Get Adobe Flash player

Tìm Kiếm

Đăng nhập

Thứ năm, 28 Tháng 4 2022 18:45

Hãy sẻ chia

Posted by 
Rate this item
(0 votes)
  Hãy sẻ chia


29.4 Thánh Catêrina đệ Siena, Đtts

Cv 5:34-42; Tv 27:1,4,13-14; Ga 6:1-15

Hãy sẻ chia

Catarina Benincasa chào đời tại thành Siena vào năm 1347, và gia nhập dòng Ba Đaminh khi còn rất trẻ. Ngài nổi bật về tinh thần cầu nguyện và sám hối. Được thúc đẩy vì tình yêu nồng nàn đối với Thiên Chúa, Giáo Hội, và Giáo Hoàng Roma, thánh nữ đã hoạt động không biết mệt mỏi cho sự nghiệp bình an và hợp nhất của Giáo Hội, trong những năm tháng gian truân của thời kỳ di tản Avignon. Thánh nữ đã dành rất nhiều thời gian hoạt động tại phủ Giáo Hoàng để thuyết phục Đức Gregoriô XI trở về giáo đô Roma, vì đó mới chính là nơi Đấng Đại Diện Chúa Kitô điều hành toàn thể Giáo Hội. Chỉ vài hôm trước khi qua đời, ngày 29 tháng 4 năm 1380, thánh nữ đã tâm sự rằng: "Nếu tôi qua đời, hãy cho người ta biết rằng tôi chết vì nhiệt tâm với Giáo Hội."

Thánh nữ đã viết rất nhiều thư từ, hiện còn giữ được chừng 400 bức, một số kinh nguyện, ‘những lời than thở,’ và một quyển sách duy nhất là cuốn ‘Đối Thoại.’ Trong quyển sách này, thánh nữ đã ghi lại những lần tâm tình thân mật của mình với Chúa. Người nữ tu dòng Ba Catarina được Đức Piô II tôn phong hiển thánh, và lòng sùng kính ngài mau chóng lan rộng khắp Âu Châu. Thánh nữ Têrêsa Avila nói rằng: "Sau Thiên Chúa, người mà ngài mang ơn nhiều nhất về sự tiến bộ trên đường thiêng liêng là thánh nữ Catarina Siena". Đức chân phúc giáo hoàng Piô IX đã tôn nhận thánh nữ Catarina lên làm quan thầy nhì cho nước Ý (cùng với thánh Phanxicô khó nghèo). Đến năm 1970, Đức Phaolô VI đã tôn phong thánh nữ Catarina Siena danh hiệu Tiến Sĩ Hội Thánh.

Thánh nữ Catarina luôn thẳng thắn và can đảm lên tiếng mỗi khi có vấn đề nào ảnh hưởng đến Giáo Hội, Đức Giáo Hoàng, và lợi ích các linh hồn. Ngài cảm thấy mình có trách nhiệm phải bảo vệ chân lý. Ở điểm này, chúng ta có thể học được rất nhiều từ thánh nữ Catarina: ngài không bao giờ nhượng bộ trong những điều căn bản, bởi vì ngài đặt trót niềm tin nơi Chúa.

Chúng ta hãy nài xin thánh nữ Catarina cho chúng ta được chia sẻ phần nào lòng yêu mến của ngài đối với Giáo Hội và Đức Giáo Hoàng Roma, và cả những ước vọng nóng bỏng muốn truyền bá giáo lý của Chúa Giêsu khắp nơi. Đồng thời, luôn cố gắng khám phá ra những khía cạnh tích cực của mọi vấn đề, không bỏ phí một cơ hội nào. Chúng ta hãy nài xin Đức Mẹ bằng những lời của chính thánh nữ Catarina: "Ôi Maria, con đến van nài, xin Mẹ dâng lời khẩn nài của con cho Hiền Thê dịu hiền của Chúa Kitô và cho vị Đại Diện trên trần gian của Người. Ước chi ngài luôn luôn được ánh sáng để cai trị Giáo Hội một cách khôn ngoan sáng suốt."

Trước đám đông dân chúng đến mình, Chúa Giê-su đã đặt vấn đề cho các môn đệ, nhưng chỉ là “để thử các ông.” Nhu cầu của đám đông quá lớn, Chúa lại bảo các môn đệ phải cho họ ăn. Phi-líp-phê, người được hỏi, lo lắng không biết lấy tiền đâu để mua bánh; ấy là chưa kể, dù có tiền, biết mua ở đâu đủ bánh cho một lượng người đông đảo như thế! Vì thế, cho đến chiều tối, các môn đệ vẫn lúng túng không tìm ra được giải pháp cho đám đông ăn. Quả thật, Chúa Giê-su muốn các ông quan tâm đến con người thời đại và ra lệnh cho các ông làm hơn những gì các ông có thể, vì Chúa muốn các ông nhận ra giới hạn của mình trên bình diện tự nhiên, và cũng để các ông nhận ra rằng Chúa không là “nơi” cung cấp dư đầy bánh ăn vật chất mà Ngài còn là chính tấm bánh trường sinh, bẻ ra cho muôn người được ăn và sống đời đời.

