền từ; thứ ba, với lòng nhiệt thành và sốt mến, tỏ rõ cho họ thấy những gì người ta sẽ phải làm (SV. XI,140)

Thánh vịnh 40 có câu: “Cả người thân con hằng tin cậy, đã cùng con chia cơm sẻ bánh, mà nay cũng giơ gót đạp con”. Quả thật, trong cuộc sống, đau khổ là điều không ai tránh được. Tuy nhiên, điều đau khổ nhất có lẽ là sự phản bội của chính người thân cận, người mà chúng ta yêu thương, nâng đỡ. Chúng ta phải làm gì khi phải đương đầu với sự phản bội?

Giuđa đã chủ động tìm gặp các thượng tế, bước chân ông dường như hối hả, gấp gáp. Trước khi nộp Chúa Giêsu, ông hỏi các thượng tế: “Tôi nộp ông ấy cho quý vị, thì quý vị muốn cho tôi bao nhiêu?” (Mt 26, 15). Sau khi thương lượng với những người lãnh đạo này, Giuđa đã đồng ý giao nộp Thầy mình cho họ với giá ba mươi đồng bạc – đó là số tiền mà vào thời Xuất Hành, người ta phải trả cho chủ của người nô lệ nếu như con bò húc làm thương một người nô lệ (Xh 21, 32).

Dù làm những việc kinh khủng như vậy, Giuđa vẫn “diễn”, vẫn trò chuyện với Thầy và anh em mình như không có chuyện gì xảy ra. Chính mình là người đã bán Thầy thế nhưng Giuđa vẫn thản nhiên hỏi rằng: “Ráp-bi, chẳng lẽ con sao?” (Mt 26, 25). Từng lời nói, hành động của Giuđa đã khiến trái tim Thầy Giêsu tan nát.

Vậy động cơ nào thúc đẩy Giuđa bán rẻ Thầy mình? Phải chăng vì chút lợi lộc cá nhân hay vì tính tham tiền mà ông đã phản bội Thầy? Thật khó để biết được một cách chính xác những lí do đằng sau việc làm của Giuđa. Tuy nhiên, những hành động của ông đã được ghi lại trong Tin mừng nhắc nhở mỗi người chúng ta suy gẫm về chính mình và về tương quan của mình với Chúa. Đã bao giờ chúng ta phản bội Chúa chưa?

Chính trong cầu nguyện, sức mạnh và tình yêu của Thiên Chúa sẽ giúp chúng ta vượt qua những cơn khủng hoảng này. Cầu nguyện là cách thế khôn ngoan nhất chúng ta cần để đối diện với những sự phản bội, để ta biết được thánh ý Chúa muốn gửi đến cho chúng ta là gì nơi sự phản bội đó. Chúa Giêsu khi đối diện với sự phản bội của Giuđa cũng như của các môn đệ Ngài thì chính Ngài cũng đã đi cầu nguyện để chiến thắng nỗi sợ hãi của thân xác Ngài. Chính Ngài cũng đã mời gọi các môn đệ: “Anh em hãy cầu nguyện kẻo sa chước cám dỗ” (Lc 22,40). Người cầu nguyện là người có thể làm được mọi thứ: “Hãy cho tôi một con người cầu nguyện, người đó có thể làm được mọi sự” (Thánh Vinh Sơn). Mùa Chay là cơ hội để nhiều người chạy đến cầu nguyện với Chúa. Hy vọng với lời cầu nguyện tha thiết của nhân loại, Chúa sẽ “dừng cơn giận Chúa!” mà cho đại dịch sớm qua đi.

Suy gẫm về Lời Chúa hôm nay và về câu chuyện Giuđa giao nộp Chúa cho các thượng tế, chúng ta nhận ra rằng, đã bao lần chúng ta cũng như Giuđa: phản bội và quên ơn Chúa. Đã bao lần chúng ta phạm tội trọng, liều mình xa Chúa. “Ba mươi đồng bạc” là cái giá rẻ mạt để chúng ta mua lấy vai diễn đời mình với những ý riêng, những sở thích, những khoái lạc không đẹp lòng Chúa. Xin Chúa tha thứ cho chúnh ta. Xin cho con biết kết nối và giữ liên lạc với Chúa trong từng giây phút của cuộc sống. Và chớ gì suốt cuộc đời này Chúa luôn là đối tượng duy nhất mà chúng ta tìm kiếm.

Ngày mai, chúng ta sẽ bước vào ba ngày cao điểm của năm phụng vụ hay còn gọi là Tam Nhật Thánh để tưởng niệm cuộc Khổ nạn và Phục Sinh của Chúa Kitô. Xin cho chúng ta biết dọn tâm hồn thật xứng đáng để khi tham dự vào những nghi thức thánh này, Chúa sẽ chúc lành và ban những ơn ích cho phần rỗi của chúng ta và mọi người, cùng với niềm hy vọng và tin tưởng Chúa sẽ sớm dập tắt đại dịch kinh hoàng này. Đồng thời, xin Chúa giúp chúng ta nhận ra rằng, xưa Giuđa đã phản bội Chúa một lần đã đưa Chúa đến cái chết khổ hình trên thập giá, còn ngày nay mỗi lần chúng ta phạm tội lại chính là lúc chúng con đóng đinh Chúa một lần nữa.

Huệ Minh

Read 606 times Last modified on Thứ hai, 25 Tháng 4 2022 18:21