Get Adobe Flash player

Tìm Kiếm

Đăng nhập

Thứ tư, 09 Tháng 11 2022 18:02

Xây dựng đền thờ bản thân

Posted by 
Rate this item
(0 votes)
  Xây dựng đền thờ bản thân

9.11 Lễ cung hiền đền thờ Thánh Gioan Latêranô (St 3:1-7;
Tv 23:1-3,3-4,5,6; Lc 17:11-19)


Vương cung Thánh Đường Thánh Gioan Latêranô là một trong những thánh đường đầu tiên được xây cất sau những cuộc bách đạo ban đầu. Thánh đường được Hoàng Đế Constantinô xây và được ĐTC Sylvester thánh hiến năm 324. Thánh Đường này tiếp tục là Nhà Thờ Chánh Tòa của Giám Mục Rôma, Đức Thánh Cha. Thánh Đường này được gọi là ‘Mater Ecclesiae Romae Urbis et Orbis’, Mẹ của tất cả các thánh đường ở Rôma và trên thế giới.

Năm 313, sau khi ra chiếu chỉ ở Milano cho giáo hội được tự do hành đạo, Hoàng Đế Constantine cho xây đền thờ ở Laterano trong thời gian 313-318 để dâng kính Chúa Cứu Thế. Thời Đức Giáo Hoàng Gregorio I (590-604) đền thờ được dâng kính cả Thánh Gioan Tẩy Giả và Thánh Gioan Tông Đồ. ĐGH Lucio II đã ấn định tên đền thờ như hiện nay, Đền Thờ Thánh Gioan ở Laterano, năm 1144.Từ thế kỷ thứ 4 đến thế kỷ thứ 14, đền thờ này là trung tâm của giáo hội Roma, trụ sở và biểu tượng của Đức Giáo Hoàng.

Như các đền thờ khác, Đền Thờ Thánh Gioan ở Laterano nhiều lần bị tàn phá, hỏa hoạn, hoang tàn sau hơn 73 năm vắng chủ khi giáo triều dời về Avignon, Pháp, đươc xây lại như ngày nay thời ĐGH Sisto V (1585-1590).

Thánh đường dài 130m, có 5 gian. Gian chính dài 87m, rộng 16m, có tượng 12 Thánh Tông Đồ bằng đá cẩm thạch trắng. Bước vào đền thờ, bên phải có đàn phong cầm vĩ đại với hai ngàn ống. Sau tòa giám quản có Giếng Rửa Tội (theo truyền thuyết, chính Hoàng Đế Constantine được ĐGH Silvestro rửa tội nơi đây). Ngoài nhà thờ, bên hông trái, có tháp bút cao nhất (47m) và cổ kính nhất ở Roma bằng đá hoa cương đỏ của Ai Cập có từ thế kỷ 14 trước Chúa KiTô. Là Mẹ của các nhà thờ và là nhà thờ chánh tòa của giáo phận Roma, đền thờ Thánh Gioan ở Laterano nhắc nhở các tín hữu “hồng ân rửa tội” với tất cả ý nghĩa của ơn này và mời gọi các tín hữu cảm tạ Thiên Chúa bằng chính cuộc sống xứng đáng là con cái Thiên Chúa trong Đức Giêsu Kitô

Bốn mươi sáu năm, gần một nửa thế kỷ để xây dựng Đền Thờ Giê-ra-sa-lem,– quả là một công trình vĩ đại và đáng tự hào. Nhưng giá trị của Đền Thờ không hệ tại ở tính cách qui mô của công trình mà là Đấng ngự trong Đền Thờ. Chính Đấng ấy làm cho mọi công trình trở nên Đền Thờ; nhưng nếu như sự tôn nghiêm thánh thiện mà mất đi thì cái gọi là “đền thờ” sẽ chẳng khác gì cái chợ hoặc hang ổ bọn cướp. Thế nên, với Chúa Giê-su, những nơi gọi là Đền Thờ mà không xứng đáng, thì thà phá đi để xây dựng lại còn hơn. Bởi Thiên Chúa cần lòng nhân chứ không phải lễ tế. Ngài có thể hiện diện ở bất cứ nơi đâu, thậm chí là hang bò lừa, nhưng nơi Ngài ngự phải là nơi thánh.

