Thiên Chúa tuyệt đối khiêm hạ và yêu thương đên cùng
Posted by Ban Biên TậpTMĐP- Đức Giêsu đã trăn trối trong bữa ăn sau cùng cho những ai thuộc về Ngài tấm gương khiêm hạ phục vụ và tình yêu vô cùng, đến cùng khi quỳ xuống rửa chân cho các môn đệ, và thiết lập bí tích Thánh Thể.
Căch đây hơn hai ngàn năm, nếu Đức Giêsu đã làm sửng sốt, xúc động các môn đệ, là những người Ngài vẫn yêu thương và “yêu thương họ đến cùng”, buổi tối thứ năm, trước lễ Vượt Qua, vì “biết giờ của Người đã đến, giờ phải bỏ thế gian mà về với Chúa Cha” (Ga 13,1), thì chiều nay, bầu khí khiêm hạ và yêu thương của thánh lễ thứ năm Tuần Thánh cũng làm tâm hồn mỗi người chúng ta bồi hồi, thổn thức.
Như các môn đệ đã sửng sốt, bỡ ngỡ khi thấy Thầy “đứng dậy, rời bàn ăn, cởi áo ngoài ra, và lấy khăn mà thắt lưng. Rồi Ngài đổ nước vào chậu, bắt đầu rửa chân cho các môn đệ và lấy khăn thắt lưng mà lau” (Ga 13,4-5). Không cầm được xúc động, Phêrô đã hốt hoảng nghẹn lời: “Thưa Thầy! Thầy mà lại rửa chân cho con sao?” (Ga 13, 6).
Không chỉ một mình Phêrô, mà tất cả các môn đệ có mặt được Đức Giêsu rửa chân cũng đều kinh ngạc vì không hiểu điều gì đang xảy ra. Hiểu làm sao được khi Thầy rửa chân cho trò, chủ rửa chân cho tớ, Thiên Chúa rửa chân cho con người? Coi làm sao được cảnh tượng người có quyền cúi mình phục dịch thuộc cấp, và Đấng Thánh của Thiên Chúa toàn năng qùy mọp âu yếm rửa sạch bàn chân nhơ nhớp của con người tội lỗi?
Các môn đệ đã không chỉ sửng sốt vì sự kiện xảy ra quá bất ngờ, nhưng còn vì sự khiêm hạ vượt sức tưởng tượng, vượt mức đo lường của Đức Giêsu, sự khiêm hạ tuyết đối của một Thiên Chúa tuyệt đối thánh thiện, đã chọn khiêm hạ như đường lối để thực hiện trọn vẹn tình yêu thương xót đối với loài người khi “hoàn toàn trút bỏ” địa vị vinh quang của Thiên Chúa để mặc lấy thân nô lệ, kiếp phàm nhân, kể cả án tử hình thập giá chỉ dành cho tội phạm nguy hiểm, măc dù Ngài hiền lành, vô tội (x.Pl 2, 7-8).
Thực ra hôm ấy khi quỳ xuống rửa chân cho các môn đệ, Đức Giêsu đã chỉ nhắc lại bài học khiêm hạ phục vụ mà Ngài đã nhiều lần dạy các ông: “Anh em biết: thủ lãnh các dân tộc thì dùng uy mà thống trị dân, những người làm lớn thì lấy quyền mà cai quản dân. Giữa anh em thì không được như vậy: Ai muốn làm lớn giữa anh em, thì phải làm người phục vụ anh em. Và ai muốn làm đầu anh em, thì phải làm đầy tớ anh em. Cũng như Con Người đến không phải để được người ta phục vụ, nhưng là để phục vụ và hiến dâng mạng sống làm giá cứu chuộc muôn người” (Mt 20, 25-28).
Và đúng như thế, ở Đức Giêsu, khiêm hạ phục vụ luôn đi đôi với tình yêu vô cùng và đến cùng là “hiến dâng mạng sống vì người mình yêu”, tình yêu mà Ngài đánh giá là tình yêu cao cả nhất (x. Ga 15,13). Bằng chứng là ngay sau khi rửa chân để làm gương khiêm hạ phục vụ cho các môn đệ, Đức Giêsu đã thực hiện một việc vô cùng kỳ diệu, lạ lùng, mà chỉ Thiên Chúa mới có thể sáng kiến và thực hiện, vì vượt xa tất cả những gì của con người, và khả năng con người không thể suy tưởng, đạt tới, bởi là việc làm thuộc mầu nhiệm đức tin.
