Chết sẽ về đâu? (Suy niệm Chúa nhật tuần 5 mùa Phục Sinh năm A )
Posted by Ban Biên Tập
Cái chết là điều mà ai cũng ngại khi phải nhắc đến. Thế nhưng, cái chết nó là một phần của cuộc sống. Cái chết đã bám vài kiếp người chúng ta. Nó là định luật tất yếu của đời người.
Nhà thơ Du Tử Lê, khi phải ngồi đối diện với quan tài của người mẹ thân yêu đã suốt đời khổ nhục mà nay sắp tan vào bụi đất. Ông đã trăn trở với vấn nạn thẳm sâu nhất của một đời người: Chết rồi sẽ đi đâu? Ông đã ta thán rằng:
Chưa bao giờ tôi thấy,
tại sao kiếp người lại có thể vô nghĩa đến thế.
Người ta nói, chết là về nhà
Thế nhưng, ngôi nhà nào đây?
Trên mặt đất hay sâu lòng địa ngục?
Và rồi, Vũ Khắc Khoan trong tác phẩm "Đọc Kinh" đã khắc khoải nói lên: "Cái đó, cái mà cho đến hôm nay, chưa một vị thiện-trí-thức, chưa một vị bồ tát nào mô tả được hình tượng, xác định được thể chất, cái đó có thể giản dị như mưa và nắng, hiện hữu rất tự nhiên -mặt trời lại mọc lúc đêm tàn- nhưng cũng lại có thể vô cùng phức tạp, ẩn hiện vô lường, vô lượng danh hiệu... Những nửa khuya tỉnh giấc, cái đó - chính nó- đôi khi vẫn thấp thoáng trong tôi, hóa trang thành những lời tra vấn trớ trêu, những tại sao ray rứt, lãng đãng quanh tôi, tưởng như dễ dàng nắm bắt, bỗng lại xa vời, nhòa dần, biến hẳn tuyệt mù."
Và Vũ Khắc Khoan đã khơi dậy câu hỏi ngàn đời nay trở thành câu hỏi chính mình: "Cõi đó, lạ lạ quen quen. Cõi đó hằng đêm. Cõi đó, riêng tôi. Một mình."
Muốn lý luận gì thì lý luận, nhưng đứng trước quan tài của một người thương yêu, mình mới thấy thấm thía. Thân xác đẹp đẽ có quấn quít mấy rồi cũng trở về cát bụi. Cái gì còn lại? Vợ chồng dù có trở thành một xương một thịt, rồi cũng đến một lúc thấy chẳng phải vậy khi một trong hai phải bước đi lên xe tang mà bay vào cõi vĩnh hằng. Một mình.
Ai mà chẳng có một lần ra đi. Sinh ký tử qui: sống gửi thác về. Nhưng về đâu, quê nào, nhà nào, thì vẫn là một câu hỏi khúc mắc nhất. Cõi lớn nào ? Ngàn Xưa nào? Đó là một niềm tin hay một ảo tưởng? Phải chăng đó là cảm nghiệm mà nhà thơ Hàn mạc Tử đã từng thốt lên:
Sáng vô cùng, sáng láng cả mọi miền
Không u ám như cõi lòng ma quỉ
Vì có Đấng Hằng Sống hằng ngự trị
Nhạc thiêng liêng dồn trổi khắp hư linh.
Đúng là đứng trước cái chết, con người mới thấy niềm tin quan trọng tới cỡ nào ! Niềm tin sống gửi thác về gắn liền với sinh mệnh đời mình. Vì thế mà nhiều người lớn tuổi thản nhiên mua trước cỗ quan tài để sẵn trong nhà, như sắm sẵn một chiếc xe để đi về quê mẹ sau những chiều chiều ra đứng ngõ sau vọng nhìn canh cánh ruột đau chín chiều.
Niềm tin ky-tô giáo dựa vào biến cố Phục sinh của Chúa Ky-tô. Cái chết của Chúa Giê-su là mở đầu cho một cuộc khải hoàn vào thiên quốc. Ngài về cùng Chúa Cha. Về nơi mà Ngài đã ra đi. Về chung hưởng vinh phúc với Chúa Cha trên trời. Ngài cũng khơi lên niềm hy vọng cho kiếp người chúng ta, vì trong nhà Cha trên trời luôn có một chỗ cho chúng ta. Chính Ngài đã đi trước để dọn chỗ cho chúng ta, và Ngài ở đâu thì chúng ta cũng ở đó với Ngài.
Cuộc khải hoàn vinh thắng của Ngài là về Trời để Chúa Cha tôn vinh Ngài. Ngài đã tôn vinh Chúa Cha trong cuộc sống dương gian và hôm nay Chúa Cha lại tôn vinh Ngài trong vương quốc trường sinh.
Là người ky tô hữu, chúng ta được mời gọi bước theo con đường Chúa Giê-su đã đi. Đó là con đường đi tìm thánh ý Chúa và thực thi đến hơi thở cuối cùng. Đó không phải là con đường trải thảm rộng thênh thang mà là con đường hẹp, đòi hy sinh và từ bỏ. Đó là con đường của tình yêu, tận hiến và hy sinh như Thầy Chí Thánh Giê-su. Và như thế, đó chính là con đường duy nhất để chúng ta tiến vào nhà Cha, nơi đó, Chúa đã đi trước để dọn chỗ cho chúng ta.
Nguyện xin Chúa Giê-su Phục Sinh chỉ đường dẫn lối để chúng ta luôn tiến bước về nhà Cha trong an bình và thanh thoát với những bận rộn của cuộc sống bon chen hôm nay. Amen
Lm.Jos Tạ duy Tuyền