Lễ Đức Mẹ Guadalupe
Sống trong sự thật
Ds 24:2-7,15-17; Tv 25:4-5,6-7,8-9; Mt 21:23-27
Một người thổ dân nghèo hèn tên Cuatitlatoatzin được rửa tội và lấy tên là Juan Diego. Ông 57 tuổi, góa vợ và sống trong một làng nhỏ gần Mexico City. Vào buổi sáng thứ Bảy, 9 tháng Mười Hai 1531, ông đến nhà nguyện gần đó để tham dự lễ kính Đức Mẹ.
Khi đang đi trên ngọn đồi gọi là Tepeyac thì ông nghe có tiếng nhạc du dương như tiếng chim hót. Sau đó một đám mây sáng chói xuất hiện, đứng trên đám mây là một trinh nữ người thổ dân mặc y phục như công chúa của bộ lạc Aztec. Trinh nữ nói chuyện với ông bằng tiếng bản xứ và sai ông đến với Đức Giám Mục của Mexico, là một tu sĩ dòng Phanxicô tên Juan de Zumarraga, và yêu cầu đức giám mục xây cất một nguyện đường nơi Trinh Nữ hiện ra.
Dĩ nhiên vị giám mục không tin, và bảo Juan Diego xin Trinh Nữ cho một dấu chỉ. Trong thời gian này, người chú của ông bị bệnh nặng. Điều đó khiến ông cố tránh né không muốn gặp Trinh Nữ. Tuy nhiên, đức trinh nữ tìm ông, đảm bảo với ông là người chú sẽ khỏi bệnh, và bảo ông hái các bông hồng quanh đó để làm bằng chứng với vị giám mục. Lúc ấy là mùa đông thì không thể có bông hoa nào mọc được, nhưng lạ lùng thay, gần chỗ Trinh Nữ hiện ra lại đầy dẫy những hoa hồng tuyệt đẹp. Và ông đã dùng chiếc áo tơi của mình để bọc lấy các bông hồng đem cho vị giám mục.
Trước sự hiện diện của đức giám mục, ông Juan Diego mở áo tơi ra và bông hồng đổ xuống tràn ngập khiến vị giám mục phải quỳ gối trước dấu chỉ lạ lùng ấy. Lạ lùng hơn nữa, trên chiếc áo tơi lại có in hình Đức Trinh Nữ như ngài đã hiện ra với ông ở đồi Tepeyac và tỏ lộ danh tánh: Ðức Bà Guadalupe. Đó là ngày 12 tháng Mười Hai 1531.
Tin Mừng hôm nay tiếp theo biến cố ngày hôm trước Chúa vào trong đền thờ đuổi những người buôn bán ra khỏi đền thờ, sau khi nghỉ đêm tại Bêtania ngày hôm sau Chúa lại vào Đền thờ để giảng dạy, các thượng tế và kỳ lão thấy Chúa, họ liền đến để tra vấn Người: "Ông lấy quyền nào mà làm những điều này? Ai đã ban quyền ấy cho ông?" (Mt 21, 23b). Đời công khai sứ vụ của Chúa, Người đã làm nhiều phép lạ mà người đời không thể làm được.
