Mt 13, 24-43
Ai đã từng làm vườn, trồng rau, cấy lúa, đều thấy mình đã làm hết sức để cây rau, cây lúa lớn mạnh, tuy nhiên, nhiều khi nó vẫn còi cọc. Ngược lại, mình không trồng cỏ dại mà sao từ đâu chúng mọc lên rất mạnh, không cần chăm sóc. Có khi còn nhân giống nhiều cách như lan tới đâu bâm rễ tới đó, hoặc ra hoa, kết hạt, hạt khô rụng xuống mọc lên cây non khác.
Chắc hẳn có lúc chúng ta cũng phải hỏi như các gia nhân trong dụ ngôn cỏ lùng: Thưa ông, không phải ông đã gieo giống tốt trong ruộng ông sao? Thế thì có lùng ở đâu mà ra vậy? (Mt 13, 27). Đó là thực trạng của xã hội, cũng như của Giáo Hội: lẫn lộn cả người lành và kẻ dữ.
Người xưa nói: Nhân chi sơ, tính bản thiện. vậy thì từ đâu có kẻ dữ?Ông chủ trả lời: Kẻ thù đã làm đó. (Mt,13,28). Giáo lý công giáo dạy chúng ta rằng ba thù của chúng ta là ma quỷ, xác thịt, thế gian. Chính khi chúng ta không cảnh giác, thì ba thù này đã gieo sự dữ vào tâm hồn chúng ta.
Cỏ lùng là con cái Ác Thần.(Mt 13,38).
Cỏ lùng là mọi kẻ làm gương mù gương xấu, mọi kẻ làm điều gian ác. (Mt 13,41).
Như vậy Ba thù đã biến người lương thiện thành cỏ lùng, khi nó cám dỗ, lôi kéo, làm người ta sa ngã, rồi thành tay sai của nó, để đi hại người khác.
Với những người không thuận theo Thiên Chúa, nhiều khi, chúng ta cũng giống Gia cô bê và Gioan, xin Chúa phạt họ: Thưa Thầy, Thầy có muốn chúng con khiến lửa từ trời xuống thiêu hủy chúng nó không? ( Lc, 9,54).
Với những người thủ ác, người ta cũng thường muốn thẳng tay trừng trị.
Trong vụ án Nguyễn Võ Quỳnh Trang và Nguyễn Kim Trung Thái hành hạ cháu bé 8 tuổi đến tử vong, dư luận sôi sục nhất định đòi kết án tử hình cả hai người.[Mặc dù hằng giây, hằng phút đều có các thai nhi bị giết. Cha Giuse Nguyễn Văn Tịch và các cộng sự viên, hàng tháng dâng lễ cầu nguyện và chôn cất khoảng 1.000 thai nhi trong vùng Hố Nai, Biên Hòa].
Trước các đại án lợi dụng chức quyền hay tham ô, tham nhũng, nhiều người cương quyết đòi phải xử nặng, thậm chí xử tử hết các quan tham.
Cũng như các đầy tớ trong dụ ngôn, chúng ta muốn nhổ ngay tất cả cỏ lùng. Chúng ta muốn thửa ruộng chỉ gồm có lúa tốt. Chúng ta muốn thế giới và Giáo Hội chỉ gồm những người tốt, người thánh thiện. Chúng ta muốn nhổ ngay mọi thứ xấu xa, vì biết cỏ lùng làm hại lúa, kẻ ác làm hại người thiện.
Nhưng hành động của ông chủ lại hoàn toàn khác xa, Ông nghĩ cứ để cả hai cùng lớn lên cho đến mùa gặt, cũng không muộn : Đừng, sợ rằng khi gom cỏ lùng, các anh làm bật luôn rễ lúa. Cứ để cả hai cùng lớn lên cho tới mùa gặt.(Mt 13,29-30).
Ông chủ để cho cỏ mọc chung với lúa. Thiên Chúa muốn con cái của Nước Trời phải sống chung với con cái của Ác Thần: Trong xã hội cũng như trong Giáo Hội, luôn có những người tốt và những người xấu. Thiên Chúa chấp nhận tình trạng vàng thau lẫn lộn.
Người yêu thương tất cả. Người cho mặt trời của Người mọc lên soi sáng kẻ xấu cũng như người tốt, và cho mưa xuống trên người công chính cũng như kẻ bất chính.(Mt 5,45).
Chúa là Đấng từ bi nhân hậu,
Người chậm giận và giàu tình thương,
chẳng trách cứ luôn luôn,
không oán hờn mãi mãi.
Người không cứ tội ta mà xét xử,
không trả báo ta xứng với lỗi lầm. (Tv 103, 8-10 ).
Lòng nhân ái của Thiên Chúa được minh chứng suốt bề dày của lịch sử Cựu ước, cũng là lịch sử nhân loại. Đã nhiều lần Do Thái phạm tội, nhưng Thiên Chúa luôn xót thương và tha thứ.
Ôi lạy Chúa, nếu như Ngài chấp tội,
nào có ai đứng vững được chăng? (Tv,130, 3).
Nếu Thiên Chúa phạt ngay tại chỗ, thì làm sao chúng ta có những đại thánh như Phêrô, Phao lô , Ma đa lê na, hay Augustino…?
Các bị can, sau khi nghe tuyên án, nhất là án tử hình, đều khóc lóc, xin giảm án để có thời giờ sửa sai. Tòa án thế gian không cho phạm nhân cơ hội làm lại cuộc đời. Nhưng Thiên Chúa lại luôn ban cho các tội nhân một dịp may để họ sám hối, ăn năn, trở về.
Thiên Chúa vẫn cho họ thời gian hoán cải. Ngài nhẫn nại chờ đợi họ, Ngài không trừng phạt trước ngày tận thế.
Đó là lý do tại sao trong xã hội vẫn còn những người thủ ác.
Nếu trong ruộng lúa, người chủ ruộng không thể làm cho cây cỏ lùng thành cây lúa, thì ngược lại trong Giáo Hội của Chúa, Chúa có thể biến một người tội lỗi thành một thánh nhân. Vì thế Thiên Chúa cứ kiên tâm chờ đợi. Ngài tin vào sự hoán cải của chúng ta, Ngài tôn trọng tự do của chúng ta. Bao lâu còn sống ở trên đời, lúc nào chúng ta cũng có thể trở thành thánh nhân và cũng có thể trở thành tội nhân.
Thiên Chúa là đấng giàu lòng nhân ái, Ngài cũng muốn chúng ta biết chấp nhận tha nhân, biết yêu thương anh em, nhất là những tội nhân.
Trong mỗi tâm hồn chúng ta đều vừa có lúa tốt vừa có cỏ lùng, vừa có khuynh hướng tốt, vừa có khuynh hướng xấu. Ngay trong những việc làm tốt cũng có khi xen lẫn những ý hướng xấu.
Lạy Chúa, Chúa là đấng khoan dung, độ lượng, Chúa yêu thương hết mọi người, kẻ lành cũng như người dữ, người thánh thiện cũng như người tội lỗi. Xin cho chúng con cũng biết yêu thương như Chúa, cho chúng con biết đón nhận mọi người, cho chúng con biết tin tưởng vào lòng nhân hậu của Chúa, để chúng con mạnh dạn trở về sau khi sa ngã.
Nguyễn Đức Lân