Biết mình sắp rời bỏ thế gian để về với Thiên Chúa Cha, Đức Giêsu “vẫn yêu thương những kẻ thuộc về mình còn ở thế gian, và Người yêu thương họ đến cùng” (Ga 13,1). Chính vì yêu vô cùng và đến cùng, như hai người yêu nhau sắp phải xa nhau không biết làm gì để nhớ nhau, có nhau mãi trong đờu, đã trao những kỷ vật gắn bó thiết thân nhất của mình cho người yêu. Đức Giêsu cũng yêu vô cùng và đến cùng, nên mới nói với các môn đệ: “Thầy ở cùng anh em mọi ngày cho đến tận thế” (Mt 20,20), nhưng Ngài đã không ở với các ông bằng hình ảnh, kỷ niệm, kỷ vật, nhưng ở bằng chính thân xác, linh hồn của Ngài; ở bằng chính con người có Máu Thịt của Con Thiên Chúa làm người . Nói cách khác, Ngài hiện diện thực sự, Ngài ở bằng trọn vẹn con người Thiên Chúa của mình.
Vâng, chỉ Thiên Chúa mới có thể “cầm lấy bánh, dâng lời chúc tụng, rồi bẻ ra, trao cho các môn đệ và nói: “Anh em cầm lấy mà ăn, đây là mình Thầy”. Rồi cầm lấy chén, dâng lời tạ ơn, trao cho các môn đệ và nói: “Tất cả anh em hãy uống chén này, vì đây là máu Thầy, máu Giao Ước đổ ra cho muôn người được tha tộ” (Mt 26,26-28), và căn dặn: “Anh em hãy làm việc này, mà tưởng nhớ đến Thầy” (Lc 22,19).
Như thế, tưởng nhớ đến Đức Giêsu không còn là nhớ người mình yêu qua kỷ vật, chiêm ngắm người yêu trong hình ảnh, lưu luyến người yêu khi đọc lại những búc thư tình ngày xưa, hay xem lại những thước phim kỷ niệm của hai người, nhưng là trở nên một với Ngài, hiệp nhất trọn vẹn với Ngài bằng sống sự sống của Ngài, sống tình yêu của Ngài, sống ơn cứu rỗi của Ngài bằng ăn và uống Mình Máu Ngài, như Ngài đã qủa quyết: “Ai ăn thịt và uống máu tôi, thì được sống muôn đời, và tôi sẽ cho người ấy sống lại vào ngày sau hết, vì thịt tôi thật là của ăn, và máu tôi thật là của uống. Ai ăn thịt và uống máu tôi, thì ở lại trong tôi, và tôi ở lại trong người ấy” (Ga 6, 54-56).
Do đó, bí tích Thánh Thể là mầu nhiệm đức tin mà chỉ với đức tin, chúng ta mới có thể đón nhận được. Vì thế, Thánh Thể ở mọi nơi, mọi thời đã rơi vào tầm ngắm của biết bao diễu cợt, xúc phạm, và nên cớ vấp phạm cho những người không tin nhưng chống lại Thiên Chúa.
Tóm lại, Đức Giêsu đã trăn trối trong bữa ăn sau cùng cho những ai thuộc về Ngài tấm gương khiêm hạ phục vụ và tình yêu vô cùng, đến cùng khi quỳ xuống rửa chân cho các môn đệ, và thiết lập bí tích Thánh Thể.
Lời trăn trối ấy rất quan trọng vì là tất cả những gì Ngài đã dạy và đích thân thực hiện những năm tháng ở thế gian. Ngài dạy chúng ta “Hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em” (Ga 15,13), nhưng chỉ khiêm hạ phục vụ nhau mới thực sự yêu thương nhau, nếu không, tình yêu sẽ chỉ là tình “đầu môi chót lưỡi”, vì tình yêu đích thực bao giờ cũng cần khiêm hạ phục vụ, như người kiêu căng không biết phục vụ, vì họ chỉ nuôi tham vọng thống trị và bắt người khác phục vụ mình, nên càng khiêm hạ phục vụ, càng thể hiện tình yêu đối với anh em, như Đức Giêsu đã tuyệt đối khiêm hạ phục vụ, để thực hiện tình yêu vô cùng, và đến cùng của Thiên Chúa Tình Yêu đối với nhân loại.
Lạy Đức Giêsu, Đấng khiêm hạ tận cùng khi quỳ xuống tận bàn chân con người tội lỗi; Đấng thương xót vô cùng khi hiến mạng sống cho con người mình yêu; Đấng yêu đến cùng khi ở lại với con người cho đến tận thế trongThánh Thể, xin mở lòng trí chúng con, để chúng con hiểu rằng không khiêm hạ phục vụ sẽ không thể yêu thương, vì yêu thương cần khiêm hạ như trái tim và cần phục vụ như đôi tay trao ban trái tim tình yêu ấy cho mọi người.
Jorathe Nắng Tím