Get Adobe Flash player

Tìm Kiếm

Đăng nhập

Thứ tư, 08 Tháng 6 2022 09:03

Đừng vụ luật

Posted by 
Rate this item
(0 votes)
  Đừng vụ luật


9.6 Thứ Năm trong tuần thứ Mười Mùa Quanh Năm

1 V 18:41-46; Tv 65:10,10-11,12-13; Mt 5:20-26

Đừng vụ luật

Công chính là đức tính rất cần thiết của con người nói chung. Nhưng đối với người tín hữu thì sự công chính này còn cần hơn gấp bội, và đức công chính phải trọn hảo hơn nữa, vì nó được xây trên nần tảng tình yêu và phát xuất từ chính tình yêu. Bài Tin Mừng hôm nay Chúa Giêsu dạy cho các môn đệ một lý tưởng sống mới, đó là phải công chính hơn những người biệt phái: “Thầy bảo thật anh em, nếu anh em không ăn ở công chính hơn các Kinh sư và người Pharisiêu, thì sẽ chẳng được vào Nước Trời” (Mt 5, 20).

Chúa Giêsu đề ra lý tưởng sống cho người môn đệ: phải công chính hơn những người biệt phái. Công chính của người biệt phái là lo giữ luật cách chín chắn không sơ sót chút nào, nhưng họ giữ luật một cách máy móc không chút tâm tình. Còn sự công chính của các môn đệ Chúa là giữ mọi khoản luật với tâm tình yêu thương, thương người như anh em và thương Chúa như Cha mình.

Sau đó Chúa Giêsu đưa ra thí dụ về cách giữ một số khoản luật:

Luật “không được giết người”: môn đệ Chúa không chỉ tránh giết người mà phải cố gắng sống với mọi người bằng tình anh em, vì thế không nên phẫn nộ với anh em, không nên chửi rủa anh em.

Luật dâng lễ vật: lễ vật đẹp lòng Thiên Chúa nhất là cuộc sống đầy lòng yêu thương. Do đó trước khi dâng lễ vật, phải lo hòa giải với người anh em nào có chuyện bất hòa với mình.

Chúa Giêsu đến trần gian không phải để phá bỏ lề luật và các tiên tri, nhưng chỉ đến để hoàn thiện thôi. Vì thế, Ngài sửa đổi tệ tục trong đời sống xã hội, gia đình và tôn giáo, điển hình như thái độ đối với kẻ thù (Mt 5,17-48).

Trong bài Tin mừng, Chúa Giêsu kêu gọi môn đệ Ngài phải công chính hơn các luật sĩ và biệt phái (nghĩa là đừng bao giờ tự mãn vì đạo đức của mình). Một phương diện cụ thể của đức công chính mới là tương giao: phải coi mọi người là anh em của mình (chữ “anh em” được lặp đi lặp lại nhiều lần nhất trong đoạn này). Trên cơ sở tình huynh đệ ấy, đừng mắng chửi, cũng đừng nuôi giận hờn lâu, hãy cố gắng làm hoà với nhau.

“Nếu anh em không ăn ở công chính hơn các luật sĩ…”

Chúa Giêsu đòi hỏi các môn đệ cũng như chúng ta phải công chính hơn các luật sĩ và biệt phái. Điều này có nghĩa là chúng ta phải giữ luật, bất cứ luật gì, đều phải trọn vẹn cả hình thức lẫn nội dung, bên ngoài cũng như ý hướng nội tâm: lý do là vì Chúa thấu suốt cả bên ngoài lẫn bên trong con người chúng ta.

Các luật sĩ và biệt phái chỉ chú trọng đến hình thức bên ngoài của luật, nhưng chúng ta phải giữ luật từ ý hướng bên trong là căn bản, biểu lộ ra bên ngoài là hình thức.

“Chớ giết người, kẻ giết người sẽ bị kết án”

Luật cũ chỉ đòi hỏi bảo vệ thể xác con người khi áp dụng điều răn thứ năm: chớ giết người. Còn Đức Giêsu lại đi xa hơn, Ngài dạy: phải bảo vệ con người cả thể xác lẫn tinh thần. Luật mới của Chúa vượt trên luật cũ của Cựu ước và vượt trên cả công lý nữa, nghĩa là công lý hay luật pháp chỉ kết án một người phạm tội giết người cụ thể, rõ ràng. Còn Chúa nói đến nguồn gốc của tội là gì và kết án ngay từ trứng nước.

