5.7 Thứ Ba trong tuần thứ Mười Bốn Mùa Quanh Năm
Hs 8:4-7,11-13; Tv 115:3-4,5-6,7-8,9-10; Mt 9:32-38
Nhu Cầu Truyền Giáo
Tin Mừng theo thánh Mát-thêu hôm nay, cùng với việc giảng dạy để loan báo Tin Mừng Nước Trời, Chúa Giê-su còn “chữa hết các bệnh hoạn tật nguyền”; không chỉ bệnh hoạn tật nguyện gây ra do thân phận của con người, nhưng còn do bởi ma quỉ, vốn luôn phá hoại tương quan tin tưởng và tình yêu giữa con người với Thiên Chúa và giữa con người với nhau. Bởi vì, con người không chỉ sống bằng sức khỏe thể lí, nhưng còn bằng tương quan nữa, tương quan với mình, với người khác và với Chúa; con người không thể sống bình an và hạnh phúc, nếu những tương quan này bị tổn thương.
Ngoài ra, để cho sự sống này có ý nghĩa, con người còn cần có hướng đi và niềm hi vọng hướng tới cùng đích đáng ước ao và mong chờ; chính vì thế, Chúa Giê-su còn quan tâm đến sứ mạng chăn dắt đối với con người nữa, vì dưới mắt Ngài, loài người chúng ta “lầm than vất vưởng, như bầy chiên không người chăn dắt”.
Như thế, Tin Mừng Nước Trời gắn liền với dấu chỉ phục vụ cho sự sống: ở đâu có Nước Trời, ở đó có sự phục vụ cho sự sống; và ở đâu có sự phục vụ cho sự sống, ở đó Nước Trời hiện diện. Đức Ki-tô đã phục vụ cho sự sống của loài người và từng người chúng ta “cho đến cùng”, nghĩa là trở thành “Bánh” nuôi dưỡng chúng ta, trở thành hiện thân của tình yêu và lòng thương xót của Thiên Chúa cho chúng ta; và Ngài mời gọi mỗi chúng ta đích thân đón nhận sự phục vụ của Ngài, để có thể phục vụ như Ngài. Đó chính là cách thức Đức Ki-tô loan báo Tin Mừng và làm cho Nước của Thiên Chúa Cha trị đến.
Các Pharisiêu nhìn Đức Giêsu và bảo Ngài liên minh với quyền lực của ma quỷ. Họ không chống đối được quyền năng lạ lùng của Ngài, nhưng họ cho rằng sở dĩ Chúa Giêsu có được nó là do liên minh với quỷ vương. Chắc rằng, một khi họ phán đoán như vậy thì chính là do tâm trí họ chưa thoát được cái bóng của bản thân mình. Họ bị cột chặt vào một lối tư duy cũ kĩ, chật hẹp và không thể thay đổi. Như chúng ta đã thấy, họ luôn luôn cho rằng, không được thêm hoặc bớt đi bất kì một chữ nào trong Lề Luật.
Đối với họ, mọi việc trong đời đều đã thuộc về quá khứ, thay đổi một truyền thống hay một quy ước là đáng tội chết. Bất cứ điều gì mới đều sai, đều có vấn đề. Khi Chúa Giêsu đến với những giải thích mới mẻ về tôn giáo thật thì họ ghét Ngài như họ đã từng ghét các ngôn sứ xưa kia.
Họ quá hãnh diện trong sự tự mãn nên không thể thuần phục. Nếu Chúa Giêsu đúng thì họ sai. Chúa Giêsu không thể làm gì cho một ai đó bao lâu người ấy chưa tuân phục Ngài, cả trong ý chí lẫn trong hành động. Người Pharisiêu tự mãn đến nỗi họ thấy không cần thay đổi, và họ ghét người nào muốn cảm hóa họ, muốn sửa lưng họ. Sự hoán cải là vé vào cửa Nước Trời. Nó có nghĩa là thừa nhận con đường chúng ta đi là sai, chỉ có sự sống trong Chúa và chỉ có tuân phục Ngài, tuân phục chân lý và quyền năng Ngài, chúng ta mới được thay đổi và cứu thoát.
