Get Adobe Flash player

Tìm Kiếm

Đăng nhập

Thứ bảy, 10 Tháng 12 2022 19:02

Đấng Phải Đến

Posted by 
Rate this item
(0 votes)
10.12 Thứ Bảy Hc 48:1-4,9-11; Tv 80:2-3,15-16,18-19; Mt 17:10-13 ĐẤNG PHẢI ĐẾN

Vốn là những người am hiểu Kinh Thánh, các kinh sư luật sĩ vẫn luôn tra vấn về những câu hỏi: khi nào Đấng Cứu Thế đến, và Đấng ấy sẽ đến như thế nào. Ngay cả các môn đệ của Chúa Giêsu cũng có chung một thắc mắc ấy nên các ông cũng đặt câu hỏi với Thầy Giêsu “Sao các kinh sư nói rằng ông Êlia phải đến trước?” Hiểu được những thắc mắc của các môn đệ, Chúa Giêsu đã khẳng định cho các ông hiểu rõ về sự xuất hiện của các ngôn sứ đến trước để dọn đường cho Đấng Cứu Thế. Một sự thật đáng phải suy nghĩ đó là loài người không đón nhận mặc khải của Thiên Chúa qua các ngôn sứ.

Theo tiên tri Malakia loan báo: ông Elia sẽ đến dọn đường cho Đấng Cứu thế đến, người Do thái tin như thế và cứ mong chờ Đấng Cứu thế, mặc dầu ông Êlia đã đến rồi. Nhưng khi ông Gioan rao giảng về Ngài, họ lại không chấp nhận. Điều làm họ không nhận ra vì họ nghĩ Đấng Cứu Thế đến theo nghĩa chính trị, sẽ giải thoát họ khỏi cái khổ trần gian. Cái nhìn hẹp hòi và lối nghĩ thiển cận khiến con người khó chấp nhận sứ điệp của Chúa Giêsu.

Các nhà thông luật dựa vào lời tiên tri Malakia loan báo thắc mắc: Êlia phải đến trước để dọn đường cho Chúa, để đưa tâm hồn cha ông trở lại với con cháu, và đưa tâm hồn con cháu trở lại với cha ông (Ml 3,1.24).

Tin Mừng hôm nay đề cập đến ba nhân vật: Ngôn sứ Êlia, Gioan Tẩy Giả và Chúa Giêsu. Cả ba danh xưng đều được nhắc đến như nhân vật quan trọng, đó là “Đấng Phải Đến”. Cả ba đều đã đến với chung một số phận, đó là đều bị dân chúng từ chối, thậm chí còn bị họ sát hại.

Thời Cựu ước, ngôn sứ Êlia đã được sai đến để chỉnh đốn mọi sự, để nói cho dân biết ý định của Thiên Chúa. Êlia là ngôn sứ lớn nhất trong các ngôn sứ, ông xuất hiện vào khoảng thế kỷ IX trước Chúa Giêsu. Sau triều đại của vua Salômôn, vương quốc Israel bị chia làm hai miền. Ở miền Bắc với thủ đô là Samari còn ở miền Nam là Giuđêa.

Vào năm 874, vua Akháp đã đánh thắng ba đội quân Átsua, Đamát và Môáp và đã lên ngôi trị vì vương quốc Israel. Có quyền lực trong tay, Akháp đã vướng vào nhiều những sai lầm. Ông kết hôn với con gái của vương quốc Tia là người ngoại giáo. Từ đó Akháp nghe theo người vợ áp đặt dân chúng thực hiện nghi lễ thờ thần Baan. Vì vậy Thiên Chúa đã gửi ngôn sứ Êlia đến để chỉnh đốn lối sống sai lầm của Akháp (1V, 17-17). Êlia cho biết sẽ có nạn đói kém và hạn hán kéo dài vì “trời sẽ không đổ mưa xuống đất nước Israel”. Lời cảnh báo của Êlia đã không được đón nhận và ông còn bị sát hại. Êlia đã phải trốn chạy vào sa mạc.

