“Chúng con cậy vì danh Chúa nhân từ ...” phải chăng là câu cửa miệng của chúng ta mỗi khi đứng trước linh cửu của người thân vừa qua đời hay trong những dịp kinh hạt cầu hồn. Như vậy, ai ai cũng nại vào lòng nhân từ của Chúa cả.
Thật vậy, con người, vốn là phàm nhân thì không ai tránh khỏi những làm lỗi trót phạm trong cuộc đời. Cuối cùng, chỉ còn dựa vào lòng nhân từ của Chúa để con người được thanh thoát hưởng Nhan Thánh Chúa.
Thực tế trong cuộc đời, con người dễ rơi vào tình trạng sống 2 mặt. Trước mặt Chúa thì ta lại xin lòng nhân từ của Chúa, còn với tha nhân, con người hay có thái độ bất nhân hay không có lòng nhân từ với anh chị em đồng loại của chúng ta.
Chắc có lẽ nhiều người không thể nào quên được ví dụ minh họa hết sức ý nghĩa mà Chúa dạy cho con người về lòng nhân từ.
Câu chuyện hết sức quen thuộc đó là :
“Nước Trời cũng giống như chuyện một ông vua kia muốn đòi các đầy tớ của mình thanh toán sổ sách. Khi nhà vua vừa bắt đầu, thì người ta dẫn đến một kẻ mắc nợ vua mười ngàn nén vàng. Y không có gì để trả, nên tôn chủ ra lệnh bán y cùng tất cả vợ con tài sản mà trả nợ.
Bấy giờ, tên đầy tớ ấy sấp mình xuống bái lạy: "Thưa Ngài, xin rộng lòng hoãn lại cho tôi, tôi sẽ lo trả hết". Tôn chủ của tên đầy tớ ấy liền chạnh lòng thương, cho y về và tha luôn món nợ. Nhưng vừa ra đến ngoài, tên đầy tớ ấy gặp một người đồng bạn, mắc nợ y một trăm quan tiền. Y liền túm lấy, bóp cổ mà bảo: "Trả nợ cho tao!"
Bấy giờ, người đồng bạn sấp mình xuống năn nỉ: "Thưa anh, xin rộng lòng hoãn lại cho tôi, tôi sẽ lo trả anh". Nhưng y không chịu, cứ tống anh ta vào ngục cho đến khi trả xong nợ. Thấy sự việc xảy ra như vậy, các đồng bạn của y buồn lắm, mới đi trình bày với tôn chủ đầu đuôi câu chuyện.
Bấy giờ, tôn chủ cho đòi y đến và bảo: "Tên đầy tớ độc ác kia, ta đã tha hết số nợ ấy cho ngươi, vì ngươi đã van xin ta, thì đến lượt ngươi, ngươi không phải thương xót đồng bạn, như chính ta đã thương xót ngươi sao?" Rồi tôn chủ nổi cơn thịnh nộ, trao y cho lính hành hạ, cho đến ngày y trả hết nợ cho ông.
Ấy vậy, Cha của Thầy ở trên trời cũng sẽ đối xử với anh em như thế, nếu mỗi người trong anh em không hết lòng tha thứ cho anh em mình".
Câu chuyện quen quá đi chứ ! Và không khéo trong cách hành xử ta lại rơi vào cái vết xe đổ của tên đầy tớ độc ác là không nhân từ với người đồng loại trong khi ông chủ đã cho về cũng như tha luôn cả món nợ.
Thật bất công khi ta muốn Chúa nhân từ với ta, ngược lại ta lại khắt khe với anh chị em đồng loại của mình.
Trong cuộc sống, những ai bị người khác dán nhãn, bị người khác không xử với mình nhân từ sẽ cảm thấy bị tổn thương và đau đớn đến dường nào. Những người không có lòng nhân từ với anh chị em đồng loại của mình nghĩ sao về cung cách và thái độ sống của mình. Liệu rằng mình có công chính, mình có hoàn hảo hơn người khác để mình kết án và chà đạp người khác cũng như không nhân từ với người khác hay không ?
Những bài học thực tiễn của Thánh Kinh còn đó, những lời dạy tâm huyết của Thầy Chí Thánh Giêsu còn đây.
Tôi vẫn nhớ và vẫn thích tâm tình của Thánh Phaolô trong thư thứ 2 của Ngài gửi giáo đoàn Côrintô : “Anh em hãy dành cho chúng tôi một chỗ trong lòng anh em. Chúng tôi đã không làm hại ai, không làm cho ai phải sạt nghiệp, không bóc lột ai. Tôi nói thế không phải để lên án anh em, vì tôi đã từng nói: anh em hằng ở trong lòng chúng tôi, sống chết chúng tôi đều có nhau. Tôi rất tin tưởng anh em, tôi rất hãnh diện về anh em. Tâm hồn tôi chứa chan niềm an ủi và tràn ngập nỗi vui mừng trong mọi cơn gian nan khốn khó. (2 Cr 7, 2-5).
Hay lắm chứ : “Anh em hãy dành cho chúng tôi một chỗ trong lòng anh em !”. Tuyệt vời hơn nữa đó là : “Anh em hằng ở trong lòng chúng tôi, sống chết chúng tôi đều có nhau”.
Sống chết đều có nhau chứ không phải sống chết với nhau !
Thật vậy, sống chết có nhau và sống chết với nhau vẫn là tự do và chọn lựa của mỗi người.
Lời kinh quen thuộc chúng ta vẫn đọc : “Xin tha cho chúng con như chúng con cũng tha kẻ có nợ chúng con” nhắc nhớ chúng ta hằng ngày. Ta muốn Chúa tha thứ cho chúng ta thì chúng ta cũng phải tha thứ cho anh chị em đồng loại. Ta muốn Chúa nhân từ với chúng ta thì chúng ta phải nhân từ với anh chị em đồng loại của chúng ta.
Ước gì Lời Chúa như kim chỉ nam trong cuộc đời cũng như cách hành xử của chúng ta hăng ngày. Và ước gì chúng ta đừng bao giờ loại trừ nhau, đừng bao giờ kết án lẫn nhau. Khi và chỉ khi chúng ta nhân từ với anh chị em thì chúng ta mới hưởng lòng nhân từ của Chúa. Bằng không nếu như chúng ta bất nhân với anh chị em đồng loại thì chúng ta cũng sẽ được Chúa bất nhân vì lẽ Chúa mực công bằng và chí công.
Lm. Anmai, CSsR