Get Adobe Flash player

Tìm Kiếm

Đăng nhập

Thứ bảy, 10 Tháng 12 2022 19:16

Hãy Vui Lên

Posted by 
Rate this item
(0 votes)
11.12 Chúa Nhật thứ Ba Mùa Vọng Xp 3:14-18; Is 12:2-3,4,5-6; Pl 4:4-7; Lc 3:10-18

          Trong Hiến chế Gaudium et Spes, công đồng Vaticanô 2 đã mở đầu với đường hướng mục vụ như sau: “Vui mừng và hy vọng, ưu sầu và lo lắng của con người ngày hôm nay cũng là vui mừng và hy vọng, ưu sầu và lo lắng của các môn đệ Đức Kitô, và không có gì là của con người mà lại không gieo âm hưởng trong lòng họ”. Những môn đệ của Chúa Giêsu phải sao chép lại cuộc sống của Thầy mình. Ngài đã đến trần gian chung hòa kiếp sống đi sâu vào phận người, vui với người vui, khóc với người khóc và tiến nhận cái chết trên Thập giá để khai mở cho nhân loại chân trời ơn cứu độ. Cái chết và sự Phục sinh của Đức Giêsu chính là căn nguyên của niềm vui, biến ưu sầu thành hoan lạc, biến khổ đau thành hạnh phúc cho con người chúng ta.

          Nói tóm lại, đạo Công giáo không phải là một tôn giáo nhuốm vẻ bi thương và sầu khổ, cho dù khi nhìn lên Thánh giá, chúng ta dễ rơi vào tình cảm đạo đức mang dáng dấp khổ đau. Đạo hay con đường mà Chúa Giêsu mở toang ra cho chúng ta chính là con đường của niềm vui và hy vọng.

          Đây cũng chính là chủ đề của phụng vụ Chúa nhật hôm nay, Chúa nhật Gaudete. Các bài đọc đều vang vọng lời hiệu triệu: “ Hãy vui lên vì Chúa đã gần đến, Đấng thánh Israel đang ở giữa ngươi”. Chúa Nhật hôm nay còn được gọi là ‘Chúa Nhật hồng giữa mùa tím’ với tâm tình hoan vui này.

          Ngôn sứ Sôphônia cho rằng phải ca hát vì Thiên Chúa đang ở giữa dân Người, vì Thiên Chúa đã đẩy lui quân thù cho dân, vì Thiên Chúa sẽ thêm sức mạnh cho dân Người, vì Thiên Chúa yêu thương dân Người, Ngài quy tụ cả những kẻ đã bỏ lề luật của Ngài.

          Thiên Chúa ở với ai, thì người đó sẽ được Thiên Chúa bảo vệ. Thiên Chúa đã ở với Abraham khi ông đi vào Aicập, Ngài đã bảo vệ ông khỏi bao tai họa và bênh vực quyền lợi của ông. Khi Sara, vợ của Abraham, được thương yêu và bị bắt làm vợ vua Pharaô, thì Thiên Chúa đã đổ tai họa xuống người Aicập và buộc Pharaô phải trả Sara về cho Abraham. Thiên Chúa đã ở với Yacóp, đã đi với Yacóp và dẫn ông trở về quê cha đất tổ khi ông chạy trốn Esau. Thiên Chúa đã ở với Môsê, để ông có thể đứng vững trước vua Pharaô, để ông có thể đem dân Do Thái ra khỏi Aicập. Thiên Chúa đã ở với các tiên tri, để làm cho các tiên tri dám nói những điều mà những người có quyền thế và dân chúng không muốn nghe.

          Hôm nay người ta biết rằng Thiên Chúa ở khắp mọi nơi, Ngài luôn luôn hiện diện với tất cả mọi người và với dân Người. Thiên Chúa yêu thương tất cả mọi người, Ngài luôn trợ giúp con người vì tất cả đều là con dân của Ngài. Không nhờ Ngài, không gì có thể hiện hữu và thành sự. Thiên Chúa hạnh phúc khi ở với con người. Con người cần Thiên Chúa để sống hạnh phúc, và Thiên Chúa cũng cần con người vì Thiên Chúa yêu thương con người. Thiên Chúa đang ở với con người, đó là lý do mọi người cần biết để có thể vui lên.

          Trong chương 4,4 thư thánh Phaolô tông đồ gởi tín hữu Philipphê, Ngài cũng lập lại sứ điệp Tin Mừng và khuyến khích tín hữu sống vui tươi, để trong cuộc đời hãy quên hết mọi khó khăn đau đớn tủi nhục và gian truân cay đắng để chỉ còn cảm thấy niềm vui. Niềm vui đó được phát xuất từ chính tình yêu thương của Chúa Giêsu Kitô, và Ngài giải thích lý do của niềm vui đó là: Kitô hữu có nhiều lý do thuận tiện để luôn có thái độ sống vui tươi. Bởi vì kể từ khi Chúa Giêsu nhập thể làm người, thì Thiên Chúa đã hiện diện giữa lòng trần gian và Ngài đồng hành với họ, chia sẻ mọi biến cố vui buồn trong đời họ.

          Qua bí tích rửa tội, Ngài đã giải thoát họ khỏi xích xiềng nô lệ tội lỗi, trả lại cho họ sự tự do, ơn làm con cái Thiên Chúa. Tin vui cứu độ ấy không cho phép Kitô hữu buồn sầu thất vọng như những người không có niềm tin. Có Chúa trong lòng, có Chúa trong đời, có Chúa kề bên thì người Kitô hữu có được tất cả.

