Get Adobe Flash player

Tìm Kiếm

Đăng nhập

Thứ tư, 09 Tháng 8 2023 21:06

Suy Niệm Tin Mừng Chúa Nhật 19 Thường Niên – Năm A

Posted by 
Rate this item
(0 votes)
  Suy Niệm Tin Mừng Chúa Nhật 19 Thường Niên – Năm A

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Matthêu. (Mt 14, 22-33)

 

Khi dân chúng đã ăn no, lập tức Chúa Giêsu giục môn đệ trở xuống thuyền mà qua bờ bên kia trước, trong lúc Người giải tán dân chúng. Giải tán họ xong, Người lên núi cầu nguyện một mình. Ðến chiều, Người vẫn ở đó một mình. Còn thuyền thì đã ra giữa biển, bị sóng đánh chập chờn vì ngược gió.

Canh tư đêm tối, Người đi trên mặt biển mà đến với các ông. Thấy Người đi trên mặt biển, các ông hoảng hồn mà nói rằng: "Ma kìa!", và các ông sợ hãi kêu la lớn tiếng. Lập tức, Chúa Giêsu nói với các ông rằng: "Hãy yên tâm. Thầy đây, đừng sợ!" Phêrô thưa lại rằng: "Lạy Thầy, nếu quả là Thầy, thì xin truyền cho con đi trên mặt nước mà đến cùng Thầy". Chúa phán: "Hãy đến!" Phêrô xuống khỏi thuyền, bước đi trên mặt nước mà đến cùng Chúa Giêsu. Khi thấy gió mạnh, ông sợ hãi và sắp chìm xuống nên la lên rằng: "Lạy Thầy, xin cứu con!" Lập tức, Chúa Giêsu giơ tay nắm lấy ông mà nói: "Người hèn tin, tại sao mà nghi ngờ?" Khi cả hai đã lên thuyền thì gió liền yên lặng. Những người ở trong thuyền đến lạy Người mà rằng: "Thật, Thầy là Con Thiên Chúa".

Suy niệm

Trong những tuần lễ gần đây, chủ đề ‘Chọn lựa’ được nhắc đi nhắc lại, như một lời nhắc gởi đến cho các tín hữu Kito, hiện đang đối diện với một cuộc sống có nhiều trào lưu, nhiều xu hướng ảnh hưởng trực tiếp đến niềm tin và thái độ sống đạo hàng ngày. Phụng vụ Lời Chúa Chúa nhật thứ 19 thường niên, gởi đến cho mỗi người những tâm tình sống rất thiết thực nhưng đòi hỏi phải chọn lựa, phải quyết định, để rồi từ bỏ và lên đường. Chọn lựa sự an toàn hay chấp nhận xông pha, chọn lựa bước vào một thế giới đầy những thách đố và tội lỗi, khi có Thiên Chúa cầm tay, hay chọn lựa sống trong vỏ bọc của an phận và thực dụng theo xu thế của nhân loại.

Bài đọc 1 trích từ sách các Vua quyển thứ nhất, kể về cuộc ra đi của tiên tri Êlia, ông đã đối diện với một cuộc chiến tôn giáo giữa các sư sãi của tôn giáo ngoại bang, do hoàng hậu nhà vua bảo trợ, để rồi trong sự quan phòng của Thiên Chúa, ông đã chiến thắng trong niềm tin, đã giữ vững những giá trị tôn giáo của tổ tiên để lại, dù phải chấp nhận sự thật phũ phàng là sự sống bị đe dọa: “Trong những ngày ấy, khi Êlia đã lên núi Horeb của Thiên Chúa, ông trú ẩn trong một cái hang... Có lời Chúa phán cùng ông rằng: "Hãy ra đứng trên núi trước tôn nhan Chúa". Bỗng Chúa đi qua; có một cơn gió mạnh xé núi non và nghiền nát đá trước mặt Chúa; nhưng Chúa không ở trong gió bão. Sau trận gió bão thì đất động; Chúa cũng không ở trong cơn động đất. Sau cơn động đất thì có lửa; nhưng Chúa cũng không ở trong lửa. Sau lửa thì có tiếng gió hiu hiu. Vừa nghe thấy, Êlia liền lấy áo choàng che mặt lại, đi ra đứng ở cửa hang”. Không thỏa hiệp với những giá trị của các tôn giáo ngoại bang, ông quyết tâm bảo vệ niềm tin truyền thống của các tổ phụ để lại, chấp nhận hy sinh và đau khổ, để chọn một Thiên Chúa là chủ tể cuộc đời con người. Chạy trốn trong vô vọng, nhưng ông vẫn không cô đơn bởi luôn có Thiên Chúa bên cạnh trong cuộc đời.

