Get Adobe Flash player

Tìm Kiếm

Đăng nhập

Thứ bảy, 13 Tháng 7 2024 08:45

Chính Thiên Chúa đã bắt lấy tôi

Posted by 
Rate this item
(0 votes)
 “CHÍNH THIÊN CHÚA Đà BẮT LẤY TÔI” (Am 7,15) | Suy Niệm Tin Mừng Chúa Nhật XV, Thường Niên, Năm B


TMĐP- Con đường ơn gọi của mỗi người không giống nhau, vì Thiên Chúa kêu gọi người Ngài muốn, khi Ngài muốn, như Ngài muốn, cho công việc Ngài muốn, mà không lệ thuộc bất cứ ai, hay chịu áp lực của bất cứ quyền bính nào.

Khi ngôn sứ Amốt, người thuộc vương quốc Giuđa bị ông Amátgia, tư tế đền thờ Bết Ên tra vấn về việc ông nói tiên tri và cấm ông không được nói tiên tri trên đất Ítraen nữa, “vì đây là thánh điện của quân vương, đây là đền thờ của vương triều”, thì Amốt đã điềm tĩnh trả lời ông Amátgia: “Tôi không phải là ngôn sứ, cũng không phải là người thuộc nhóm ngôn sứ. Chính Đức Chúa đã bắt lấy tôi khi tôi đi theo sau đàn vật và Đức Chúa truyền cho tôi: “Hãy đi tuyên sấm cho nhà Ítraen dân Ta” (Am 7,14-15).

Trong Tân Ước, ơn gọi làm tông đồ của Saolô, sau này đổi thành Phaolô và được mệnh danh là Tông Đồ Dân Ngoại cũng không kém lạ lùng. Ông không thuộc Nhóm Mười Hai, cũng không ủng hộ những người đi theo Đức Giêsu, trái lại, ông là người hăng say tiêu diệt các môn đệ Chúa đến nỗi tự nguyện “xin thư giới thiệu đến các hội đường ở Đamát, để nếu thấy những người theo Đạo, bất luận đàn ông hay đàn bà, thì bắt trói giải về Giêrusalem” (Cv 9,1-2). Thế nhưng, chính Chúa lại phán với Khanania, người được Chúa ủy thác giúp đỡ, hướng dẫn Saolô sau khi ông ngã ngựa và bị mù cả hai mắt, vì ông này ngần ngại không muốn đi tìm Saolô, khi nghe “lắm kẻ nói về người ấy, về tất cả những điều ác người ấy đã làm cho dân thánh Chúa ở Giêrusalem.”: “Cứ đi, vì người ấy là lợi khí Ta chọn để mang danh Ta đến trước mặt các dân ngoại, các vua chúa và con cái Ítraen” (Cv 9,13-15).

Tin Mừng Máccô thì cho chúng ta thấy chính Đức Giêsu đích thân gọi Nhóm Mười Hai Tông Đồ, và sai họ đi rao giảng Tin Mừng từng hai người một, với “quyền trừ quỷ” (Mc 6,7). “Các ông trừ được nhiều quỷ, xức dầu cho nhiều người đau ốm và chữa họ khỏi bệnh” (Mc 6, 13).

Qua ba trường hợp trên, chúng ta thấy con đường ơn gọi của mỗi người không giống nhau, vì Thiên Chúa kêu gọi người Ngài muốn, khi Ngài muốn, như Ngài muốn, cho công việc Ngài muốn, mà không lệ thuộc bất cứ ai, hay chịu áp lực của bất cứ quyền bính nào.

