Get Adobe Flash player

Tìm Kiếm

Đăng nhập

Thứ bảy, 23 Tháng 4 2022 06:19

Lòng Thương Xót của Đức Giêsu Phục Sinh

Posted by 
Rate this item
(0 votes)
  LÒNG THƯƠNG XÓT CỦA ĐỨC GIÊSU PHỤC SINH | Suy Niệm Tin Mừng Chúa Nhật II Phục Sinh – CN Lòng Thương Xót



TMĐP- Ước gì chúng ta được phúc như tông đồ Tôma nhờ lòng thương xót Chúa mà thay lòng đổi dạ, để không còn chai lì nhưng mang lấy tâm tình của người môn đệ được Thầy cảm thông phận yếu đuối, thương xót thân tội lụy, khi sấp mình thân thưa: “Lạy Chúa của con, lạy Thiên Chúa của con!“ (Ga 20,28) và khiêm hạ, tín thác lắng nghe Chúa nhủ bảo: “Vì đã thấy Thầy, nên con tin. Phúc thay những người không thấy mà tin!“ (Ga 20,29).

Đã hẳn lòng thương xót của Thiên Chúa đã được thể hiện trước muôn dân qua mầu nhiệm Thánh Giá của Đức Giêsu chịu đóng đinh, nhưng xem ra Đấng chịu đóng đinh ấy, sau khi sống lại từ cõi chết vẫn không muốn rời xa lòng thương xót bao la, đời đời của Ngài, qua những lần hiện ra với các môn đệ với thân xác còn nguyên vẹn những thương tích cuộc tử nạn.

Không rời xa lòng thương xót khi Ngài đến và đứng giữa các môn đệ, trong lúc cửa nhà các ông đóng kín, vì sợ người Do Thái với thân xác còn nguyên vẹn các dấu đinh trên tay chân và dấu đòng hoắm sâu bên cạnh sườn còn rướm máu.

Sở dĩ Đức Giêsu phục sinh đã hiện ra với các môn đệ với thân xác tuy đã sống lại vinh hiển nhưng vẫn loang lổ những thương tích cuộc tử nạn, vì Ngài muốn tỏ cho các ông biết đây mới thực là giờ chiến thắng của lòng thương xót, mới là thời đại huy hoàng của lòng thương xót, mới là mùa rực rỡ hoa Lòng Thương Xót, vì nhờ Lòng Thương Xót vô biên của Thiên Chúa mà sự sống đã hoàn toàn chiến thắng thần chết, và thập giá đã vĩnh viễn chiến thắng địa ngục, như được ghi trong sách Khải Huyền: “Ta là Đầu và là Cuối. Ta là Đấng Hằng Sống, Ta đã chết và nay Ta sống đến muôn thuở muôn đời; Ta giữ chià khóa của Tử Thần và Âm Phủ” (Kh 1, 17-18).

Mang trên mình đầy thương tích của lòng thương xót, Đức Giêsu sống lại từ cõi chết đã không chỉ ban bình an phục sinh của Ngài cho các môn đệ khi nói với các ông: “Bình an cho anh em” (Ga 20,19), như chiến công hiển hách sau trận chiến chống lại ganh ghét, hận thù, bạo lực, mà còn ban ơn tha tội cho mọi người, khi “thổi hơi vào các ông và bảo: “Anh em hãy nhận lấy Thánh Thần” (Ga 20, 22), là Thánh Thần Tình Yêu, Thần Khí hoan lạc, hy vọng của Thiên Chúa, và sai các ông ra đi với sứ vụ thực hiện lòng thương xót của Thiên Chúa, khi nhân danh Thiên Chúa tha tội cho mọi người (x. Ga 20,23).

Lòng thương xót ở Đức Giêsu phục sinh còn được bày tỏ khi Ngài nhẫn nại chịu đựng sự cứng lòng của tông đồ Tôma, người đã khăng khăng phủ nhận sự việc “Chúng tôi đã được thấy Chúa” (Ga 20, 25) của toàn thể anh em, và ngạo nghễ tuyên bố: “Nếu tôi không thấy dấu đinh ở tay Người, nếu tôi không xỏ ngón tay vào lỗ đinh và không đặt bàn tay vào cạnh sườn Người, tôi chẳng có tin” (Ga 20, 25).

Và lòng thương xót một lần nữa được Đức Giêsu quả quyết là ơn đổi mới tâm hồn, có sức làm cho qủa tim chai đá biến thành qủa tim bằng thịt (x. Ed 36,) khi âu yếm bảo Tôma: “Đặt ngón tay vào đây, và hãy nhìn xem tay Thầy. Đưa tay ra mà đặt vào cạnh sườn Thầy. Đừng cứng lòng nữa, nhưng hãy tin” (Ga 20, 27).

Quả thực, phần đông chúng ta ít quan tâm đến những “phép lạ” kín đáo, âm thầm, nhẹ nhàng của lòng thương xót được Chúa thực hiện một cách sống động, cụ thể trong đời sống, qua những người anh em bé nhỏ, yếu đuối ở ngay bên cạnh, mà chỉ háo hức đi tìm những “điềm thiêng dấu lạ” mang tính ma mị, giả tạo, hoành tráng, ồn ào bên ngoài của thế gian, như Tôma đã cứng lòng không tin vào lời của anh em tông đồ kể cho ông về một Thiên Chúa phục sinh với thân xác còn nguyên vẹn những vết thương của cuộc tử nạn, bởi ông không mong chờ một Thiên Chúa phục sinh “yếu đuối và mang đầy thương tích của lòng thương xót như thế”, nhưng ngóng đợi một Thiên Chúa phục sinh hiển hách, oai hùng, không còn dấu tích tang thương của Thánh Giá lòng thương xót.

Biết Tôma cứng lòng không hẳn vì không tin anh em, nhưng vì điều anh em nói về Thầy trái với điều ông mong ước và suy nghĩ: nếu Thầy thực sự sống lại, Thầy sẽ không còn mang thân xác đầy thương tích của cuộc tử nạn, vì đó là dấu chứng của yếu đuối, thất bại, nên Đức Giêsu đã nói riêng với Tôma: “Đặt ngón tay vào đây, và hãy nhìn xem tay Thầy”, như muốn nhắc nhở ông: Thầy vẫn mãi mang thân xác đầy thương tích Thánh Giá để nói lên lòng thương xót vô cùng, vô tận, không bao giờ lay chuyển, và tồn tại muôn đời của Thầy để mọi người nhận được ơn cứu sống, nếu tin vào lòng thương xót của Thầy, và chính lòng thương xót ấy đang đổi mới trái tim chai đá, cứng cỏi, ương ngạnh của con.

Ước gì chúng ta cũng được phúc như tông đồ Tôma nhờ lòng thương xót Chúa mà thay lòng đổi dạ, để không còn chai lì thách thức, nhưng mang lấy tâm tình của người môn đệ đang ngụp lặn trong hạnh phúc được Thầy cảm thông phận yếu đuối, thương xót thân tội lụy, khi sấp mình thân thưa: “Lạy Chúa của con, lậy Thiên Chúa của con!” (Ga 20,28) và khiêm hạ, tín thác lắng nghe Chúa nhủ bảo: “Vì đã thấy Thầy, nên con tin. Phúc thay những người không thấy mà tin!” (Ga 20,29).

Jorathe Nắng Tím
https://tinmungduongpho.com/long-thuong-xot-cua-duc-giesu-phuc-sinh-suy-niem-tin-mung-chua-nhat-ii-phuc-sinh-cn-long-thuong-xot/

Read 552 times Last modified on Chủ nhật, 24 Tháng 4 2022 18:55