14.7
Chân Phước Kateri Tekakwitha, Đt
St 46:1-7,28-30; Tv 37:3-4,18-19,27-28,39-40; Mt 10:16-23
Lội ngược dòng
Sau khi huấn dụ các Tông đồ về mục đích, tinh thần và cách thế của người tông đồ đi truyền giáo, Chúa Giêsu tiên báo những cuộc bách hại mà các Tông đồ gặp phải trên bước đường truyền giáo.
Trong khi thi hành sứ vụ loan báo Tin mừng, các Tông đồ sẽ gặp muôn vàn khó khăn: bị ghen ghét, bắt bớ... Chúa Giêsu đã trấn an họ đừng lo, vì Thiên Chúa ở bên cạnh để giúp đỡ họ. Để bền chí đến cùng, người môn đệ phải luôn có đời sống tin tưởng phó tác và cầu nguyện.
“Này, Thầy sai anh em đi như chiên đi vào giữa bầy sói”
Hình ảnh bầy sói ám chỉ những bách hại và thử thách mà các Tông đồ phải đương đầu, đồng thời cũng có thể hiểu Chúa muốn nói đến các tiên tri giả, để cảnh giác các Tông đồ trước những chống đối hiểm độc của những kẻ nhân danh chân lý, nhân danh lời Chúa để phá hoại Tin mừng.
Trước âm mưu xảo quyệt và ngụy biện như thế, người môn đệ phải khôn như con rắn. Rắn có tài tránh nguy hiểm và luôn luôn giữ cái đầu cho khỏi bị đánh. Người tông đồ đừng để mình bị lọt vào tròng của những ông tiến sĩ giả, nếu cần thì phải tránh đụng độ với họ. Tuy nhiên vẫn phải giữ tâm hồn và thái độ đơn sơ hiền lành như con chim bồ câu, loài chim hơi nghe tiếng động là bay đi và vẫn được coi là hiền lành.
“Vì danh Thầy, anh em sẽ bị mọi người thù ghét”
Sự bách hại là số phận không thể tránh được của các môn đệ, bởi vì nếp sống và sứ điệp của người môn đệ sẽ phơi bày tật xấu của thế gian. Chúa Giêsu cho biết lý do của sự thù nghịch giữa thế gian và người môn đệ Chúa: “Nếu thế gian ghét các con, các con hãy biết rằng nó đã ghét Thầy trước. Giả như các con thuộc về thế gian, thì thế gian yêu thích những gì thuộc về nó. Nhưng vì các con không thuộc về thế gian, và Thầy đã chọn, đã tách các con khỏi thế gian, nên thế gian ghét các con”.
Trong chuyến hành hương Lộ Đức vào tháng 8 năm 1981, Đức Giáo hoàng Gioan Phaolô II đã có nhắc đến những hình thức bách hại đạo tại một vài nơi trên thế giới.
Ngài nói: “Có những tín hữu bị bắt buộc phải hội họp một cách lén lút, bởi vì cộng đoàn tôn giáo của họ không được phép hoạt động. Có những Giám mục, Linh mục, Tu sĩ bị cấm thi hành chức vụ trong nhà thờ hay tại những nơi công cộng. Có những nữ tu bị phân tán không thể tiếp tục cuộc sống hiến thân của họ. Có những người trẻ quảng đại nhưng không thể thực hiện ơn gọi của họ. Có những tín hữu bị tước đoạt cả quyền có thể tận hiến cho một cuộc sống chung để cầu nguyện và thực thi bác ái. Có những bậc cha mẹ bị người ta khước từ quyền được bảo đảm cho con em một nền giáo dục dựa trên niềm tin của mình”.
Thông thường, trong những lời hứa hẹn ít khi thấy bóng dáng khó khăn thử thách. Chúa Giêsu đã hành động vượt ngoài qui luật này: môn đệ Ngài sẽ là người không còn đất sống, bị người đời ghét bỏ. Hội đường kết án, ngay cả người thân cũng phản bội họ.
Đối diện với viễn ảnh, xem ra đen tối này, người môn đệ phải trang bị bằng những hiểu biết cụ thể, và xác tín rằng họ không đơn độc trong cuộc chiến. Nếu trong xã hội loài người, họ không có chỗ đứng, thì trong Nước trời họ đã có chỗ Chúa dành sẵn cho họ; và cho dù thế gian có đổ dồn bách hại lên họ, họ vẫn không bị nghiền tán, vì đã có sự trợ lực của Chúa Thánh Thần.
Điều quan trọng là họ phải trung thành: trung thành với Thánh Thần bằng cách giữ tâm hồn đơn sơ chân thật; trung thành với con đường đã chọn, vì Thiên Chúa không để họ quá mức chịu đựng: “Các con sẽ không đi hết các thành của Israel trước lúc Con Người đến”
Người môn đệ được đồng hoá với Chúa Giêsu và chia sẻ số phận của Ngài. Người môn đệ chẳng những là kẻ sống tinh thần khó nghèo, mà còn là kẻ luôn cảm thấy mình yếu đuối, không thể tự mình chống lại những bách hại. Nhưng sự yếu đuối của các môn đệ lại là sức mạnh của Thiên Chúa, bởi vì ý thức mình yếu đuối, nên người môn đệ hết lòng tin tưởng và gắn bó với Chúa.
Tin Mừng hôm nay một lần nữa cho chúng ta hiểu được thế nào là ơn gọi và số phận của người Kitô hữu. Chúa Giêsu đã được cụ già Simêon gọi là dấu chỉ gợi lên chống đối. Cái chết của Ngài trên Thập giá là cao điểm của những chống đối mà con người dành cho Ngài. Tiếp tục sứ mệnh của Ngài, Giáo Hội ở mọi nơi và mọi thời, không thể thoát khỏi số phận bị chống đối ấy. Hình thức và mức độ của những cuộc bách hại có khác nhau, nhưng tựu trung ở đâu và lúc nào Giáo Hội cũng bị bách hại.
Ý thức về sự bách hại không phải là một mặc cảm; lên tiếng về những bách hại cũng không hề là một ý đồ chính trị. Giáo Hội tự bản chất luôn bị đặt vào thế bị chống đối. Chấp nhận đi theo Chúa Kitô, sẵn sàng chiến đấu chống lại tội lỗi, lên tiếng chống lại bất công và can đảm lội ngược dòng, sống như thế tức là đã bị bách hại rồi. Một Giáo Hội phục vụ có thể được thương mến, nhưng một Giáo Hội bị bách hại lại càng là Giáo Hội trung thành với Chúa Kitô hơn. Trong một chuyến viếng thăm tại Braxin, Ðức Thánh Cha Gioan Phaolô II đã nói: "Tôi thà thấy muôn ngàn lần một Giáo Hội bị bách hại, hơn là một Giáo Hội thỏa hiệp".
Huệ Minh