Nói rõ hơn, người xưa chỉ kết tội khi giết người, còn Chúa lên án ngay từ đáy lòng kẻ mắc tội ấy, vì kẻ giết người thì thường bắt đầu từ chỗ ghen ghét, ganh tị, giận dỗi, tức giận, và Chúa cấm ngay từ chỗ tư tưởng đó chứ không chờ cho việc xảy ra bằng hành động, Chúa cấm từ trong trứng nước là thế.

“Nếu khi anh sắp dâng lễ vật… hãy đi làm hoà với anh em trước đã”

Chúa dạy chúng ta phải làm hoà với nhau trước dâng của lễ cho Thiên Chúa. Hoà giải là một danh từ của thời đại, hoà giải là một nhu cầu cần thiết của thời đại, vì thế hoà giải là mục tiêu phải đạt tới của nhiều phe nhóm kình chống nhau, cũng như của các quốc gia trước đây, coi nhau như thù địch.

Trên bình diện tôn giáo cũng thế, các hoạt động đại kết của các Giáo hội Kitô chỉ đạt được, nếu có sự hoà giải chân thành, khiêm tốn, nhìn nhận lỗi lầm của mình, đồng thời cố gắng tìm hiểu nhau, khám phá những gì giúp liên kết nhau, hơn là đào sâu hố chia rẽ.

Chúa Giêsu đẩy giới răn này đến chỗ triệt để, tận căn. Ngài tìm về cội nguồn của hành vi sát nhân nơi tâm con người. Nếu lòng con người không còn giận ghét anh em, và lời nói giữ được sự kính trọng, ôn hòa, thì tội giết người hoàn toàn có thể tránh được. Sống với nhau tránh sao khỏi những tranh chấp, cọ sát. Đi làm hòa với người anh em trong cộng đoàn là điều khẩn trương. Thậm chí phải để lại lễ vật sắp dâng trước bàn thánh mà đi làm hòa với một người anh em đang bất bình với mình, rồi sau đó mới trở lại dâng lễ vật cho Chúa (cc. 23–24).

Phải chăng người ta chỉ đến được với Chúa và được đoái nhận lễ vật khi người ta đến được với anh em trong sự an hòa thứ tha? Để đến được với người đang xích mích với mình, cần khiêm hạ, ra khỏi mình và lên đường đến với người ấy. Đi bước trước để đến với người khác, dù lỗi không thuộc về mình, đó là cách làm hòa và làm lành những vết thương. Hòa giải với tha nhân phải được coi là việc cần làm ngay trước khi ta có thể hiệp thông với Thiên Chúa qua việc dâng của lễ.

“Chớ giết người”, giới răn này xem ra bị coi nhẹ trong thế giới hôm nay, một thế giới tự hào là văn minh, nhưng mạng sống con người bị rẻ rúng.

Những vụ phá thai, những tai nạn xe cộ mỗi ngày, những cuộc chiến không ngừng giữa các quốc gia thù nghịch. Bao cuộc khủng bố đã làm hàng ngàn người chết. Những tội ác diệt chủng đã xóa sổ cả triệu con người. “Chớ giết mình”, con người cũng không biết quý mạng sống mình. Những vụ tự tử, những cái chết do sử dụng ma túy hay ăn chơi, những bệnh tật do con người tự phá hoại thân xác mình. Cain đã giết em là Abel vì ghen tương và giận dữ. Tội ác đó vẫn xuất hiện mãi trên mặt đất cho đến nay. Làm thế nào để ta biết trân trọng sự sống của người khác và của mình? Làm thế nào để Thiên Chúa được nhìn nhận như Chủ Tể của sự sống? Kitô hữu được mời gọi tôn trọng nhân vị của từng người, trong trái tim, trong lời nói cũng như hành động, vì mỗi người mang hình ảnh của chính Thiên Chúa.

Hôm nay Chúa có ý bảo chúng ta hãy tha thứ cho nhau. Tha thứ là điều kiện để được thông hiệp với Thiên Chúa. Vì thế trong phụng vụ thánh lễ, để xứng đáng cử hành và tham dự, nhất là để hiệp lễ, Hội thánh đòi hỏi chúng ta phải sám hối và tha thứ cho nhau.

Giữa một thế giới đề cao quyền lực và lợi nhuận, xin dạy con biết phục vụ âm thầm. Giữa một thế giới say mê thống trị và chiếm đoạt, xin dạy con biết yêu thương tự hiến. Giữa một thế giới đầy phe phái chia rẽ, xin dạy con biết cộng tác và đồng trách nhiệm. Giữa một thế giới đầy hàng rào kỳ thị, xin dạy con biết coi mọi người như anh em.


Huệ Minh

Read 259 times Last modified on Thứ năm, 09 Tháng 6 2022 10:23