Đọc lại lá thư của thánh Phaolo gởi con cái thành Roma, cảm giác bồi hồi xúc động luôn ngập tràn bởi thánh nhân, luôn mong cho con cái mình không bao giờ mất đi nhưng cơ hội vàng, đó là được trong sự chăm sóc của Thiên Chúa: “Chính tôi đã ao ước được loại khỏi Ðức Kitô vì phần ích anh em của tôi, là những thân nhân của tôi về phần xác. Họ đều là người Israel, họ được quyền làm nghĩa tử, được vinh quang, giao ước, lề luật, việc phượng tự và lời hứa: các tổ phụ cũng là của họ, và bởi các đấng ấy mà Ðức Kitô sinh ra phần xác, Người là Thiên Chúa trên hết mọi sự, đáng chúc tụng muôn đời. Amen”. Cách nói của thánh Phaolo làm nổi bật sự quyết tâm cao độ của ngài, dù chính ngài có phải bị loại khỏi vòng tay của Thiên Chúa, mà con cái của ngài được bình an và hạnh phúc, thì ngài sẵn sàng chấp nhận tất cả. Dám ra khỏi sự an toàn hiện tại, dám đi trên mặt nước của dư luận và dám nắm lấy bàn tay Thiên Chúa, con người mới thấy được niềm vinh dự của chính mình trước mặt Thiên Chúa.

Được ngụp lặn trong niềm vui trải nghiệm những chiếc bánh và những con cá từ trời ban, đám đông reo hò trong vui sướng, đồng thời, họ còn tôn vinh Đức Giesu là vua nữa. Ước gì ông ấy là vua thì con dân trong vương quốc của ông, sẽ sống trong niềm vui bất tận với những bữa ăn đặc biệt, đâu còn phải vất vả cơm áo gạo tiền nữa. Cùng với đám đông, các học trò của Ngài cũng ăn theo, hơn nữa, họ còn mong được làm quan này quan nọ trong vương quốc đó, để hưởng bổng lộc của nhà vua. Đức Giesu không để cho họ ở trong tình trạng đó, Ngài kéo các học trò ra, bắt vượt biển trong đêm sang bên kia, còn đám đông thì Ngài giải tán, trở về với thực tại cuộc sống, không cho ở trong tình trạng an toàn nữa: “Khi dân chúng đã ăn no, lập tức Chúa Giêsu giục môn đệ trở xuống thuyền mà qua bờ bên kia trước, trong lúc Người giải tán dân chúng. Giải tán họ xong, Người lên núi cầu nguyện một mình. Ðến chiều, Người vẫn ở đó một mình. Còn thuyền thì đã ra giữa biển, bị sóng đánh chập chờn vì ngược gió”. Sự an toàn về cái ăn cái mặc mà đám đông chờ đợi từ Đức Giesu, có giúp họ có được bình an đích thực không, hay chỉ là phút giây tạm thời. Chạy theo văn hóa đám đông của các Tông đồ, có giúp họ sống ơn gọi của mình cách đúng đắn như Thầy mong ước không ? cả hai ước mơ đó chắc chỉ là ảo tưởng và nông nỗi nhất thời, còn ý định của Thầy là gì, chắc chúng ta cần sự hướng dẫn của Thánh Thần, đó mới là niềm vui đích thực.