Họ quá thành kiến nên không thấy, mắt họ đui mù bởi thành kiến và những ý riêng đến nỗi không thể thấy chân lý và quyền năng của Thiên Chúa. Một người biết mình thiếu thốn bao giờ cũng thấy sự kỳ diệu trong Chúa Giêsu. Người cố chấp không chịu đổi thay, người kiêu ngạo trong sự công chính riêng đến nỗi không tuân phục, người bị thành kiến làm đui mù đến nỗi không thấy, thì bao giờ cũng phản đối, ghen ghét và tìm cách loại trừ Chúa Giêsu.
Hình ảnh về mùa gặt hái đã được các Tiên Tri dùng để chỉ Nước Chúa Cứu Thế sau này. Thời kỳ sau cùng là thời kỳ gặt hái thu lượm, nghĩa là lúc Thiên Chúa đến phán xét trong ngày tận thế. Chính Chúa Giêsu đã dùng hình ảnh này trong dụ ngôn cỏ lùng và lúa. Giai đoạn sau cùng của lịch sử đã bắt đầu với việc Nước Thiên Chúa đến; tất cả đều sẵn sàng, nhưng thiếu thợ gặt. Thế giới ngày nay như một cánh đồng mênh mông, nơi có rất nhiều linh hồn sẵn sàng đón nhận Nước Trời nhưng phải có người chỉ đường cho họ. Chúa muốn cứu thế gian và Ngài kêu gọi sự cộng tác của con người. Lời kêu gọi của Ngài vẫn có giá trị và khẩn cấp trong mọi thời đại.
Chúa Giêsu đi khắp các thành thị, làng mạc giảng dạy trong các hội đường. Là người tông đồ, chúng ta phải biết thích nghi với mọi hoàn cảnh, mọi môi trường và tiếp xúc với mọi hạng người để phục vụ và rao giảng về Chúa cho họ. Chúa thấy đám đông và chạnh lòng thương xót: Chúa nhạy cảm trong việc biểu lộ tình thương trong tâm tư, lời nói và việc làm. Người tông đồ cũng phải đến với anh em với cả tâm hồn để nhận biết và bày tỏ tình thương cách hợp tình, hợp lý và hợp cách.
Trích đoạn Tin mừng hôm nay còn cho thấy, Chúa Giêsu không chỉ trao cho Giáo hội sứ mạng truyền giáo mà Ngài còn là mẫu gương truyền giáo đối với hết thảy chúng ta. Thật thế, người truyền giáo, trước hết, phải là người có bản lãnh, không bao giờ đầu hàng trước bất cứ khó khăn nào. Chúa Giêsu trong suốt hành trình rao giảng của mình đã không lùi bước cho dù bị con người chối bỏ, bị những người biệt phái giải thích một cách ác ý, bị khinh thị và thậm chí muốn loại trừ Ngài. Trong hoạt động tông đồ của chúng ta cũng vậy, chúng ta có thể sẽ gặp những thất bại khi những nỗ lực sống yêu thương của chúng ta không được người khác đón nhận; thế nhưng, không vì thế mà chúng ta bỏ cuộc, đầu hàng hay khoanh tay chờ đón thất bại.
Kế đến, người truyền giáo phải là người biết ra đi để đến với tha nhân. Chúa Giêsu là một người lữ hành rày đây mai đó. Ngài không ngừng đi khắp nơi để rao giảng Tin mừng. Ngài không ngừng đi đến với mọi người, để yêu thương và phục vụ họ. Chúng ta cũng vậy, nếu chúng ta không ra khỏi con người ích kỷ của mình để đến với tha nhân; nếu chúng ta không chấp nhận hy sinh thời giờ, sức khỏe, tiền của, để đến với anh chị em của mình, nhất là những người bất hạnh, chúng ta sẽ không thể chu toàn nhiệm vụ truyền giáo mà Chúa và Giáo hội giao phó.
Huệ Minh