Thánh Têrêsa sinh ngày 02/01/1873 tại Alecon, Normandie, Pháp. Tên gọi là Maria Phanxica Têrêsa Martin. Tên khấn Dòng là “Têrêsa Hài Ðồng Giêsu”. Tuy Thánh nữ đã có ước mong được đi truyền giáo ở Đông phương, nhưng lại bị nhiều bệnh như lao phổi. Những cơn gió mùa lạnh buốt, và đời sống khắc khổ đã nhanh chóng làm cho sức khỏe của ngài suy sụp cho đến khi lìa trần ngày 30/09/1897. Vậy mà 28 năm sau, năm 1925, Ngài đã được Ðức Giáo Hoàng Piô XI tôn phong lên bậc Hiển Thánh. Hai năm sau, cũng chính Ðức Piô XI tôn vinh Thánh nữ làm Quan Thầy các Nhà Truyền Giáo và các Xứ Truyền Giáo. Rồi ngày 19/10/1997, Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã long trọng tôn vinh Thánh nữ Têrêsa Hài Ðồng Giêsu là Tiến Sĩ Hội Thánh. Ngài trở thành bậc thầy trong nghệ thuật truyền giáo nhờ sống trọn vẹn tình yêu và bằng “con đường thơ ấu thiêng liêng”.
Đọc lại câu chuyện cuộc đời Thánh Têrêsa Hài Ðồng Giêsu, chúng ta thấy ngài vốn chỉ là một nữ tu mọn hèn với một nếp sống vô cùng bình dị, không đi đến đâu, không nói với ai, cũng chưa làm điều gì trổi vượt dưới mắt người đời. Song đằng sau những việc nhỏ bé của con người thấp hèn ấy lại ẩn chứa một tình yêu cao cả: Yêu mến Chúa hết lòng, rồi từ Chúa yêu thương các nhà truyền giáo và các xứ truyền giáo. Chính tình yêu đã chắp cánh cho Thánh nữ Têrêsa đi khắp nơi không phải bằng những bước chân nhưng bằng trái tim tràn đầy tình yêu, và nói chuyện với mọi người không phải bằng lời nhưng bằng cầu nguyện.
Ðích nhắm trong lời cầu nguyện của Thánh Têrêsa là các nhà truyền giáo và các xứ truyền giáo. Những nhọc nhằn, đau đớn dù là nhỏ nhặt nhất từ tâm hồn đến thể xác, Thánh nhân đều âm thầm chịu đựng tất cả, dâng lên Chúa mọi điều khốn khó để cầu cho hạt giống Phúc Âm do các nhà truyền giáo gieo vãi được đâm chồi nẩy lộc khắp nơi trên thế giới. Làm việc truyền giáo bằng cầu nguyện và những việc hy sinh hãm mình, Têrêsa gọi đó là “những bông hồng nhỏ” dâng lên Chúa Giêsu Hài Ðồng để cầu cho lương dân các xứ truyền giáo sớm nhận biết Chúa.
Dù chỉ sống trong bốn bức tường của một Dòng tu kín, nhưng Thánh Têrêsa đã được tôn nhận là Bổn Mạng các xứ truyền giáo bằng “Con đường thơ ấu thiêng liêng”. Đó là một trong những linh đạo quan trọng nhất của Giáo Hội thời hiện đại. Theo Thánh nữ, làm thánh không phải là những chuyện phi thường mà đơn giản chỉ là chấp nhận để cho mình được Thiên Chúa yêu thương. “Con đường thơ ấu thiêng liêng” là một sứ điệp phù hợp với thời đại, nhất là với giới trẻ.
Thánh Têrêxa đã khám phá lại chân lý trọng tâm của Phúc Âm là: Chúa Giêsu Kitô, chúng ta được làm con cái Thiên Chúa, và chúng ta phải yêu mến Cha chúng ta trên trời như những người con thảo với tất cả lòng yêu mến, tin tưởng và phó thác. Ngài vui mừng vì mình bé nhỏ, bởi vì Chúa Giêsu đã dạy: “nếu các con không hoá nên như trẻ nhỏ, các con sẽ không được vào Nước Trời. Vậy ai hạ mình xuống như trẻ này, người ấy là kẻ lớn nhất trong Nước Trời”.