Giống nhu Mô-sê xưa đã được Đức Chúa ban man-na nuôi dân Ít-ra-en trong cuộc hành trình vượt qua sa mạc 40 năm về miền Đất Hứa, Tin Mừng hôm nay cũng cho thấy Đức Giêsu nhân bánh ra nhiều, ám chỉ việc Người sẽ Man-na Mới là bí tích Thánh Thể để nuôi dưỡng đức tin của Ít-ra-en Mới là Hội Thánh trên bước đường vượt qua sa mạc trần gian để về Đất Hứa Nước Trời đời sau.

Đức Giêsu nói với Phi-lip-phê: “Ta mua đâu ra bánh cho họ ăn đây?” Dĩ nhiên Người có thể làm phép lạ hóa bánh từ trời để nuôi đám đông dân chúng, giống như Đức Chúa đã ban man-na từ trời rơi xuống nuôi dân Ít-ra-en trong thời kỳ Xuất Hành. Nhưng ở đây, Đức Giêsu muốn các môn đệ ý thức và nhiệt tâm cộng tác trong sứ vụ ban ơn cứu độ cho lòai người.

Ngày nay Ngừơi cũng muốn các tín hữu chúng ta ý thức bổn phận phải tích cực góp phần vào sứ vụ loan báo Tin Mừng và phục vụ Chúa hiện thân nơi những người nghèo đói, bệnh tật và bị bỏ rơi…

Tin mừng ghi lại lời của Phi-lip-phê nói lên sự bất lực của các môn đệ trước nhu cầu quá lớn : “Có mua đến hai trăm đồng bạc bánh cũng chẳng đủ cho mỗi người một chút”: Tuy nhiên Đức Giêsu chỉ muốn thử để biết lòng tin của môn đệ, vì Ngừơi biết việc Người sắp làm.

Ngày nay khi mời gọi chúng ta cộng tác, hẳn Đức Giêsu cũng quá rõ về khả năng giới hạn của chúng ta. Nhưng Người muốn chúng ta ý thức bổn phận cộng tác, rồi vừa làm hết sức mình, vừa cậy trông vào tình thương và quyền năng của Người như Người đã dạy: “Vì không có Thầy anh em không làm gì được” (Ga 15,5b).

An-rê đã mau mắn đưa một bé trai đến và thưa với Người: “Ở đây có một em bé có năm chiếc bánh lúa mạch và hai con cá. Nhưng với ngần ấy người thì thấm vào đâu?”. Chúa cần thiện chí của các môn đệ thể hiện qua các việc làm thiết thực cụ thể, hơn là thái độ ỷ nại “nói mà không làm”.

Ngày nay Chúa muốn các tín hữu chúng ta làm những việc bác ái hợp với khả năng như thánh Gia-cô-bê dạy: “Ai bảo rằng mình có đức tin mà không hành động theo đức tin thì nào có lợi ích gì? Đức Tin có thể cứu người ấy được chăng? Giả như có người anh em hay chị em không có áo che thân và không đủ của ăn hàng ngày, mà có ai trong anh em lại nói với họ : “Hãy đi bình an, mặc cho ấm và ăn cho no”. Nhưng lại không cho họ những thứ thân xác họ đang cần, thì nào có lợi ích gì? Cũng vậy, đức Tin không có hành động thì quả là đức Tin chết” (x. Gc 2,14-17). Vậy chúng ta có thể làm gì trong những ngày này để phục vụ Chúa hiện thân trong các người nghèo khổ, bất hạnh và đang bị bỏ rơi?

Đức Giêsu dạy các môn đệ: “Anh em thu lại những miếng thừa kẻo phí đi”.

Ngày nay nhân lọai vẫn tồn tại hai lọai là người giàu và kẻ nghèo: “Kẻ ăn không hết người lần không ra !”. 80% của cải trên trái đất đang nằm trong tay 20% người giàu. Còn hơn 700 triệu người không đủ cơm ăn áo mặc và một phần ba trẻ em ở lục địa đen (Phi châu) đang bị suy dinh dưỡng rất cần được trợ giúp. Qua việc ra lệnh cho môn đệ thu lại những miếng bánh thừa bị vứt bừa bãi, Đức Giêsu muốn chúng ta phải biết trân trọng lương thực Chúa ban, vì của cải là của chung hết mọi người và chúng ta chỉ được trao quyền quản lý. Cần chi tiêu tiết kiệm để có điều kiện chia sẻ cho những người nghèo đói hơn mình. Vậy chúng ta có thể tiết kiệm những gì để lấy tiền giúp đỡ những ngừơi nghèo đói bên cạnh?

Chúa sai chúng ta đến với muôn dân và ra lệnh cho chúng ta làm hơn những gì chúng ta có thể. Mệnh lệnh của Chúa không cho chúng ta thoái thác. Nhưng đôi lúc chúng ta cứ theo giải pháp nhân loại như Phi-líp-phê loay hoay tìm kinh phí ở đâu để mua bánh. Những giải pháp quen thuộc chưa phải là giải pháp tốt nhất. Mời bạn hãy đến với Chúa Giê-su: Ngài có cách tốt hơn, theo cách thức riêng của Ngài mà con người không hề nghĩ đến.

Huệ Minh

Read 586 times Last modified on Thứ sáu, 29 Tháng 4 2022 07:18