Vậy những việc của Người chỉ phát xuất từ nơi Thiên Chúa. Chúa không trả lời trực tiếp về câu hỏi họ đặt ra, vì Người biết mục đích việc tra vấn của họ là để gài bẫy, tìm cách bắt bớ triệt hạ Chúa. Để đánh động cách nghĩ của giới trí thức này, Chúa đã nhắc lại ngôn sứ Gioan và đặt lại câu hỏi với họ “phép rửa của ông Gioan xuất phát từ đâu: Thiên Chúa hay loài người” (Mt 21, 25a). Gioan đã đi bước trước để dọn đường cho Chúa đến, dân chúng cũng đến với ông rất đông và đã tiếp nhận phép rửa do chính ông làm, nhưng các nhóm thượng tế và kỳ lão này vẫn cố tình lảng tờ như không biết. Sự đánh động của Chúa để họ nhìn ra cách sống nơi chính họ, nhưng họ vẫn chai lì. Họ bắt đầu suy luận về câu hỏi của Chúa, và không dám trả lời cách dứt khoát để rồi họ trả lời Người: "Chúng tôi không được biết". (Mt 21, 27a)
Chúa Giê-su từng phân tích hai lối dùng quyền bính, một của thói đời và một của những người theo Ngài. Theo thói đời, những người nắm giữ quyền bính thường dùng mọi phương tiện để thống trị dân (Lc 22, 25). Chính vì tham vọng thống trị, nên họ thường tìm mọi cách tiêu diệt những ai bất phục họ. Thái độ của các thượng tế và kỳ mục đối với Chúa Giêsu trong câu Tin Mừng trên là một bằng chứng. Chúa Giêsu dạy các môn đệ của Ngài rằng quyền bính là để phục vụ cho sứ mạng. Chúa Giê-su đã sống như thế. Chúa Cha đã ban cho Người mọi quyền bính trên trời dưới đất (Mt 28,18), nhưng Ngài không bày tỏ quyền uy để thống trị, mà cốt để ý muốn Chúa Cha thể hiện dưới đất. Thậm chí, Ngài còn hiến mạng sống cho sứ vụ. Nói cách khác, quyền bính Ngài không uy hiếp bất cứ ai; trái lại, để đưa dẫn con người vượt thắng uy lực của sự dữ và cứu độ con người.
Trong cách sống đạo hôm nay nhiều khi chúng ta hay phê phán về người này hay người khác, linh mục nọ tu sĩ kia, nhưng chúng ta chưa nhìn lại chính mình, những Lời dạy của Chúa chắc hẳn chúng ta đã được nghe đi nghe lại rất nhiều lần, nhưng chúng ta đã thực hành được bao nhiêu việc như Lời Chúa dạy. Tham dự Thánh Lễ cứ phải so đo: cha này làm lễ lâu hơn cha kia, cha già giảng lâu hơn cha trẻ; đi học giáo lý: dì phước này nói nhiều hơn Giáo Lý Viên kia. Vô tình chúng ta đi vào cách sống hình thức như nhóm thượng tế và kỳ lão khi xưa, và còn nguy hại hơn là phê phán đằng sau lưng, nơi phố chợ hay trên bàn nhậu … không dám trực diện như nhóm thượng tế và kỳ lão.
Ngày nay khi chúng ta đang đối diện với sự thật, bằng cách sống với lương tâm và công chính, cuộc sống muôn mặt rất cần sự giúp đỡ bao người cô thế cô thân, hoặc đang bị chà đạp danh dự ức hiếp, rất cần những bàn tay nâng dỡ che chở của bao tấm lòng từ bi đón nhận che chở ủi an, nhưng đôi khi chúng ta né tránh hay vẫn thường nói “chúng tôi không biết”. Với câu “không biết” tưởng như là vô thưởng vô phạt, nhưng thực sự là tâm hồn chứa đựng toan tính vì lo sợ ảnh hưởng đến mình.
Nếu mọi người cứ sống theo thái độ này, tâm hồn mỗi người chẳng bao giờ biết dọn đường cho Chúa đến. Điều quan trọng nhất sống trong sự thật là phải sống bằng tấm lòng quảng đại yêu thương, tâm hồn mỗi người không ít nhiều có sự kiêu ngạo hay toan tính hẹp hòi hay có thể thiếu vắng tình yêu.
Sống trong Mùa Vọng này, để nhìn lại chính mình, đã đến lúc chúng ta biết đến đích điểm dừng lại mà vượt qua bóng tối trần gian, của sự gian dối, biết tiến về sống trong sự thật bằng sống trong chân lý của Chúa Giêsu: “Các ông sẽ biết sự thật, và sự thật sẽ giải phóng các ông” (Ga 8, 32)
Huệ Minh