Nếu Mười Hai Tông Đồ đã được Đức Giêsu đích thân kêu gọi khi ngỏ lời : “Hãy theo Ta”, và âu yếm đặt tên, gọi tên từng người trong các ông (x. Mc 3,13-19), thì Phaolô, vị Tông Đồ Dân Ngoại đã chỉ được kêu gọi qua tiếng hạch hỏi khi ông ngã ngựa : “Saun, Saun, tại sao ngươi bắt bớ Ta ?” (Cv 9,4) cũng như Amốt đã được Đức Chúa gọi đi tuyên sấm cho nhà Ítraen, mặc dù ông không phải là ngôn sứ, cũng chẳng phải là người thuộc nhóm ngôn sứ như chính ông đã quả quyết thừa nhận (x. Am 7, 14).

Tuy vậy, tất cả các ơn gọi đều giống nhau ở ba điểm:

1. Là Tiếng Gọi của Thiên Chúa:

Khi chính Thiên Chúa lên tiếng, như Đức Giêsu đã lên tiếng gọi Mười Hai Tông Đồ: “Hãy theo Ta!”; như cuộc đối thoại giữa “Tiếng của Đức Giêsu” và Saun: “Saun, Saun, tại sao ngươi bắt bớ Ta ? “. Saun nói: “Thưa Ngài, Ngài là ai ?” Người đáp: “Ta là Giêsu mà ngươi đang bắt bớ”; và như “Đức Chúa đã truyền” cho Amốt: “Hãy đi tuyên sấm..” (Am 7,15).

2. Thiên Chúa kêu gọi người Ngài muốn cho một sứ vụ cụ thể, chính xác:

Amốt được Đức Chúa gọi “đi tuyên sấm cho nhà Ítraen”, dân của Ngài; các Tông Đồ được Đức Giêsu gọi để làm thợ lưới người, như Ngài khẳng định: “Các anh hãy theo tôi, tôi sẽ làm cho các anh thành những kẻ lưới người như lưới cá” (Mt 4,19); Saun, tức Phaolô được gọi để “mang danh Ta đến trước mặt các dân ngoại, các vua chúa và con cái Ítraen” (Cv 9, 15). Tiếng Gọi ấy còn củng cố niềm tin của Saun khi phán với ông: “Ngươi hãy đứng dậy, vào thành và người ta sẽ nói cho ngươi biết ngươi phải làm gì.” (Cv 9,4-6)

3. Chính Ngài bắt lấy người Ngài kêu gọi:

Tất cả những con người được Thiên Chúa kêu gọi đều được Ngài bắt lấy, và không ai chống lại được sức mạnh của tình yêu Ngài, như tâm sự của ngôn sứ Giêrêmia: “Lạy Đức Chúa, Ngài đã quyến rũ con, và con đã để cho Ngài quyến rũ. Ngài mạnh hơn con, và Ngài đã thắng” (Gr 20,7).

Sau cùng, trong thư gửi giáo đoàn Êphêxô, thánh Phaolô đã dùng động từ “chọn” thay vì “gọi”, và đối tượng được Thiên Chúa chọn là tất cả chúng ta khi thánh nhân quả quyết: “Trong Đức Kitô, Người đã chọn chúng ta trước cả khi tạo thành vũ trụ… Theo ý muốn và lòng nhân ái của Người, Người đã tiền định cho chúng ta làm nghĩa tử nhờ Đức Giêsu Kitô” (Ep 1, 4-5)

Tóm lại, tuy mỗi người được kêu gọi cho một sứ vụ khác nhau để phục vụ Thân Thể mầu nhiệm Đức Kitô là Hội Thánh, nhưng đồng thời, tất cả chúng ta đều được Thiên Chúa chọn “để trở nên tinh tuyền thánh thiện nhờ tình thương của Người” để trở nên nghĩa tử của Thiên Chúa nhờ Đức Giêsu Kitô.

Do đó, bên cạnh những ơn gọi khác nhau cho những sứ vụ khác nhau, chúng ta cùng được tuyển chọn cho một tình trạng chung, đó là được làm con Thiên Chúa, nhờ Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta.

Jorathe Nắng Tím

Read 112 times Last modified on Thứ bảy, 13 Tháng 7 2024 18:20