Quá bất ngờ khi vừa được dạy dỗ, vừa được ăn bánh no nê, làm sao họ không giơ tay cao, hô to để tôn vinh một con người cho họ những thứ đang cần, là lương thực nuôi thể lý và tinh thần. Niềm vui đó chắc chắn sẽ dâng cao khi có Thiên Chúa bên cạnh, thế nhưng, cuộc sống ngày một đủ đầy, phương tiện cuộc sống dồi dào, đáp ứng mọi nhu cầu và khát mong của đám đông, liệu rằng, lúc đó Thiên Chúa có còn là điểm tựa cho cuộc đời mỗi người nữa không, sự hiện diện của Con Thiên Chúa làm người là một món quà tinh thần và cũng là một thứ lương thực trường tồn cho con người mà người Cha nhân lành đã ban tặng, nhưng thử hỏi, khi mọi thứ đầy đủ cho nhu cầu, khi mọi thứ đáp ứng những khát vọng cuộc đời, món quà đó còn được nâng niu, trân trọng và đón nhận, hay chỉ là đồ thừa cần loại bỏ ngay và liền.

Thiên Chúa Cha đã vứt người Con duy nhất của mình vào biển thế gian, để người Con đó lướt đi trên mặt nước của tội lỗi và sự chết, rồi người Con đó cũng vứt các học trò của mình vào biển cả trong đêm tối, dẫu biết các ông yếu đuối mong manh. Đó là một phương cách giúp con người cố gắng vươn lên, cố gắng bước đi trên mặt nước dù yếu đuối gần chìm, hơn nữa, biết kiếm tìm Thiên Chúa khi sắp thất bại. Biển đời hôm nay không thiếu những cạm bẩy, không thiếu những hố sâu tử thần, người tín hữu có tin chắc mình luôn vững bước tiến lên, luôn mạnh mẽ trước sóng gió, để có thể đi trên mặt nước của một thế giới đầy hấp lực của tội lỗi và sự sa ngã. Dù Thiên Chúa vứt các môn đệ vào giữa biển trong đêm, nhưng Ngài đã chủ động đến với họ, đã song hành với họ trong lặng lẽ, chỉ khi họ kêu đến Ngài, Ngài đưa tay cho họ nắm, kéo họ ra khỏi sự mong manh của phận người, giúp họ tới bến bờ bình an.

Thiên Chúa yêu con người đến nỗi đã ban Con của Ngài, để ai nghe lời con của Ngài thì được sống, được cứu độ. Ơn cứu độ đó không phải là sự an toàn trong mọi nhu cầu hiện tại của cuộc sống, ơn cứu độ đó cũng không phải là sự an toàn trong biển cả trần gian, nhưng ơn cứu độ đó sẽ đến khi con người dám chấp nhận đi ra khỏi vùng đệm an toàn, khi dám can đảm đối diện với những khó khăn, những thách đố trong mọi hoàn cảnh, chính giá trị của sự chiến thắng trong cuộc chiến nội tâm, sẽ giúp con người tìm gặp Thiên Chúa. Phê-rô đã cố gắng để đi trên mặt nước đến với Thầy khi Thầy cho phép, thế mà niềm tin của ông chưa đủ lớn, ông vẫn ngã nhào, vẫn chìm dần trong sự giận dữ của biển cả, đến nỗi Thầy phải đưa tay kéo lên. Tự phụ và tự mãn với sự thành công của bản thân, hay chạy theo văn hóa đám đông, vô hình đã loại trừ Thiên Chúa ra khỏi cuộc đời, trong hành trình đức tin của những con người như thế, sẽ không còn dấu chân của Thiên Chúa, trong trái tim của họ, sẽ không còn một chỗ nhỏ bé cho Ngài ở lại và sưởi ấm cuộc đời.

Lạy Chúa, không thiếu những lúc chúng con đã chọn sự an toàn cho cuộc đời, đã chọn sự phụ thuộc để được che chở, được nuôi dưỡng, không dám đứng trên đôi chân của mình, xin Chúa giúp chúng con can đảm hơn trong lý trí và ý chí, để biết chấp nhận ra khỏi vùng an toàn, tôi luyện niềm tin và con người của mình. Chúa đã đến với các học trò trong đêm tối, giữa lòng biển cả, và hôm nay, những dấu chân của Ngài vẫn ẩn hiện đâu đó bên đời chúng con, xin cho chúng con một đôi mắt sáng, một trái tim nhạy bén, để nhận ra sự quan phòng và gần gũi của Ngài bên dòng đời mỗi người. Amen.

Lm. Phêrô Trần Bảo Ninh

Read 171 times Last modified on Thứ bảy, 12 Tháng 8 2023 04:52