Thứ Hai tuần 3 mùa Vọng - Chất vấn về quyền (Mt 21,23-27)
“Ông lấy quyền nào
mà làm các điều ấy ?
Ai đã cho ông quyền ấy ?”
(Mt 21,23)
Lấy quyền ai? (Mt 21,23-27)
- Chúng ta biết Đức Giêsu là cái gai trước mắt các nhà lãnh đạo Do thái, họ quyết không chịu đội trời chung với Ngài. Họ căm ghét và tìm cách giết Ngài. Nhưng họ chưa dám cương quyết thi hành vì sợ dân chúng. Trong lúc chờ cơ hội, họ tìm đến mở cuộc khẩu chiến với Ngài. Họ mong kiếm tìm được lời gì có thể buộc tội hay ít ra làm cho Ngài mất ảnh hưởng và dân chúng bớt ngưỡng mộ Ngài.
- Hôm đó, Đức Giêsu vào Đền thờ Giêrusalem và thanh tẩy Đền thờ “khi đánh đuổi bọn buôn bán cùng với bò lừa ra khỏi khu vực Đền thờ” (Mt 21,12). Các thượng tế, luật sĩ và kỳ mục họp bàn với nhau để chủ ý ghép Đức Giêsu vào tội “lộng quyền” nhằm giết Ngài. Họ bàn bạc, sắp xếp và quyết định đưa ra một câu hỏi để chất vấn Đức Giêsu: “Ông lấy quyền nào mà làm điều ấy?” Họ cố ý dùng câu trả lời của Đức Giêsu để kết tội Ngài. Đây là một câu hỏi không thành tâm muốn biết quyền năng của Chúa để tin Ngài nhưng thực ra lại mang một ý đồ xấu.
- Đức Giêsu không trả lời trực tiếp câu hỏi của họ, nhưng thay vì trả lời, Đức Giêsu đặt ngược lại cho họ một câu hỏi về phép rửa của Gioan Tẩy giả: “Tôi cũng hỏi các ông một điều. Nếu các ông trả lời cho tôi, thì tôi sẽ nói cho các ông biết tôi lấy quyền nào mà làm các điều đó. – Phép rửa của Gioan bởi đâu mà có? Bởi trời hay bởi người ta?” Đây không phải là Đức Giêsu né tránh vấn đề, Người chỉ muốn đặt vấn đề vào đúng vị trí về sứ mệnh của Gioan Tẩy giả, vì Gioan có thông dự vào vào việc loan báo vương quyền Thiên Chúa. Như thế nói về Gioan tức là nói về Đức Giêsu. Người đặt câu hỏi như vậy khiến những người hạch hỏi Chúa rơi vào tình trạng tiến thoái lưỡng nan.
- Nhưng kẻ đặt câu hỏi với Đức Giêsu biết rõ rằng: toàn dân đã xác tín Gioan là một tiên tri được Chúa sai đến, cho nên phép rửa của Gioan là bởi trời. Họ cũng biết chắc Ngài sẽ trách họ: “Nếu các ông đã biết bởi trời, tại sao các ông không tin Gioan?” Còn nếu trả lời rằng của Gioan là bởi người ta, thì họ lại sợ dân chúng ném đá... Cho nên, họ trả lời Đức Giêsu: “Chúng tôi không được biết”.
- Sở dĩ các thượng tế và kỳ lão không nhận bằng chứng của Gioan, cũng không tin Đức Giêsu là Thiên Chúa là vì họ có thành kiến, kiêu ngạo, họ cho rằng họ biết hết, kỳ thực họ chẳng biết gì. Họ chỉ nhìn Gioan Tẩy giả và Đức Giêsu theo định kiến thiển cận thấp hèn của họ. Muốn nhận biết Chúa, phải gạt bỏ mọi thành kiến.
Một vị giảng thuyết được mời đến một nhà thờ nọ. Ông được báo trước rằng một số giáo dân thường bỏ về trước khi bài giảng kết thúc. Bắt đầu giảng, ông loan báo: “Sáng nay, tôi sẽ nói với hai hạng người: trước tiên nói với người tội lỗi, và sau đó với những người thánh thiện”.
Ông diễn thuyết cho “những người tội lỗi” được một lát, rồi ông nói họ: “Bây giờ các bạn có thể ra về”. Thế nhưng hôm đó, mọi người ở lại cho đến kết thúc bài giảng.
Thính giả như người biệt phái và luật sĩ.....
- Trước câu hỏi này của Đức Giêsu, các thượng tế và kỳ mục đã nói “Chúng tôi không biết”. Đó không phải là trả lời mà cách nói tránh né sự thật. Họ dư biết phép rửa của Gioan là bởi trời, nhưng sợ phải nhìn nhận Đức Giêsu là Đấng Cứu Thế, nên họ không dám đối diện với sự thật; vì một khi nhìn nhận vai trò của Gioan Tẩy giả, mà Gioan Tẩy giả là người giới thiệu Đức Giêsu, thì họ cũng phải nhìn nhận vai trò cứu thế của Đức Giêsu như Gioan loan báo. Nếu đón nhận sự thật đó, hệ quả là các ông phải thay đổi tất cả: từ não trạng, niềm tin, đến nếp sống. Vì không muốn hoán cải nên họ đã quanh co, tránh né sự thật mà nói: “Chúng tôi không biết” (5 phút Lời Chúa).
- Truyện: Kẻ cắp gặp bà già
Thời Xuân Thu chiến quốc có kể câu chuyện về vài cách ứng đối của Án Tử như sau:
Nghe tin Án Tử sắp sang nước Sở. Vua Sở bảo quần thần rằng: “Án Tử là người có tài ăn nói của nước Tề sắp sang đây. Ta muốn làm cho hắn bị nhục, các ngươi có kế gì không?” Cận thần thưa: “Để bao giờ Án Tử sang, chúng tôi sẽ trói một người nước Tề và cho là phạm tội ăn trộm”.
Khi Án Tử đến nơi, vua Sở cho thiết tiệc khoản đãi. Đang giữa bữa tiệc, bỗng có hai tên lính điệu một người bị trói vào, vua Sở hỏi: “Tên này tội gì mà bị trói thế?” Họ đáp: “Đó là một người nước Tề, phạm tội ăn trộm”. Vua đưa mắt nhìn Án Tử và nói: “Người nước Tề hay trộm cắp lắm nhỉ?”
Án Tử đứng dậy bèn thưa: “Chúng tôi trộm nghe cây quất mọc ở đất Hoài Nam thì là quất ngọt, nhưng đem sang trồng ở đất Hoài Bắc lại thành quất chua. Cành lá giống nhau, mà quả lại chua, ngọt khác nhau là tại sao? Thưa là tại thuỷ thổ khác nhau. Nay người dân ở bên Tề thì lương thiện, mà sang nước Sở lại sinh ra trộm đạo, có lẽ cũng bởi thuỷ thổ nên sinh ra đổi khác chăng?”
Qua câu chuyện này chúng ta có thể rút ra bài học: Chúa muốn dạy ta hãy cố gắng mà đối xử tốt với nhau, đừng lấy lời nói cay đắng, độc ác mà làm trò đùa châm chích ai bao giờ. Hơn nữa, ta cũng phải cố gắng mà sống theo lẽ phải. Bởi chỉ có con đường đó thì lương tâm ta mới được vui tươi và nếu cố sống như thế ta mới được Chúa chúc phúc.
(Lm. Giuse Đinh Lập Liễm)