Thánh Têrêsa Hài Ðồng Giêsu, Tiến Sĩ Hội Thánh, Quan Thầy các xứ truyền giáo, đã lấy tình yêu làm tâm điểm cho sứ vụ truyền giáo bằng con đường thơ ấu thiêng liêng. Ngài là tấm gương sáng ngời cho mọi tín hữu, đặc biệt là giới trẻ hôm nay đi vào thực hành truyền giáo bằng đời sống đạo thấm nhuần tình yêu Chúa và loan truyền tình yêu ấy cho mọi người.
Trong Thánh Lễ mừng kính vị thánh rất nhỏ bé mà chúng ta vẫn quen gọi là ‘la petite Therèse de l’Enfant Jesus’ (Tê-rê-xa nhỏ bé của Giê-su Hài Đồng), chúng ta muốn đặc biệt dâng lên Chúa lời tạ ơn vì nghịch lý vĩ đại này của Tin Mừng: Người biểu dương sự vĩ đại trong nhỏ bé, và sức mạnh trong yếu đuối, theo đúng nguyên lý cơ bản nhất của Tin Mừng là: “Người nâng cao những người phận nhỏ”.
Trong chính thời đại mà, hơn bao giờ hết, xã hội đề cao những con người thành đạt, các bậc siêu nhân anh hùng, các thiên tài lỗi lạc… thì việc Giáo Hội Công Giáo tôn phong một nữ tu Cát Minh bé nhỏ, mất ở tuổi 24, học vấn chỉ đạt trình độ trung học, sức khỏe mỏng manh, và chu toàn một vài công việc tầm thường trong bốn bức tường tu viện… thì quả là một điều đáng kinh ngạc, một nghịch lý đáng cho mọi người thời nay suy nghĩ. Còn trong cộng đoàn Tin Mừng, con người nhỏ bé tầm thường ấy lại trở thành vị thánh thời danh nhất của thế kỷ XX, thậm chí được tôn phong làm Tiến Sĩ Hội Thánh, quả là một nhắc nhở đầy ý nghĩa.
Tê-rê-xa bé nhỏ đã biểu lộ một điều hết sức nền tảng của Tin Mừng mà các tín hữu qua nhiều thời đại đã thầm mơ ước. Trước chị, đã từng có một Phan-xi-cô Át-xi-di thực hiện được điều này, và đã thu hút được biết bao tâm hồn, đặc biệt những con người đơn sơ nhỏ bé, dấn bước vào con đường Tin Mừng. Và trước đó nữa đã từng có một trinh nữ khiêm hạ khác là Ma-ri-a đã thấu hiểu sự vĩ đại của một tâm hồn bé nhỏ hèn hạ trong sức mạnh biến đổi vạn năng của Tin Mừng tình yêu: “Người đoái thương nhìn tới phận nữ tỳ hèn mọn… vì đấng Toàn Năng làm cho tôi biết bao điều cao cả” (Lc. 1:48-49). Các ngài là những người khai mở một lối sống trung thành tuyệt đối với nghịch lý của Tin Mừng để nêu gương cho các thế hệ Ki-tô hữu sau này. Chẳng trách gì Tê-rê-xa đã mau chóng được tôn vinh, và đời sống chị trở thành khuôn mẫu cho biết bao tâm hồn yếu đuối ngày nay.
Điều chúng ta thắc mắc: ‘sức mạnh trong yếu đuối và vĩ đại trong thấp bé’ có thể là một chân lý được chăng; và Tin Mừng của Đức Ki-tô có thể có sức mạnh giải phóng tới độ như thế sao? Nếu hiểu được các điều này ta mới phần nào hiểu thấu ý nghĩa đích thực của ơn cứu chuộc Đức Ki-tô mang lại cho con người tội lỗi, những con người vốn bị coi là thấp kém về mặt luân lý đạo hạnh. Ơn cứu độ không chỉ giải thoát con người khỏi tội lỗi, nhưng còn khỏi tất cả những gì giam hãm, kiềm chế của kiếp sống con người. Chúa Giê-su đã chẳng tuyên bố mạnh mẽ: “Ta đến… để mang lại sự sống dồi dào” cho mọi kẻ tin vào Người là gì? Họ sẽ đạt được, không chỉ phúc lộc thọ mà con người hằng mơ ước (hiện tại hay vĩnh cửu), mà trong Thần Khí Chúa họ đã đạt tới sự vĩ đại và mạnh mẽ đích thực của Tin Mừng ngay trong đời sống này.