          Thánh Phaolô kêu gọi dân thành Philip hãy vui lên, vì “Chúa đã gần đến”. Với thánh Phaolô, Đức Giêsu là Đấng có thân phận Thiên Chúa, Ngài đã tự hủy khi mang thân phận con người, Thiên Chúa đã đến và ở giữa con người, hiện Ngài đang ngự bên hữu Thiên Chúa. Thiên Chúa đã đến hiện diện giữa trần gian trong thân phận con người, và Ngài sẽ lại đến. Ngài đang đến, nên các Kitô hữu hãy vui mừng.

          Tại sao vui khi Chúa đến gần? Trong quan niệm của thánh Phaolô, Đức Giêsu là niềm vui, là bảo chứng cho thấy Thiên Chúa yêu thương con người đến độ nào! Chúa tới, là để cứu độ con người, để giải phóng toàn diện con người, đưa con người vào hạnh phúc đích thực và vĩnh cửu. Vì vậy, Kitô hữu vui biết bao khi biết Chúa đang tới gần. “Thầy đi để dọn chỗ cho anh em, nếu không Thầy đã nói với anh em rồi… Thầy đi, rồi Thầy sẽ trở lại đón anh em đi với Thầy, để Thầy ở đâu anh em cũng được ở đó với Thầy”.

          Trong khi chờ đợi Chúa, Kitô hữu hãy sống ôn hòa. Niềm vui phải tỏa rạng trên gương mặt của các Kitô hữu, vì đây là niềm vui lớn vô cùng. Trên đời này, không có niềm vui nào lớn hơn niềm vui này: Chúa đến để cứu độ con người, để đưa con người tới hạnh phúc viên mãn. Dân ngoại không biết, nên không có niềm vui này được; còn Kitô hữu biết điều này, nên họ vui. Nếu Kitô hữu không biết điều này, thì thánh Phaolô đã nhắc nhở các con cái của Ngài: “hãy vui lên, tôi nhắc lại lần nữa: anh em hãy vui lên trong Chúa”.

          Vì thế, họ phải sống tin yêu phó thác và an bình, tươi vui, không âu lo, không sợ hãi.Kết hợp với Chúa qua lời cầu nguyện, qua cuộc sống đối thoại thân tình với Ngài. Họ phó thác mọi sự cho Chúa, và noi gương Chúa Giêsu sống nhân hậu, sống tốt với mọi người, yêu thương, thông cảm và quảng đại với mọi người. Nếu Giáo Hội đánh mất đi sự tươi vui của mình, thì điều đó có nghĩa là Giáo Hội đã đánh mất đi tất cả. Khi đó Giáo Hội không làm chứng cho niềm hạnh phúc là hôn thê của Chúa Kitô nữa, và điều đó cũng có nghĩa là tình yêu đã chết hay đang hấp hối. Tuy nhiên, khi đó Giáo Hội sẽ không còn khả năng yêu thương con người hay yêu thương với một tình yêu buồn sầu, mà tình yêu buồn sầu thì không phải là tình yêu.

          Phụng vụ Lời Chúa Chúa Nhật thứ III của Mùa Vọng hôm nay một lần nữa mời gọi chúng ta sám hối để có thể trở về với Chúa. Nhưng sám hối không chỉ là quay trở về với quá khứ, mà còn hướng đến một tương lai tốt đẹp hơn. Sám hối không chỉ có tính cách cá nhân, mà còn mang tính liên đới trong cộng đoàn. Sám hối không chỉ là một cảm xúc mông lung, nhưng chính là một quyết tâm hành động. Sám hối không chỉ là hướng tới đời sống thánh thiện, mà là trở về với một đấng thánh: Chúa Giêsu Kitô.

          Vì thế, sám hối chính là dành cho Chúa Ki tô cơ hội để Người thanh tẩy tâm can, thay đổi con người, nhất là để Người biến những tâm tình và ước muốn của chúng ta nên giống những tâm tình và ước muốn của Người.

          Thay vì sám hối bên ngoài, Chúa Kitô muốn chúng ta thật sự hướng lòng về Người. Thay vì kiêu căng tự mãn, Chúa muốn chúng ta thực sự khiêm tốn để nên giống Người. Thay vì nô lệ cho của cải, tiền bạc, Chúa Kitô muốn chúng ta hãy ra khỏi nỗi bận tâm về mình mà nhường cơm sẻ áo cho anh em.

          Mùa Vọng là mùa của hy vọng. Thiên Chúa không bao giờ thất vọng về con người. Cho dù con người có sa ngã, phản bội, Thiên Chúa vẫn theo đuổi chương trình cứu độ của Người. Cho dù thấp hèn tội lỗi, con người vẫn mang hình ảnh cao đẹp của Thiên Chúa, nên mỗi người đều được Thiên Chúa tin tưởng, yêu thương. Mùa Vọng mời gọi chúng ta sám hối, đồng thời cũng kêu gọi chúng ta hãy hoàn toàn phó thác và hy vọng nơi Người. Trước khi cố gắng thay đổi môi trường chúng ta đang sống, chúng ta hãy thay đổi chính con người của mình trước.

Read 284 times Last modified on Thứ hai, 12 Tháng 12 2022 19:39

Related items