Get Adobe Flash player

Tìm Kiếm

Đăng nhập

Thứ ba, 17 Tháng 1 2023 08:10

Con người cần thương xót hơn công lý

Posted by 
Rate this item
(0 votes)
  CON NGƯỜI CẦN THƯƠNG XÓT HƠN CÔNG LÝ

“Ngày Sabbat được tạo ra cho loài người”.

Một bà mẹ đến với Napoléon để cầu xin sự tha thứ cho con mình. Hoàng đế trả lời, “Con bà phạm tội đến hai lần và công lý của luật đòi hỏi cái chết!”. “Nhưng tôi không cầu xin công lý của luật; tôi cầu xin thương xót”. “Nhưng nó không đáng được thương xót!”. “Thưa ngài, sẽ không có lòng thương xót nếu con tôi xứng đáng với nó! Thương xót là tất cả những gì tôi xin!”. Vua nói, “Vậy thì, tôi sẽ thương xót!”. Ông tha cho con trai bà, vì ‘con người cần thương xót hơn công lý!’.

Kính thưa Anh Chị em,

“Sẽ không có lòng thương xót nếu con tôi xứng đáng với nó!”. Lý luận tuyệt vời của bà mẹ kia được chứng thực trong Tin Mừng hôm nay khi người biệt phái bắt bẻ các môn đệ Chúa Giêsu bứt lúa mà ăn trong ngày Sabbat. Ngài nói, “Sabbat được tạo ra cho loài người, chứ không phải loài người cho ngày Sabbat”; ý Ngài muốn nói, ‘Con người cần xót thương hơn công lý!’.

Nhân loại cần một Đấng Cứu Rỗi xót thương biết bao! Dân Chúa cần những nhà lãnh đạo xót thương biết bao! Vậy mà các biệt phái kinh sư thời Chúa Giêsu đã chôn sâu luật pháp của Thiên Chúa bên dưới lớp luật nhân tạo, đến nỗi những người đói không được phép bứt một gié lúa mà ăn trong ngày Sabbat. Thật ngớ ngẩn! Liệu Thiên Chúa có thực sự bị xúc phạm vì có người đưa tay bứt lúa mà ăn khi họ đang đói trong ngày Sabbat? Không đâu! Ngài không hề bị xúc phạm bởi một hành động như thế. Với các biệt phái, luật pháp đã trở thành mục đích vốn được ưu tiên hơn con người; ở đây, những người đang đói! Và chúng ta tự hỏi, làm thế nào dân Chúa có thể được dẫn dắt một cách an toàn trên con đường dẫn đến sự cứu rỗi mà không vướng vào gai góc của những nghi lễ sai lầm và những giới luật tuỳ tiện một cách vô vọng đến thế? Giới lãnh đạo tôn giáo đã quên rằng, ‘Con người cần xót thương hơn công lý!’.

Tại sao họ lại cư xử như thế? Câu trả lời thật rõ ràng, họ đã xa rời tình yêu và công lý vốn sẽ không bao giờ được phép tách rời nhau! Công lý mà không có tình yêu, sẽ chỉ giết chết; tình yêu mà không có công lý, sẽ chỉ mị dân! Các biệt phái chú tâm vào luật và coi thường công lý; họ chi tiết hoá luật và bất chấp tình yêu. Đường lối nệ luật này chỉ dẫn đến khép kín, ích kỷ và vong thân; dẫn đến chủ nghĩa vị kỷ, thành kiến và kiêu ngạo; dẫn đến việc coi sự thánh thiện là một cái gì hoàn toàn bên ngoài, điều họ gọi là ‘công chính!’. Thế mà, trái với họ, Chúa Giêsu dạy một đường lối hoàn toàn khác; đó là xót thương. Công lý của Ngài là tình yêu; con đường tình yêu dẫn đến công lý này, tất yếu, dẫn đến Thiên Chúa. Con đường khởi đi từ tình yêu của Ngài dẫn đến một sự hiểu biết, nhân ái và biết phân định; dẫn đến một sự viên mãn, thánh thiện và cứu rỗi; dẫn đến cuộc gặp gỡ với Thiên Chúa Tình Yêu, Cứu Độ và Xót Thương!

Anh Chị em,

“Ngày Sabbat được tạo ra cho loài người”. Không chỉ vậy, Con Thiên Chúa còn xuống thế cho loài người! Ngài chấp nhận “sinh làm con một người phụ nữ, sống dưới chế độ lề luật, để cứu chuộc những ai sống dưới lề luật”. Ngài đã chết vì luật con người, để con người khỏi bị ràng buộc bởi luật mà sống trong luật tự do của con cái Chúa. Luật của Chúa là luật yêu thương! Tác giả thư Do Thái hôm nay nói, “Thiên Chúa không thể nói dối được”. Là con cái Thiên Chúa, chúng ta sống luật tình yêu, luật thương xót, luật của Nước Trời. Napoléon, một con người, và dù chỉ là một ông vua trần thế, đã không nỡ xử với luật của loài người nhưng xử với lòng thương xót; ông ý thức ‘con người cần thương xót hơn công lý!’, phương chi Thiên Chúa, Đấng ban luật yêu thương, “luôn nhớ mãi giao ước đã lập ra” như lời Thánh Vịnh đáp ca hôm nay cho biết, Ngài sẽ xét xử con người theo lòng thương xót của Ngài; và như vậy, sẽ nhân ái hơn nhường nào!

Chúng ta có thể cầu nguyện,

“Lạy Chúa, cho con luôn xác tín, con không xứng đáng với lòng thương xót Chúa; nhờ đó, con mới ý thức rằng, anh chị em con, những ‘con người cần thương xót hơn công lý!’”, Amen.

(Lm. Minh Anh, Tgp. Huế)

Read 313 times Last modified on Thứ tư, 18 Tháng 1 2023 07:25