Qua trang Tin Mừng chúng ta vừa nghe, thánh Gioan đã cho chúng ta thấy Chúa Giêsu giận dữ vì những người khác đã biến đền thờ trở nên nơi buôn bán, đổi chác, v.v. Hay nói cách khác là họ đã “mại thánh”. Chúa Giêsu không chấp nhận những hành động trên, nên Người đã làm “cuộc cải cách” để trả lại ý nghĩa thiêng liêng đích thực của việc tôn thờ Thiên Chúa ngự trong đền thờ: “Đem tất cả những thứ này ra khỏi đây, đừng biến nhà Cha tôi thành nơi buôn bán”.

Bên cạnh đó, Người còn cho chúng ta thấy đền thờ đích thực đó chính là thân thể Người: “Các ông cứ phá hủy đền thờ này đi; nội ba ngày, tôi sẽ xây dựng lại”. Đền thờ mà Chúa Giêsu muốn nói ở đây là chính thân thể Người.

Từ những lời dạy của Chúa Giêsu trên, mỗi người chúng ta cần ý thức lại thân xác của chúng ta cũng chính là đền thờ để cho Thiên Chúa ngự. Vì, qua bí tích Rửa tội, chúng ta được trở nên đền thờ cho Thiên Chúa ngự, như lời thánh Phaolô đã nói: “Hay anh em lại chẳng biết rằng thân xác anh em là đền thờ của Thánh Thần sao”.

Một khi đã ý thức thân xác chúng ta là đền thờ của Chúa, chúng ta cần luôn biết giữ gìn sự thánh thiêng của thân xác mình; đừng dùng thân xác của chúng ta để buôn bán, vui chơi, hay là đồ vật thỏa thích cho người khác mà quên mất tính linh thánh thân xác của mình được chính Chúa Giêsu cứu chuộc bằng chính giá máu của Người.

Kỷ niệm ngày cung hiến Vương cung thánh đường Latêranô là dịp suy nghĩ về đền thờ đích thực, là chính thân thể Chúa Giêsu Kitô (Ga 2,21). Chính nơi đền thờ này, Thiên Chúa đã thi thố tất cả quyền năng cứu độ nhân loại. Cũng chính nơi đền thờ này sự thờ phượng đích thực mới được dâng lên Thiên Chúa. Quả thế, Thánh Linh đã phục sinh thân thể Chúa Giêsu. Chúa Cha đã đặt Người làm Trung gian duy nhất để chuyển cầu cho nhân loại (2 Tm 2:5; Dt 9:15; 12:24).

Tất cả mọi giá trị và ý nghĩa của vương cung thánh đường Latêranô cũng như mọi thánh đường khác đều phải bắt nguồn từ đền thờ này. Thật vậy, “không ai có thể đặt nền móng nào khác ngoài nền móng đã đặt sẵn là Đức Giêsu Kitô.” (1Cr 3,11). Máu và nước từ cạnh sườn Chúa Giêsu tuôn chảy như giòng sông. “Sông này chảy đến đâu, thì ở đó có sự sống.” (Ed 47,9). Người được phúc đón nhận sự sống đó là Kitô hữu. Vì họ là “thân thể Đức Kitô.” (2 Cr 12, 27). Bởi đó, họ cũng là “Đền Thờ của Thiên Chúa.” (1 Cr 3,16).

Qua Bí tích Rửa tội, chúng ta đã cùng chết với Chúa Ki-tô, để được sống lại với Ngài. Đó là cách thế Ngài tái thiết Đền Thờ cho ta. Nhưng sẽ thật là uổng phí, nếu công trình được chuộc bằng giá máu của Con Thiên Chúa lại biến thành nơi buôn bán hoặc hang ổ của bọn cướp!

Lm. Anmai, CSsR

Read 254 times Last modified on Thứ năm, 10 Tháng 11 2022 12:25