1.9 Thứ Năm trong tuần thứ Hai Mươi-Hai Mùa Quanh Năm
1 Cr 3:18-23; Tv 24:1-2,3-4,5-6; Lc 5:1-11
Sự Hiện Diện và Tác Ðộng của Chúa
Ý nghĩa của mẻ cá và ơn gọi của các môn đệ đầu tiên được Luca ghi lại trong Tin Mừng hôm nay sẽ được sáng tỏ, nếu chúng ta nắm bắt được quan niệm của người Do thái về biểu tượng của nước, nhất là của biển cả. Người Do thái tin rằng biển cả là nơi cư ngụ của Satan và những lực lượng chống đối Thiên Chúa. Trong niềm mong đợi chung, người Do thái tin rằng chỉ có Ðấng Cứu Thế được Thiên Chúa sai đến mới có đủ uy quyền để chế ngự biển cả và giải thoát tất cả những ai đang bị chôn vùi trong đó.
Tin mừng hôm nay cho biết ông Simon đã vất vả suốt đêm mà không bắt được gì. Ông đã khiêm tốn nói lên sự bất lực của mình với Chúa Giêsu: “Thưa Thầy, chúng con đã vất vả suốt đêm mà không bắt được gì cả. Nhưng dựa vào Lời Thầy, con sẽ thả lưới” (Lc 5,5).
Quả thật nhờ vâng Lời Chúa mà Simon đã đánh bắt được một mẻ cá lạ lùng. Trước kết quả lớn lao này, ông đã tin Chúa Giêsu chính là Đấng Cứu Thế Con Thiên Chúa, ông sấp mình dưới chân Người và thưa rằng: “Lạy Chúa, xin hãy tránh xa con ra, vì con là kẻ tội lỗi!”.
Kẻ tự nhận mình là tội lỗi bất xứng ấy sau này đã trở thành “đá tảng” của đức tin, mà trên đức tin đó, Hội thánh đã được xây dựng và sẽ tồn tại bền vững đến muôn đời (Mt 16,16-18). Từ đây, Phêrô trở thành thủ lãnh của Nhóm 12, được Chúa Giêsu trao chìa khóa Nước Trời với quyền cầm buộc tháo cởi (Mt 16,19) và được trao nhiệm vụ chăn dắt đoàn chiên của Người là Hội thánh (Ga 21,15-17).
Trước uy quyền của Chúa Giêsu, ông Simon Phêrô thấy mình tội lỗi và bất xứng nên xin Chúa tránh xa mình: “Lạy Chúa, xin tránh xa con, vì con là kẻ tội lỗi!”, nhưng Đức Giêsu không những không tránh xa, Người còn “sáp vô” và mời gọi: “Đừng sợ, từ nay anh sẽ là người thu phục người ta”. Chúa Giêsu mời gọi ông cộng tác vào sứ mạng của Người. Sau khi đưa thuyền vào bờ, các ông “bỏ hết mọi sự mà theo Người”. Trước đây các ông lo làm sao có nhiều cá để nuôi sống bản thân và gia đình mình, còn bây giờ các ông không bận tâm với cá, với bản thân và gia đình mình nữa, nhưng bận tâm đi theo Chúa Giêsu.
Gặp Chúa rồi, các ông thay đổi mối bận tâm, từ chỗ qui về mình đến chỗ hướng về Chúa; các ông bỏ mọi sự mà đi theo Người. Ông Simon Phêrô và các bạn không đặt điều kiện với Chúa, không tính toán hơn thiệt với Chúa. Họ đi theo Chúa Giêsu vì chính sức thu hút của Người, để trở nên người có sức thu hút, cảm hoá và thu phục người ta.
Chúa Giêsu muốn cho các môn đệ thấy được quyền năng giải thoát của Ngài khi thực hiện mẻ cá lạ lùng trước mặt các ông. Chiếc lưới được thả vào lòng biển khơi để vớt cá lên, đó là hình ảnh của công cuộc cứu thoát mà Ngài đang thực hiện. Ngài đến là để lôi kéo con người khỏi vực sâu của tội lỗi và sự dữ. Chính trong ý nghĩa ấy, Chúa Giêsu dùng kiểu nói "đánh lưới người" mà Ngài sẽ trao phó cho các môn đệ và Giáo Hội mà Ngài sẽ thiết lập; trở thành ngư phủ đánh lưới người có nghĩa là tham dự vào công trình cứu rỗi của Chúa Giêsu.
Qua mẻ cá lạ lùng, Chúa Giêsu muốn chứng tỏ cho các môn đệ thấy rằng tự sức họ, họ không thể làm được gì. Thánh Phêrô đã ý thức được điều đó: "Chúng con đã vất vả suốt đêm mà không bắt được gì cả". Thánh Phêrô không chỉ nói lên cái giới hạn bất toàn của con người, mà còn nhận ra thân phận tội lỗi yếu hèn của mình: "Lạy Thầy, xin tránh xa con, vì con là kẻ tội lỗi".
Ý thức về thân phận ấy và sống cho đến cùng thân phận ấy là cả một cuộc chiến đấu cam go. Hơn ai hết, thánh Phêrô đã cảm nghiệm được sự yếu đuối mỏng giòn của con người khi chối Thầy; cả cuộc đời ngư phủ đánh lưới người của Phêrô chỉ trở thành hữu hiệu với ý thức ấy. Càng thấy mình yếu hèn, con người càng sống gắn bó với Chúa; càng thấy mình vô dụng, con người càng trở nên hữu hiệu trong quyền năng của Chúa. Ra đi tản mát khắp nơi để trở thành ngư phủ đánh lưới người, tất cả các môn đệ đều nhớ lại bài học của mẻ cá lạ ấy và tâm niệm lời Chúa Giêsu: "Không có Thầy, các con không làm được gì".
“Chèo ra chỗ nước sâu để thả lưới bắt cá”, đó là hình ảnh nói lên con đường phải đi của chính Đức Giêsu, của ông Simon Phêrô và của từng người chúng ta. Đó là hành trình “Vượt Qua”: phải ra tận chỗ nước sâu, nơi người ta chẳng còn cậy dựa vào bản thân hay những gì mình sở đắc, để chỉ còn tìm kiếm và cậy dựa vào ý Chúa; đó cũng là hành trình của người từng thành viên Hội đồng mục vụ khi đón nhận ơn gọi lãnh đạo cộng đoàn theo gương thánh Phêrô: “đừng sợ, từ nay anh sẽ là người thu phục người ta” (Lc 5, 11).
Lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta tin tưởng nhìn vào tác động của Chúa qua Giáo Hội. Ngài vẫn hiện diện trong con thuyền Giáo Hội, và ngoài mọi suy nghĩ, tính toán của chúng ta, Ngài vẫn tiếp tục thực hiện những điều cả thể, ngay cả những lúc Giáo Hội tưởng mình bị bó tay không làm được gì. Lời nhắn nhủ của Ðức Hồng Y Etchegaray đáng cho chúng ta suy nghĩ: Người ta dễ chú ý đến tiếng động của cây rừng ngã đổ, mà lại quên đi âm thanh nhỏ bé của những mầm non đang mọc lên.
Huệ Minh