Tê-rê-xa bé nhỏ đã từng ví von mình với một con chim nhỏ tầm thường xấu số, khác hẳn phượng hoàng kiêu sa: “Em thấy mình chỉ là một con chim nhỏ yếu ớt… em không phải là một phượng hoàng, em chỉ có cặp mắt và quả tim của chim phượng… dám nhìn thẳng vào Mặt Trời Thần Linh, Mặt Trời Tình Yêu”. “Con chim bé nhỏ yếu ớt đó sẽ ra sao đây? Chết vì phiền muộn khi thấy mình bất lực chăng?… Ồ không! Con chim nhỏ thậm chí còn không cảm thấy phiền muộn là gì. Với một lòng tín thác táo bạo, nó cứ đứng yên, gắn chặt cặp mắt vào Mặt Trời Thần Linh. Dù mưa to hay gió lớn, không gì có thể làm nó sợ, và nếu các bóng mây mù có che khuất Ngôi Sao Tình Yêu, con chim nhỏ cũng không dời đi chỗ khác, vì nó biết rằng ở bên trên đám mây kia Mặt Trời của nó vẫn luôn chiếu sáng. Ánh sáng của Mặt Trời ấy sẽ không thể bị che khuất dầu chỉ trong chốc lát”.
Đoạn văn ví von trên làm tôi nhớ tới đoạn Tin Mừng Lc 9:58: “Chồn có hang, chim có tổ, nhưng Con Người không có chỗ tựa đầu”. Trong một suy tư của Hồng Y Martino SJ, cố giáo chủ tổng giáo phận Milano, đoạn Tin Mừng trên không những chỉ cho chúng ta thấy sự nghèo nàn, mà còn cả sự tự do không gì hạn chế được của Con Người. Nếu cáo là con vật ranh mãnh có khả năng ra vào bất cứ nơi đâu (theo hiểu biết bình dân thời đó) mà còn bị cột chân bởi cái hang mà nó buộc phải trở về, nếu chim trời được coi là con vật tự do bay bổng trên bầu trời trong xanh mà còn phải ngừng cánh để trở về tổ của nó… thì Con Người nghèo khó, không có lấy một hòn đá gối đầu, lại được chính sự khó nghèo đó giải phóng để tự do lên đường rao giảng Tin Mừng không gì có thể ngăn cản nổi…
Đời sống mỗi con người cụ thể cũng đầy dẫy những nhỏ nhen hạn chế: sức khoẻ, vóc dáng, khả năng, trí tuệ… nhất là về mặt tinh thần và luân lý. Chị Tê-rê-xa mách nước cho chúng ta biết: Tin Mừng Đức Ki-tô mà chúng ta lãnh nhận có khả năng làm chúng ta vượt lên trên mọi hạn chế đó. Không phải là thắng dẹp hay chế ngự gì…, nhưng là trong Tin Mừng, chúng ta có khả năng biến tất cả các yếu đuối đó trở thành sức mạnh, tất cả tầm thường nhỏ bé đó trở thành vĩ đại, vì đã tiếp nhận tình yêu nhân ái vô biên của Thiên Chúa. Chị chỉ cho chúng ta thấy: trong đức tin, cậy, mến, ta nắm được bí quyết làm biến đổi chỉ trong chớp mắt, tất cả những gì từng làm ta cảm thấy mình ti tiện, hèn kém trước mặt người đời… trở thành vĩ đại mạnh mẽ trước tình yêu nhân ái của Thiên Chúa. Chính trong nguyên lý Tin Mừng này thì nữ tu Tê-rê-xa bé nhỏ, cũng như thôn nữ Maria tại Na-da-rét xứ kia, đã quả là các bậc thầy vĩ đại.
Điều quan trọng là, chúng ta có thật sự xác tín đều này hay không, hay lại cứ loanh quanh đi kiếm tìm một sức mạnh hay vĩ đại nào khác, nhất là nơi tu thân tích đức để khao khát trở nên hoàn thiện?
Hôm nay Chúa mời gọi chúng ta hãy quay trở về để mình trở nên như trẻ thơ. Một đứa trẻ chỉ biết cậy trông vào Thiên Chúa, không dám làm điều gì trái ý Chúa; một đứa trẻ rất sợ Chúa của mình buồn khi nó làm một điều gì lầm lỗi. Noi gương chị Têrêsa Hài Đồng Giêsu chúng ta hãy để tâm hôn của mình nhỏ bé nhất. Những cái sự “lớn” về mặt thể xác và bên ngoài sẽ không giúp ta trở thành người lớn nhất trong nước Trời. Muốn là người lớn nhất Nước Trời hãy để cho tâm hồn mình như trẻ thơ, như chị Têrêsa Hài Đồng Giêsu.
Huệ Minh