Nơi đây, Thiên Chúa sai thiên sứ mang bánh và nước tới cho Êlia và ông có đủ sức tiếp tục đi 40 đêm ngày tới núi Khôrép gặp gỡ Thiên Chúa và thi hành theo ý Người muốn.

Tiếp theo là ngôn sứ Gioan Tẩy Giả, ông cũng đến để chuẩn bị lòng dân, dọn sẵn một con đường thuận tiện cho Đấng Cứu Thế đến. Gioan cũng đã bị bỏ tù và bị sát hại vì ông lên tiếng tố cáo tội lỗi của vua Hêrôđê. Cuối cùng Chúa Giêsu đến để hoàn tất lời hứa cứu độ, và Người cũng sẽ phải chịu đau khổ như tất cả các vị ngôn sứ trước. Người cũng đã đến nhà mình và gõ cửa nhưng người nhà chẳng ai nhận ra.

Những gì Đức Giêsu nói với các môn đệ là sự thật, một sự thật rất thường tình mà cũng đầy phũ phàng. Thế nhưng không vì sự thật đó mà Con Thiên Chúa từ chối đến với nhân loại. Người đã biết trước điều đó và Người đã đến để thánh hóa, để yêu thương và cứu độ tất cả. Những gì là chống đối, là thù nghịch, là chối bỏ, là sát hại đều được Đức Giêsu đón nhận với tất cả tình thương sâu thẳm của một Vị Thiên Chúa. Chúng ta được cứu độ không phải vì công kia việc nọ nhưng vì lòng thương xót của Thiên Chúa.

Lịch sử cứu độ là lịch sử của lòng thương xót, của tha thứ và kiếm tìm. Dù loài người có phản bội bất trung đến đâu, Thiên Chúa vẫn một lòng yêu thương tha thứ. Dù lòng người có ích kỷ hạn hẹp, dù nhân loại có dối lừa đi hoang thì Thiên Chúa vẫn yêu thương vẹn tròn, vẫn chờ đợi ngóng trông. Con người là đối tượng để Thiên Chúa yêu thương cứu độ. Dù người yêu có quay bước lỗi hẹn, dù cha mẹ có bỏ rơi con cái, thì Thiên Chúa vẫn không quên con người. Bản chất của Thiên Chúa là tình yêu, Người không ngừng thể hiện bản chất ấy bằng những hành động cụ thể như yêu thương và bênh vực người nghèo khổ, chữa lành mọi chứng bệnh trong dân.

Thiên Chúa vẫn luôn yêu thương và đến với chúng ta hàng ngày qua các biến cố. Con Thiên Chúa đã mặc xác phàm để đến và ở lại với loài người chúng ta. Qua bí tíchThánh Thể, hàng ngày chúng ta được thưởng nếm sự sống Thần Linh để sống dồi dào sung mãn. Thiên Chúa vẫn đến với chúng ta qua từng công việc bổn phận với những biến cố vui buồn lớn nhỏ của bản thân, của gia đình và của thời cuộc. Ước gì chúng ta nhận ra sự hiện diện của Thiên Chúa để biết cải hóa con người mình theo lời Chúa khuyên dạy.

Thánh Gioan Tẩy giả làm gương cho chúng ta trong việc dọn đường, chúng ta hãy theo gương Ngài mà dọn đường cho Chúa bằng chính đời sống khắc khổ, để khơi dậy lòng sám hối trong mọi người. Chúng ta, người tông đồ của Chúa, cũng phải làm chứng bằng đời sống khó nghèo, bác ái, yêu người và khổ chế để nêu gương cho các Kitô hữu biết ăn năn sám hối trong tinh thần Mùa Vọng, để chuẩn bị cho Chúa đến bằng ơn thánh trong cuộc sống hằng ngày.

Sống tâm tình Mùa Vọng, mùa hồng ân, chúng ta có thời gian để chiêm nghiệm chân lý sự sống, để thay đổi những gì chưa phù hợp với những giá trị của Tin Mừng. Ước gì chúng ta thực hiện được lời thánh vịnh 142 “Ngay từ buổi sớm mai, xin cho con nghiệm thấy tình thương của Chúa”.

Read 343 times Last modified on Thứ hai, 12 Tháng 12 2022 17:57